Thống kê Quảng Bình - Hòa chung dòng chảy phát triển của ngành

|

Thống kê Quảng Bình - Hòa chung dòng chảy phát triển của ngành

Cách đây vừa tròn 75 năm, ngày 06/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 61/SL về việc thành lập Nha Thống kê Việt Nam trong Bộ Quốc dân kinh tế, đây là tổ chức tiền thân của ngành Thống kê nước ta.
 
Đối với tỉnh Quảng Bình, ngành Thống kê được thành lập vào ngày 20/02/1956. Trải qua hơn 65 năm xây dựng và phát triển, ngành Thống kê Quảng Bình luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin phục vụ sự lãnh đạo, quản lý của các cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp.

Lãnh đạo Cục giám sát Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019
 
Những ngày đầu thành lập, mô hình tổ chức thống kê được lập theo cấp hành chính, gồm Ban Thống kê tỉnh, Phòng Thống kê huyện và Thống kê xã đều nằm trong Văn phòng Uỷ ban Hành chính các cấp. Khi đó, Ban Thống kê tỉnh chỉ có 4 người, Thống kê huyện 1 - 2 người, hầu hết từ cán bộ chính trị và quân đội chuyển sang. Thời kỳ 1958 - 1960, trước yêu cầu mới của công tác thống kê, tỉnh đã quyết định tăng cường thêm cán bộ cho ngành Thống kê. Năm 1960, Ban Thống kê được tách khỏi Văn phòng Uỷ ban Hành chính tỉnh, thành cơ quan độc lập với tên gọi Chi cục Thống kê. Số lượng cán bộ Chi cục Thống kê lúc này đã lên 23 người, được tổ chức và phân công nhiệm vụ theo từng bộ phận chuyên môn. Cán bộ Thống kê huyện cũng được tăng cường, mỗi huyện có 3 - 4 người. Nhiệm vụ Thống kê giai đoạn này là cung cấp thông tin phục vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh mà trọng tâm là cải cách ruộng đất, hình thành quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Thời kỳ 1961-1964 tập trung phục vụ thông tin cho việc xây dựng kế hoạch và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965.
 
Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nêu cao truyền thống quê hương “Hai giỏi”, ngành Thống kê tỉnh tiếp tục được mở rộng và phát triển. Thời kỳ cao điểm, số lượng cán bộ Chi cục Thống kê lên đến 82 người, vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia phục vụ sản xuất và chiến đấu. Công tác Thống kê đã chuyển hướng hoạt động cho phù hợp tình hình thời chiến, vừa thu thập số liệu kinh tế - xã hội, vừa thống kê số liệu phục vụ chiến đấu và thiệt hại chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra. Thông tin thống kê đã phục vụ đắc lực cho lãnh đạo các cấp trên cả hai mặt trận, chỉ đạo xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và chỉ đạo chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
 
Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 01/1976, 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp nhất, Chi cục Thống kê tỉnh Bình Trị Thiên được hình thành. Ngay từ ngày đầu hợp nhất, những cán bộ Thống kê Quảng Bình tiếp tục phát huy tốt truyền thống quê hương“Hai giỏi”, năng động, sáng tạo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Cục Thống kê Bình Trị Thiên. Nhiệm vụ công tác thông tin thống kê thời kỳ này tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh vùng mới giải phóng, khôi phục phát triển kinh tế sau chiến tranh cũng như phục vụ xây dựng, đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm 1976-1980, 1981-1985, 1986-1990. Đặc biệt, ngành Thống kê đã triển khai một số cuộc điều tra và Tổng kiểm kê để thu thập thông tin tình hình cơ bản phục vụ kiến thiết xây dựng quê hương, đất nước như: Tổng điều tra dân số năm 1979; Điều tra và thống kê đất năm 1977-1978; Điều tra kê khai nhà ở năm 1977 -1978…
 
Tháng 7/1989, Quảng Bình trở về địa giới cũ. Kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới của Đảng, cùng với sự phát triển của ngành Thống kê cả nước, ngành Thống kê Quảng Bình đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhớ:
 
Ngày 04/01/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP chuyển Tổng cục Thống kê vào Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với Tổng cục Thống kê. Nghị định này là dấu mốc đưa ngành Thống kê bước sang trang mới.
 
