Nâng cao năng lực bền vững của Việt Nam

|

Nâng cao năng lực bền vững của Việt Nam

Với chủ đề “Nâng cao năng lực bền vững của Việt Nam: Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy sáng kiến xanh”, Diễn đàn kinh tế Xanh 2023 vừa được tổ chức ngày 02/11 tại Hà Nội. Diễn đàn một lần nữa khẳng định phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu.

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Việt Nam hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và năng lượng xanh để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài. Đơn cử, nhà máy trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Bình Dương đã mở ra xu hướng đầu tư xanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023, tại Hà Nội 
 
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến và chính sách của EU trong phát triển xanh, trong đó có các quy định về sản xuất xanh và Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này. Thủ tướng cho rằng, phát triển kinh tế xanh và kinh tế số có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau, muốn phát triển xanh thì phải phát triển kinh tế số và ngược lại. Đây cũng là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời khẳng định, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến và chính sách của EU trong phát triển xanh, trong đó có các quy định về sản xuất xanh và Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này.

Thủ tướng nhấn mạnh, thế giới đang diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra các cơ hội mới đối với phát triển kinh tế-xã hội của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, theo đó Thủ tướng mong EU tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam trên tinh thần cùng thắng trong xây dựng cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, thu xếp nguồn tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị… để thúc đẩy phát triển xanh.

Không chỉ xác định phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu, Việt Nam hiện cũng đang từng bước hiện thực hóa nhiệm vụ tăng cường hợp tác và “xanh hóa” từ ý tưởng đến hành động. Theo đó, phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Việt Nam không thể đi một mình khi hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, Việt Nam đánh giá cao vai trò đi đầu của Liên minh châu Âu trong nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế xanh vì một tương lai bền vững.


Theo Thứ trưởng, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trở thành những định hướng chiến lược phù hợp cho phục hồi, phát triển của nền kinh tế và xa hơn là phòng ngừa rủi ro của cả khu vực công và tư nhân, bởi tăng trưởng xanh phản ánh cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; phản ánh các xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với mũi nhọn là ngành công nghiệp xanh, tạo động lực tăng trưởng mới và mang tính cạnh tranh cao; đồng thời, thể hiện những nỗ lực của các chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Vì vậy, giảm phát thải khí nhà kính, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững là chìa khoá thành công cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới gắn với các mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra định hướng lớn là phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời, với việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và bền vững, bởi tuy là một nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với quan điểm xuyên suốt là không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá. Minh chứng là Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu. Đặc biệt, trong khuôn khổ Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Việt Nam đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 của TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHĐ8) hướng đến các mục tiêu: đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm mạnh nhiệt điện than, phát triển hợp lý nguồn điện khí sử dụng LNG và sử dụng các nguồn điện sinh khối.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, các định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và đang được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể cùng với các phương án huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và bên ngoài nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Trên hành trình đi đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thực hiện tăng trưởng xanh, Việt Nam không thể đi một mình. Việt Nam đánh giá cao vai trò đi đầu của Liên minh châu Âu trong nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế xanh vì một tương lai bền vững, đặc biệt với sự ra đời của Thoả thuận xanh của EU vào năm 2020 cùng hàng loạt các chính sách và sáng kiến hướng tới các khu vực như: Chiến lược hợp tác với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Cổng kết nối toàn cầu..., trong đó Việt Nam là đối tác ưu tiên hợp tác của EU trong các lĩnh vực như năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế số, phát triển cơ sở hạ tầng.

Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới. Với những kết quả tích cực đạt được sau hơn 3 năm triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), bất chấp bất ổn thị trường, chuỗi cung ứng, giao thương và kinh tế EU đối mặt với nhiều khó khăn, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU vẫn ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng tốt, với vai trò hỗ trợ đáng kể từ Hiệp định EVFTA. EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang đứng vị trí đối tác thương mại thứ 16 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN; tính riêng về xuất khẩu, Việt Nam xếp thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.

Đây là những tín hiệu đáng mừng và sự khởi đầu thuận lợi, đồng thời là cơ sở để chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác kinh tế, thương mại hai bên trong thời gian tới với đòn bảy từ EVFTA và tới đây là EVIPA, đưa mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU lên tầm cao mới với nhiều dư địa trong các lĩnh vực “xanh”, “số” và “đổi mới sáng tạo”. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để EuroCham và các thành viên đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi đặc biệt, như: Công nghiệp nền tảng (như cơ khí, chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất, vật liệu và năng lượng), công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo.../.
PV