Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021

|

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021

Vượt qua đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã kết thúc năm 2020 bằng một kết quả tăng trưởng ngoạn mục, mang lại lợi nhuận cho hàng trăm nghìn nhà đầu tư lớn, nhỏ.
 
Quy mô thị trường tăng mạnh, nhiều kỷ lục được xác lập trong năm 2020

Đại dịch Covid-19bắt đầu ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam từ cuối tháng 1/2020, đã dẫn đến một đợt sụt giảm nhanh và mạnh chưa từng thấy. VN-Index chỉ trong hai tháng sau đó đã sụt giảm 33,51%, xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm. Tuy nhiên, với khả năng kiểm soát dịch bệnh thành công của Chính phủ, TTCK Việt Nam được phục hồi nhanh chóng trong những tháng còn lại của năm 2020. Cùng với đó, với mức độ phục hồi mạnh mẽ của TTCK và lãi suất duy trì thấp kỷ lục, dòng tiền đã chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán. Thị trường ghi nhận quy mô tham gia của nhà đầu tư mới cao chưa từng thấy trong lịch sử.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), sau khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát, TTCK Việt Nam đã phục hồi nhanh và mạnh, thuộc top đầu thế giới. TTCK Việt Nam đã đóng cửa năm 2020 với mức hồi phục ấn tượng, tăng xấp xỉ 15% so với cuối năm 2019 và được đánh giá là 1 trong 10 thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới. Giá trị giao dịch bình quân phiên của cả 3 sàn đạt 7.396 tỷ, tăng tới 59% so với năm trước. Kết thúc năm 2020, chỉ số VN Index vượt 1.100 điểm, đạt 1103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020, tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019; chỉ số HNX Index đạt 203,12 điểm, tăng gần 119% so với thời điểm cuối quý I/2020 và tăng 98,1% so với cuối năm 2019; UPCOM-Index đạt 74,45 điểm, tăng hơn 31,6%.

Quy mô thị trường cổ phiếu vượt mục tiêu Chính phủ đề ra cho đến năm 2020 và thị trường trái phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 5.294 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với thời điểm cuối quý I/2020 và tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương đương với 87,7% GDP năm 2019 và 84,1% GDP năm 2020, vượt mục tiêu đề ra. Thị trường trái phiếu có 477 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.388 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2019 (tương đương 23% GDP).

Thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng giá trị giao dịch bình quân năm 2020 vẫn đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019. Thanh khoản trên thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh, bình quân đạt trên 10.393 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với năm 2019.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tăng kỷ lục trong năm 2020. Riêng trong tháng 11, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 41.203 tài khoản, con số cao nhất theo tháng trong lịch sử hơn 20 năm hoạt động của TTCK Việt Nam. Cả năm 2020, số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đạt 393.659 tài khoản, tăng 94% so với số lượng tài khoản mở mới trong năm 2019; khối ngoại mở mới 2.856 tài khoản. Số lượng tài khoản mở mới trong năm 2020 gần bằng 10 năm trước cộng lại. Luỹ kế tới hết tháng 12/2020, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu tài khoản, tăng 16,7% so với cuối năm 2019.

Cùng với đó, TTCK phái sinh tiếp tục đóng vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 156.852 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với bình quân năm 2019. Tính tại thời điểm 31/12/2020, khối lượng mở (OI) toàn thị trường đạt 40.339 hợp đồng, tăng 143% so với cuối năm 2019.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch, trong đó lợi nhuận sau thuế của các công ty đã bị ảnh hưởng rõ rệt. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, số lượng công ty báo cáo có lãi vẫn chiếm 84% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo trong quý III/2020.

Triển vọng thị trường năm 2021

Những ngày đầu của năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, vượt ngoài mọi dự đoán. Theo UBCKNN, Việt Nam là một trong số ít nước giữ được mức tăng trưởng dương 2,91% và được dự báo phục hồi ở mức 6,5 - 6,8% trong năm 2021. Đây là động lực chính giúp củng cố lòng tin của NĐT và thu hút dòng vốn đầu tư vào TTCK.

Bên cạnh đó, với vị thế thị trường cận biên và triển vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi trước năm 2025, thị trường Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển trên cơ sở thu hút cả dòng vốn đầu tư nội địa và nước ngoài.

