Lao động ngành trí tuệ nhân tạo - Thị trường giàu tiềm năng

|

Lao động ngành trí tuệ nhân tạo - Thị trường giàu tiềm năng

Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã xác định Trí tuệ nhân tạo (AI- Artificial Intelligence) là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn, cần được ưu tiên tập trung các nhóm chính sách để thúc đẩy phát triển. Do đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của AI, những đòi hỏi ngày càng cao về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành này đã đặt ra hướng đi về một thị trường lao động giàu tiềm năng.

Theo báo cáo của Analytics Insight, thị trường toàn cầu về trí tuệ nhân tạo sẽ tăng từ 42,8 tỷ USD năm 2019 lên 152,9 tỷ USD vào năm 2023. Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Mechine Learning - ML) được cho là khoản đầu tư có cơ hội thành công lớn nhất hiện nay. Bên cạnh đó, đại dịch năm 2020 đã khiến nhiều lĩnh vực kinh tế phải lùi lại một bước, nhưng bằng cách vận dụng AI, các doanh nghiệp đã có thể xây dựng lại hoặc điều chỉnh sản xuất kinh doanh theo cách bình thường mới. Điều đó đã cho thấy khả năng thích ứng và đáp ứng với những biến cố đột xuất một cách ưu việt của ngành này.

Do ứng dụng của trí tuệ nhân tạo ngày càng rộng rãi, các chuyên gia trong lĩnh vực AI với kỹ năng phù hợp có thể dễ dàng tìm kiếm cơ hội việc làm trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, vì thế cơ hội việc làm dồi dào của lực lượng lao động AI dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Analytics Insight dự đoán, thị trường toàn cầu sẽ có hơn 20 triệu việc làm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào năm 2023, tăng từ 4 triệu việc làm trong năm 2018; riêng trong năm 2021 sẽ có khoảng 10 triệu việc làm về trí tuệ nhân tạo. Báo cáo của IBM, Forbes cũng cho rằng 3/5 nghề trả lương cao nhất hiện nay đều liên quan đến khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Ở Ấn Độ, mức lương trung bình các chuyên gia AI được trả là trên 13 nghìn USD/năm, trong khi ở Anh là trên 64 nghìn USD/năm, ở Mỹ trên 118 nghìn USD, còn Canada trả cho các chuyên gia AI trên 91 nghìn USD. Tuy nhiên, khảo sát của Google Brain đã từng chỉ ra rằng, khi nhu cầu nhân lực phục vụ trong ngành AI là 1 triệu người thì toàn thế giới chỉ có khoảng 10 nghìn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo được đánh giá là công nghệ đột phá trong 10 năm tới và cần tập trung các chính sách để thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Năm 2018 đã đánh dấu sự kiện thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ các chuyên gia công nghệ và cộng đồng AI và thành lập quỹ Global Fund nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam cũng trở về nước với kỳ vọng phát triển AI Việt Nam, đặc biệt là giúp cộng đồng AI trẻ bước nhanh hơn, có cơ hội tiếp xúc với nền trí tuệ nhân tạo thế giới.

Dù không đạt được mức lương cao như các quốc gia phát triển, nhóm kỹ sư có chuyên môn thuộc lĩnh vực công nghệ mới như Blockchain và AI đang nhận mức lương cao nhất và cao hơn các nhóm chuyên môn khác của Việt Nam. Thống kê từ Navigos Group cho thấy, nhóm kỹ sư phát triển phần mềm liên quan đến Blockchain nhận mức lương trung bình cao nhất là 2.241 USD/tháng, đứng thứ 2 là nhóm phát triển phần mềm liên quan đến AI có mức lương 1.844 USD/tháng, đứng thứ 3 là Full Stack với mức lương 1.642 USD/ tháng. Ngoài ra, nhân lực trong ngành AI còn nhận được các chế độ ưu đãi khác như thưởng lương tháng 13, thưởng tết, thưởng theo các dự án… Các công ty AI của Việt Nam cũng dành nhiều chính sách ưu đãi đề chiêu mộ tài năng AI. Song khó khăn đặt ra với các doanh nghiệp trong ngành đó là, mặc dù được trả mức lương thưởng khá cao cùng các cơ hội mở rộng nhưng nguồn nhân lực AI của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp công nghệ đang phải chật vật xoay sở cho bài toán nhân lực lĩnh vực AI, đồng thời khiến cho cuộc chiến tranh giành nhân lực đang là thách thức không nhỏ, do đó một số doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược tuyển sinh viên về đào tạo thay vì lận đận đi tìm người đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài khó khăn về khan hiếm nguồn nhân lực, nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và trong ngành AI nói riêng thường có xu thế “nhảy việc”, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ đang ra sức tìm kiếm nhân lực với các chế độ lương thưởng hết sức cạnh tranh. Thêm vào đó, các doanh nghiệp công nghệ trong nước gặp phải sự cạnh tranh gay gắt khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm kỹ sư công nghệ với các lời mời gọi hấp dẫn hơn. Khảo sát của Navigos Search North thực hiện trên nhóm ứng viên ngành công nghệ thông tin cho thấy có đến 70-80% ứng viên muốn nhảy việc, hơn 50% có ý định sẽ ra nước ngoài làm việc nếu nhận được lời mời hấp dẫn. Có đến 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất về vấn đề nhân lực, sau đó mới là các vấn đề về dữ liệu và gọi vốn đầu tư.

