Từng bước chinh phục thị trường thực phẩm Halal toàn cầu

|

Từng bước chinh phục thị trường thực phẩm Halal toàn cầu

Quy mô và tốc độ tăng trưởng thực phẩm Halal toàn cầu ngày càng tăng

Trong tín ngưỡng Hồi giáo, có hai loại thực phẩm là Halal và Haram. Thực phẩm Haram bị cấm trong khi thực phẩm Halal là những sản phẩm “được cho phép”, “hợp pháp” để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ thành phần đến khâu chế biến, vận chuyển.

Tất cả các thực phẩm Halal được chế biến theo luật của người Hồi giáo, cấm sử dụng các thành phần có nguồn gốc từ con người hoặc động vật và các sinh vật biến đổi gen (GMO), chẳng hạn như chất lỏng thải ra từ cơ thể, giăm bông, lợn và các dẫn xuất của lợn, máu tươi và xác thối. Thực phẩm Halal cũng không chứa các thành phần như rượu, polyme gốc silicone, L-cysteine, lipase, thủy ngân, dimethicone và rennet, có hại cho con người. Bên cạnh đó, thực phẩm Halal sẽ được làm sạch, bảo quản và đóng gói bằng vật liệu và thiết bị đóng gói được chứng nhận Halal.

Thực phẩm là lĩnh vực tiêu dùng chính của các nền kinh tế Hồi giáo và các tổ chức nghiên cứu dự báo quy mô và tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng phát triển rất cao trong thời gian tới.

Dựa trên sản phẩm, các ngành công nghiệp thực phẩm Halal toàn cầu được chia thành các nhóm: Thịt các loại; ngũ cốc; rau củ quả; sữa và sản phẩm từ sữa; gia cầm và hải sản. Thịt là sản phẩm chiếm thị phần cao nhất trong các nhóm thực phẩm Halal, phổ biến là bò, cừu và dê. Tiếp đến là ngũ cốc chiếm thị phần thứ hai, phổ biến là gạo, lúa mì, lúa mạch, yến mạch và bánh mì.

Hiện thực phẩm Halal được phân phối qua các kênh chính là siêu thị và đại siêu thị; cửa hàng tiện lợi; cửa hàng trực tuyến; cửa hàng chuyên dụng và các cửa hàng khác. Theo thống kê, năm 2022, siêu thị và đại siêu thị là phân khúc dẫn đầu và đóng góp tới gần 46,12% thị phần phân phối thực phẩm Halal toàn cầu. Điều thúc đẩy sự gia tăng thị phần của kênh phân phối siêu thị, đại siêu thị là do số lượng siêu thị, đại siêu thị xuất hiện ngày càng tăng và thị hiếu của người tiêu dùng muốn mua sắm tại siêu thị đã. Đặc biệt, khi lạm phát toàn cầu gia tăng, người tiêu dùng có xu hướng mua hàng từ siêu thị hơn vì được tiếp cận với nhiều lựa chọn và các ưu đãi chiết khấu, giảm giá. Hơn nữa, một số công ty lần đầu tiên tung ra sản phẩm mới chọn kênh phân phối siêu thị để tận dụng tập hợp khách hàng đông đảo của kênh siêu thị.

Năm 2022, Nam Á chiếm thị phần thị trường thực phẩm Halal toàn cầu lớn nhất, tiếp đó là Trung Đông - châu Phi, châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á, châu Đại Dương và Mỹ Latinh. Các thị trường tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) phải kể đến là: Indonesia (146,7 tỷ USD), Bangladesh (125,1 tỷ USD), Ai Cập (120,1 tỷ USD), Pakistan (87,7 tỷ USD), Nigeria (86,2 tỷ USD). Các quốc gia Hồi giáo Saudi Arabia, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, UAE hàng năm nhập khẩu lượng lớn thực phẩm Halal trong OIC.  

