Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam

|

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam

Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện nhanh, rõ nét
 
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 19 hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức ngày càng rõ trách nhiệm và tham gia ngày càng chủ động, tích cực để cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số, tiêu chí cụ thể thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ; công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hoá; số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh...

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ  chức  quốc tế, môi trường kinh doanh (MTKD) của  Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2017, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong bảng  xếp hạng MTKD của Ngân hàng thế giới (WB), vươn lên vị trí 68 trong tổng số 190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm trước đó. Năm 2018, tuy thứ hạng về MTKD bị giảm sút một bậc, nhưng 6 trong 11 chỉ số của Việt Nam được đánh giá tốt, rất tốt và có cải thiện nhanh. Cùng với In-đô-nê-xi-a, Việt Nam là nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, mỗi nước cùng có 42 cải cách. Chỉ riêng 5 năm từ khi thực hiện Nghị quyết 19, Việt Nam đã có 18 cải cách được ghi nhận, đáng chú ý là chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng, tiếp cận thông tin tín dụng liên tục được WB ghi nhận cải cách trong những năm qua, phù hợp những đánh giá, phân tích về mức độ vào cuộc của các bộ, ngành. Kết quả cải thiện nhanh, rõ nét của MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được doanh nghiệp và người dân ghi nhận. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hơn 50% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh đã thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể.
 
Về kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh (NLCT) toàn cầu, từ năm 2014 đến 2017, mặc dù thứ hạng thay đổi không bền vững, nhưng điểm số NLCT quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2017, có 5 trong 12 chỉ số trụ cột tăng điểm, 6 trong 12 chỉ số trụ cột tăng bậc. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ, phân cực chính trị và sự phục hồi kinh tế mong manh, năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chính thức áp dụng phương pháp mới và công bố Báo cáo NLCT toàn cầu 2018 với việc đánh giá và xếp hạng chỉ số NLCT toàn cầu 4.0. Theo xếp hạng này, chỉ số NLCT 4.0 của Việt Nam giảm bốn bậc (từ 74 xuống vị trí 77); điểm tuyệt đối cải thiện 0,2 điểm với 4 trong 12 trụ cột tăng điểm, tuy nhiên, có 7 trong 12 trụ cột giảm điểm. Kết quả này cho thấy các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ÐMST) để bắt kịp xu thế 4.0 của Việt Nam còn yếu và chưa hiệu quả. Trong đó, thủ tục hành chính vẫn là rào cản nặng nề, văn hóa doanh nhân giảm điểm, mức độ trao đổi và đa dạng hóa còn thấp, mức độ thương mại hóa hạn chế.
 
Năm 2018, chỉ số ÐMST của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp vị trí thứ 45 trong số 126 nền kinh tế, tăng 2 bậc so năm 2017. Trong 5 năm gần đây, thứ hạng các trụ cột ÐMST của Việt Nam có xu hướng cải thiện liên tục. Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (30 nước), Việt Nam xếp thứ hai. Ngoài ra, xem xét mối tương quan giữa mức thu nhập (GDP theo đầu người) năng lực ÐMST (điểm số), WIPO đánh giá Việt Nam tiếp tục có kết quả ÐMST tốt hơn nhiều so mức độ phát triển của đất nước (GDP).
 
Trong năm 2018, đa số các bộ, ngành đã hoàn thành việc xây dựng các Nghị định về điều kiện kinh doanh (ÐKKD) và được Chính phủ thông qua. Trong đó, một số ÐKKD không cần thiết, không hợp lý, thiếu rõ ràng đã được cắt bỏ; rút ngắn yêu cầu về thời gian; giảm các yêu cầu về số lượng; cắt bỏ và đơn giản hóa ÐKKD về địa điểm và cơ sở vật chất... Theo báo cáo của các Bộ, hầu hết kết quả cắt giảm ÐKKD đạt hơn 50%, đạt mục tiêu theo chỉ đạo tại Nghị quyết. Tuy vậy, cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại chất lượng các ÐKKD cắt giảm, từ đó tiếp tục đề xuất, kiến nghị cắt bỏ các ÐKKD không cần thiết, không hợp lý, không có hiệu lực, hiệu quả hoặc đơn giản hóa các ÐKKD nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
 
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
 
Mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh (MTKD), năng lực cạnh tranh (NLCT) của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về MTKD, 77/140 về NLCT). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về MTKD, thứ 7 về NLCT). Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm, đặc biệt có một số chỉ số bị tụt hạng so với khu vực và thế giới.
 
