Tăng cường năng lực cho ngành thép Việt Nam trong các tranh chấp thương mại

|

Tăng cường năng lực cho ngành thép Việt Nam trong các tranh chấp thương mại

Năm 2018, hoạt động sản xuất của ngành thép nước ta có bước tiến dài, điền tên Việt Nam vào top 20 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Bước sang năm 2019, sản xuất thép tiếp tục tăng trưởng. Tính chung 11 tháng năm 2019, sản lượng thép cả nước đạt 23,1 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, ngành thép cũng đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) tại các thị trường xuất khẩu cùng với sức ép cạnh tranh do dòng chảy thép nhập khẩu vào nước ta. Đây là thách thức đòi hỏi cơ quan quản lý và doanh nghiệp thép Việt Nam cần tăng cường liên kết để tạo sức mạnh cạnh tranh, trụ vững trên trường quốc tế và làm chủ “sân nhà”.

Những khó khăn cả ở thị trường xuất khẩu và trên sân nhà

Mặc dù thị trường thép thế giới đầy biến động, song tiếp đà tăng trưởng của năm 2018, hoạt động sản xuất thép trong nước 11 tháng năm 2019 đạt mức tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vì thép là mặt hàng thiết yếu có khả năng tác động lớn tới sản xuất công nghiệp và được coi là vấn đề an ninh quốc gia; trong bối cảnh nguồn cung thép toàn cầu đều có xu hướng dư thừa trong khi nền kinh tế thế giới đang chững lại thì sự phát triển bứt phá của ngành thép Việt Nam trong những năm gần đây đang nằm trong tầm ngắm của các thị trường xuất khẩu. Nhiều nước đã tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM nhằm cản trở việc thâm nhập thị trường của sản phẩm thép Việt Nam như: Chống bán phá giá, tự vệ thương mại, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế... Đỉnh điểm là năm 2018, có lúc chỉ trong một tháng, doanh nghiệp thép Việt Nam phải đối mặt với 8 vụ kiện phòng vệ, chống bán phá giá đến từ 7 thị trường khác nhau. Đồng thời, các nước đang có xu hướng thắt chặt, đòi hỏi khắt khe hơn trong quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM đối với nhiều mặt hàng thép nước ta.

Theo báo cáo “Tổng quan ngành Thép Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tại Hội thảo “Ngành thép Việt Nam với việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại trong tình hình mới” được tổ chức tháng 9/2019, kể từ năm 2004, tổng số các vụ nước ngoài kiện sản phẩm thép Việt Nam lên tới 52 vụ việc, bao gồm: 30 vụ chống bán phá giá, 3 vụ chống trợ cấp, 3 vụ chống bán phá giá và chống trợ cấp, 9 vụ tự vệ toàn cầu, 6 vụ chống lẩn tránh thuế và 1 vụ sử dụng biện pháp theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act). Số liệu thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cũng cho thấy, thép là mặt hàng có số vụ kiện PVTM nhiều nhất trong tất cả các ngành hàng hiện nay với số lượng vụ việc PVTM chiếm tới 39,1% trong tổng số vụ việc các sản phẩm của Việt Nam bị áp dụng, trong đó Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là hai thị trường sử dụng các công cụ PVTM nhiều nhất.
 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Các sản phẩm thép Việt Nam bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM tương đối đa dạng và ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn ở mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, mà còn là những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như: Mắc áo thép, thép chịu lực không gỉ, đinh thép, ống thép dẫn dầu, ống thép các-bon, thép mạ kẽm, dây thép... Ngoài ra, nếu như trước đây, các vụ việc thường tập trung vào sản phẩm cụ thể, thì hiện nay, cùng một biện pháp có thể hướng tới rất nhiều nhóm sản phẩm khác nhau. Ví dụ như vụ việc Ủy ban châu Âu (EC) quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 28 nhóm sản phẩm vào tháng 3/2018; Thổ Nhĩ Kỳ điều tra tự vệ với 21 nhóm sản phẩm vào tháng 9/2018 hay Mỹ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu theo Mục 232, Đạo luật Mở rộng thương mại với 177 mã HS thép…

