Hội nghị toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thi hành Luật hợp tác xã năm 2012

|

Hội nghị toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thi hành Luật hợp tác xã năm 2012

Sáng ngày 15/02/2022 đã diễn ra Hội nghị toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thi hành Luật hợp tác xã năm 2012 do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại trụ sở Chính phủ và các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Tham dự trực tuyến Hội nghị tại trụ sở Tổng cục Thống kê có Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến và đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số đơn vị thuộc Tổng cục.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Hội nghị này là sự kiện quan trọng để đẩy mạnh chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, để từ đó đưa ra các giải pháp, định hướng phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trong giai đoạn mới có hiệu quả. Thủ tướng đánh giá cao sự tham gia và phối hợp có hiệu quả của các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; sự cố gắng, tích cực của các cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố cả nước đã cùng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở các địa phương. Thủ tướng đề nghị toàn thể đại biểu tập trung thảo luận và làm rõ một số nội dung quan trọng sau:

Một là, đánh giá khách quan, cụ thể tình hình thực hiện Nghị quyết 13 và Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó chỉ rõ những kết quả đạt được, những nội dung chưa làm được và nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị
(Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

 
Hai là, đánh giá chính xác tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT), kinh tế hợp tác xã (KTHTX); kết quả đạt được, nhất là chỉ rõ những kết quả đột phá, những vấn đề còn trì trệ, yếu kém; những tồn tại, hạn chế, từ đó phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế và các cơ hội cũng như thách thức đối với phát triển KTTT, KTHTX trong thời gian tới.

Thứ ba, xác định bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của khu vực KTTT, KTHTX trong thời gian tới, gồm các vấn đề về thể chế, liên kết, liên doanh, xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ, huy động nguồn vốn, quản trị...

Thực hiện chương trình Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Báo cáo tóm tắt Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Báo cáo tóm tắt tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dung cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết đã đạt được các kết quả:

Thứ nhất, việc thống nhất nhận thức và quan điểm phát triển, tạo tâm lý xã hội thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.

Thứ hai, việc xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện.

Thứ ba, khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển mới về chất và lượng, đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Việc chuyển đổi, tổ chức lại các HTX theo quy định của Luật HTX cơ bản được hoàn thành, nhiều HTX được thành lập. Trong 20 năm qua, cả nước đã có 37.810 HTX mới được thành lập, giải thể 21.390 HTX. Số HTX thành lập mới chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các tỉnh Nam bộ, Bắc Trung bộ và một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Số lượng HTX tăng, hoạt động đa dạng trên các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đến 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 HTX (gấp 2,5 lần) so với năm 2001; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Trong tổng số 27.342 HTX, HTX nông nghiệp chiếm 67,03%; HTX thương mại, dịch vụ chiếm 7,49%; HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 9,05%; HTX giao thông vận tải chiếm 6,7%; Quỹ tín dụng nhân dân chiếm 4,32%; HTX xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 3,23%, HTX môi trường chiếm 1,75% và HTX khác chiếm 0,43%.

Thứ tư, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, kết hợp với công tác phối hợp hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, Liên minh HTX Việt Nam ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển KTTT.

Tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng khu vực KTTT vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Báo cáo đã rút ra 7 bài học kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KTTT trong thời gian tới.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại Hội nghị
 
Bên cạnh đó, Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 khẳng định Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012, chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực HTX. Sau 10 năm thực hiện Luật đã đạt được những kết quả sau: (1) Công tác xây dựng, ban hành, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX, tuyên truyền về mô hình HTX kiểu mới được thực hiện khá đầy đủ ở Trung ương và địa phương dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng cho cán bộ quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, thành viên, người lao động trong HTX và các tầng lớp nhân dân. (2) Bộ máy quản lý và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về KTTT, HTX được củng cố, tăng cường hơn ở các cấp, các ngành. (3) Chính sách hỗ trợ của Nhà nước riêng cho khu vực KTTT, HTX đã bước đầu được triển khai thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025, các Đề án xây dựng các mô hình thí điểm HTX kiểu mới. Kinh phí thực hiện được lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước. (4) Công tác hợp tác quốc tế được thúc đẩy. (5) Phát triển khu vực KTTT, HTX đã có chuyển biến tích cực. Năm 2021 cả nước có 27.445 HTX, liên hiệp HTX, tăng khoảng 41% so với năm 2013; số lao động thường xuyên duy trì khoảng 1,1-1,2 triệu lao động/năm. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013. Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, thực hiện Luật HTX gần 10 năm qua đã cho thấy không ít các hạn chế, bất cập đến từ các quy định của các văn bản pháp luật, cũng như từ quá trình tổ chức triển khai thi hành luật.
 
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương và Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cùng các đại biểu
tham dự trực tuyến Hội nghị tại trụ sở Tổng cục Thống kê

Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu nghe các báo cáo tham luận tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết của các bộ, ngành và địa phương do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái điều hành chương trình; đồng thời dành thời gian để các chuyên gia, hợp tác xã, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến các nội dung được báo cáo tại Hội nghị do Chủ tịch Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến điều hành.
 
Toàn cảnh điểm cầu trực tuyến TCTK


Kết thúc Hội nghị là chương trình trao thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW./.
 
B.N