Ngày 14/01/2011, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ký Quyết định số 24/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình, theo đó Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình có cơ cấu tổ chức gồm 06 phòng (Phòng Thống kê Tổng hợp, Phòng Thống kê Nông nghiệp, Phòng Thống kê Công - Thương, Phòng Thống kê Dân số - Văn xã, Phòng Thanh tra Thống kê và Phòng Tổ chức - Hành chính) và 07 Chi cục Thống kê huyện, thành phố được thành lập trên cơ sở Phòng Thống kê huyện, thành phố.
 
Căn cứ Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 20/12/2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quảng Trạch để thành lập mới thị xã Ba Đồn, ngày 24/01/2014, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 38/QĐ-TCTK về việc thành lập Chi cục Thống kê thị xã Ba Đồn trực thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình, từ đó Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình có 08 Chi cục Thống kê huyện, thị xã, thành phố.
 
Căn cứ Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 20/5/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 1006/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình có cơ cấu tổ chức gồm 05 phòng (Phòng Thống kê Tổng hợp, Phòng Thống kê Kinh tế, Phòng Thống kê Xã hội, Phòng Thu thập Thông tin thống kê và Phòng Tổ chức - Hành chính) và 06 Chi cục Thống kê cấp huyện, trong đó có 02 Chi cục Thống kê khu vực là Chi cục Thống kê khu vực Tuyên Hóa - Minh Hóa (sáp nhập Chi cục Thống kê huyện Tuyên Hóa với Chi cục Thống kê huyện Minh Hóa) và Chi cục Thống kê khu vực Quảng Trạch - Ba Đồn (sáp nhập Chi cục Thống kê huyện Quảng Trạch với Chi cục Thống kê thị xã Ba Đồn). Hiện nay, Cục Thống kê Quảng Bình có 61 công chức trên tổng số 65 biên chế được giao năm 2021, trong đó có 27 thạc sĩ (chiếm 44,3%), 03 đồng chí đang học thạc sĩ; 09 đồng chí được đào tạo cử nhân và cao cấp lý luận chính trị, 01 đồng chí đang học cao cấp lý luận chính trị; 23 đồng chí được đào tạo trung cấp lý luận chính trị; 01 đồng chí giữ ngạch chuyên viên cao cấp và 10 đồng chí giữ ngạch thống kê viên chính.
 
Về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê, hoạt động thống kê được đổi mới trên tất cả các mặt công tác: Các hệ thống chỉ tiêu thống kê; Phương pháp thu thập, xử lý và truyền đưa thông tin; Phân loại và phân ngành trong thống kê; Nội dung và phương pháp thống kê doanh nghiệp; Công tác phân tích và dự báo thống kê; Bổ sung các nội dung thống kê mới...
 
Bên cạnh đó, việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong thu thập thông tin và trong xử lý, tổng hợp và phân tích của hoạt động thống kê cũng đã hạn chế tối đa sai sót trong tính toán, loại bỏ được ý muốn chủ quan của con người, tiết kiệm ngân sách nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng thông tin và rút ngắn đáng kể thời gian xử lý số liệu và thời gian làm báo cáo thống kê.
 