Một trong những “đòn” giáng mạnh nhất mà doanh nghiệp ngành thép Việt Nam phải đối mặt trong năm 2019 là vào tháng 7, Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) cho biết sẽ bắt đầu thu khoản thuế lên tới 456,23% giá trị sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam với nguyên liệu sử dụng được nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Đây được xem là động thái mạnh mẽ và mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất từ trước đến nay của Mỹ dành cho sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam, do họ nghi ngờ các sản phẩm thép nhập khẩu nhưng chưa rõ nguồn gốc nguyên liệu, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang căng thẳng, Mỹ lo ngại việc áp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của Trung Quốc sẽ rất dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp Trung Quốc thuê gia công sản phẩm tại nước thứ ba để xuất khẩu với mục đích lẩn tránh thuế. Ngoài ra, ngành thép Việt Nam còn phải đối mặt với những vụ kiện từ nhiều quốc gia khác như: Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép cuộn phẳng mạ nhôm kẽm của Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ vào tháng 4/2019, hay vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) từ Việt Nam và một số nước của Canada vào tháng 11/2019. Thậm chí các thị trường trong khu vực ASEAN cũng khởi xướng các vụ kiện đối với sản phẩm thép Việt Nam. Cụ thể, vào tháng 9/2019, Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia (MITI) cho biết sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời trong thời gian 120 ngày, bắt đầu tính từ ngày 26-8-2019, với mức tương đương với biên độ bán phá giá sơ bộ dành cho Việt Nam là 3,7-20,13%. Trong khi đó, Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) cũng khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ lạnh. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới thì việc gia tăng các vụ kiện PVTM là điều tất yếu, tuy nhiên việc các thị trường quen thuộc trong ASEAN khởi xướng các vụ kiện đang là thực trạng đáng lo ngại đối với ngành thép Việt Nam.

Việc phải đối mặt với các vụ kiện PVTM ngày một tăng đã tạo nên sức ép cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế. Vào thời điểm cuối năm 2019, giá sắt thép xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt trung bình dưới 650 USD/ tấn, giảm hơn 12% so cùng kỳ năm 2018. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu ngành thép Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, lượng sắt thép của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài năm 2019 tuy tăng 2,1% về lượng so năm 2018, đạt 6,6 triệu tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,16 tỷ USD, giảm 8,5%.

Tại thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam là ASEAN, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 506,8 triệu USD, thấp hơn giá trị 513,4 triệu USD cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép sang thị trường Mỹ giảm mạnh từ mức 402,8 triệu USD của 10 tháng năm 2018 xuống còn 285,8 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2019.

Trong khi thị trường xuất khẩu đang ngày càng nhiều áp lực thì thị trường nội địa không mấy sáng sủa với nhiều diễn biến bất lợi, khi thị trường thép toàn cầu đang tiếp tục đối mặt với tình trạng cung vượt cầu, tạo nên dòng chảy thép tràn vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, gây ra cuộc chiến giành thị phần gay gắt ngay trên sân nhà. Tính chung 10 tháng đầu năm 2019, nước ta nhập khẩu 13,6 triệu tấn sắt thép, tăng 109,6 nghìn tấn so cùng kỳ năm 2018.

Một trong những đối thủ đáng lo ngại nhất là Trung Quốc bởi họ là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới và có vị trí giáp ranh với Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có khoảng 37,7% lượng thép nhập khẩu xuất xứ từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2019. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại với những “chiến thuật” mới của cả hai bên hay những đòn đáp trả lẫn nhau, thì việc thép Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam, thậm chí mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các quốc gia khác là khả năng không thể loại trừ.

