Công nghệ trí tuệ nhân tạo – lợi ích đan xen cùng những rủi ro

|

Công nghệ trí tuệ nhân tạo – lợi ích đan xen cùng những rủi ro

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những công nghệ nền tảng quan trọng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đến nay, AI đã có bước phát triển đột phá, dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống, ngành nghề kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Với tham vọng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030".

Trong hơn hai năm triển khai Chiến lược AI, Việt Nam đã tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ AI, thực hiện các ưu đãi về thuế cho các công ty áp dụng công nghệ AI và hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực, phát triển 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao, có khả năng kết nối để tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Việt Nam đã thành lập một số Trung tâm AI tại các trường đại học và viện nghiên cứu, nhằm cung cấp hỗ trợ tài nguyên cho các nhà nghiên cứu, đồng thời hợp tác với các đối tác để phát triển các giải pháp AI cho các lĩnh vực. Điển hình là Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập tháng 3/2021 với sự chung tay Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc). Với mô hình trung tâm nghiên cứu quốc tế hỗn hợp, Trung tâm này sẽ là nơi kết nối các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực AI trong nước và thế giới triển khai các nghiên cứu cơ bản, tạo ra các công nghệ lõi "made in Vietnam" và chú trọng phát triển ứng dụng AI trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Một bước đi mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 là thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) vào tháng 10/2023 mới đây. Đây là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.

 
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) khánh thành vào tháng 10/2023

Với sự hỗ trợ của Chính phủ, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ AI trong sản xuất kinh doanh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ AI giúp tối ưu hóa quy trình quản lý, sản xuất, tăng cường năng suất, đồng thời giảm thiểu chi phí và các tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Hiện nay, ứng dụng AI được ngành nông nghiệp sử dụng trong dự báo thời tiết, thông qua các thuật toán học máy và các thuật toán học sâu để phân tích hàng trăm hoặc hàng nghìn biến số trong dữ liệu thời tiết, bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và áp suất khí quyển... và phát hiện ra các xu hướng và mô hình tương quan giữa các biến số này, từ đó đưa ra dự đoán về thời tiết trong tương lai.

Đối với mô hình hóa tài nguyên nước, công nghệ AI được ứng dụng để phân tích dữ liệu về nhu cầu sử dụng nước của người dân, qua đó đưa ra các dự đoán về nhu cầu nước trong tương lai. Mô hình này đồng thời sẽ phân tích dữ liệu về môi trường và tài nguyên nước hiện có để đưa ra dự đoán về khả năng cung cấp nước trong tương lai cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn sử dụng các kỹ thuật AI để dự đoán về sức khỏe của cây trồng và phát hiện bệnh tật một cách nhanh chóng và chính xác hơn nhờ việc phân tích hình ảnh qua thiết bị drone hay flycam và phân tích dữ liệu cảm biến từ cây trồng. Đồng thời, ứng dụng robot tự động hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp với các tính năng gieo hạt và trồng cây tự động, thu hoạch; phun thuốc trừ sâu và phân bón; tưới cây; giám sát và dự báo sản lượng cây trồng; quản lý đàn gia súc…, giúp tăng cường năng suất, giảm chi phí và giảm thiểu nhân công, đồng thời cải thiện hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

Dựa trên việc phân tích dữ liệu, AI còn được sử dụng với mục đích xây dựng các mô hình dự đoán năng suất cây trồng, giúp doanh nghiệp, người nông dân có các quyết định về lượng phân bón và thuốc trừ sâu cần sử dụng để đạt được năng suất tối đa. Các thuật toán AI cũng giúp ngành nông nghiệp tăng cường quản lý, giám sát đàn gia súc với các thông số về sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng, bệnh tật, mức độ hoạt động thông qua các thiết bị cảm biến, qua đó đưa ra các đề xuất về chế độ ăn uống và chăm sóc sức khỏe cho đàn gia súc.
 
