Giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, do đó, việc hình thành xu hướng tiêu dùng xanh là một nhu cầu cần thiết nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.
Tiêu dùng xanh là việc mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. Đây là khái niệm được đưa ra và đề cập trực tiếp hay gián tiếp trong các hội nghị quốc tế sau khi xu thế sản xuất và tiêu dùng dựa chủ yếu vào tài nguyên dẫn đến việc cạn kiệt về tài nguyên, mất dần đa dạng sinh học và môi trường trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đầu tiên là vào năm 1992, tại Braxin, Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững lần thứ nhất được biết đến với cái tên Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất (Rio-92 hay Eco-92) đã nêu ra một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là: “Để đạt được sự phát triển bền vững và chất lượng cuộc sống cao hơn cho mọi người, các quốc gia nên giảm dần và loại trừ những phương thức sản xuất và tiêu dùng không bền vững”. Sau đó 10 năm, Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững được tổ chức ở Johannesburg, Cộng hòa Nam Phi vào năm 2002, đã khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của khuôn khổ chương trình 10 năm, hỗ trợ các sáng kiến khu vực và quốc gia, nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tiêu dùng xanh và sản xuất bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thông qua cải thiện hiệu quả và bền vững trong sử dụng các nguồn lực, quy định sản xuất, giảm thiểu suy thoái tài nguyên môi trường, ô nhiễm và lãng phí. Tiếp đến, cũng ở Brazil, tại Hội nghị thượng định lần thứ 3 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio 20+) được tổ chức vào tháng 6/2012, nhiều Chính phủ và tổ chức trên thế giới tự nguyện ký kết thực hiện sáng kiến mua sắm xanh trong khu vực công do Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) nêu ra. Cho đến nay, vấn đề tiêu dùng xanh cũng được Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UN-ESCAP) đưa vào các chương trình nghị sự và nhiều quốc gia triển khai thực hiện, trở thành một xu thế tất yếu trên thế giới, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững bởi những lợi ích mà nó mang lại: Thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới thân thiện với môi trường hơn; Giúp nâng cao độ an toàn và sức khỏe cho người dân và cộng đồng; Giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên…
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường được Tổng cục Môi trường thẳng thắn nhìn nhận khi ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; lượng chất thải ngày càng gia tăng, vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường, lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh, từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990-2018. Ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 1,8 triệu chất thải nhựa được thải ra, nhưng có tới 73% trong số đó không được tái chế, trong khi để phân huỷ hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni lông trung bình phải mất hàng trăm, thậm chí tới hàng nghìn năm. Với con số 1,8 triệu chất thải nhựa thải ra mỗi năm, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa thải ra đại dương/năm và đứng thứ 4 trên thế giới về thải rác nhựa, sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua.
Đánh giá chung của nhiều nhà nghiên cứu, tình trạng ô nhiễm môi trường của Việt Nam là hệ lụy của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá diễn ra nhanh chóng cùng sự gia tăng dân số... Bên cạnh đó là thói quen sinh hoạt, cách thức tiêu dùng của người dân Việt Nam lạm dụng sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần, đang thải ra một lượng chất thải lớn ra môi trường.
Đứng trước thách thức về ô nhiễm môi trường, cùng với xu hướng chung trên thế giới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong những năm qua nhiều nội dung liên quan đến tiêu dùng xanh đã được đề cập trong nội dung một số chính sách của nhà nước. Cụ thể là trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu với nội dung: “Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội; Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.”
Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng nêu rõ quan điểm cần thiết xây dựng lối sống thân thiện môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững, với định hướng cụ thể là “Xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên. Từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh. Phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Áp dụng những chính sách điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý”.
Bên cạnh đó, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393 “Phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn 2050”, trong đó có đề cập đến hai nhiệm vụ liên quan đến tiêu dùng xanh là: Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Thực hiện chủ trương xây dựng văn hóa tiêu dùng xanh của Chính phủ, bắt đầu từ năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, ban hành tiêu chí chứng nhận nhãn xanh và thực hiện việc gắn nhãn sinh thái cho các nhóm sản phẩm như: Bột giặt, Bóng đèn huỳnh quang và bao bì nhựa tự phân hủy sinh học dùng gói hàng hóa khi mua sắm; Ắc quy, Các sản phẩm máy tính xách tay, máy in, mực in; Máy giặt, tủ lạnh, tivi… Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành quy định cụ thể trong Thông tư số 07/2012/TT-BCT về dán nhãn năng lượng chi các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng…
Tại một số địa phương, nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được thực hiện; đồng thời thúc đẩy việc sản xuất những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Ví dụ như chiến dịch tiêu dùng xanh được tổ chức hàng năm tại thành phố Hồ Chí Minh với đông đảo tình nguyện viên tham gia và người dân cam kết hưởng ứng. Là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện Chiến dịch tiêu dùng xanh, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) trong những năm qua đã kết hợp với những thương hiệu uy tín như Comet, Sharp, Sunhouse, Spriing, Pond’s, Vinamilk, Co.op Organic… xây dựng những chính sách bán hàng, chính sách khuyến mãi với giá ưu đãi, kết hợp với bố trí các khu vực trưng bày riêng biệt cho sản phẩm thân thiện môi trường của doanh nghiệp Xanh. Qua đó cung cấp và trang bị thông tin cần thiết đến cộng đồng, nhằm tăng cường nhận diện và đẩy mạnh sức tiêu thụ sản phẩm thân thiện môi trường.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Còn tại Hà Nội, chương trình Mạng lưới điểm đến xanh cũng được triển khai với kỳ vọng trở thành một mạng lưới xanh đáng tin cậy của cộng đồng có trách nhiệm với môi trường. Để giảm thiểu túi nilon và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn chung tay kí cam kết chống rác thải nhựa. Theo đó, các trung tâm thương mại, siêu thị phấn đấu đến ngày 31/12/2020, 100% không dùng túi nilon khó phân hủy, giảm 50% tỷ lệ bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh. Bằng những hành động cụ thể như sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nylon; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường…, Hà Nội quyết tâm sẽ thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy, nhựa sử dụng 1 lần bằng các sản phẩm có nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường; 100% rác thải phát sinh từ nhà máy được thu gom, phân loại nguồn; phấn đấu đến năm 2025 không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.
Hưởng ứng phong trào sống xanh, “nói không” với rác thải nhựa, từ cửa hàng nhỏ đến thương hiệu lớn cũng có những cách làm riêng như: Thay ống hút nhựa, ly nhựa bằng ly giấy, ống hút làm từ gạo, cỏ, tre, inox để bảo vệ môi trường; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy; khuyến khích khách mang theo bình nước khi mua đồ uống... Xu hướng tiêu dùng xanh đồng thời kéo theo xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu với sự nở rộ của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, Home Food, Hano Farm… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc cho người dân.
Có thể nói, xu hướng tiêu dùng xanh đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phầm cho đến người tiêu dùng. Không những vậy, người tiêu dùng còn có động thái thực hiện việc quay lưng, tẩy chay sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khi doanh nghiệp bị người dân tố cáo hoặc bị các cơ quan chức năng công bố. Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Chẳng hạn, đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này. Con số thống kê thực tế từ Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh cũng cho thấy, sức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia Chiến dịch tại các hệ thống siêu thị Co.opMart trong tháng triển khai chường trình thường tăng 50%-60% so với tháng khác trong năm, tạo nên một hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng người tiêu dùng. Đây là động lực để các doanh nghiệp cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh, tạo sức cạnh tranh riêng trên thị trường. Mặt khác, kết quả khảo sát của công ty Nielsen cũng cho biết, có tới khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh” và “sạch”. Điều này có nghĩa, khi thu nhập của người dân tăng thì nhu cầu sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng có xu hướng tăng lên.
Dù một xu hướng tiêu dùng mới, tích cực đã được hình thành, song tiêu dùng xanh được đánh giá mới chỉ là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động hẹp, vì vậy tính bền vững chưa cao do Việt Nam chưa có công cụ đủ mạnh để điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi từ nhận thức đến hành động của người tiêu dùng bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: Phong tục, tập quán, văn hóa, trình độ học vấn, tình trạng cư trú và khả năng kinh tế... Là một nước đang phát triển, thu nhập bình quân của người dân chưa cao (ước tính thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2019 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng - số liệu Tổng cục Thống kê) thì giá cả vẫn là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến hành vi tiêu dùng bền vững của người dân. Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam vẫn “tiện đâu mua đấy” khi các chợ cóc, hàng quán vỉa hè còn khá phổ biến. Điều đó cho thấy để thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ phải mất nhiều thời gian, tuy nhiên, những kết quả trên là những tín hiệu tích cực để phong trào tiêu dùng xanh sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Qua đó, không chỉ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, mở ra hướng phát triển mới cho các doanh nghiệp mà còn thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước./.
Bích Ngọc