Chủ động xử lý các tranh chấp

Đồng hành trong các vụ kiện PVTM tại các thị trường xuất khẩu, thời gian qua Bộ Công thương cũng như VSA đã có những hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, trao đổi thông tin, cảnh báo nguy cơ bị khởi kiện vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh để giảm thiểu rủi ro. Điển hình là đối với vụ việc Mỹ áp thuế khủng 456% lên thép Việt Nam, ngay khi nhận được thông tin khởi xướng điều tra, ngành sản xuất thép trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lớn đã chủ động chuyển hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào (thép cán nóng) từ các quốc gia khác như Nhật Bản, Brazil, Áo, Bỉ,... thay vì nhập khẩu nguyên liệu thép từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, cũng như xây dựng hệ thống quản lý để phục vụ việc tự chứng nhận.

Bên cạnh đó, để bảo vệ thị trường nội địa trước lượng thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, Bộ Công thương đã đưa ra những quyết định về chống bán phá giá, tự vệ, các điều tra về chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu là thép hình H, thép không gỉ cán nguội, thép cuộn cán nguội, thép mạ, thép phủ màu… Đồng thời, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, phân công lại và siết chặt việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ. Việc xem xét áp dụng các biện pháp PVTM với hàng hóa nhập khẩu, tăng thuế nhập khẩu đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giảm đi đáng kể lượng thép nhập khẩu, giúp doanh nghiệp thép Việt Nam có cơ hội để đẩy mạnh sản xuất đáp ứng thị trường trong nước.

Trong giải quyết các vụ việc PVTM, để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp trong nước, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) theo dõi sát hiệu quả áp dụng biện pháp tự vệ. Đơn cử như trong năm 2019, Cục đã thẩm định hồ sơ gia hạn biện pháp tự vệ của 2 vụ việc trong đó có mặt hàng phôi thép và thép dài.

Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp thép trong nước đã đề ra các biện pháp chủ động phòng vệ bằng các giải pháp về thiết lập quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hay một số nước đã và dự kiến phát triển (Campuchia, Mỹ, Canada…), đăng ký phát minh, giải pháp, quy trình sản xuất bằng hình thức phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích…

Tuy nhiên, một điểm chung của các vụ kiện PVTM tại các thị trường xuất khẩu là phần lớn doanh nghiệp bị điều tra chưa trang bị đầy đủ các kỹ năng để tham gia cuộc chơi toàn cầu. Cụ thể là chưa am hiểu pháp luật và cách thức quản lý của nước nhập khẩu; các hợp đồng ký kết khá sơ sài và thường không sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện PVTM, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần chủ động hơn trong quá trình hội nhập, tự trang bị cho mình những kiến thức hiểu biết về pháp luật, nguyên tắc của các chính sách PVTM để có ứng xử phù hợp trong các vụ tranh chấp thương mại.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần có những chiến lược đầu tư đúng đắn; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh tình trạng chịu thiệt hại do “bỏ trứng vào một giỏ”; nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, giúp tiết kiệm chi phí; chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước nhằm loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ bên ngoài.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước để được hỗ trợ xử lý các vấn đề trong quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại và nắm bắt thông tin cảnh báo sớm để điều chỉnh hoạt động kinh doanh kịp thời.

Theo chuyên gia ngành thép, thời gian qua có không ít vụ kiện xuất phát từ việc sản phẩm nước ngoài chuyển sản phẩm sang nước ta gia công để lấy xuất xứ từ Việt Nam. Điều này khiến cho các doanh nghiệp thép trong nước thua thiệt về sức cạnh tranh và bị ảnh hưởng tới hình ảnh trên trường quốc tế. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy định làm hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm thép nhập khẩu, tăng cường hơn nữa việc xác minh xuất xứ hàng hóa và nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc chống gian lận, từ đó giúp bảo vệ thị trường nội địa./.
 
ThS. Nguyễn Thị Vân Anh
Đại học Công nghiệp Hà Nội