Công nghệ AI giúp ngành nông nghiệp tối ưu hóa quy trình quản lý, sản xuất, tăng cường năng suất

Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, AI còn giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển quá trình sản xuất sản phẩm trong các ngành công nghiệp trong nước. Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đến nay ngành dệt may Việt Nam đang từng bước hồi phục. Để thích ứng với xu hướng thay đổi của nhu cầu tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam đã sử dụng công nghệ AI tự động hóa quy trình sản xuất, để dự đoán hiệu quả của đường may, phương án thiết kế và kiểm soát chất lượng, giúp giảm thiểu lượng hàng lỗi và chi phí sản xuất. Các thuật toán của AI cũng được các doanh nghiệp sử dụng để phân loại sợi và các nguyên liệu cơ bản một cách chính xác hơn, tạo điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thiết kế là một trong những khâu quan trọng trong quá trình sản xuất của ngành may mặc. Với thuật toán của công nghệ AI cho phép các nhà thiết kế và kỹ sư đưa ra các tiêu chí hay yêu cầu về nguyên liệu và hiệu suất, sau đó cài đặt ứng dụng để tạo các thiết kế tối ưu, đáp ứng các tiêu chí đặt ra.

Cùng với đó, ứng dụng AI giúp các doanh nghiệp dệt may phân tích mối quan hệ của các dữ liệu liên quan đến các yếu tố: Hàng tồn kho hiện tại, xu hướng của người tiêu dùng, xu hướng lực lượng lao động, nguyên liệu sẵn có và giá cả, để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Tại nhiều doanh nghiệp đã sử dụng robot tự động, thông minh để đóng gói, vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm trong các không gian kho hàng, qua đó cắt giảm đáng kể thời gian, chi phí và đảm bảo an toàn lao động.

Những tiến bộ AI cũng đang giúp ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam định hình lại quá trình phát triển sản phẩm mới, bằng cách tận dụng cách tiếp cận dựa trên dữ liệu đa chiều, thông qua phân tích phương tiện truyền thông xã hội, theo dõi từ khóa, sử dụng chatbot để khảo sát và phân tích hình ảnh; sử dụng cảm biến Internet vạn vật (IoT) để thu thập dữ liệu của người tiêu dùng về lựa chọn sản phẩm. Ngoài ra, AI còn tối ưu hóa các công thức nấu ăn, gợi ý tỷ lệ thành phần phù hợp với đặc điểm hương vị và đưa ra những lựa chọn thay thế lành mạnh hơn mà vẫn giữ được hương vị.

Ngoài các lĩnh vực trên, công nghệ AI cũng đã và đang thâm nhập sâu vào các ngành sản xuất khác như điện tử, da giày...

Công nghệ AI không chỉ được ứng dụng trong các ngành kinh tế mà còn tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo hữu ích, đi vào cuộc sống. Đơn cử như trong lĩnh vực y tế, công nghệ AI được ứng dụng nhiều ở 4 mảng chính là chẩn đoán bệnh, điều trị, quản lý thông tin theo dõi sức khỏe và đào tạo. Thời gian qua, nhiều cơ sở y tế ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ AI để chẩn đoán hình ảnh, tham khảo và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Tại một số bệnh viện lớn như Việt Đức, Nhi Trung ương, Bạch Mai, Chợ Rẫy... đã sử dụng hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật với tỷ lệ thành công khá cao. Bên cạnh đó, công nghệ AI cũng được dùng để khai thác bệnh án điện tử, hỗ trợ đắc lực cho các cơ sở y tế trong việc quản lý hồ sơ dữ liệu, đồng thời giúp tối ưu chi phí và tăng doanh thu, giảm tải cho bác sỹ ở các bệnh viện tuyến tỉnh.

