Xây dựng phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê

|

Xây dựng phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê

Sơ lược về đơn vị thể chế và khu vực thể chế áp dụng trong thống kê

Đơn vị thể chế áp dụng trong thống kê (viết gọn là đơn vị thể chế) theo khái niệm trong Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 (SNA 2008) của Liên hợp quốc là một thực thể kinh tế có quyền sở hữu hàng hóa hoặc tài sản, có khả năng phát sinh nghĩa vụ nợ và tham gia các hoạt động, các giao dịch kinh tế với các thực thể kinh tế khác. Đơn vị thể chế thường có các thuộc tính chủ yếu sau: (i) có quyền sở hữu hàng hóa hoặc tài sản, có thể trao đổi quyền sở hữu hàng hóa, tài sản đó thông qua các hoạt động giao dịch với các đơn vị thể chế khác; (ii) có quyền đưa ra các quyết định kinh tế, tham gia vào các hoạt động kinh tế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động kinh tế của mình; (iii) có khả năng phát sinh nghĩa vụ nợ, thực hiện các nghĩa vụ, cam kết và tham gia vào các hợp đồng kinh tế; (iv) có hệ thống tài khoản kế toán hoàn chỉnh hoặc có khả năng lập các tài khoản kế toán nếu được yêu cầu.

Khái niệm khu vực thể chế được thống kê quốc tế sử dụng để phân chia nền kinh tế thành các khu vực có cùng chức năng, mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng đặc điểm cấu trúc, vai trò kinh tế và phương thức hoạt động nhằm theo dõi, tính toán, biên soạn các số liệu, chỉ tiêu thống kê kinh tế, tài chính và tiền tệ. Trên cơ sở đó, Chính phủ hay các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách có các quyết sách, giải pháp phát triển đối với từng khu vực thể chế cũng như toàn nền kinh tế. Tổng cục Thống kê đã sử dụng khái niệm này từ khi Việt Nam chính thức áp dụng Hệ thống tài khoản quốc gia năm 1993 theo Quyết định số 183/TTg ngày 25/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ.

Phân chia nền kinh tế theo khu vực thể chế để thu thập số liệu tài khoản quốc gia, tài chính, tiền tệ từ lâu đã được các nước thành viên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thực hiện. Qua khảo sát sơ bộ, hiện tại tất cả các nước thành viên Ủy ban Châu Âu đều áp dụng bảng phân loại khu vực thể chế (ESA 2010). Ngoài ra các nước thuộc OECD cũng thu thập số liệu theo khu vực thể chế. Nga, Úc, NewZealand, Nam Phi cũng xây dựng bảng phân loại khu vực thể chế của riêng quốc gia mình. Ở Châu Á, nhiều nước thu thập số liệu theo khu vực thể chế và cung cấp trên website chính thức của các cơ quan quản lý như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, My-an-ma…

Sự cần thiết xây dựng phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê

Việt Nam đang tham gia hội nhập quốc tế ngày càng tích cực và sâu rộng trong mọi lĩnh vực, và lĩnh vực thống kê về ngân hàng, tài chính, tiền tệ không phải là ngoại lệ. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về định chế tài chính mà Việt Nam là thành viên là điều kiện tiên quyết khẳng định sự thành công của tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và lĩnh vực thống kê ngân hàng, tài chính, tiền tệ nói riêng, đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận với thị trường vốn quốc tế.

Tiêu chuẩn phổ biến số liệu riêng (Special Data Dissemination Standard - SDDS) được IMF phê duyệt năm 1996 để hướng dẫn các nước đã tham gia hoặc muốn tiếp cận thị trường vốn quốc tế và Hệ thống phổ biến số liệu chung (General Data Dissemination System - GDDS) phê duyệt tháng 12/1997 để hướng dẫn cho tất cả các nước thành viên của IMF.

