Việt Nam sẽ lần đầu có Bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số

|

Việt Nam sẽ lần đầu có Bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư Quy định Bộ chỉ tiêu thống kê Kinh tế số. Đây là lần đầu tiên giá trị tăng thêm của kinh tế số được tính chính xác so với tổng sản phẩm trong nước.

Bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số là tập hợp những chỉ tiêu thống kê phản ánh tình hình phát triển và tác động của kinh tế số đối với nền kinh tế quốc dân. Trong đó, kinh tế số là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

Theo bản dự thảo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số sẽ bao gồm một danh mục các chỉ tiêu về quy mô kinh tế số, hạ tầng số, mức độ phổ cập phương tiện số, mức độ phổ cập dịch vụ trực tuyến, kỹ năng số và nguồn nhân lực kỹ thuật số. 

Trong danh mục có nhiều chỉ tiêu đáng chú ý như: tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước, số doanh nghiệp kinh tế số, tỷ lệ hộ gia đình có máy tính, tỷ lệ dân số được phủ sóng bởi mạng di động, tỷ lệ dân số được phủ sóng bởi mạng Internet cáp quang, tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động, mức độ phủ sóng của mạng di động 4G và 5G,...


Doanh nghiệp kinh tế số sẽ bao gồm doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT),
viễn thông và doanh nghiệp dựa trên các nền tảng ICT. Ảnh: Trọng Đạt

Dự thảo cũng nêu rõ, tùy vào từng danh mục mà Tổng cục Thống kê, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm về việc thu thập, tổng hợp các dữ liệu này. Kỳ công bố sẽ diễn ra hàng quý, 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm tuỳ thuộc vào từng chỉ tiêu cụ thể. 

Theo nội dung dự thảo, kinh tế số bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ hạ tầng số, dịch vụ nền tảng số và dịch vụ ứng dụng số.

Trong đó, hạ tầng số là hạ tầng kỹ thuật vật lý (hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin) để truyền đưa thông tin số, dữ liệu số và để cung cấp dịch vụ nền tảng số, dịch vụ ứng dụng số, như dịch vụ viễn thông cố định, dịch vụ viễn thông di động, dịch vụ kết nối Internet, dịch vụ truy nhập Internet,...

Dịch vụ nền tảng số là dịch vụ được phát triển dựa trên hạ tầng số nhằm tạo ra môi trường cho dịch vụ ứng dụng số, như dịch vụ sàn thương mại điện tử hàng hóa (Shopee, Sendo, Amazon, Alibaba,.. ), sàn giao dịch chứng khoán, dịch vụ mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube,...), các ứng dụng trên nền tảng di động để cung cấp dịch vụ (Uber, Grab,... ).


Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nền tảng số như các sàn thương mại điện tử, ứng dụng
trên nền tảng số,...cũng sẽ được tính là một trong những thành phần của kinh tế số. Ảnh: Trọng Đạt

Dịch vụ ứng dụng số là các dịch vụ tin học, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin nói chung được phát triển, vận hành dựa trên hạ tầng số hoặc nền tảng số để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Theo dự thảo, doanh nghiệp kinh tế số sẽ bao gồm 2 nhóm, doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, viễn thông và doanh nghiệp dựa trên các nền tảng thông tin truyền thông (ICT). 

Trong đó, doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, viễn thông là doanh nghiệp có ngành nghề chính thuộc lĩnh vực phần cứng, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông.

Doanh nghiệp dựa trên các nền tảng ICT là doanh nghiệp có ngành nghề chính là bán hàng hóa dựa trên các nền tảng thương mại điện tử, bán dịch vụ dựa trên các nền tảng kinh doanh số.

Trọng Đạt
 https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/viet-nam-se-lan
-dau-co-bo-chi-tieu-thong-ke-kinh-te-so-777545.html