Sáng ngày 14/12/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo các bộ ngành...
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu chính tại phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội; kết nối trực tuyến với các điểm cầu Trung ương và các điểm cầu Tỉnh ủy, Thành ủy trong toàn quốc. Đảng bộ Tổng cục Thống kê (TCTK) tham dự tại điểm cầu trụ sở TCTK.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu TCTK có Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến và các Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cùng toàn thể lãnh đạo và cấp ủy thuộc Đảng bộ TCTK.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu chính tại phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội; kết nối trực tuyến với các điểm cầu Trung ương và các điểm cầu Tỉnh ủy, Thành ủy trong toàn quốc. Đảng bộ Tổng cục Thống kê (TCTK) tham dự tại điểm cầu trụ sở TCTK.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu TCTK có Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến và các Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cùng toàn thể lãnh đạo và cấp ủy thuộc Đảng bộ TCTK.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu TCTK
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe Báo cáo tình hình, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Báo cáo cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, công tác đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; và ngày nay góp phần to lớn nâng cao vị thế đất nước.
Việc thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng đã góp phần rất quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước.
Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện gồm tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và 17 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20)…
Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, thu hút khoảng 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký…
Việt Nam là thành viên của hầu hết tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng, đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn cũng như hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021), Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020), Hội nghị cấp cao ASEM (2004), Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006, 2017), Diễn đàn Kinh tế giới về ASEAN (2018), Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên (2019), cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…
Những thành tựu đối ngoại nói trên là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, là điểm sáng trong thành tựu chung của đất nước như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, trong đó có đóng góp rất quan trọng của đối ngoại, bao gồm đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam". Đảng cũng xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại và đề ra chủ trương “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.
Hội nghị cũng được nghe các tham luận về công tác ngoại giao của các cơ quan Bộ ngành, hiệp hội và địa phương.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như từ khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng ta tổ chức một Hội nghị chuyên sâu về công tác đối ngoại với quy mô toàn quốc. Hội nghị đã đánh giá toàn diện những thành tựu của công tác đối ngoại trong 35 năm đổi mới; nhìn lại những bài học kinh nghiệm và nhận diện rõ hơn những vấn đề lớn đặt ra trong thời gian tới.
Với những phân tích về tình hình khu vực và thế giới Hội nghị đã làm sâu sắc hơn đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định, từ đó, đề ra nội dung, nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại thời gian tới./.
Thu Hòa