Nắm bắt nhu cầu thực phẩm Halal toàn cầu, nhiều nước đã có chính sách phát triển sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường OIC tiềm năng. Một số nước có lượng hàng xuất khẩu thực phẩm Halal khá lớn sang OIC là Brazil với 16,45 tỷ USD trong năm 2022. Tiếp đến là Ấn Độ (15,35 tỷ USD), Mỹ (13,22 tỷ USD), Nga (12,74 tỷ USD), Trung Quốc (9,54 tỷ USD)…

Nằm ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo lớn nhất trên thế giới, do đó nước này gặp khá nhiều thuận lợi trong phát triển sản phẩm và xuất khẩu thực phẩm cho thị trường thực phẩm Halal toàn cầu. Năm 2022, Indonesia nằm trong Top 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào thị trường OIC với 7,83 tỷ USD.
 
Hình 1: Top 10 quốc gia xuất khẩu thực phẩm Halal lớn nhất trong OIC năm 2022

                                                  Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế Hồi giáo toàn cầu năm 2022

Dân số Hồi giáo đang có xu hướng tiếp tục tăng, dự kiến sẽ đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030 và 2,8 tỷ người vào năm 2050. Xu hướng này kéo theo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm Halal trên toàn cầu gia tăng, khiến quy mô và tốc độ tăng trưởng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu cũng tăng lên đáng kể và liên tục chinh phục các con số mới.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu thị trường Zion (Ấn Độ), quy mô lĩnh vực thực phẩm Halal toàn cầu năm 2022 đạt 2,3 nghìn tỷ USD và dự báo đến năm 2030 tăng gần 2 lần, đạt 4,1 nghìn tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của thị trường thực phẩm Halal toàn cầu giai đoạn 2023-2030 ước tính đạt 7,7%/năm.
 
Hình 2: Thị trưởng thực phẩm Halal toàn cầu giai đoạn 2022-2030



                                                        Nguồn: Tổ chức Nghiên cứu thị trường Zion (Ấn Độ)

Tập đoàn Nghiên cứu và Tư vấn Phân tích Thị trường Quốc tế (IMARC) cũng đưa ra dự báo tương đối sát với nghiên cứu của hãng Zion, trong đó quy mô của thị trường thực phẩm Halal toàn cầu năm 2023 đạt gần 2,5 nghìn tỷ USD và có khả năng tăng gấp 2,5 lần, đạt 5,8 nghìn tỷ USD vào trước năm 2032. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của thị trường thực phẩm Halal toàn cầu giai đoạn 2024-2032 ước đạt 9,7% năm.

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng không chỉ ở các nước Hồi giáo mà còn mở rộng sang cả thị trường phi Hồi giáo do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường.

Dự báo quy mô và tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực thực phẩm Halal toàn cầu phát triển mạnh trong thời gian tới đã khiến thị trường thực phẩm Halal ngày một sôi động hơn. Tập đoàn Kimly của Singapore đã công bố mua lại 75% cổ phần của công ty dịch vụ thực phẩm Halal Tenderfresh với giá 40,7 triệu USD. Tại Trung Đông, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Chuck. E Cheese của Mỹ cũng có kế hoạch mở 50 cửa hàng, trong đó có 25 cửa hàng ở Saudi Arabia. Ở Mỹ, chuỗi cửa hàng Halal Guy có kế hoạch tăng gấp đôi cửa hàng ở khu vực Trung Tây.

Hiện nhiều nước đang thúc đẩy tự chủ chiến lược trong sản xuất lương thực, đầu tư công nghệ để phát triển nông nghiệp bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng và bảo đảm an ninh lương thực. Ví dụ như Saudi Arabia đã đạt được 60% khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất gia cầm và đặt mục tiêu đạt 80% vào năm 2025. Quốc gia này đang có kế hoạch mở rộng sản xuất sang lĩnh vực rau và cá. Còn tại UAE, gần đây quốc gia này ký thỏa thuận với Israel để xây dựng, phát triển công nghệ nông nghiệp, thực phẩm dựa trên thực vật và tế bào. Nigeria cũng đã phát triển, hướng tới xuất khẩu một loại đậu đũa kháng côn trùng, có khả năng tạo ra doanh thu 638 triệu USD cho quốc gia trong 6 năm.

Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng Halal toàn cầu của Việt Nam

Để lấp đầy khoảng trống thị trường xuất khẩu thực phẩm Halal mà các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước còn đang bỏ ngỏ, những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế về Halal.

