Tóm tắt: Theo nhận định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức lớn đối với thị trường lao động và công bằng xã hội. Tăng trưởng kinh tế thế giới đang dần phục hồi nhưng còn chậm, thị trường lao động vẫn duy trì tăng trưởng việc làm ở mức trung bình trong dài hạn và tỷ lệ thất nghiệp gần như không thay đổi. Trong bối cảnh gia tăng xu hướng thất nghiệp toàn cầu, bức tranh lao động Việt Nam có nhiều gam màu sáng tối đan xen.
Từ khóa: Lao động, thất nghiệp, việc làm, đào tạo, trình độ…
Abstract: According to the International Labour Organization (ILO), the Asia-Pacific region is facing significant challenges regarding the labor market and social equity. Global economic growth is gradually recovering but remains slow, with the labor market maintaining average job growth in the long term and the unemployment rate remaining almost unchanged. In the context of increasing global unemployment trends, the labor situation in Vietnam presents a mixed picture.
Keywords: Labor, unemployment, employment, training, qualifications…
Bức tranh lao động Việt Nam đan xen gam màu sáng tối
Bức tranh lao động Việt Nam đan xen gam màu sáng tối
Theo báo cáo “Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2024” của ILO, năm 2024, suy thoái kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra và triển vọng tạo ra việc làm mới ở thị trường lao động thế giới không có nhiều dấu hiệu lạc quan. Mặc dù tình trạng thất nghiệp và khoảng cách việc làm đều giảm xuống dưới mức trước đại dịch, nhưng tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu có thể sẽ tăng vào năm 2024 và năm 2025 ở hầu hết các nhóm thu nhập, nhất là ở những quốc gia vốn đã gặp khó khăn từ trước khi xảy ra đại dịch. Theo dự báo của ILO, năm 2024 có thêm 2 triệu lao động tìm kiếm việc làm, khiến tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng từ 5,1% vào năm 2023 lên 5,2%. Sự khác biệt lớn ở các tiêu chí lao động vẫn tồn tại giữa các quốc gia có thu nhập cao và các quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn.
Tại Việt Nam, ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, cùng với các chính sách khôi phục nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết 06/NQ-CP xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%...
Cùng với đó, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ nhằm phục hồi kinh tế đã mang lại những kết quả tích cực giúp thị trường lao động năm 2023 từng bước ổn định và hồi phục dần vào cuối năm 2023.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có 52,5 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212 nghìn người so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 753,6 nghìn người; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 541,5 nghìn người.
Lực lượng lao động quý III và 9 tháng đầu năm 2024
Nghìn người
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Riêng trong quý III/2024, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với quý trước; lao động có việc làm quý III năm 2024 đạt hơn 51,6 triệu người, tăng 114,6 nghìn người so với quý trước và tăng 244,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động các quý năm 2021-2024
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Có thể thấy, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa đạt được bền vững. Điều này thể hiện qua tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; đồng thời, số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,6%. Trong đó, khu vực thành thị là 49,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 74,2%, tăng 0,2 điểm phần trăm; nam là 67,8%, giảm 0,2 điểm phần trăm và nữ là 60,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tại Việt Nam trong năm 2024 vẫn ghi nhận mức tăng trong nửa đầu năm. Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 940,5 nghìn người, tăng 27,3 nghìn người so cùng kỳ năm trước. Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,05%, tăng 0,05 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đến hết quý III/2024, bức tranh lao động lạc quan hơn khi số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 914,1 nghìn người, giảm 8,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,99%, giảm 0,03 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng đầu năm 2024 không có nhiều biến động, được giữ ở mức 2,26%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính riêng quý III/2024, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của Việt Nam là 2,24%, giảm 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và chỉ giảm 0,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,29%; khu vực nông thôn là 2,2%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) là 7,75%, giảm 0,26 điểm phần trăm so với quý trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 8,33%; khu vực nông thôn là 7,44%, tỷ lệ này thường cao hơn tỷ lệ thất nghiệp chung.
