Sách hay: Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh

|

Sách hay: Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh

Ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, về việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Gần đây nhất, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các Nghị quyết đã thể hiện quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt Nghị quyết 52 đặt ra mục tiêu tận dụng có hiệu quả cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của đất nước gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước.

Để đánh giá vai trò của công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tình hình ứng dụng công nghệ thông tin sau 5 năm kể từ Tổng điều tra kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012, Tổng cục Thống kê đã biên soạn ấn phẩm “Tổng điều tra kinh tế năm 2017 - Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh”. Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ đạo biên soạn, tham gia biên soạn gồm các thành viên của Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê. Đây là một trong những ấn phẩm chuyên đề được biên soạn dựa trên kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, ấn phẩm là tài liệu hữu ích đối với các tổ chức, cá nhân quan tâm đến thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và tôn giáo hiện nay.

Sách in 4 màu, dày 270 trang, in bằng hai thứ tiếng Việt - Anh do nhà Xuất bản Thống kê phát hành. Sách gồm 2 phần chính: Phần 1. Tổng quan về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh; Phần 2. Các biểu số liệu.

Dưới đây, Tạp chí Con số và Sự kiện giới thiệu với bạn đọc phần trích “Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hợp tác xã” thuộc mục II. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hợp tác xã.

Tình hình ứng dụng CNTT trong hoạt động SXKD của doanh nghiệp và hợp tác xã

Theo kết quả Tổng điều tra Kinh tế (TĐTKT) năm 2017, tại thời điểm 01/01/2017 cả nước có 13,6 nghìn hợp tác xã và 517,9 nghìn doanh nghiệp (viết gọn là DN) đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (viết gọn là SXKD), trong đó: Có 450,6 nghìn DN sử dụng máy tính, chiếm 86,2% số DN, so với năm 2012 tăng 6,3%; có 444,4 nghìn DN kết nối internet, chiếm 85,1%, tăng 11,5%; có 134,6 nghìn DN có trang thông tin điện tử (Website), chiếm 25,8%, tăng 13,1%.
Tỷ lệ DN có sử dụng máy tính và kết nối internet chia theo loại hình kinh tế: Khu vực DN nhà nước và khu
vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt tỷ lệ gần 100% DN có sử dụng máy tính và kết nối internet; Khu vực DN ngoài nhà nước có tỷ lệ thấp hơn, lần lượt đạt 86,2% và 85,0%. Theo ngành kinh tế, DN có sử dụng máy tính và kết nối internet với tỷ lệ cao ở các ngành: Khoa học công nghệ lần lượt đạt 88,6% và 87,4%; Vận tải, kho bãi đạt 88,1% và 86,7%; Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 88,0% và 86,8%... Các ngành có số DN sử dụng máy tính, kết nối internet đạt tỷ lệ thấp hơn như: Hoạt động dịch vụ khác đạt 78,4% và 78,1%; Nghệ thuật, vui chơi, giải trí đạt 76,0% và 75,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 63,7% và 61,4%.

Tỷ lệ DN có Website chia theo loại hình kinh tế lần lượt như sau: khu vực DN nhà nước có 56,6%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài có 40,2%; khu vực DN ngoài nhà nước có 25,6%. Theo quy mô, 57,4% DN lớn; 45,5% DN vừa; 33,2% DN nhỏ; 24,5% DN siêu nhỏ có Website. DN đóng tại các thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về tỷ lệ có Website: Hà Nội đạt 41,2%, Thành phố Hồ Chí Minh đạt 28,1%, Đà Nẵng đạt 18,7%; Cần Thơ đạt 18,2%, Hải Phòng đạt 12,7%. Các địa phương với khu vực DN có ít Website nhất là: Vĩnh Long đạt 1,9%, Hà Giang đạt 3,4% và Lai Châu đạt 4,8%.

Mục đích sử dụng CNTT của doanh nghiệp

Ứng dụng CNTT trong khu vực DN rất đa dạng, phong phú. TĐTKT 2017 điều tra khái quát DN thực hiện 7 loại công việc chính: Điều hành tác nghiệp; gửi và nhận email; tìm kiếm thông tin; học tập, nghiên cứu; giao dịch với cơ quan tổ chức khác; hoạt động tài chính và cung cấp dịch vụ trực tuyến. Kết quả cho thấy, DN sử dụng máy tính và internet để gửi và nhận email chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt 67,6%; dùng để giao dịch với cơ quan, tổ chức khác đạt 56,3%; dùng để tìm kiếm thông tin đạt 52,5%; dùng để học tập, nghiên cứu đạt 23,9%; dùng để điều hành tác nghiệp đạt 19,0%; hoạt động tài chính đạt 18,0%; cung cấp dịch vụ trực tuyến chiếm tỷ lệ thấp nhất, đạt 4,3%.

Cung cấp dịch vụ trực tuyến thể hiện ứng dụng CNTT ở mức độ cao, nhưng tỷ lệ này ở khu vực DN mới chỉ đạt 4,3%. Ở những thành phố lớn tuy có tỷ lệ cao hơn trung bình cả nước, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn: Hà Nội đạt 6,6%, Đà Nẵng đạt 6,1% và Thành phố Hồ Chí Minh đạt 4,7%. Cung cấp dịch vụ trực tuyến của DN theo ngành kinh tế: Ngành Thông tin truyền thông có tỷ lệ cao nhất, đạt 15,4%; Giáo dục và đào tạo đạt 7,1%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 7,0%. Các ngành cung cấp dịch vụ trực tuyến còn thấp là: Hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải 2,7%; khai khoáng 1,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,3%. Cung cấp dịch vụ trực tuyến phụ thuộc bởi quy mô DN, DN quy mô càng lớn thì tỷ lệ cung cấp dịch vụ trực tuyến càng cao: DN lớn đạt 11,8%; DN vừa đạt 8,1%; DN nhỏ đạt 5,3%; DN siêu nhỏ đạt 4,1%.
 
Hình 1. Mục đích sử dụng máy tính và mạng internet của khu vực doanh nghiệp


 
Tỷ lệ lao động sử dụng CNTT của doanh nghiệp

Theo kết quả TĐTKT năm 2017, tỷ lệ lao động khu vực DN có sử dụng máy tính cho công việc đạt 38,6%, tăng 18,5% so với năm 2012. Tỷ lệ lao động khu vực DN thường xuyên sử dụng internet đạt 39,0%, tăng 8,9% so với năm 2012. Theo loại hình kinh tế, khu vực DN nhà nước có tỷ lệ lao động sử dụng máy tính cho công việc đạt 51,9% và thường xuyên kết nối internet đạt 50,7%, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 24,1% và đạt 23,0%, khu vực DN ngoài nhà nước đạt 42,8% và 44,2%./.