Theo VCCI, hiện nay, một số vướng mắc và hạn chế về MTKD đang cản trở sự phát triển của DN cần tiếp tục gỡ bỏ và cải thiện. Cụ thể: Mức độ cải thiện MTKD chưa đồng đều. Theo báo cáo điều tra của VCCI về kết quả thực thi Nghị quyết 19 dưới góc nhìn của doanh nghiệp năm 2018, có 6 chỉ tiêu MTKD có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện tốt hoặc rất tốt (đạt hơn 50%), các chỉ số còn lại cải thiện chậm và thấp hơn kỳ vọng của doanh nghiệp (dưới 50%).
 
Bên cạnh đó, một số ÐKKD cắt giảm, sửa đổi, nhưng không thật sự tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Một số ÐKKD cắt bỏ, nhưng lồng ghép vào các quy chuẩn kỹ thuật; vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp; chứng chỉ hành nghề chỉ do các cơ quan quản lý nhà nước cấp, tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực; mở rộng thêm các quy định về ÐKKD trong thành phần hồ sơ… Với những hạn chế về chất lượng cắt giảm ÐKKD, cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại để tiếp tục có phương án cắt giảm thực chất hơn.
 
Việc cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt kết quả bước  đầu ở một số Bộ trong một số lĩnh vực như Y tế, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng vẫn còn quá ít so với yêu cầu và mức độ vào cuộc của các Bộ vẫn còn khác biệt. Số lượng văn bản điều chỉnh hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhiều, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng; Trong một số trường hợp, Thông tư, Quyết định của một số Bộ có xu hướng mở rộng danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành so với quy định cho phép của Luật. Thời gian và chi phí thực hiện thủ tục quản lý, chi phí thực hiện kiểm tra chuyên ngành tuy đã giảm hơn trước, nhưng vẫn còn dài, quá lớn dẫn tới nhiều rủi ro cho DN, ảnh hưởng nặng nề tới hiệu quả hoạt động kinh doanh.
 
Ngoài ra, các chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo nhằm thích nghi với nền sản xuất mới trong cách mạng công nghệ (CMCN 4.0) chậm được cập nhật, theo dõi, tập trung cải thiện…
 
Nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, hướng tới những thành tựu mới
 
Trong bối cảnh CMCN 4.0 và cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, các quốc gia, nền kinh tế đều nỗ lực cải thiện MTKD và chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, sáng tạo nhằm thích ứng với nền sản xuất mới. Do đó, mục tiêu tăng thứ hạng trên thế giới, vào nhóm bốn quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn trước rất nhiều.
 
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm  2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh,  nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải  thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
 
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong CMCN 4.0. Việt Nam sẽ tiến hành cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân… nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
 
MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG NGHỊ QUYẾT 02
 
Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) lên 15-20 bậc từ năm 2019-2021. Riêng năm 2019, tăng chỉ số này lên từ 5-7 bậc.
 
Nâng xếp hạng năng lực cạnh tranh theo WEF tăng 5-10 bậc từ 2019-2021 và tăng 2-3 bậc vào năm 2019.
 
Nâng chỉ số xếp hạng đổi mới, sáng tạo quốc gia theo đánh giá của Wipo lên 5 đến 7 bậc từ 2019- 2021, năm 2019 tăng từ 2-3 bậc.
 
Nâng chỉ số xếp hạng logistics theo đánh giá của WB tăng 5-10 bậc từ năm 2019-2021. Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử lên 10-15 bậc vào năm 2020.
 
Các chỉ số về khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư... tăng từ 3 đến 30 bậc từ năm 2019 đến 2021.

Theo Nghị quyết mới ban hành, Chính phủ đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Tăng cường trách nhiệm của các Bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các Bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần; Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018; Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa Quốc gia; Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup)…/.
 
Nguyễn Thị Thanh Hiền
Khoa Kinh tế - Trường Đại học Đồng Nai