Chuyển đổi số để thực hiện tốt hơn sứ mệnh của báo chí trong kỷ nguyên số

|

Chuyển đổi số để thực hiện tốt hơn sứ mệnh của báo chí trong kỷ nguyên số

Chuyển đổi số để thực hiện tốt hơn sứ mệnh của báo chí trong kỷ nguyên số

Theo thống kê, hiện cả nước có 884 cơ quan báo chí (812 báo, tạp chí và 72 Đài Phát thanh truyền hình). Năm 2024, doanh thu của khối báo chí in, điện tử doanh thu ước đạt 8,08 nghìn tỉ đồng, giảm 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm 5,6%. Tổng nguồn thu Khối Phát thanh, Truyền hình ước đạt trên 9,14 nghìn tỉ đồng, sụt giảm mạnh so năm 2023 (đạt 11.939 tỉ đồng).

Trong năm 2024, mặc dù bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, song các cơ quan báo chí không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền việc triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống; tuyên truyền đậm nét, sâu rộng, có tính lan tỏa cao các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước. Chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền công tác điều hành, công tác triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội có nhiều đổi mới, sáng tạo theo hướng bám sát, phản ánh thực tiễn sinh động, từ đó phân tích, lý giải và đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy việc tổ chức thực hiện hiệu quả, chất lượng hơn. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trước sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, các báo, đài, tạp chí đang chuyển mình mạnh mẽ, tích cực chuyển đổi số, thay đổi tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, để xây dựng cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp Cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
 

Thực hiện chuyển đổi số báo chí là sẵn sàng chấp nhận thử thách, thử nghiệm cái mới để tham gia vào cuộc chiến không gian mạng. Bám sát sự phát triển và xu thế của báo chí hiện đại, hòa trong xu hướng chung của thời đại mới, các cơ quan báo chí đã tập trung đầu tư hạ tầng, tăng cường trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, nâng cao tính chủ động và kỹ năng của nhà báo để phát triển nguồn nhân lực báo chí vừa “hồng” vừa “chuyên”, phát triển đa dạng sản phẩm báo chí số đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới.

Kết quả của chuyển đổi số báo chí là sự ra đời của các mô hình truyền thông mới như: Báo chí di động, Tòa soạn hội tụ, Báo chí mạng xã hội, Báo chí đa nền tảng, Báo chí đa phương tiện. Bên cạnh đó, sự tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật hiện đại đã cho phép nhà báo sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn như podcast, video, megastory, infographic, long form, data journalism, media, lens... giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của báo chí trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Các cơ quan báo chí ngày càng trưởng thành trong chuyển đổi số

Ngày 24/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 1827/QĐ-BTTTT thay thế Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ngày 02/6/2023 về Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí làm thước đo, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm của các cơ quan báo chí trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí được dùng để theo dõi, đánh giá được hiện trạng thực hiện chuyển đổi số hàng năm của cơ quan báo chí, so sánh và xếp hạng mức độ chuyển đổi số của cơ quan báo chí; so sánh giữa các năm với nhau thấy được các điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục và cung cấp thông tin hỗ trợ cho cơ quan báo chí và các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp chuyển đổi số phù hợp nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tương tự năm 2023, kết quả đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024 dựa trên 5 trụ cột Chiến lược (18 điểm); Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin (24 điểm); Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn (20 điểm); Độc giả, khán giả, thính giả (23 điểm) và Mức độ ứng dụng công nghệ số (15 điểm). Tổng điểm đánh giá đạt tối đa là 100 điểm.

Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được của 5 trụ cột và được xếp theo 5 mức: Mức 1: dưới 50 điểm - ở mức Yếu; mức 2: từ 50 đến dưới 60 điểm - ở mức Trung bình; mức 3: từ 60 đến dưới 75 điểm - ở mức Khá; mức 4: từ 75 đến dưới 90 điểm - ở mức Tốt; mức 5: từ 90 điểm trở lên - ở mức Xuất sắc.

