Niên giám Thống kê ASEAN 2021

|

Niên giám Thống kê ASEAN 2021

Niên giám Thống kê ASEAN 2021 là ấn phẩm thường niên của Ban Thư ký ASEAN được xuất bản vào tháng 12/2021 do Bộ phận Thống kê của Ban Thư ký ASEAN và Cơ quan thống kê quốc gia của các thành viên thuộc Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN (ACSS) phối hợp thực hiện.
 
Niên giám Thống kê ASEAN 2021 là ấn phẩm niên giám thứ 17 của Ban Thư ký ASEAN, có 286 trang với 13 Chương, cung cấp đến độc giả hệ thống bảng biểu, biểu đồ, dữ liệu chính xác và đáng tin cậy giai đoạn 2011-2020 trong các lĩnh vực dân số và nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài...
 
Sách Niên giám Thống kê ASEAN 2021 của Ban Thư ký ASEAN

Chương 1: Dân số
 
Năm 2020, tổng dân số khu vực ASEAN là gần 661,3 triệu người, tăng 1,1% so năm 2019. Trong đó Indonesia là quốc gia đông dân nhất với trên 270,2 triệu người, tăng 1,4% so năm 2019, trong khi Brunei là quốc gia có dân số ít nhất là 453 nghìn người, giảm 1,3% so năm 2019. Lào là quốc gia có tốc độ tăng dân số cao nhất trong năm 2020 với 1,9%.
 
Trong tổng dân số toàn khu vực dân số nam là trên 330,2 triệu người, chiếm tỷ lệ 50%. Dân số nữ là gần 330 triệu người, cũng chiếm tỷ lệ 50%. Xét theo nhóm tuổi, nhóm tuổi 20-54 tuổi chiếm 50,8% dân số toàn khu vực, đạt gần 335,4 triệu người.
 
Chương 2: Giáo dục và sức khỏe
 
Tỷ lệ biết chữ ở người lớn từ 15 tuổi trở lên là khá cao ở nhiều quốc gia. Tỷ lệ này ở Singapore là 97,1%; Việt Nam là 96,7%, Indonesia là 96%. Riêng tại Brunei, tỷ lệ biết chữ ở người lớn tính từ 10 tuổi trở lên và đạt 97,3%. Ở các quốc gia trên, tỷ lệ biết chữ ở người lớn là nam giới luôn cao hơn tỷ lệ biết chữ ở người lớn là nữ giới.
 
Trong 10 nước thành viên ASEAN, Campuchia là quốc gia có tỷ suất sinh thô và tỷ suất chết thô khá cao, lần lượt là 21,9‰ và 7‰. Lào đồng thời là quốc gia có tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh cao nhất trong khu vực với 49,3 trẻ/1000 trẻ sống và tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi là 65,1 trẻ/1000 trẻ sống.
 
Chương 3: Lao động việc làm
 
Năm 2020, lực lượng lao động của Indonesia là cao nhất trong khu vực ASEAN với 138,2 triệu người. Trong khi đó lực lượng lao động của Việt Nam là 54,6 triệu người, Philipin là 43,6 triệu người. Brunei là quốc gia có lực lượng lao động thấp nhất chỉ với 234 nghìn người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tại Việt Nam là 74%; tiếp đến là Malaysia 68,4%; Singapore 68,1%; Indonesia và Thái Lan cùng là 67,8%.
 
Philipin là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên năm 2020 cao nhất với 10,3% (tương ứng với 4,5 triệu người). Tiếp đến là Brunei 7,4% (tương ứng 17,4 nghìn người); Indonesia (gần 9,8 triệu người). Ở phần lớn các quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp ở nữ giới là cao hơn nam giới.
 
Chương 4: Kinh tế Vĩ mô
 
Năm 2020, tốc độ tăng GDP của toàn khu vực là -3,3%. 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP âm là Philippin (-9,6%); Thái Lan (-6,1%), Malaysia (-5,6%), Singapore (-5,4%); Campuchia (-3,1%); Indonesia (-2,1%). 4 quốc gia còn lại có GDP tăng trưởng dương song cũng chỉ ở mức thấp là Lào (3,3%); Myanmar (3,2%); Việt Nam (2,9%); và Brunei (1,1%). GDP theo giá hiện hành tính theo USD của toàn khu vực ASEAN là 2.997,8 tỷ USD, trong đó Indonesia là quốc gia có GDP cao nhất với 1.059,1 tỷ USD, tiếp đến là Thái Lan 501,5 tỷ USD.
 