Nhận định Triển vọng về TTCK năm 2021, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, việc lãi suất được duy trì ở mức thấp khiến chứng khoán tiếp tục trở thành kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước trong năm 2021. Ngoài ra, định giá của TTCK Việt Nam vẫn khá hấp dẫn so với các nước trong khu vực châu Á, là điểm nhấn quan trọng giúp thu hút dòng vốn ngoại.

Cùng chung quan điểm, Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng, những yếu tố tích cực hỗ trợ tới TTCK năm 2021 như: Thứ nhất, tiền rẻ vẫn là điểm tựa rất lớn cho thị trường toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng. Phần lớn thời gian trong năm 2021, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam vẫn ở mức thấp tương đương lãi suất cuối năm 2020. Cuối năm sau, lãi suất có thể nhích nhẹ khi cầu tín dụng, nhu cầu đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp tăng trở lại; Thứ hai, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ bật tăng mạnh trở lại từ nền thấp của năm 2020, nhờ sự hồi phục đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và sự cải thiện của cầu tiêu dùng nội địa, vốn đầu tư và xuất khẩu. BVSC dự báo, GDP năm 2021 có thể tăng trưởng trên 7%; Thứ ba, kỳ vọng sự trở lại của dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi, trong đó có thị trường Việt Nam. Bên cạnh xu hướng về dòng tiền chảy vào thị trường mới nổi, BVSC cho rằng, triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng là yếu tố có thể giúp TTCK đón nhận sự trở lại của dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường Việt Nam trong năm 2021; Cuối cùng, là triển vọng hồi phục trên diện rộng của các doanh nghiệp niêm yết. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ từ nền thấp của năm 2020, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể lên tới 25%.

Bên cạnh đó, BVSC cũng khuyến cáo, cần lưu ý đến các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra đối với thị trường như các điểm nóng trong đối đầu quan hệ Mỹ - Trung, lạm phát tăng nhanh và Ngân hàng Trung ương các nước lớn tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, giảm bơm tiền… Mặc dù xác suất xảy ra các sự kiện này không cao, nhưng nếu nó xảy ra thì đều là những mối nguy cơ có thể tác động tiêu cực đối với diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 so với năm 2020 bình quân ở mức 16,7%. Trên cơ sở đó, kịch bản cơ sở của năm 2021, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 965-1.165 điểm (tương đương mức P/E bình quân trong khoảng này 14,94 lần). Với kịch bản lạc quan hơn, MBS dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 có thể đạt 19,4%. Trên cơ sở đó, kịch bản lạc quan trong năm 2021 chỉ số VN-Index có thể dao động trong khoảng 995- 1.230 điểm.

Liên quan đến định giá và triển vọng lợi nhuận năm 2021, theo đánh giá của SSI, ước tính tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 của các công ty niêm yết là 23%, sau khi giảm 17% trong năm 2020. Nếu lấy các chỉ số thị trường ngày 28/12/2020 làm cơ sở để tính toán thì hệ số P/E thị trường năm 2021 sẽ ở mức 16,03 lần. Với hệ số P/E thị trường là 16,03 lần, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước Covid, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Tuy nhiên, SSI cho rằng, năm 2020-2021 có thể sẽ khác, đặc biệt khi tính đến thanh khoản dồi dào và vai trò của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư“F0” ngày càng tăng. Ngoài ra, định giá thị trường Việt Nam vẫn còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực. Trong kịch bản tốt nhất, dòng vốn đầu tư vào TTCK sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, đà tăng của TTCK Việt Nam trong năm 2020 sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2021. Theo đó, năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng của TTCK về thanh khoản (dự đoán tăng 30%) và điểm số (dự đoán tăng 14%), tuy nhiên tốc độ sẽ có phần kém hơn năm 2020 do triển vọng kinh tế đã được phản ánh một phần vào chỉ số.

Với những động lực phục hồi, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2021, cùng với dư địa, tiềm năng phát triển của TTCK, những nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán tiếp tục được đẩy mạnh, công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) dự báo 2 kịch bản cho TTCK năm 2021. Theo đó, trong kịch bản 1, chỉ số Vn-Index năm 2021 có thể chạm đến ngưỡng 1250-1280; Kịch bản 2 xấu hơn, với các yếu tố rủi ro dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị toàn cầu, VN-Index có thể lui về vùng 950-1050 điểm.

Tiếp bước những thành quả đã đạt được của năm 2020, trong năm 2021, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các mục tiêu trọng tâm: Tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tạo động lực thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững; tổng kết, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK - thị trường vốn về dài hạn; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy nhanh việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán, hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 của Chính phủ./.

 
Thu Hường