Tại Hội nghị trực tuyến Giao ban Ngoại giao kinh tế về tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam được tổ chức vào tháng 11/2023, Bộ Ngoại giao đã cùng với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi và đề xuất các biện pháp triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giúp sản phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường Halal toàn cầu. Theo đó, nhiều nội dung đã được đề cập đến như: Xây dựng Nghị định Chính phủ về quản lý sản phẩm và dịch vụ Halal; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hàng hóa, đặc biệt nông, thủy, hải sản... sang các thị trường Halal; đề xuất các biện pháp đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, phát triển, xúc tiến chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt chứng nhận Halal như đối thoại chính sách, hướng dẫn quy trình sản xuất, chế biến, tăng cường cung cấp các thông tin thị trường cho hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp…

Cuối năm 2023, các buổi tọa đàm về nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam; kết nối thông tin về nhu cầu thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản tại khu vực châu Phi - Nam Sahara và Trung Đông - Bắc Phi cũng được tổ chức để đánh giá triển vọng, những thuận lợi và khó khăn đối với công tác giới thiệu, quảng bá các mặt hàng nông sản Việt Nam tại các thị trường này, đồng thời có những phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá nông sản tại trong thời gian tiếp theo.

Các nước Hồi giáo có những yêu cầu khác nhau đối với việc xin cấp và cấp chứng nhận Halal. Do đó Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn hóa trong ngành Halal, tập trung xây dựng hệ thống chứng nhận của Việt Nam cho sản phẩm Halal, được thừa nhận và chỉ định từ các quốc gia Hồi giáo, tạo “tấm vé thông hành” cho sản phẩm trong nước thâm nhập thị trường thực phẩm Halal toàn cầu. Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và ban hành 5 tiêu chuẩn quốc gia TCVN lĩnh vực Halal trên cơ sở hài hòa với tiêu chuẩn phổ biến, gồm: Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung; Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; Thức ăn chăn nuôi Halal; Thực phẩm Halal - Yêu cầu đối với giết mổ động vật; Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm Halal.

Thị trường xuất khẩu các nước Hồi giáo dần được khai mở với những bước đi đầu tiên. Châu Phi là là một trong những thị trường đầu tiên các doanh nghiệp Việt Nam nhắm đến với các sản phẩm thực phẩm Halal. Đây là khu vực chiếm thị phần rất nhỏ (2,1%) trong số các khu vực tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam so với các thị trường truyền thống như châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2023, trong khi xuất khẩu nông sản vào các khu vực thị trường trọng điểm đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ (châu Mỹ giảm 20,6%, châu Âu giảm 11,8%) thì riêng châu Phi tăng 21,6% và châu Á tăng 5,7%. Trong đó, Trung Đông và châu Phi là hai khu vực thị trường rộng lớn với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhìn lại năm 2022, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực thị trường Trung Đông và châu Phi cũng có xu hướng gia tăng với tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Các chuyên gia nhận định, mặc dù thị phần tại hai thị trường này còn hạn chế và giá trị đạt được còn nhỏ, song tốc độ tăng giá trị xuất khẩu một số mặt hàng trong thời gian qua đã cho thấy tiềm năng đáng kể, nhất là trước tình hình khó khăn tại một số thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Phân tích thêm về tiềm năng các thị trường này, các chuyên gia cho rằng, Trung Đông là thị trường có thu nhập cao, có nhu cầu lớn các sản phẩm chất lượng cao và đây là cơ hội để hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam thâm nhập và gia tăng thị phần. Đối với châu Phi, khu vực có dân số hơn 1,4 tỷ người, luôn có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam do năng lực sản xuất còn hạn chế.