Nguồn cung chuyên gia AI của Việt Nam hiện nay chủ yếu là tu nghiệp tại nước ngoài, từ một số trường đại học danh tiếng về công nghệ trong khi đó, khoảng cách kỹ năng toàn cầu trong lĩnh vực AI còn khá lớn. Để bắt kịp nhu cầu thị trường lao động chất lượng cao, một số trường đại học hàng đầu của Việt Nam đã bắt đầu mở thêm chuyên ngành đào tạo AI với 4 phân loại chính: Công nghệ AI phản ứng, Công nghệ AI với bộ nhớ hạn chế, Lý thuyết trí tuệ nhân tạo, Từ nhận thức.

Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu mở ngành học mới về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo vào năm 2019 với số điểm đầu vào khá cao (27 điểm năm 2019, 28,65 điểm năm 2020) và số lượng hạn chế cho một lớp để đảm bảo chất lượng. Ngoài Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các trường đại học hàng đầu của Việt Nam cũng bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo khoa học máy tính, định hướng AI và khoa học dữ liệu. Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đào tạo thạc sĩ về khoa học dữ liệu, đào tạo cử nhân chất lượng cao, định hướng AI. Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đào tạo ngắn hạn về khai phá dữ liệu, khoa học dữ liệu. Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đào tạo ngắn hạn về học sâu, phân tích dữ liệu lớn. Đại học FPT tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo đối với các thí sinh thuộc TOP50 SchoolRank (50% thí sinh có năng lực học tập tốt nhất cả nước). Bên cạnh đó, còn có các hoạt động như bài giảng đại chúng về AI, khoa học dữ liệu và học máy của Viện Toán cao cấp, Cộng đồng VietAI và Công ty AI Academy. Gần như mọi sinh viên của ngành này được cho là sẽ đảm bảo được đầu ra, được các công ty, tập đoàn săn đón với mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt và nhiều cơ hội du học hay làm việc ở các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Cũng vì thế, ngành trí tuệ nhân tạo được đánh giá là ngành học vô cùng có triển vọng và hứa hẹn sẽ phát triển đến đỉnh cao trong tương lai.

Điều đáng mừng là phát triển nguồn lực AI nói chung và nguồn nhân lực AI nói riêng còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Ngày 31/12/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2289/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ theo quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, chủ trương, chính sách của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 50/NQ- CP và Quyết định 749/QĐ-TTg, Chiến lược còn tập trung vào 7 trọng tâm, trong đó có chú trọng phát triển nguồn nhân lực, và AI được xác định là một trong những ngành trọng điểm của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể Chiến lược đặt ra định hướng mở rộng, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo nghề, đặc biệt trong các ngành phục vụ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo hướng tăng hoạt động thực hành, nhất là giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM). Xây dựng chương trình thực tập trong các trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với đó, tăng cường kết nối nghiên cứu khoa học, đào tạo và sản xuất kinh doanh.

Tại các quốc gia có nền công nghệ AI phát triển nhất thế giới, điểm chung của sự phát triển hầu như đến từ đầu tư nguồn nhân lực. Vì vậy, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực có chuyên môn về AI, Việt Nam cần tìm kiếm những bậc thầy đào tạo AI, tập trung nguồn lực với các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng một nền tảng AI vững mạnh. Các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các đơn vị đào tạo xây dựng giáo trình sát thực tiễn nhu cầu và các khóa học ngắn hạn tạo lộ trình phát triển nhân lực AI chuyên nghiệp, thậm chí đặt hàng với các trường đại học, viện nghiên cứu; đồng thời tạo cơ hội việc làm mới cho những nhóm nhân lực có chuyên môn. Cùng với các chiến lược đào tạo, doanh nghiệp cần cân nhắc cải thiện môi trường làm việc phù hợp với đặc thù của lao động công nghệ, định hướng sự phát triển nghề nghiệp rõ ràng cho mỗi nhân viên nhằm thu hút và giữ chân nhân tài./.

Minh Hà