Nhằm nâng cao tính minh bạch, thúc đẩy phát triển thống kê và tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa phổ biến số liệu và hoạt động giám sát, ngày 01/7/2015 IMF đã thông qua Hệ thống phổ biến số liệu chung tăng cường (Enhanced General Data Dissemination System - e-GDDS) thay thế GDDS. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các quốc gia khi tham gia GDDS và e-GDDS là đảm bảo điều kiện tiên quyết của chất lượng thông tin, bao gồm: Tính thống nhất; phương pháp luận đúng đắn; tính chính xác và độ tin cậy của số liệu; khả năng so sánh; khả năng tiếp cận số liệu.

Một trong những phân tổ quan trọng được áp dụng và được yêu cầu trong tính toán thông tin của Hệ thống GDDS và tương lai là SDDS là khu vực thể chế (institutional sectors). Thông tin liên quan đến khu vực thể chế bao gồm lập tài khoản tài chính theo khu vực thể chế, tính toán các chỉ tiêu tài chính Chính phủ... Để tính toán được thông tin trên theo phân tổ khu vực thể chế, yêu cầu bắt buộc là Việt Nam phải có bảng phân loại khu vực thể chế trong thống kê áp dụng thống nhất đối với các cơ quan được phân công trách nhiệm tính toán các số liệu trong GDDS (Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Các văn bản pháp lý Chính phủ và cơ quan chức năng Việt Nam đã ban hành để thực hiện Quy định của các định chế tài chính quốc tế

Nhận thấy rõ lợi ích của xây dựng phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê, Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam đã tiến hành ban hành các văn bản pháp lý để xúc tiến việc xây dựng và hoàn thiện các công cụ cho thực hiện SDDS và GDDS của IMF. Những lợi ích có thể kể đến là:
  1. Tăng cường khả năng so sánh của số liệu thống kê tài chính tiền tệ của Việt Nam thông qua sử dụng tiêu chuẩn quốc tế về phân loại khu vực thể chế; nâng cao tính minh bạch, thúc đẩy phát triển thống kê và tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa phổ biến số liệu và hoạt động giám sát. Thúc đẩy sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam tại các định chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
  2. Hỗ trợ hoạt động quản lý vĩ mô bằng việc cung cấp các thông tin minh bạch và chính xác, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính tiền tệ.
  3. Giúp ban hành các chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ áp dụng trong nền kinh tế một cách phù hợp, hiệu quả và thiết thực.
Ngày 07/11/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 152/2002/QĐ-TTg về việc giao Tổng cục Thống kê là Cơ quan điều phối của Việt Nam trong việc tham gia GDDS của IMF.

Ngày 18/10/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1803/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030 trong đó có nội dung xây dựng phân loại khu vực thể chế áp dụng thống nhất trong thống kê ngân hàng, tài chính, tiền tệ.

Để triển khai Quyết định số 1803/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 09/02/2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định số 602/BKHĐT-TCTK về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam, tại Phụ lục có quy định việc xây dựng lộ trình thực hiện thống kê tài khoản quốc gia theo SNA 2008 của Liên hợp quốc và lập tài khoản tài chính theo khu vực thể chế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp.

Sau một thời gian nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các cơ quan, ban ngành, đơn vị, cá nhân có liên quan, ngày 23/3/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 02/2020/TT-BKHĐT quy định phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam. Một văn bản pháp lý quy định về phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê chính thức được ban hành, tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng cách sắp xếp khu vực thể chế cho các cơ quan có chức năng tính toán số liệu thống kê ngân hàng, tài chính, tiền tệ.

Nội dung cơ bản của Phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam

Phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam gồm 2 phần: Danh mục phân loại khu vực thể chế và Nội dung phân loại khu vực thể chế.

Phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam gồm sáu khu vực: Khu vực thể chế phi tài chính; Khu vực thể chế tài chính; Khu vực thể chế Nhà nước; Khu vực thể chế hộ gia đình; Khu vực thể chế không vì lợi phục vụ hộ gia đình; Khu vực thể chế không thường trú.

Mỗi khu vực thể chế được chi tiết đến cấp 3. Tổng số gồm 6 mã cấp 1, 13 mã cấp 2 và 16 mã cấp 3.
Nội dung phân loại khu vực thể chế gồm:
  1. Khu vực thể chế thống kê phi tài chính: Bao gồm tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và tổ chức khác (bao gồm cả các đơn vị không vì lợi) thường trú tham gia vào các hoạt động sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ phi tài chính để mua bán trên thị trường.
  1. Khu vực thể chế thống kê tài chính: Bao gồm tất cả các doanh nghiệp và đơn vị tương tự doanh nghiệp thường trú tham gia chủ yếu vào việc cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm cả dịch vụ bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện cho các đơn vị thể chế thống kê khác.
  2. Khu vực thể chế thống kê Nhà nước: Khu vực thể chế thống kê Nhà nước bao gồm các đơn vị thể chế thống kê thường trú thuộc sự quản lý hoặc kiểm soát của các cơ quan Nhà nước, hoạt động chủ yếu nhằm thực hiện các chức năng hoạch định chính sách, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quản lý và thực thi các chính sách của Nhà nước. Khu vực này bao gồm tất cả các đơn vị thuộc cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp và đoàn thể khác, các đơn vị sự nghiệp công lập không vì lợi nhuận, phi thị trường và các quỹ an sinh xã hội. Để xác định một đơn vị thể chế thống kê thuộc khu vực thể chế thống kê Nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước cần phân biệt khái niệm đơn vị sản xuất thị trường và phi thị trường.
Tiêu chí nhận dạng đơn vị thuộc khu vực thể chế thống kê Nhà nước: Là đơn vị thể chế thường trú; Có quyền sở hữu tài sản, phát sinh nghĩa vụ nợ và tham gia vào các hoạt động kinh tế; Thuộc sự quản lý hoặc kiểm soát của các cơ quan Nhà nước; Hoạt động mang tính chất phi thị trường, không vì lợi nhuận.
  1. Khu vực thể chế thống kê hộ gia đình: Hộ gia đình là một người hoặc nhóm người có cùng nơi sinh sống, đóng góp một phần hoặc toàn bộ thu nhập và tài sản của họ vào một ngân sách chung và tiêu dùng chung các loại sản phẩm vật chất và dịch vụ nhất định, chủ yếu là nhà ở và lương thực, thực phẩm. Ngoài các loại hộ gia đình truyền thống (hộ gia đình cùng huyết thống, hôn nhân,...) còn có các hộ gia đình tập thể (còn gọi là hộ gia đình phi truyền thống), những hộ này bao gồm những nhóm người cùng sinh sống trong một thời gian dài ở nhà dưỡng lão, cơ sở phục hồi chức năng, tu viện, nhà tù, trại giam, trại phục hồi nhân phẩm...
Hộ gia đình bao gồm hộ gia đình sản xuất và hộ gia đình tiêu dùng.
  1. Khu vực thể chế thống kê không vì lợi phục vụ hộ gia đình: Các đơn vị thuộc khu vực không vì lợi phục vụ hộ gia đình (NPISHs) là các đơn vị thường trú không vì lợi, phi thị trường không chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Tất cả các đơn vị này cung cấp hàng hóa và dịch vụ miễn phí hoặc ở mức giá không có ý nghĩa về mặt kinh tế. Phần lớn những hàng hóa và dịch vụ được cung cấp cho tiêu dùng cá nhân nhưng các đơn vị không vì lợi cũng có thể cung cấp các dịch vụ chung như trung tâm tình nguyện, đơn vị viện trợ, cứu trợ, cơ sở từ thiện, tôn giáo, tín ngưỡng…
  2. Khu vực thể chế thống kê không thường trú: Khu vực này bao gồm tất cả các đơn vị thể chế thống kê không thường trú tham gia giao dịch với các đơn vị thường trú hoặc có các mối liên hệ khác về kinh tế với các đơn vị thường trú như các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, lãnh sự quán của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam…
Trần Tuấn Hưng
Vụ trưởng Vụ PPCĐ và Quản lý chất lượng thống kê - TCTK