GDP bình quân đầu người tính chung của 10 quốc gia thành viên là 4.533,2 USD. Có sự chênh lệch đáng kể về GDP bình quân đầu người giữa các nước trong khu vực. Cụ thể, nếu như GDP bình quân đầu người tại Singapore là 59.784,8 USD thì tại Campuchia chỉ là 1.528,5 USD. Ở tất cả các nước ASEAN, khu vực nông nghiệp luôn có GDP thấp nhất trong 3 lĩnh vực kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
 
Năm 2020, Myanmar là quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong khu vực với 5,7%, trong khi đó Malaysia có tỷ lệ lạm phát là -1,1% và Thái Lan là -0,8%.
 
Chương 5: Thương mại hàng hóa
 
Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa toàn khu vực đạt 2.591,2 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nội khối ASEAN đạt 549,8 tỷ USD; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ngoại khối đạt 2.041,4 tỷ USD. Tính riêng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn khu vực đạt giá trị 1.356,9 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt giá trị 1.234,3 tỷ USD. Như vậy, năm 2020 ASEAN đã xuất siêu 122,5 tỷ USD. Trong khu vực, Singapore là quốc gia có tổng thương mại hàng hóa cao nhất với 704,4 tỷ USD, xuất siêu 45,2 tỷ USD. Philippine là quốc gia có tổng thương mại hàng hóa chỉ đứng thứ 6 trong khối với 160,4 tỷ USD và nhập siêu tới gần 30 tỷ USD. Trong khu vực còn có 2 quốc gia nhập siêu năm 2020 là Campuchia (1,6 tỷ USD) và Myanmar (1,1 tỷ USD).
 
Ngoài thị trường nội khối, các thị trường xuất khẩu lớn của các quốc gia thành viên ASEAN lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, EU-27, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, châu Úc.
 
Chương 6: Thương mại dịch vụ
 
Năm 2020, xuất khẩu dịch vụ của ASEAN đạt gần 316 tỷ USD, trong đó Singapore có giá trị xuất khẩu dịch vụ lớn nhất là 187,6 tỷ USD, ngược lại, Lào có giá trị xuất khẩu dịch vụ thấp nhất 346,2 triệu USD. Cũng trong năm 2020, khu vực ASEAN có kim ngạch nhập khẩu dịch vụ đạt 321 tỷ USD.
 
Chương 7: Đầu tư trực tiếp nước ngoài
 
Trong năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN chỉ đạt 137,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều mức 182 tỷ USD của năm 2019 và thấp hơn cả những con số của các năm 2017 (156,1 tỷ USD) và năm 2018 (149,5 tỷ USD). Trong khu vực, năm 2020, Singapore là quốc gia thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 90,6 tỷ USD, chiếm 65,99% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn khu vực; cao hơn rất nhiều so với các quốc gia đứng tiếp sau đó là Indonesia (18,3 tỷ USD); Việt Nam (15,8 tỷ USD). Vốn đầu tư nước ngoài vào ASEAN chủ yếu đến từ Mỹ (38,5 tỷ USD), EU-27 (10,0 tỷ USD), Trung Quốc (7,7 tỷ USD), Nhật Bản (6,8 tỷ USD). Hoạt động tài chính và bảo hiểm là lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất với 50,3 tỷ USD; theo theo là thương mại bán buôn và bán lẻ, sửa chữa xe có động cơ và chu trình động cơ (26,9 tỷ USD); chế tạo (19,9 tỷ USD); hoạt động chuyên môn, khoa học và kỹ thuật (11,2 tỷ USD).
 
Chương 8: Vận tải
 
Năm 2020, trong 10 quốc gia thành viên, Indonesia có tổng số phương tiện cơ giới đường bộ đăng ký là cao nhất với 131,0 nghìn phương tiện; tiếp đến là Thái Lan 41,5 nghìn phương tiện; malaysia (32,4 nghìn phương tiện) Philipnin (11,8 nghìn phương tiện). Tổng số phương tiện trên 1000 dân ở Brunei là 997,8; Malysia (993,7); Thái Lan (608,7)...
 
