Xác suất thống kê trong chương trình giáo dục tiểu học giúp trẻ hình thành cách tư duy, hỗ trợ tư duy phản biện

|

Xác suất thống kê trong chương trình giáo dục tiểu học giúp trẻ hình thành cách tư duy, hỗ trợ tư duy phản biện

Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nội dung Thống kê và xác suất được đưa vào chương trình môn Toán từ bậc tiểu học và bắt đầu từ lớp 2 của năm học 2021-2022. Đối với bậc tiểu học, xác suất thống kê là kiến thức hoàn toàn mới với cả học sinh và giáo viên bậc tiểu học. Các giáo viên đã có sự thay đổi từ việc thiết kế bài dạy một cách bài bản và đầy đủ đến cách dạy trực quan, giúp học sinh tiếp cận xác suất thống kê từ góc độ đơn giản. Sau một thời gian ngắn triển khai, học sinh tiểu học ngày càng đam mê và hứng thú hơn khi hiểu và biết ứng dụng kiến thức xác suất thống kê gắn liền với thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày. Điều này cũng cho thấy việc đưa nội dung xác suất thống kê vào chương trình giáo dục bậc tiểu học đang ghi nhận những kết quả tích cực.

 
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai một nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội, năm 2013, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá XI) đã thông qua Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Một năm sau, ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mục tiêu của Nghị quyết là nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Ngày 07/3/2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư số 32/2018/TT-BGĐT. Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Toán được bố cục với ba mảng kiến thức quan trọng là: Đại số và một số yếu tố giải tích; Hình học và đo lường; Thống kê và xác suất. Trong đó, Thống kê và xác suất là mạch kiến thức có sự thay đổi nhiều nhất so với chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Nội dung Thống kê và xác suất được đưa vào chương trình môn Toán từ bậc tiểu học và bắt đầu từ lớp 2 của năm học 2021-2022.

Thống kê là khoa học thu thập, phân tích và xử lí số liệu, hướng đến việc đưa ra các quyết định, đánh giá, dự báo về những hiện tượng đang được nghiên cứu. Xác suất cung cấp mô hình toán học để biểu diễn các biến cố ngẫu nhiên, tính không chắc chắn của các sự kiện xảy ra trong vũ trụ, tự nhiên và đời sống hàng ngày. Việc dạy xác suất thống kê ở bậc tiểu học là sự chuẩn bị cho trẻ cách tư duy, cách nhìn và cách ứng phó với thế giới đầy biến động trong tương lai. Ở thế kỷ 21, xác suất thống kê là một trong những trọng tâm chính của ngành học máy và trí tuệ nhân tạo, cũng như các ngành nghiên cứu xã hội, y học

Mặc dù không có tên gọi chính xác là “xác suất, thống kê” nhưng ở nhiều nước đã đưa xác suất vào bậc tiểu học, nhằm giới thiệu các khái niệm xác suất thông qua thí nghiệm, ví dụ trực quan. Từ những năm cuối của thế kỷ 20, một số nền giáo dục như Nhật, Đức đã đưa lĩnh vực này vào dạy cho bậc tiểu học. Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 tiếp tục chứng kiến một số quốc gia đưa mô hình xác suất thống kê vào bậc tiểu học, điển hình như Australia.

Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng việc đưa thống kê và xác suất vào bậc tiểu học là “tư duy cấp tiến”. Học sinh sẽ được học liên tục từ lớp 2 đến lớp 12 theo vòng tròn đồng tâm, tức là nâng dần về nội dung, mức độ.

Trong chương trình môn Toán lớp 2 của năm học 2021-2022, học sinh được làm quen về xác suất, thống kê ở mức đơn giản, tạo mở đầu để nâng cấp cho các lớp học sau. Cụ thể, trong phần Thống kê, học sinh làm quen với việc thu thập, phân loại, kiểm đếm các đối tượng thống kê trong một số tình huống đơn giản. Từ đó học sinh có thể nêu được một số nhận xét đơn giản từ biểu đồ tranh (ví dụ như: có mấy con gà, bên nào nhiều hơn,…). Trong phần Xác suất, học sinh được làm quen với các khả năng xảy ra của một sự kiện (chắc chắn, có thể, không thể), qua các thí nghiệm, trò chơi hoặc từ thực tiễn (ví dụ như: gieo một đồng xu thì có 2 khả năng là sấp và ngửa,…). Kiến thức xác suất, thống kê dành cho học sinh lớp 2 sẽ là những bài toán đơn giản, nhẹ nhàng, được giáo viên dạy học qua trải nghiệm các trò chơi… để học sinh thấy được học toán rất gần gũi với cuộc sống. 
 
 
Nội dung làm quen với yếu tố thống kê, xác suất trong Toán 2,
bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ở lớp 3, học sinh tiếp tục được làm quen với thống kê số liệu gồm: Thu thập, phân loại, ghi chép số liệu trong bảng số liệu; đọc số liệu, so sánh và tính toán, hoàn thành dãy số liệu, bảng số liệu. Đồng thời, nhận biết và mô tả được các khả năng xảy ra (có tính ngẫu nhiên) của một sự kiện khi thực hiện một lần thí nghiệm đơn giản.

