Họp báo công bố số liệu thống kê Kinh tế - Xã hội quý I năm 2022

|

Họp báo công bố số liệu thống kê Kinh tế - Xã hội quý I năm 2022

Sáng ngày 29/3/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2022. Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chủ trì buổi họp báo. Tham dự trực tiếp buổi họp báo có Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến, thủ trưởng và chuyên viên một số đơn vị liên quan thuộc cơ quan Tổng cục Thống kê, đại diện một số Bộ, ngành. Buổi Họp báo được kết nối trực tuyến tới các Cục Thống kê của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, cùng với sự góp mặt của các cơ quan truyền thông, báo chí.
 

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương công bố số liệu tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022

Tại cuộc họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đã trình bày những nội dung chính về tình hình KTXH của cả nước quý I năm 2022. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.

Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I năm 2022 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,86% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,54%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I năm 2022 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I năm 2021, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I năm 2021, đóng góp 0,16 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ trong quý I năm 2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay như sau: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 11,61%; 36,61%; 42,38%; 9,40%).

Về sử dụng GDP quý I năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%.

Sản xuất nông nghiệp quý I năm 2022 tuy diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chăn nuôi đang trong đà hồi phục nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, chế biến và xuất khẩu gỗ những tháng đầu năm 2022 có nhiều tín hiệu tích cực. Hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản khôi phục mạnh mẽ, giá cá tra tăng cao về mức kỷ lục năm 2018 sau hơn hai năm liên tiếp ở mức thấp, giá tôm cũng có xu hướng tăng. Sản lượng khai thác thủy sản giảm do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ.

Trong khi đó, sản xuất công nghiệp trong quý I năm 2022 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng tăng trưởng dương chủ yếu do khai thác than và quặng kim loại tăng.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I năm 2022 có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I năm 2022 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II năm 2022 với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I năm 2022. Đây là kết quả quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I năm 2022 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách giảm 23,6%; luân chuyển hành khách giảm 15,8% và vận chuyển hàng hóa tăng 8,2%, luân chuyển hàng hóa tăng 8,8%; khách quốc tế đến nước ta đạt gần 91 nghìn lượt người, tăng 89,1%.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán có nhiều triển vọng tích cực với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu ước tính tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. 

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021 cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/3/2022 ước tính đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, đạt 25,5% dự toán năm. Chi ngân sách Nhà nước đạt 15,6% dự toán năm, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định. 

Trong tháng 3/2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,73 tỷ USD, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quí I năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.

Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, tuy nhiên bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý I năm 2022 đạt được mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, bước sang quý II, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu. Do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, tập trung một số nội dung trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023; đặc biệt bảo đảm giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao tạo động lực thúc đẩy kinh tế.

Hai là, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Ba là, thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu trong nước. Đồng thời đẩy nhanh các dự án về điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi sản xuất tăng cũng như nhu cầu của người dân nhất là trong những tháng hè sắp tới.

Bốn là, đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Năm là, khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh đón mùa du lịch sắp tới.

Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

 

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chủ trì cùng thủ trưởng các đơn vị liên quan trả lời
họp báo

 
Tại buổi họp báo, Tổng cục Thống kê đã dành nhiều thời gian giải đáp thỏa đáng câu hỏi của các nhà báo xoay quanh các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022 ở các lĩnh vực như: Tăng trưởng kinh tế, mục tiêu tăng trưởng, ảnh hưởng của xung đột Nga- Ucraina đến phát triển kinh tế, Thị trường lao động, việc làm, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hộ gia đình, điểm sáng sản xuất công nghiệp, FDI, chỉ số giá, lạm phát…

Tin, ảnh: Thu Hiền