Điều đáng mừng là chất lượng nguồn lao động Việt Nam đang dần được nâng lên, điều này thể hiện qua tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ 9 tháng đầu năm 2024 là 28,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm. Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm, đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động, bao gồm cả lao động có việc làm. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở các quý của năm 2024 đã thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 3,98% trong quý III/2021.
Nguyên nhân và một số giải pháp giải quyết bài toán thất nghiệp
Nguyên nhân và một số giải pháp giải quyết bài toán thất nghiệp
Mặc dù thị trường lao động Việt Nam đã có khởi sắc, nhưng các chuyên gia dự đoán thị trường khó có thể tăng trưởng mạnh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn ở trong thế bị “kìm kẹp” trước diễn biến suy thoái toàn cầu kéo dài từ năm 2023 vẫn đang diễn ra và tình trạng thất nghiệp còn cao.
Từ thực trạng thị trường lao động Việt Nam thời gian qua có thể chỉ ra một số nguyên nhân gây nên tình trạng thất nghiệp cao. Điển hình phải nhắc đến hạn chế về định hướng nghề nghiệp; trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp; ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh… Bên cạnh đó, trong xu thế công nghệ và kỹ thuật hiện đại lên ngôi, vận hành sản xuất bằng máy móc đem lại năng suất lao động cao hơn, tiết kiệm chi phí hơn dẫn đến lao động thủ công dần dần bị thay thế. Việt Nam có nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng chưa cao, vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và khoa học công nghệ phát triển thì trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, mức lương ở thị trường lao động nội địa chưa thực sự hấp dẫn khiến nhiều lao động vẫn loay hoay tìm việc xứng đáng với trình độ của họ.
Thị trường lao động Việt Nam dần phục hồi và ổn định
Ngoài các nguyên nhân vừa nêu, do những khó khăn chủ quan và khách quan đến từ trong nước và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động trong thời gian qua cũng kéo theo lượng lớn lao động bị mất việc làm, qua đó đặt ra những thách thức mới đối với vấn đề giải quyết việc làm. Số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng năm 2024, Việt Nam có 82,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 15,3 % so với cùng kỳ năm trước; gần 38,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 13,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,0%. Bình quân một tháng có 16,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Riêng trong tháng 8/2024, có 5.334 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, mặc dù giảm so với tháng trước nhưng lại tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2023; 5.160 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; có 1.927 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,4% và tăng 26,0%.
Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp then chốt nhằm kiểm soát tình trạng lao động thất nghiệp, ổn định thị trường lao động, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao, thu hút nhiều lao động. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.
Thứ hai, ưu tiên đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, thương mại, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tài chính - ngân hàng và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung. Tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu - cụm công nghiệp, khuyến khích mọi thành phần kinh tế vào phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp. Ưu tiên phát triển các cụm liên kết công nghiệp tại các vùng có lợi thế về giao thông, địa lý, tài nguyên, lao động; trở thành động lực tăng trưởng và thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. Di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào đầu tư mở rộng sản xuất tại các cụm công nghiệp.
Thứ ba, đối với lao động nông thôn, phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh phổ biến kiến thức kinh doanh, phương thức làm ăn mới cho người lao động, đặc biệt là hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Phát triển bền vững các làng nghề truyền thống, ưu tiên cho các đối tượng lao động phải chuyển đổi nghề do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp…
Có thể thấy, trong bức tranh tổng thể lao động toàn cầu năm 2024, thị trường lao động Việt Nam không ảm đạm như những nhận định về tình hình chung của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần kiên trì thực hiện các chính sách kích cầu thị trường lao động. Những nỗ lực không ngừng nhằm giải quyết bài toán lao động là bước quan trọng tiếp theo trong hành trình hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm bền vững cho tất cả mọi người, vì một xã hội phát triển phồn thịnh, không để ai bị bỏ lại phía sau./.
Tài liệu tham khảo
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê;
2. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê;
3. Báo cáo “Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2024” của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO).
Minh Hà