Nội dung xác suất thống kê trong chương trình môn Toán lớp 4 năm học 2023- 2024 là sự tiếp nối mạch kiến thức ở lớp 2 và lớp 3. Học sinh được trang bị các nội dung về một số yếu tố thống kê bao gồm: Thu thập, phân loại, sắp xếp các số liệu; đọc, mô tả biểu đồ cột; biểu diễn số liệu vào biểu đồ cột; hình thành và giải quyết vấn đề đơn giản xuất hiện từ các số liệu và biểu đồ cột đã có.

Với các nội dung về thống kê ở mức độ đơn giản, dễ tiếp cận và phù hợp với nhận thức, học sinh nhận biết được về dãy số liệu thống kê, cách sắp xếp dãy số liệu thống kê theo các tiêu chí cho trước; đọc và mô tả được các số liệu trong biểu đồ cột; sắp xếp được số liệu vào biểu đồ cột và nêu được một số nhận xét đơn giản từ biểu đồ cột; tính được giá trị trung bình của các số liệu trong bảng hay biểu đồ cột; làm quen với việc phát hiện vấn đề hoặc quy luật đơn giản dựa trên quan sát các số liệu từ biểu đồ cột và giải quyết được những vấn đề đơn giản liên quan đến các số liệu thu được từ biểu đồ cột.
 
Bài học về “Dãy số liệu thống kê”, Toán 4 (tập 2),
 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống

Đối với bậc tiểu học, xác suất thống kê là kiến thức hoàn toàn mới với cả học sinh và giáo viên bậc tiểu học. Dạy xác suất thống kê cho học sinh tiểu học là không dễ, do đó tại các trường học, thông qua chương trình tập huấn và với sự chủ động tự học hỏi, sáng tạo, các giáo viên đã có sự thay đổi từ việc thiết kế bài dạy một cách bài bản và đầy đủ đến cách dạy trực quan, giúp học sinh tiếp cận xác suất thống kê từ góc độ đơn giản. 

Qua chương trình giảng dạy trên trường, học sinh tiểu học dần hiểu hơn và ngày càng đam mê, hứng thú với việc ứng dụng kiến thức xác xuất thống kê trong cuộc sống hàng ngày. Điều này cũng cho thấy việc đưa nội dung xác suất thống kê vào chương trình giáo dục bậc tiểu học nhận được đánh giá tích cực.

Ví dụ, sau mỗi kỳ học, năm học, học sinh có thể thống kê trong lớp có bao nhiêu học sinh hoàn thành xuất sắc; hoàn thành tốt; hoàn thành và chưa hoàn thành. Đó là thống kê con số rõ ràng. Từ các con số đã được thống kê, trẻ sẽ biết được tỷ lệ học sinh nam so với học sinh nữ trên tổng số học sinh hoàn thành xuất sắc là bao nhiêu và tại sao lại có con số khác nhau như vậy? 

Một ví dụ khác, trong một giải đấu thể thao Hội khỏe Phù đổng ở trường có hai đội bóng A, B. Câu hỏi thống kê có thể là: Tổng số có bao nhiêu bàn thắng được ghi bởi đội A? Trung bình mỗi tuần đội B ghi được bao nhiêu bàn thắng? Với việc thu thập dữ liệu thông qua ghi lại số bàn thắng của mỗi đội sau mỗi trận đấu và bằng một số phép toán đơn giản, trẻ có thể "thống kê" lại các giá trị liên quan đến dữ liệu số bàn thắng của mỗi đội, để xác định đội thắng, đội thua.

Có thể nói, việc dạy xác suất thống kê ở bậc tiểu là sự chuẩn bị cho trẻ cách tư duy, cách nhìn với thế giới đầy biến động trong tương lai. Việc hình thành tư duy xác suất thống kê từ sớm cũng sẽ hỗ trợ tốt cho trẻ có thêm kỹ năng suy luận và tư duy logic, để đưa ra được những nhận định chuẩn xác, những quyết định phù hợp và quan trọng hơn là tư duy phản biện - điều mà học sinh Việt Nam đã và đang rất thiếu trong nhiều thập niên qua./.

"Nếu việc hiểu các con số, phép đo và xác suất là quan trọng trong việc theo đuổi khoa học thì việc giảng dạy các chủ đề này nên bắt đầu một cách thực sự học thuật và sớm nhất có thể, sao cho phù hợp với quá trình hình thành suy nghĩ ở trẻ".
Jerome S. Bruner
(Cuốn The process of Education, Harvard University Press xuất bản năm 1960)


Tài liệu tham khảo:

 - Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá XI), Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013.

- Quốc hội, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 07/3/2015, phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT Ban hành chương trình Giáo dục phổ thông.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán.

Hà Huy Khoái (Tổng chủ biên), Lê Anh Vinh (Chủ biên), Nguyễn Áng, Vũ Văn Dương, Nguyễn Minh Hải, Hoàng Quế Hường, Bùi Bá Mạnh, Toán 2 (tập 2) – Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

- Hà Huy Khoái (Tổng chủ biên), Lê Anh Vinh (Chủ biên), Nguyễn Áng, Vũ Văn Dương, Nguyễn Minh Hải, Hoàng Quế Hường, Bùi Bá Mạnh, Toán 4 (tập 2) – Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Bích Ngọc