Kinh tế thế giới 9 tháng đầu năm 2024 có xu hướng phục hồi nhưng chậm. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy giảm hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Cùng với đó, thiên tai, thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Trong nước, hoạt động sản xuất tiếp đà tăng trưởng tích cực từ các tháng đầu năm nhưng do ảnh hưởng của siêu bão Yagi trong tháng Chín nên sản xuất công nghiệp tại một số địa phương bão đi qua bị ảnh hưởng.
Sản xuất công nghiệp tháng Chín tăng chậm lại do ảnh hưởng của siêu bão Yagi
Trong tháng Chín năm nay, do ảnh hưởng của siêu bão Yagi đến các tỉnh, thành phố phía Bắc đã tác động đến toàn ngành kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) giảm so tháng trước nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng cao. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Chín ước giảm 0,2% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm mạnh nhất là ngành khai khoáng, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất và phân phối điện mặc dù vẫn tăng nhưng mức độ tăng thấp (tăng 6,4%); ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng ít hơn nên vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng cao với mức tăng tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong công nghiệp, siêu bão Yagi ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp khai khoáng (do phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết) và ngành sản xuất, phân phối điện (do phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối điện, nhu cầu của sản xuất và đời sống). Các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại các địa phương có bão đi qua cũng bị ảnh hưởng do hư hại nhà xưởng, phương tiện sản xuất, hàng hóa thành phẩm.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương trong việc khắc phục nhanh các sự cố về điện, viễn thông, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nhanh chóng quay trở lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có các phương án chủ động phòng chống bão, khắc phục thiệt hại sau bão, tổ chức lại sản xuất để bù lại lượng hàng hóa thành phẩm đã bị hỏng do bão, bù lại thời gian bị dừng sản xuất, đảm bảo thời gian giao hàng theo đúng các hợp đồng đã ký kết. Ước tính siêu bão Yagi tác động mạnh nhất tới hoạt động sản xuất công nghiệp tại hai tỉnh có bão tràn qua là Hải Phòng, Quảng Ninh với chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2024 của hai tỉnh giảm lần lượt là 8,4% và 8,3% so với tháng 8/2024.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục là trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế trong quý III/2024
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III/2024 tăng 3,9% so với quý trước và tăng 10,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 7,3%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 8,0%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 16,8%.
Tốc độ tăng/giảm IIP quý III giai đoạn 2012-2024 (%)
(Năm trước =100%)
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III năm nay vẫn tiếp nối đà tăng trưởng tích cực từ quý II/2024, tiếp tục đóng vai trò là trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2024 tăng 6,0% so với quý trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, là quý có mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm qua, cao hơn cả mức tăng của năm 2019 (năm trước khi có dịch Covid-19).
Phân tích diễn biến sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trong các tháng của quý III/2024 cũng cho thấy xu hướng tích cực tháng sau cao hơn tháng trước, cụ thể: Tháng 7/2024 tăng 1% so với tháng 6/2024 và tăng 13,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 2,3%); Tháng 8/2024 tăng 0,9% so với tháng 7/2024 và tăng 9,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 3,5%); Tháng 9/2024 tăng 2% so với tháng 8/2024 và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 3,8%)
Sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng khá
Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành hiện chiếm tới trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 8,51 điểm phần trăm mức tăng chung; Ngành khai khoáng giảm 6,4%, làm giảm 1,02 điểm phần trăm; Ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,1%, đóng góp 0,99 điểm phần trăm; Ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,9%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.
Tốc độ tăng/giảm IIP 9 tháng giai đoạn 2016-2024 (%)
(Năm trước =100%)
(Năm trước =100%)
Trong các ngành công nghiệp cấp 2, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 28,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,8%; khai thác quặng kim loại tăng 17%; sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất tăng 16,9%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 16,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 13%; dệt tăng 12,8%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ tăng 12,5%...
