Hiệu quả liên kết chuỗi giữa sản xuất hàng hóa và thị trường

|

Hiệu quả liên kết chuỗi giữa sản xuất hàng hóa và thị trường

Liên kết chuỗi giữa sản xuất hàng hóa và thị trường không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, chuỗi giá trị hàng hóa mới còn góp phần giúp người dân tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại, nâng cao ý thức sản xuất để có thể liên kết với các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp; tạo ra cầu nối bảo đảm ổn định từ đầu vào đến đầu ra. Các sản phẩm được sản xuất từ các chuỗi đều có chất lượng cao, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm sản xuất theo chuỗi đã được xuất khẩu giúp nâng cao thu nhập và khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Từ khóa: Chuỗi liên kết sản xuất, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, thị trường...

Hiệu quả liên kết chuỗi giữa sản xuất và thị trường trong sản xuất hàng hóa

 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các mô hình chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với các thị trường trong nước và cơ hội để xuất khẩu ra các thị trường trong khu vực. Hiệu quả liên kết chuỗi giữa sản xuất và thị trường trong sản xuất hàng hóa đã khẳng định đây là hướng đi  bền vững trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, thành viên HTX và doanh nghiệp.

Đơn cử như tại Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 890/QĐ-UBND ngày 22/6/2022 về Kế hoạch xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2022. Mục tiêu cụ thể là lựa chọn được sản phẩm thực phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, để hình thành một chuỗi liên kết, mà qua đó giá trị sản phẩm được tăng lên tại từng công đoạn và được tổ chức liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản và được kiểm soát, chứng nhận sản phẩm thực phẩm được quản lý theo chuỗi, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đầu năm 2024, theo báo cáo của các địa phương và cơ quan liên quan, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng, hình thành được hơn 200 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, với tổng kinh phí khoảng 397.901,064 triệu đồng (trong đó, ngân sách hỗ trợ 135.740,197 triệu đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp, người dân 226.160,867 triệu đồng).

Tại Nam Định, ngoài thành công trong chuỗi liên kết nuôi, thu mua, chế biến tiêu thụ ngao sạch Lenger, Tỉnh cũng đã hình thành được nhiều mô hình liên kết chuỗi nổi bật, đạt hiệu quả kinh tế cao như: Chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao Toản Xuân; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản sấy Minh Dương; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ thịt lợn Công Danh; chuỗi liên kết gạo sạch Quỳnh Thanh…

Quyết định 255/QĐ-TTg, ngày 25/02/2021, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%; đồng thời, đưa ra nhiệm vụ nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia đến năm 2025 tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu quốc gia. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.

Trong phát triển công nghiệp, việc mở rộng thị trường, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất với các tập đoàn lớn trên thế giới sẽ giúp công nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới. Hiện, quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam trong tiến trình hội nhập đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo dựng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: Khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Cục Công nghiệp đang đẩy nhanh xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và phía Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, địa phương đã có nhiều cuộc kết nối, đào tạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn quốc tế đạt nhiều kết quả khả quan. Môi trường đầu tư được cải thiện với nhiều thuận lợi, đặc biệt với thế mạnh chính trị ổn định và lực lượng lao động trẻ dồi dào, Việt Nam có nhiều cơ hội đón nhận trào lưu chuyển dịch đầu tư. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa của Việt Nam đã và đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị và nhân lực để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các doanh nghiệp đối tác và doanh nghiệp nước ngoài. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội trong liên kết sản xuất với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra các sản phẩm kỹ thuật cao, giúp nâng cao giá trị, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 28/02/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, trong đó, “Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao”.

Để đạt được mục tiêu đề ra, cần tập trung vào các nội dung sau: Phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp; chú trọng nội địa hóa chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp; chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 30% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9 - 10%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.

Giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi giữa sản xuất và thị trường trong sản xuất hàng hóa

Để tiếp tục nhân rộng và nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi giữa sản xuất hàng hóa và thị trường, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.

Tổ chức các hoạt động thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử, các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực, thị trường nhập khẩu lớn; Tổ chức các chương trình, sự kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, phát triển các mô hình mới trong mua bán hàng hóa trên môi trường trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp Việt kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước; Tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp lớn toàn cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm; Thúc đẩy thu hút đầu tư các dự án sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu, tăng năng lực sản xuất và tạo thêm việc làm, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên, nhiên vật liệu cơ bản của nước ngoài.

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng nuôi, trồng tập trung. Phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh sản xuất xanh, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới. Khơi thông thị trường trong nước, có chính sách khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mà sản xuất trong nước có thế mạnh, còn năng lực sản xuất và thị trường trong nước có nhu cầu...

Bên cạnh đó, cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, rà soát và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: VietGAP, ISO.

Hai là, hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và bán sản phẩm; kết nối công nghiệp phục vụ nông nghiệp với sản xuất nông nghiệp, kết nối “bốn nhà” trong sản xuất, tiêu thụ; khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng hiện đại, chế biến tinh, chế biến sâu; giảm dần và tiến tới hạn chế xuất khẩu nông sản thô.

Ba là, khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hàng hóa có thế mạnh, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao. Chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, có giá trị gia tăng; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước, khu vực và hướng ra toàn cầu.

Bốn là, các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), công nghệ blockchain để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Năm là, hướng dẫn, hỗ trợ lựa chọn, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong đó tập trung vào sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương. Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện công tác xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước và mở rộng thị trường.

Sáu là, nâng cao công tác đánh giá, dự báo thị trường, thường xuyên cập nhập, nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa, qua đó giúp người nông dân, doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường và chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa.

Bảy là, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng hàng hóa an toàn. xây dựng, thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn, và chuyển giao công nghệ phù hợp để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. /.

Trang Nguyễn

Tài liệu tham khảo

Quyết định số 165/QĐ-TTg, ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030

Quyết định 255/QĐ-TTg Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025

Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.

Quyết định số 890/QĐ-UBND ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về Kế hoạch xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2022