Tại các địa phương, AI cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong hành trình chuyển đổi số. Ví dụ như tại Thừa Thiên - Huế, nền tảng Đô thị thông minh Hue-S được đưa vào vận hành thí điểm từ tháng 6/2018 và hoạt động chính thức vào tháng 5/2019. Các tính năng của Hue-S được ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thông qua đó người dân có thể phản ánh thông tin, chính quyền tiếp nhận một cách nhanh chóng, chính xác. Đặc biệt, Hue-S có tính năng ví điện tử để thanh toán trực tuyến đã đáp ứng được xu thế thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt trong nhiều giao dịch... Các dịch vụ đô thị thông minh đã giúp Thừa Thiên-Huế thực hiện tốt việc cải cách hành chính, tăng cường kết nối giữa người dân và chính quyền, từ đó nâng cao năng lực quản trị của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, tạo đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy, hỗ trợ phát triển công nghệ AI trong thời gian qua đã đưa Việt Nam đứng thứ 55 (tăng 7 bậc so năm 2021 và 21 bậc so năm 2020) và đứng thứ 6 ở khu vực ASEAN trong bảng xếp hạng về “Chỉ số sẵn sàng về AI của Chính phủ năm 2022” do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, với mức điểm 53,96/100, cao hơn mức 51,82 của năm 2021 và vượt qua mức trung bình của thế giới là 44,61. Đáng nói là, Việt Nam vượt mức điểm trên trung bình ở cả ba trụ cột mà Oxford Insights dùng để đánh giá là: Tầm nhìn của chính phủ xoay quanh AI (quy định, chính sách, sẵn sàng thích ứng với thay đổi); Công nghệ hiện tại được áp dụng; Khả năng tiếp cận với cơ sở dữ liệu. Trong đó, chính quyền là yếu tố mạnh nhất của Việt Nam với tổng điểm 66,77.

Có thể nói, Việt Nam đang có một khởi đầu thuận lợi để định vị là quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng AI, tuy nhiên công nghệ này cũng đang tạo nhiều mối lo về những tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước hết, AI là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với quyền lợi cũng như việc làm của người lao động. Mặc dù, AI được đánh giá là sẽ tạo ra các cơ hội việc làm mới, năng động hơn và có thu nhập cao hơn, nhưng ngược lại nó cũng có khả năng phá vỡ hệ thống việc làm hiện có. Cụ thể, việc sử dụng các công cụ dựa trên công nghệ và tự động hóa hay những robot có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ ngày càng tăng sẽ dẫn đến mất việc làm của người lao động. Theo một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs, công nghệ AI sẽ khiến khoảng 300 triệu lao động toàn thời gian trên khắp các nền kinh tế lớn bị tự động hóa thay thế. Dự báo này đáng để Việt Nam lưu tâm và cần kế hoạch điểu chỉnh cơ cấu lao động hợp lý giữa các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế.

Những tiến bộ của công nghệ AI đồng thời đặt ra những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi người lao động có tay nghề cao với các kỹ năng chuyên sâu. Điều này tạo áp lực lớn đối với người lao động trong việc tự nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng của mình, đồng thời đặt ra bài toán đối với hệ thống giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo ngành nghề theo hướng đổi mới và chuyên sâu hơn.

Các chuyên gia cũng lo ngại, khi con người sử dụng AI nhiều hơn sẽ dẫn đến gia tăng tình trạng vi phạm quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu trong thu thập dữ liệu cá nhân. Đối với các doanh nghiệp, các công cụ tích hợp AI cũng ẩn chứa nhiều cạm bẫy và rủi ro về bảo mật thông tin trong sản xuất kinh doanh.

AI có thể hoạt động độc lập dựa trên lập trình bởi con người, do đó, trong trường hợp được sử dụng với mục đích sai trái, công nghệ này có thể gây ra những hậu quả khó lường như thao túng dư luận xã hội hay phát tán những thông tin không chính xác. Với tốc độ phát triển vượt bậc, công nghệ AI hiện nay đã tạo ra những video và hình ảnh giả mạo, hay còn gọi là “Deepfake”, có khả năng hoán đổi các chi tiết trên gương mặt của người này với người khác và thậm chí cả giọng nói với độ chân thực kinh ngạc. Ứng dụng này có nguy cơ trở thành công cụ tiếp tay cho hành vi lừa đảo, tội phạm mạng, lan truyền những thông tin sai lệch, không lành mạnh… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cá nhân bị lợi dụng.

Để thực hiện được tham vọng đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, trong thời gian tới Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, chính sách, tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng và kết nối hạ tầng dữ liệu và tính toán, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như huy động, thu hút nguồn lực vào phát triển AI... song hành cùng các giải pháp để có thể làm chủ và kiểm soát được công nghệ, giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia một cách bền vững./.
 
P.V