Sản phẩm thực phẩm Halal Việt Nam cũng đang từng bước thâm nhập Singapore - thị trường có tỷ lệ cao dân số là người Hồi giáo và có rất nhiều khách du lịch là người Hồi giáo. Hơn nữa, cộng đồng người Hồi giáo tại Singapore thuộc nhóm dân cư có thu nhập cao và khả năng mua sắm, tiêu dùng lớn. Singapore cũng có hệ thống phân phối các sản phẩm Halal rộng khắp với rất nhiều chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều hai nước Việt Nam - Singapore tăng 11,6% so với năm 2021, trong đó sản phẩm Halal đóng góp một phần không nhỏ. Đây là một trong những thị trường Việt Nam đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới bởi quốc đảo này có nhiều kinh nghiệm phát triển thương mại, sản phẩm Halal và có chứng nhận Halal được nhiều quốc gia Hồi giáo chấp nhận như Brunei, Indonesia, Malaysia và các đối tác thương mại lớn như UAE, Úc, Châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, với vai trò là trung tâm thương mại của khu vực và thế giới, nhờ có hệ thống hạ tầng logistics rất phát triển, Singapore có các sản phẩm tạm nhập tái xuất vào thị trường thứ 3 chiếm khoảng 54% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm Halal. Đây là cửa ngõ lý tưởng để Việt Nam thực hiện chiến lược sản xuất, thương mại, tái xuất các sản phẩm thực phẩm Halal vào các quốc gia Hồi giáo lớn.

Mặc dù đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm Halal là hướng đi được Việt Nam lựa chọn trong tương lại, tuy nhiên hiện sản phẩm xuất khẩu Halal của Việt Nam còn rất khiêm tốn với khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu. Là quốc gia có nhiều lợi thế về nông nghiệp, chế biến thực phẩm và là một nước hội nhập sâu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, song các chuyên gia nhận định mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Điều này là do hoạt động xuất khẩu nông sản và thủy sản từ Việt Nam đến các nước Hồi giáo thời gian qua đối mặt với khá nhiều thách thức.

Trước hết, đó là sự chênh lệch về ngôn ngữ, văn hóa, hệ thống pháp luật, phong tục kinh doanh và điều kiện di chuyển đã và đang làm hạn chế sự phát triển của mối quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Hồi giáo. Bên cạnh đó, mạng lưới thương mại của Việt Nam ở một số nước hồi giáo  chưa đủ phát triển, nhiều doanh nghiệp Việt thường phải xuất khẩu thông qua các công ty trung gian quốc tế để tránh rủi ro. Thực tế này làm tăng giá trị xuất khẩu của nông sản và thủy sản Việt Nam, giảm độ cạnh tranh và thương hiệu Việt Nam chưa được nhận diện.

Rào cản khác được nhắc đến là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn thiếu thông tin về thị trường, tiêu chuẩn Halal; thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị sản xuất sản phẩm Halal và đặc biệt là quy trình xin chứng nhận Halal đa dạng, phù hợp với yêu cầu riêng của từng thị trường rất khắt khe, phức tạp, đòi hỏi có kiến thức, kỹ năng chuyên môn và mất nhiều về thời gian, công sức và chi phí.
 
Cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng Halal thế giới là rất lớn, có thể nhìn thấy ở yếu tố vị trí địa lý ở gần các quốc gia Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia... Thêm vào đó, Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nông sản như trà, cà phê, quế hồi, hồ tiêu... mà thị trường Halal có nhu cầu. Hơn nữa, Việt Nam có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chất lượng cao với các thị trường khắt khe (EU, Mỹ, Nhật Bản...), là nền tảng tốt để các doanh nghiệp vượt qua những rào cản, tiếp cận thị trường Halal. 

Với chủ trương hội nhập với thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trong thời gian tới Việt Nam sẽ xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp, từng bước hướng tới việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong chứng nhận, quản lý, phát triển tiêu chuẩn Halal. Thúc đẩy hợp tác quốc tế với các nước Hồi giáo để trao đổi thông tin và ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA). Triển khai thêm các chương trình hội thảo, diễn đàn, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, kết nối với các thị trường Halal.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đào tạo lao động tay nghề cao cho ngành Halal. Tận dụng hiệu quả chính sách thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... để phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm Halal. 

Niềm tin sản phẩm Việt Nam sẽ chinh phục thị trường thực phẩm Halal toàn cầu như được tiếp thêm sức mạnh khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) vừa được ký kết ngày 28/10/2024, đánh dấu một một sự kiện quan trọng, đặt nền móng đầu tiên cho quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng và bền chặt Việt Nam tại Trung Đông./.
 
Ngọc Linh