Đến nay sau 31 năm tái lập tỉnh, theo giá hiện hành, quy mô nền kinh tế của tỉnh Quảng Bình (GRDP) đã tăng lên, từ 307,7 tỷ đồng năm 1990 lên 41,6 nghìn tỷ đồng năm 2020 (gấp 135,2 lần). Cũng trong giai đoạn 1990-2020, giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 187,3 tỷ đồng lên gần 18,2 nghìn tỷ đồng (gấp 97,0 lần); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 1.976,7 tỷ đồng lên 16,0 nghìn tỷ đồng (gấp 8,1 lần); tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 45,1 tỷ đồng lên 21,9 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 485,5 lần); GRDP bình quân đầu người tăng từ 0,46 triệu đồng lên 46,12 triệu đồng (tăng gấp 100,3 lần). Cùng với đó, các mặt văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ vượt bậc. Trong thành quả chung đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Thống kê Quảng Bình.
 
Nhờ nâng cao chất lượng thông tin và đẩy mạnh hoạt động phổ biến thông tin nên nhiều sản phẩm thông tin thống kê của tỉnh như: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, quý, 6 tháng, năm; Niên giám thống kê; Kết quả các cuộc điều tra và các dãy số liệu thống kê nhiều năm... đã trở thành nguồn thông tin quan trọng đối với hầu hết các đối tượng sử dụng thông tin thống kê. Đặc biệt, hệ thống số liệu do ngành Thống kê Quảng Bình thu thập, tổng hợp đã trở thành tư liệu lịch sử bằng số, ghi lại quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Quảng Bình qua các kỳ Đại hội, các kỳ kế hoạch 5 năm 1991-1995, 1996-2000, 2001-2005, 2006-2010, 2011-2015, 2016-2020. Công tác phân tích kinh tế - xã hội được quan tâm, nhiều ấn phẩm có giá trị đã được ngành Thống kê biên soạn và xuất bản như:“Quảng Bình 10 năm xây dựng và phát triển”, “Quảng Bình 15 năm xây dựng và phát triển”,“Quảng Bình 20 năm xây dựng và phát triển”,“Doanh nghiệp Quảng Bình thời kỳ 2006 - 2010 qua kết quả điều tra năm 2007 - 2011”, “Bức tranh toàn cảnh cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp tỉnh Quảng Bình, “Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 tỉnh Quảng Bình”;“Tổng điều tra dân số và nhà ở Quảng Bình năm 2009 - Các kết quả chủ yếu”, “Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019 tỉnh Quảng Bình”; tham gia biên soạn cuốn “Quảng Bình 30 năm đổi mới và phát triển”,…
 
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, ngành Thống kê Quảng Bình đã đạt được những thành quả quan trọng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2002 và lần hai năm 2017; 04 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động, trong đó có 01 hạng Nhì, 03 hạng Ba; 05 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động, trong đó 01 hạng nhất, 01 hạng Nhì và 03 hạng Ba. Từ năm 2009 - 2020, ngành Thống kê Quảng Bình liên tục được tặng danh hiệu“Tập thể lao động xuất sắc”, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2012; nhiều tập thể và cá nhân được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen…
 
Nhìn lại chặng đường đã qua, ngành Thống kê Quảng Bình tự hào về những gì mà các thế hệ công chức và người lao động đã vượt qua bao gian khó để đạt được; đồng thời, cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Hiên nay, nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng cao, không chỉ từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành mà còn từ nhiều đối tượng dùng tin khác. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng của ngành Thống kê chưa được đầy đủ, kịp thời; nhiều người sử dụng còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, khai thác số liệu thống kê; phạm vi thống kê chưa bắt kịp sự phát triển nhanh của một số lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội.
 
Những tồn tại hạn chế này luôn được lãnh đạo ngành Thống kê Quảng Bình tìm nhiều biện pháp giải quyết trong các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm. Cùng với nhữngs kinh nghiệm rút ra từ chặng đường 65 năm hoạt động, nhất là 35 năm đổi mới, với sự quan tâm của lãnh đạo Tổng cục Thống kê, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, trước yêu cầu ngày càng cao về thông tin kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, ngành Thống kê Quảng Bình sẽ tiếp tục vững bước tiến lên./.
 
ThS. Trần Quốc Lợi
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình