Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019 (PCI 2019) cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế các địa phương đã giữ vững được xu hướng cải thiện, bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh đang ngày càng tươi sáng hơn.
Kết quả bảng xếp hạng PCI 2019: Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân
Theo báo cáo PCI 2019, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI với 73,40 điểm, tăng 3,04 điểm so với năm 2018, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp ở vị trí quán quân. Có 8 trên 10 lĩnh vực điều hành kinh tế đo lường được cải thiện, giúp chỉ số tổng hợp năm 2019 của Quảng Ninh tăng hơn 3 điểm so với năm 2018, đạt điểm số cao nhất từ trước tới nay.
Ứng dụng công nghệ thông tin là một điểm sáng của Quảng Ninh. Năm vừa qua, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Số thủ tục hành chính cấp tỉnh mức độ 3, mức độ 4 đạt 84,6% (trong đó mức độ 3 là 71% và mức độ 4 là 13,6%).
Nằm trong nhóm 3 tỉnh thành phố đứng đầu PCI 2019 còn có tỉnh Đồng Tháp (72,10 điểm) và tỉnh Vĩnh Long (71,30 điểm). Đồng Tháp tiếp tục nắm giữ vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng PCI 2019 với 72,10 điểm, tăng 1,91 điểm so với năm 2018. Đồng Tháp là địa phương rất nỗ lực xây dựng thương hiệu chính quyền thân thiện với doanh nghiệp. Đặc biệt, mô hình Cafe Doanh nhân từ Đồng Tháp được biết tiếng nhiều năm nay giờ đã phổ biến ra hàng chục tỉnh, thành phố khác. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Đồng Tháp được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất trên cả nước về môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Kết quả bảng xếp hạng PCI 2019: Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân
Theo báo cáo PCI 2019, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI với 73,40 điểm, tăng 3,04 điểm so với năm 2018, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp ở vị trí quán quân. Có 8 trên 10 lĩnh vực điều hành kinh tế đo lường được cải thiện, giúp chỉ số tổng hợp năm 2019 của Quảng Ninh tăng hơn 3 điểm so với năm 2018, đạt điểm số cao nhất từ trước tới nay.
Ứng dụng công nghệ thông tin là một điểm sáng của Quảng Ninh. Năm vừa qua, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Số thủ tục hành chính cấp tỉnh mức độ 3, mức độ 4 đạt 84,6% (trong đó mức độ 3 là 71% và mức độ 4 là 13,6%).
Nằm trong nhóm 3 tỉnh thành phố đứng đầu PCI 2019 còn có tỉnh Đồng Tháp (72,10 điểm) và tỉnh Vĩnh Long (71,30 điểm). Đồng Tháp tiếp tục nắm giữ vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng PCI 2019 với 72,10 điểm, tăng 1,91 điểm so với năm 2018. Đồng Tháp là địa phương rất nỗ lực xây dựng thương hiệu chính quyền thân thiện với doanh nghiệp. Đặc biệt, mô hình Cafe Doanh nhân từ Đồng Tháp được biết tiếng nhiều năm nay giờ đã phổ biến ra hàng chục tỉnh, thành phố khác. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Đồng Tháp được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất trên cả nước về môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Vĩnh Long lọt vào vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng PCI 2019 nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính tại địa phương (điểm chỉ số chi phí thời gian tăng 1,01 điểm) và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường (tăng 0,99 điểm).
Nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2019 có sự trở lại của Bắc Ninh (70,79 điểm, vị trí thứ 4) và TP. Hải Phòng (68,73 điểm, vị trí thứ 10), cùng với các tỉnh, thành phố khác bao gồm Đà Nẵng (70,15 điểm), Quảng Nam (69,42 điểm), Bến Tre (69,34 điểm), Long An (68,82 điểm) và Hà Nội (68,80 điểm).
Nhóm cuối trong PCI 2019 là Lai Châu, Đắk Nông, Bình Phước, Hà Giang và Bắc Kạn. Điều tra PCI 2019 tiếp tục ghi nhận sự cải thiện nhanh chóng về điểm số của những tỉnh trong nhóm cuối bảng xếp hạng so với năm 2018. Nếu những tỉnh này tiếp tục duy trì tốc độ cải thiện như 2 năm vừa qua, có thể có những thay đổi lớn trong bảng xếp hạng PCI vào năm tới.
