Sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê đảm bảo thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế - xã hội

|

Sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê đảm bảo thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế - xã hội

Việc thông qua dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030


Hội thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục, danh mục chi tiêu thống kê Quốc gia.
Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Từ lập đề nghị đến khi trình Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê có tên gọi “Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê” đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự kiến ngày 13/11/2021, tại chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Thống kê sửa đổi.
 
*Luật sửa đổi trên nguyên tắc xây dựng, có lựa chọn chỉ tiêu
 
Tại hội thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục, danh mục chi tiêu thống kê quốc gia, vào sáng 9/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc thông qua dự án Luật này tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thu thập, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những thông tin thống kê phản ánh năng suất, hiệu quả, tăng trưởng, phản án các nhóm yếu thế…
 
Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Sau 5 năm triển khai, Luật Thống kê 2016 đã không còn phù hợp với thời điểm hiện tại.
 
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2021, Chính phủ trình Quốc hội dự án “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê” với phạm vi điều chỉnh mở rộng.
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoản 6 Điều 17, điểm d khoản 2 Điều 48 sẽ được điều chỉnh lại. Phần Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng sẽ được sửa đổi trên nguyên tắc xây dựng, lựa chọn chỉ tiêu, phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, những chỉ tiêu có phạm vi, mức độ ở tầm quốc gia; bảo đảm tính khả thi và bảo đảm so sánh quốc tế.
 
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật Thống kê gồm: xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Định kỳ 5 năm rà soát quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước.
 
Riêng danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu. So với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89 /2015/QH13, danh mục chỉ tiêu thống kê lần này có một số thay đổi.
 
Trong đó, về nhóm chỉ tiêu: tăng 1 nhóm chỉ tiêu (nhóm “Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp” tách thành 2 nhóm: “Trật tự, an toàn xã hội” và “Tư pháp”. Sửa tên 3 nhóm chỉ tiêu, cụ thể: Nhóm “7. Tiền tệ và bảo hiểm” sửa tên thành “7. Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán”. Nhóm “11. Giá cả” sửa tên thành “11. Chỉ số giá”. Nhóm “13. Công nghệ thông tin và truyền thông” sửa tên thành “13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông”.
 
Về chỉ tiêu, ngành Thống kê sẽ giữ nguyên 128 chỉ tiêu; sửa tên 44 chỉ tiêu; bổ sung 58 chỉ tiêu và bỏ 14 chỉ tiêu.
 
Theo TS. Trần Thị Kim Thu, nguyên Trưởng khoa Thống kê-Đại học kinh tế Quốc dân, nội dung Luật mới cần bám sát, đáp ứng một số yêu cầu quan trọng như: giải quyết vấn đề chênh lệch về số liệu thống kê, nâng cao chất lượng số liệu; sản phẩm thông kê, bảo đảm tính phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mới và sự chính xác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
 
“Sản phẩm thống kê phải bao hàm đầy đủ thông tin, minh bạch và kịp thời, có sự phân tích sâu sắc cũng như dễ dàng tổng hợp để giúp đơn vị, cá nhân sử dụng số liệu trong và ngoài nước trong việc so sánh, đối chiếu. Từ đó, trợ giúp đắc lực cho công tác nghiên cứu, điều hành nói chung…”, TS. Trần Thị Kim Thu nhấn mạnh. 
 
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
 
*Sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê khắc phục hạn chế, bất cập
 
Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê, Tổng cục Thống kê cho biết, việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu thống kê quốc gia tuân thủ theo các nguyên tắc: thể chế hóa các đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về thống kê; phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê; khắc phục hạn chế, bất cập và bổ sung những quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước
 
Bên cạnh đó, bảo đảm tính khả thi khi Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung được ban hành, áp dụng thuận lợi trong thực tiễn; khẳng định và nâng cao vai trò của hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước, bảo đảm phù hợp với thực tiễn thống kê Việt Nam và các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc; bảo đảm so sánh quốc tế.
 
Mỗi chỉ tiêu quốc gia được xác định, lựa chọn quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia khi đảm bảo các tiêu chí gồm: Thứ nhất, chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phản ánh, lượng hóa việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách trong bối cảnh mới. Đó là những thông tin, số liệu về kinh tế - xã hội chủ yếu ở tầm quốc gia.
 
Thứ hai, chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải bảo đảm tính khả thi - tức là chỉ tiêu thống kê phải thu thập, tổng hợp và biên soạn được trên thực tiễn. Nguyên tắc này đòi hỏi phải: bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê;
 
Cùng với đó, Luật phải bảo đảm thống nhất, tương thích và tính so sánh quốc gia, giữa các vùng miền nhưng vẫn đáp ứng được các điều kiện thực tiễn; bảo đảm thống nhất với các hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các hệ thống chỉ tiêu thống kê đa ngành, đa lĩnh vực và liên kết vùng.
 
Thứ ba, chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải bảo đảm so sánh quốc tế; phù hợp với thực tiễn thống kê và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc.
 
Để Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền Luật. Bộ cũng sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ ban hành, như: Nghị định của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Hoặc Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia... Căn cứ danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, các bộ, ngành xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê của bộ, ngành để thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia phân công bộ, ngành thu thập, tổng hợp.
 
“Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm mục tiêu cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô. Bên cạnh đó, nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia và bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh./.               
 
Theo Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN