Một số thay đổi trong điều tra IO năm 2021 so với các cuộc điều tra IO trước đây

|

Một số thay đổi trong điều tra IO năm 2021 so với các cuộc điều tra IO trước đây

Điều tra biên soạn hệ số chi phí trung gian và lập bảng cân đối liên ngành năm 2021
 
Theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia, cuộc điều tra biên soạn hệ số chi phí trung gian (IC) và lập bảng cân đối liên ngành (IO) lần thứ 6 sẽ thực hiện vào năm 2018. Tuy nhiên, do năm 2020, Tổng cục Thống kê dự kiến tiến hành chuyển đổi năm gốc so sánh; và theo khuyến nghị của cơ quan Thống kê Liên hợp quốc thì năm thực hiện điều tra biên soạn hệ số chi phí trung gian (IC) và lập bảng cân đối liên ngành (IO) cần trùng với năm gốc so sánh (chỉ có hệ số chi phí trung gian của năm gốc) nên Tổng cục Thống kê đã lùi thời điểm thực hiện cuộc điều tra IO lần 6 từ năm 2018 sang năm 2021 để biên soạn bảng IO cho năm 2020.
 
Điều tra IO 2021 đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chuyển đổi năm gốc so sánh, điều tra IO năm 2021 sẽ cập nhật toàn bộ hệ số chi phí trung gian cho 6 vùng KTXH, Hà Nội, TP HCM và cả nước phục vụ biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và Tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP); là công cụ mô tả đầy đủ cấu trúc kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020 (đây là giai đoạn kinh tế Việt Nam có khá nhiều biến động so với những giai đoạn trước đó) phục vụ cho việc phân tích sự thay đổi cấu trúc kinh tế, cấu trúc tiêu dùng, các ảnh hưởng xuôi, ngược, lan tỏa… trong nền kinh tế, tác động của các loại chính sách đến các hoạt động kinh tế… Kể từ năm 2012 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có rất nhiều biến động (đặc biệt ở nhiều ngành kinh tế; nhiều tỉnh, thành phố đã có sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu kinh tế), hệ số chi phí trung gian năm 2012 (dù đã được cập nhật một số ngành) đã không còn phù hợp cho cả nước và các tỉnh, thành phố trong giai đoạn mới do các nguyên nhân sau: (1) Nhiều ngành đã thay đổi công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất nên hệ số IC năm 2012 không còn phù hợp (ngành công nghiệp chế biến chế tạo như may mặc, da giày, điện tử thực hiện gia công); (2) Những ngành, sản phẩm mới xuất hiện trước đây chưa có hệ số IC (điện mặt trời, điện gió,…); (3) Việc thay đổi phân ngành kinh tế (VSIC2007), phân ngành sản phẩm (VCPA 2007) sang phân ngành kinh tế (VSIC2018), phân ngành sản phẩm (VCPA 2018) làm cho cấu trúc chi phí (ngành cấp 1, 2 và 3) thay đổi và không có hệ số IC riêng cho một số ngành chi tiết; (4) Những thay đổi của SNA 2008 cần được cập nhật (tính tài sản cố định bao gồm hoạt động nghiên cứu và phát triển; các phần mềm máy tính; các sản phẩm sở hữu trí tuệ; tài sản là hệ thống vũ khí quân sự...). 
 
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đầu năm 2020 đến nay đã làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc kinh tế Việt Nam. Cú sốc kinh tế do đại dịch từ đầu năm 2020 đã bóp méo cấu trúc kinh tế của Việt Nam nên không thể lựa chọn năm 2020 làm đại diện cho cấu trúc kinh tế của nước ta ở trạng thái bình thường. Theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, chuyên gia quốc tế cũng như quyết định của lãnh đạo Tổng cục thì cuộc điều tra IO lần thứ 6 buộc phải thay đổi cách tiếp cận cho phù hợp với bối cảnh mới: Chọn năm 2019 thay cho năm 2020 để thu thập thông tin tính hệ số chi phí trung gian và lập bảng IO. Vì vậy, các phiếu điều tra trong cuộc điều tra này thực hiện thu thập thông tin của năm 2019 hoặc năm 2020. Trong đó, đơn vị điều tra là doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp do có sổ sách, hệ thống kế toán đầy đủ sẽ thu thập thông tin hoạt động của năm 2019; đơn vị điều tra là cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; hộ dân cư và tổ chức vô vị lợi phục vụ hộ gia đình sẽ thu thập thông tin về tình hình sản xuất năm 2020 đồng thời có thông tin so sánh để đưa về năm 2019 (do các đơn vị này không có đầy đủ sổ sách kế toán, khả năng hồi tưởng thời gian dài sẽ không đảm bảo thông tin thu thập).
 