Tháng 10/2024, cả nước có 351 cơ quan báo chí tham gia chương trình tập huấn, hướng dẫn cơ quan báo chí thực hiện đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số do Trung tâm Hỗ trợ Chuyển đổi số báo chí tổ chức thuộc Cục Báo chí tổ chức. Sau tập huấn, có 339/351 đạt điều kiện được cấp tài khoản chính thức để thực hiện đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số của đơn vị, bắt đầu từ ngày 1/11/2024 đến ngày 15/11/2024. Số liệu được sử dụng nhập liệu để đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024 là số liệu thực tế của đơn vị tính từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/10/2024; các tài liệu kiểm chứng cho mỗi tiêu chí được chọn phải có giá trị hiệu lực đến thời điểm công bố kết quả xếp hạng năm 2024.

Năm nay, có 282 đơn vị thực hiện đánh giá, đo lường mức độ chuyển đổi số, trong đó: khối Báo Trung ương: 40 đơn vị; khối Báo Địa phương: 62 đơn vị; khối Tạp chí Trung ương và địa phương: 48 đơn vị; khối Tạp chí Khoa học: 67 đơn vị; khối Đài Phát thanh-Truyền hình: 65 đơn vị.

Kết quả đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hôm nay 16/12/2024 cho thấy, có 28 cơ quan báo chí đạt mức Xuất sắc (tăng 6,27% so với năm 2023); 65 đơn vị đạt mức Tốt (tăng 14,99% so với năm 2023); 55 đơn vị đạt mức Khá (tăng 6.31% so với năm 2023); 25 đơn vị đạt mức Trung bình (giảm 3,22% so với năm 2023); và 109 đơn vị đạt mức Yếu (giảm 24,35% so với năm 2023).
 
 

Cụ thể, ở khối Báo Trung ương, có 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số đạt mức Xuất sắc gồm: Báo Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Báo VnExpress (Bộ Khoa học và Công nghệ); Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam); Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam); Báo Đại biểu nhân dân (Văn phòng Quốc hội); Báo Thanh niên (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh); Báo Nhân Dân (Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam); Báo Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông); Báo Nhà báo và Công luận (Hội Nhà báo Việt Nam); Báo điện tử VTCNews (Đài Tiếng nói Việt Nam).

Ở khối Báo Địa phương, có 8 cơ quan báo chí chuyển đổi số đạt mức Xuất sắc gồm: Báo Khánh Hòa, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước, Báo Kinh tế và Đô thị (UBND TP Hà Nội), Báo Hải Dương, Báo Tuổi trẻ (Thành đoàn TP Hồ Chí Minh), Báo Nghệ An, Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh.

Khối Đài Phát thanh-Truyền hình có 10 cơ quan báo chí đạt mức Xuất sắc gồm: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Top 7 đơn vị dẫn đầu (mức Tốt) ở khối Tạp chí Trung ương và địa phương là: Tạp chí Hải quan (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính); Tạp chí Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ); Tạp chí Cửa Việt (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị); Tạp chí Công dân và Khuyến học (Hội Khuyến học Việt Nam); Tạp chí Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam); Tạp chí Lao động và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Top 5 đơn vị dẫn đầu (mức Tốt) khối Tạp chí Khoa học là: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Trường đại học quốc tế Hồng Bàng, Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Lý luận Chính trị (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

So với năm 2023, số lượng cơ quan báo chí đạt mức Xuất sắc tăng 6,27% ; mức Tốt tăng 14,99%; mức Khá tăng 6.31%, mức Trung bình giảm 3,22% và mức Yếu giảm 24,35% cho thấy các cơ quan báo chí đang tích cực đầu tư cho chuyển đổi số, nhất là các đài phát thanh và truyền hình.


Với sự tăng cường đầu tư cho chuyển đổi số, năm 2024, Tạp chí Con số và Sự kiện – cơ quan ngôn luận của Tổng cục Thống kê vươn lên, nằm trong nhóm 9 cơ quan báo chí có mức độ chuyển đổi số đạt Khá ở khối Tạp chí Trung ương và địa phương (có 48 đơn vị). Năm 2023, Tạp chí Con số và Sự kiện có mức độ chuyển đổi số đạt mức Trung Bình.

P.V