Những nét chính trong điều hành kinh tế cấp tỉnh qua các năm
Chất lượng điều hành kinh tế giữ vững xu hướng cải thiện
Chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam năm 2019 tiếp tục có sự cải thiện tích cực so với những năm trước. Năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh trung vị PCI có điểm số trên 60 trên thang điểm 100 (65,13 điểm đối với chỉ số PCI tổng hợp và 63,25 điểm đối với chỉ số PCI gốc), thể hiện xu hướng chất lượng điều hành kinh tế địa phương được cải thiện rõ rệt từ năm 2016 trở lại đây. Điểm số PCI 2019 cũng là kết quả cao nhất kể từ năm 2006 đến nay. Điều này cho thấy, những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ qua Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cùng sự nỗ lực kiên trì của chính quyền các tỉnh, thành phố đã tạo ra sự chuyển đổi tích cực trên thực tế, thể hiện rõ từ đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp.
Các tỉnh nhóm cuối bảng xếp hạng PCI đã có những cải thiện đáng kể trong việc nâng cao chất lượng điều hành. Nếu như năm đầu điều tra, điểm số PCI của tỉnh đứng cuối chỉ xung quanh mức 36 điểm, thì năm 2019, đã tiến sát tới mức 60 điểm. Tương tự với điểm số chỉ số PCI gốc, năm 2006 tỉnh thấp nhất chỉ đạt 41,87 điểm, thì năm 2019 tỉnh thấp nhất cũng đạt tới mức 56,68 điểm. Điều này cho thấy xu hướng hội tụ điểm số PCI theo thời gian, hay nói cách khác là sự thu hẹp khoảng cách giữa tỉnh đứng cuối và tỉnh đứng đầu trong PCI hàng năm. Khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và đứng cuối trong điểm số PCI 2019 là 13,44 điểm, trong khi khoảng cách này của năm đầu tiên tiến hành điều tra PCI lên tới 41,5 điểm. Với chỉ số PCI gốc cũng có xu hướng tương tự, khi khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối của PCI 2019 là 14,61 điểm trong khi năm 2006 là 20,61 điểm.
Mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng
Điều tra PCI 2019 cho thấy, các doanh nghiệp có cảm nhận tích cực hơn về sự năng động, sáng tạo của chính quyền các tỉnh, thành phố trong việc tạo thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2019, có 54,1% doanh nghiệp cho biết thái độ của chính quyền địa phương đối với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực, mức cao nhất kể từ năm 2006 (48,3%), sau mức đáy 35,1% của năm 2015; 80% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “UBND tỉnh/thành phố linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân”, mức cao nhất trong vòng 15 năm qua; 65,8% doanh nghiệp nhận thấy “UBND tỉnh/ thành phố năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh”, con số cao nhất kể từ năm 2006.
Một số chỉ tiêu liên quan tới công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp cũng phản ánh những cải thiện rõ rệt. Cụ thể, năm 2019, có 74,1% doanh nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh (năm 2017 và 2018 lần lượt là 67% và 68,5%). Tỷ lệ doanh nghiệp nhận được các trả lời vướng mắc, kiến nghị năm 2019 là 94,9%, vẫn duy trì được mức của năm 2018 và cải thiện nhẹ so với 2017 (94,1%). Đáng lưu ý, năm 2019 có tới 82,5% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi và cách giải quyết của cơ quan chính quyền đối với những vướng mắc, khó khăn mà họ đã phản ánh, cao hơn đáng kể so với mức 77,4% của năm 2018 và mức 76,7% của năm 2017.
Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn
Điều tra PCI 2019 ghi nhận các doanh nghiệp dân doanh đã có những đánh giá tích cực hơn về mức độ bình đẳng của môi trường kinh doanh so với những năm trước. Điều này thể hiện tương đối rõ trong những đánh giá về mức độ ưu ái của chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp FDI. Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước thường dễ dàng hơn trong việc có được hợp đồng từ cơ quan nhà nước”chỉ còn là 21%, so với con số 27% của năm 2015; 19,1% doanh nghiệp dân doanh đồng ý với nhận định các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước được thực hiện “thủ tục hành chính nhanh chóng và đơn giản hơn” (năm 2015 là 23%).
Đáng chú ý là mức độ ưu ái của chính quyền địa phương với các doanh nghiệp lớn và thân hữu trong Điều tra PCI 2019 đã có dấu hiệu giảm so với các năm trước. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh” chỉ còn là 63,4%, giảm mạnh từ con số 76,9% của năm 2015; Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh cho biết “ưu đãi với các công ty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của bản thân doanh nghiệp” là 51,1%, đã giảm so với mức 56,5% năm 2015.
Minh bạch có dấu hiệu được cải thiện
Điều tra PCI 2019 ghi nhận một số dấu hiệu cải thiện trong việc tiếp cận thông tin so với năm trước. Cụ thể, với thang điểm từ 1 đến 5 (Không thể - Rất dễ), khả năng tiếp cận tài liệu quy hoạch của doanh nghiệp đã tăng từ 2,38 điểm vào năm 2018 lên mức 2,50 điểm vào năm 2019; Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh năm 2019 là 60,4%, giảm đáng kể từ con số 69,4% vào năm 2018; Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh” đã giảm từ con số 53,2% năm 2018 xuống còn 47,1% năm 2019.
Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố
Hầu hết các chỉ tiêu trong chỉ số thành phần Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự có xu hướng cải thiện theo thời gian. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng” đã tăng từ 81,2% của năm 2015 lên 87,8% của năm 2019, cao nhất trong 15 năm qua; 34,5% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Hệ thống pháp luật có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi nhũng nhiễu của cán bộ”, trong khi năm 2006 chỉ là 19,1%.
Một số chỉ tiêu mới liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại các địa phương đã có sự cải thiện. Tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình an ninh trật tự tại địa phương là tốt/rất tốt đã tăng dần từ con số 56,5% của năm 2017 lên 57,7% của năm 2018 và 60,5% của năm 2019.
Chi phí không chính thức tiếp tục giảm
Điều tra PCI 2019 tiếp tục ghi nhận những phản ánh tích cực của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về nỗ lực phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức của các địa phương. Tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại “tình trạng chạy án” là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án chỉ còn 21,6%, giảm đáng kể từ con số 31,6% của năm 2017 và 28,8% của năm 2018. Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” chỉ còn là 41,2%, tiếp tục giảm so với con số 48,4% của năm 2018 và mức 54,9% của năm 2017.
Năm 2019, có 54,1% doanh nghiệp phản ánh về việc tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ nhà nước địa phương giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm so với con số 58,2% của năm 2018. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong Điều tra PCI 2019 chỉ là 53,6%, mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Nếu so với con số 70% doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức vào năm 2006, thì con số 53,6% của năm 2019 cho thấy đã có bước tiến lớn trong nỗ lực của chính quyền các địa phương.
Cải cách hành chính có kết quả tích cực và cần đẩy mạnh hơn ở một số lĩnh vực
Điều tra PCI 2019 cho thấy những chuyển biến tích cực của công tác cải cách hành chính, từ cảm nhận của các doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các tỉnh, thành phố. Cụ thể, 81,3% doanh nghiệp cho biết “Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả”, tăng đáng kể từ 67,4% năm 2015. Năm 2019 có 73,6% doanh nghiệp quan sát thấy “Cán bộ nhà nước thân thiện” trong quá trình giải quyết thủ tục (năm 2015 chỉ là 59%). Đáng lưu ý, có 72,6% doanh nghiệp phản ánh “Thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định” trong điều tra năm 2019, tiếp tục xu hướng gia tăng từ 67% năm 2017 và 69,8% của năm 2018. Tỷ lệ doanh nghiệp “phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật” chỉ còn 29,5%, mặc dù vẫn còn tương đối cao, nhưng đã giảm đáng kể so với con số 35,5% của năm 2015.
Khi đi vào từng lĩnh vực thủ tục hành chính cụ thể, thì phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy một số lĩnh vực cần tiến hành những cải cách mạnh mẽ và thực chất hơn. Một số lĩnh vực thủ tục hành chính có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá là còn nhiều phiền hà vẫn tương đối cao, như đất đai (35%), thuế, phí (25%), bảo hiểm xã hội (23%), xây dựng, giao thông (14%). Xét theo chuỗi thời gian từ năm 2015 đến 2019, một số lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá phiền hà đã giảm đi như: Thuế, phí, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường và đăng ký doanh nghiệp. Một số lĩnh vực khác chưa có sự cải thiện như: đất đai, xây dựng, phòng cháy, bảo vệ môi trường và lao động.
Có thể nói, kết quả điều tra PCI 2019 cho thấy một bức tranh khá sáng sủa về môi trường kinh doanh Việt Nam. Chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam năm vừa qua tiếp tục duy trì đà cải thiện. Điểm PCI bình quân đạt mức cao nhất từ trước đến nay hứa hẹn là đòn bẩy tạo đà cho kinh tế phát triển./.
ThS. Đặng Thị Lan
Học viện Ngân Hàng
Học viện Ngân Hàng