 Một số thay đổi trong điều tra IO năm 2021 so với các cuộc điều tra IO trước đây
 
Một là, phạm vi cuộc điều tra được mở rộng hơn ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (năm 2012 điều tra tại 42 tỉnh, thành phố) tính đại diện cao hơn, đồng đều hơn.
 
Hai là, cuộc điều tra ứng dụng khá toàn diện CNTT trong các khâu thu thập, quản lý, xử lý điều tra. Các phiếu điều tra doanh nghiệp; đơn vị HCSN, hiệp hội sử dụng Webform. Phiếu điều tra Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình sử dụng CAPI. Các phiếu giấy (cơ sở cá thể phi NLTS, hộ NLTS, tổ chức vô vì lợi) do thời gian gấp không thực hiện được phiếu điện tử nhưng kết quả được nhập tin trực tuyến song song giúp cho quá trình quản lý, kiểm tra được thực hiện ngay sau khi điều tra;
 
Ba là, các câu hỏi của phiếu điều tra được kết cấu hỏi theo nhóm chi phí có liên quan, thể hiện được tính logic trong các câu hỏi và dễ hỏi, dễ khai thác thông tin (các cuộc điều tra trước đây hỏi theo mã sản phẩm IO từ 1-hết). Ví dụ: Phiếu điều tra hộ NLTS các nhóm câu hỏi đi tuần tự từ chi phí cho giống (cây trồng, vật nuôi); chi phí phân bón, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chi phí nhiên liệu; chi phí thuê ngoài…
 
Bốn là, thông tin của phiếu điều tra có thể kết nối với các cuộc điều tra trước, đặc biệt là Phiếu điều tra doanh nghiệp và điều tra tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, giúp cho có thể khai thác, so sánh, chuẩn hóa kết quả của 2 cuộc điều tra.
 
Năm là, mở rộng điều tra 178 sản phẩm, nhóm sản phẩm (năm 2012 điều tra 164 sản phẩm/ngành sản phẩm).
 
Sáu là, phiếu điều tra áp dụng cho từng đối tượng điều tra được cải tiến về nội dung và hình thức thu thập: (i) Điều tra webform với đối tượng doanh nghiệp; đơn vị hành chính, sự nghiệp, hiệp hội; nội dung phiếu phù hợp và sát hơn với ghi chép, sổ sách kế toán theo chế độ hạch toán kế toán hiện hành của các đơn vị điều tra. Kỳ số liệu: năm 2019; (ii) Điều tra CAPI với đối tượng hộ tiêu dùng: Nội dung phiếu được sắp xếp và điều chỉnh phù hợp hơn với nội dung chi tiêu dùng của hộ; khai thác tối đa thông tin từ điều tra mức sống năm 2020, chỉ điều tra bổ sung các hạng mục chi không xuất hiện trong chi tiêu dùng của Điều tra mức sống hộ gia đình năm 2020. Kỳ số liệu: năm 2020, trong đó bổ sung thông tin để ước tính lại năm 2019; (iii) Điều tra giấy với đối tượng hộ kinh doanh cá thể phi nông, lâm, thủy sản; hộ nông, lâm thủy sản và tổ chức không vì lợi: Nội dung phiếu được sắp xếp, điều chỉnh, phân nhóm, tách chi tiết phù hợp hơn với nội dung thu và chi của các đơn vị điều tra; phiếu điều tra dài và chi tiết hơn nhưng thuận tiện cho việc phỏng vấn và trả lời của điều tra viên và người trả lời. Kỳ số liệu: năm 2020, trong đó bổ sung thông tin để ước tính lại năm 2019./.
 
                                                (Nguồn: Tổng cục Thống kê)