Ở chiều ngược lại, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước là: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%; khai thác than giảm 4,2%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 3,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 0,3%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Thép thanh, thép góc tăng 26,7%; xăng, dầu các loại tăng 20,3%; thép cán tăng 16,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,9%; đường kính tăng 11,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,3%; sữa bột tăng 12,1%; ô tô tăng 10,7%; thủy hải sản chế biến tăng 10,9%; điện sản xuất tăng 10,7%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước là: Khí đốt thiên nhiên giảm 16,5%; khí hóa lỏng LPG giảm 15%; điện thoại di động giảm 16,5%; dầu thô khai thác giảm 5,9%; than sạch giảm 4,2%; bia các loại giảm 5,3%; alumin giảm 2,3%.
Theo địa phương, có 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó những tỉnh, thành phố có sản xuất công nghiệp tăng trên 10% gồm: Lai Châu tăng 43,3%; Trà Vinh tăng 41,9%; Phú Thọ tăng 38,7%; Khánh Hòa tăng 36,4%; Bắc Giang tăng 27,7%; Sơn La tăng 27,3%; Điện Biên tăng 20,7%; Thanh Hóa tăng 20,4%; Cao Bằng tăng 20%; Bình Phước tăng 17,1%; Quảng Nam tăng 15,7%; Hà Nam tăng 15,4%; Nam Định tăng 14,5%; Hải Phòng tăng 14,1%; Hải Dương và Tây Ninh cùng tăng 13,4%; Kiên Giang tăng 12,9%; Vĩnh Long tăng 12,8%. Ở chiều ngược lại, có 3/63 tỉnh, thành phố giảm: Quảng Ngãi giảm 2,4%; Hà Tĩnh giảm 0,6%; Gia Lai giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng đầu năm tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (tăng cao hơn nhiều so với mức tăng 0,6% của cùng kỳ năm trước). Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Sản xuất thiết bị điện tăng 34,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 20,5%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 18,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 18,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 16,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 16,2%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,1%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số tiêu thụ 9 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2023: Sản xuất đồ uống giảm 0,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 0,3%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/9/2024 dự kiến tăng 8,5% so cùng thời điểm năm trước (chỉ số tồn kho giảm nhiều so với thời điểm 30/9/2023, tăng 19,4%). Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm: Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 30,9%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 19,9%; dệt giảm 17,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 14,5%; sản xuất da và các sản phẩm từ da giảm 11,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 8,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 8,5%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 151,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 36,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 30%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 21,3%; sản xuất đồ uống tăng 18,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,9% so với cùng thời điểm năm trước.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng đầu năm 2024 là 76,8% (giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là 85,3%). Một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao là: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 187,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại 131,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 123,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu 118,4%; dệt 115,2%; sản xuất xe có động cơ 107%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 104,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 103,2%./.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng đầu năm tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (tăng cao hơn nhiều so với mức tăng 0,6% của cùng kỳ năm trước). Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Sản xuất thiết bị điện tăng 34,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 20,5%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 18,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 18,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 16,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 16,2%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,1%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số tiêu thụ 9 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2023: Sản xuất đồ uống giảm 0,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 0,3%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/9/2024 dự kiến tăng 8,5% so cùng thời điểm năm trước (chỉ số tồn kho giảm nhiều so với thời điểm 30/9/2023, tăng 19,4%). Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm: Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 30,9%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 19,9%; dệt giảm 17,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 14,5%; sản xuất da và các sản phẩm từ da giảm 11,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 8,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 8,5%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 151,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 36,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 30%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 21,3%; sản xuất đồ uống tăng 18,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,9% so với cùng thời điểm năm trước.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng đầu năm 2024 là 76,8% (giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là 85,3%). Một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao là: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 187,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại 131,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 123,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu 118,4%; dệt 115,2%; sản xuất xe có động cơ 107%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 104,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 103,2%./.
Phí Thị Hương Nga
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp - TCTK
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp - TCTK