Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn - Khát vọng đưa Việt Nam thành trung tâm bán dẫn toàn cầu

|

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn - Khát vọng đưa Việt Nam thành trung tâm bán dẫn toàn cầu

Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược). Chiến lược là căn cứ quan trọng với các định hướng, mục tiêu và giải pháp nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong tương lai.
 
Từ khóa: công nghiệp bán dẫn, phát triển, chiến lược, đầu tư, nhân lực, công nghệ…
 
On September 21, 2024, the Prime Minister signed Decision No. 1018/QĐ-TTg issuing the Strategy for the Development of Vietnam's Semiconductor Industry until 2030 and a Vision for 2050 (the Strategy). The Strategy serves as an important basis with orientations, goals, and solutions to realize the ambition of becoming one of the global semiconductor industrial centers in the future.
 
Keywords: semiconductor industry, development, strategy, investment, human resources, technology…
 
Tiềm năng phát triển mạnh mẽ trước vận hội lớn
 
Công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang có những thay đổi và điều chỉnh lớn, những xu thế mới xuất hiện tạo cơ hội thúc đẩy khả năng tự chủ và phát triển năng lực sản xuất bán dẫn quốc gia. Ngành công nghiệp bán dẫn, với vai trò then chốt trong nền kinh tế số, đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Sản phẩm bán dẫn đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội. Xu thế phát triển mới đòi hỏi các quốc gia lớn cần hướng đến nâng cao năng lực trong nước và đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
 
Trong bối cảnh đó, Việt Nam được đánh giá là có lợi thế về địa chính trị, nhân lực về bán dẫn, có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Theo Chiến lược, Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam có nền chính trị ổn định, nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất, có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn.
 
Ngoài ra, Việt Nam hiện có khả năng làm chủ nguồn nguyên liệu sản xuất chất bán dẫn nhờ trữ lượng đất hiếm đạt khoảng 20 triệu tấn. Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam đứng thứ 2 trong số 5 quốc gia có trữ lượng và tài nguyên đất hiếm nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc, nơi có những mỏ đất hiếm đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Theo "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", dự kiến trong thời kỳ đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.
 

Công nghiệp bán dẫn là động lực quan trọng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

 
Về nhân lực, với dân số trên 100 triệu người, là 1 trong 16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới, tỷ lệ dân số trẻ cao, nhân lực có năng lực STEM ngày càng phát triển, hứa hẹn đem lại cho Việt Nam nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng khả năng tham gia phát triển ngành công nghiệp này. Hơn thế nữa, để chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn trong tương lai một cách bài bản, có hệ thống và đảm bảo chất lượng, Chính chủ đã ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050". Mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn. Đáng chú ý, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 50 nghìn nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42 nghìn kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7,5 nghìn học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15 nghìn nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35 nghìn nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5 nghìn nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
 
Đảng và Nhà nước luôn đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển ngành này. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Trong khi đó, công nghiệp bán dẫn có ảnh hưởng to lớn tới an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng, đồng thời là động lực to lớn để Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.
 
Những tiềm năng, lợi thế, cùng chính sách trên đem lại cho Việt Nam cơ hội tham gia vào các công đoạn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, tiến tới phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong nước hoàn chỉnh.
 
Trên cơ sở tính toán các nguồn lực, nền tảng, Chiến lược đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo công thức chung, trong đó bao gồm các yếu tố then chốt như: Chip bán dẫn; Chuyên dụng, Chip chuyên dụng; Điện tử, Công nghiệp điện tử; Nhân tài, Nhân lực; Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn). Trong đó nhấn mạnh, thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đa dạng hóa nguồn cung với mô hình “X+1”, không chỉ về sản xuất mà là ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn. Các nước đã có công nghiệp bán dẫn, hoặc một phần của công nghiệp bán dẫn, đều muốn có thêm một cơ sở nữa ở nước khác để bảo đảm an toàn. Với quan hệ chiến lược tốt đẹp với hầu hết các cường quốc công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có thể là một trong số ít các nước “+1” và có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn.
 
Lộ trình và giải pháp phát triển
 
Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam được triển khai theo lộ trình 3 giai đoạn với các mục tiêu cụ thể từ năm 2024-2050. Trong đó, giai đoạn 2024-2030, Việt Nam thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 01 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10-15%; quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50 nghìn kỹ sư, cử nhân, có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển. Đến năm 2050, bên cạnh các chỉ tiêu về doanh nghiệp, doanh thu và nhân lực, Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất.
 
Trên cơ sở các nội dung nêu trên, Chiến lược đề ra 05 nhiệm vụ với các giải pháp thực hiện cụ thể:
 
Thứ nhất, phát triển chip chuyên dụng, gồm: Nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới thông qua đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu công nghệ lõi về bán dẫn, tập trung vào các lĩnh vực như chip AI, chip IoT; có cơ chế hỗ trợ cùng chia sẻ, dùng chung một số cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu; mở rộng nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ ở cấp quốc gia, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn. Phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn trong nước, kết nối với hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn của các đối tác chiến lược; xây dựng nền tảng, công cụ dùng chung phục vụ khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo chuyên gia, thiết kế, phát triển chip bán dẫn; thúc đẩy phát triển, sử dụng chip chuyên dụng trong một số ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tự động hóa, điện tử tiêu dùng, công nghiệp chuyển đổi số,... Xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tài chính đặc biệt của nhà nước để đầu tư xây dựng 01 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip bán dẫn. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu đào tạo đặt hàng sản xuất chip bán dẫn theo mô hình tập trung (Multi Project Wafer) để tiết kiệm thời gian, chi phí chế tạo, khuyến khích các dự án nghiên cứu, khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn.
 
Thứ hai, phát triển Công nghiệp điện tử, gồm: Tập trung bố trí nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển thiết bị điện tử với trọng tâm là các thiết bị điện tử thế hệ mới tích hợp các chip chuyên dụng, chip AI. Có chính sách ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm thiết bị điện tử trong nước nhằm thúc đẩy, phát triển thị trường công nghiệp điện tử. Hỗ trợ, thúc đẩy các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước sản xuất thiết bị điện tử thế hệ mới hướng tới phát triển thành doanh nghiệp đa quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu và phát triển thị trường quốc tế; có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số mở rộng sang đầu tư, sản xuất thiết bị điện tử thế hệ mới; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài phục vụ sản xuất thiết bị điện từ dân dụng, chuyên dụng thế hệ mới. Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp bán dẫn, điện tử Việt Nam tham gia Chương trình phát triển thương hiệu quốc gia, hướng đến thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; xúc tiến thương mại, đầu tư công nghiệp bán dẫn, điện tử tại các thị trường trọng điểm; lựa chọn một số sản phẩm bán dẫn, điện tử vào Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia.
 
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn, gồm: (i) Xây dựng và tổ chức triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Chú trọng, ưu tiên đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyển tiếp từ nguồn nhân lực sẵn có dồi dào là các kỹ sư điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, cùng với lợi thế nguồn nhân lực có năng lực về STEM dựa trên dự báo, tầm nhìn dài hạn, bám sát nhu cầu thị trường. (ii) Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đào tạo, xây dựng giáo trình và nghiên cứu cấp đại học và sau đại học; đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu; phát triển các trung tâm dữ liệu, các hệ thống siêu máy tính phục vụ hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử và các công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây,... (iii) Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài, các chuyên gia cao cấp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử trong và ngoài nước; kết nối chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài để hình thành Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn. (vi) Hợp tác quốc gia về cung cấp nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn với một số quốc gia đang thiếu hụt nhân lực; thúc đẩy ký kết các cam kết về nhu cầu nhân lực giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp bán dẫn, điện tử trong và ngoài nước, để tạo đầu ra đảm bảo cho đào tạo thành công.
 
Thứ tư, thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. Trong đó cần: (1) Xây dựng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút có chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao trong công nghiệp bán dẫn, điện tử từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương; xây dựng cơ chế một cửa hành chính đối với các dự án đầu tư trong công nghiệp bán dẫn, điện tử. (2) Nghiên cứu, thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để giảm thiểu ảnh hưởng của thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu. (3) Có chính sách ưu tiên các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử có hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, sử dụng công nghiệp phụ trợ Việt Nam, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. (4) Thiết lập cơ chế làn xanh và các cơ chế khác để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện liên quan đến công nghiệp bán dẫn, thiết bị điện tử dân dụng, chuyên dụng thế hệ mới. (5) Đầu tư phát triển hạ tầng số, hạ tầng điện, hạ tầng cấp thoát nước, áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện, nước đáp ứng yêu cầu của các nhà máy sản xuất bản dẫn, thiết bị điện tử tại các khu vực đã được quy hoạch; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, điện tử.
 
Thứ năm, kiện toàn đầu mối chuyên trách quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn như thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Chuyên gia; xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn; hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu và phát triển, chế tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế; xây dựng quy chế về môi trường đối với toàn bộ quá trình khai thác, sản xuất bán dẫn, điện tử./.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
2. Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
3. Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050", dự kiến trong thời kỳ đến năm 2030.

Duy Hưng