Số lượng sân bay trong nước tại Indonesia là 263 sân bay, Philippine là 87 sân bay, Malaysia là 35 sân bay, Thái Lan là 31 sân bay. Các quốc gia còn lại có số sân bay trong nước khá ít. Về số lượng sân bay quốc tế, Indonesia cũng là quốc gia có nhiều sân bay quốc tế nhất vơi 34 sân bay, trong khi đó số lượng sân bay quốc tế tại các nước còn lại là khá khiêm tốn. Năm 2020, lưu lượng hành khách nội địa di chuyển bằng đường hàng không tại các quốc gia thành viên sụt giảm đáng kể. Cụ thể, lưu lượng hành khách nội địa di chuyển bằng đường hàng không của Indonesia chỉ là 35,4 triệu lượt hành khách; Thái Lan gần 42 triệu lượt hành khách, Philippine là 12,6 triệu lượt hành khách. Lưu lượng khách quốc tế trong năm 2020 cũng sụt giảm mạnh ở tất cả các quốc gia trong khu vực, tại Thái Lan là 16,3 triệu lượt hành khách; Singapore là 11,6 triệu lượt hành khách; Malaysia là 9,5 triệu lượt hành khách, Indonesia là 7,2 triệu lượt hành khách.
 
Chương 9: Du lịch
 
Do tác động của tình hình dịch bệnh Covid - 19 nên lượng khách đến ASEAN năm 2020 giảm mạnh, chỉ còn 26,1 triệu lượt khách, giảm 81,8% so năm 2019. Trong đó, lượng khách du lịch nội khối là 9,2 triệu lượt khách, giảm 82%. Lượng khách quốc tế đến ASEAN chỉ còn gần 17 triệu lượt khách, giảm 81,5%.
 
Chương 10: Nông nghiệp
 
Tính đến năm 2019, tổng diện tích đất nông nghiệp của toàn khu vực là 449,2 triệu ha, trong đó diện tích đất sử dụng là gần 439,5 ha. Năm 2020, sản lượng lúa của toàn khu vực đạt 191,2 triệu tấn, tăng gần 2% so năm 2019.
 
Tình hình chăn nuôi trong khu vực ổn định, riêng tình hình chăn nuôi gia cầm có xu hướng tăng qua các năm. Năm 2019, cả khu vực có gần 78,6 nghìn đàn lợn; 37,8 nghìn đàn dê; 19,2 nghìn đàn cừu; 5.321,5 triệu con gà và 221,3 triệu con vịt. Tổng sản lượng thịt gia súc, gia cầm năm 2019 là gần 22,1 triệu tấn. Trong đó sản lượng thịt lợn năm 2019 đạt 8,0 triệu tấn; thịt trâu và bò là 2,1 triệu tấn; thịt cừu, thịt dê là gần 0,4 triệu tấn và thịt gia cầm là 11,6 triệu tấn.
 
Chương 11: Chế tạo
 
Số lượng cơ sở sản xuất chế tạo tại các quốc gia thành viên ASEAN có xu hướng tăng đều qua các năm và ngày càng thu hút nhiều lao động trong lĩnh vực này. Trong khu vực, Indonesia là quốc gia tập trung số lượng lớn cơ sở sản xuất chế tạo có quy mô lớn.
 
Chương 12: Các chỉ tiêu xã hội khác
 
Mỗi quốc gia đều xây dựng tiêu chí để xác định chuẩn nghèo khác nhau. Năm 2019, tỷ lệ dân số dưới Chuẩn nghèo quốc gia của Indonesia là 9,4%, của Thái Lan là 6,2%; Việt Nam là 5,7% và Malaysia là 5,6%.
 
Trong năm 2019, hệ số Gini của các quốc gia: Singapore là 0,452; Thái Lan 0,430; Malaysia là 0,407; Việt Nam 0,395 và Indonessia là 0,392. Tỷ lệ ghế trong cơ quan lập pháp quốc gia do phụ nữ nắm giữ tại Singapore là khá cao với 29,8%, tiếp đến là Việt Nam 26,8%; Indonesia là 20,5%.
 
Chương 13: Các lĩnh vực khác
 
Năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu dầu thô của toàn khu vực là gần 9,6 tỷ USD; tổng giá trị nhập khẩu dầu thô là gần 46,7 tỷ USD. Ngoại thị trường nội khối, các thị trường xuất khẩu dầu thô chính của ASEAN là châu Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Trong khi đó ASEAn chủ yếu nhập khẩu dầu thô từ các thị trường Ả-rập Xê-út, các Tiểu vương quốc Ả rập, Kuwait, Mỹ, Qatar…
 
Tổng diện tích trồng rừng của khu vực năm 2020 là 206.6 triệu ha, giảm 3,4% so với năm 2010.
 
Tỷ lệ người dân tiếp cận dịch vụ internet trên 100 dân của toàn khu vực là 62,9/100 dân, tỷ lệ này ở Singapore là rất cao với 92,0/100 dân; trong khi ở Indonesia chỉ là 53,7/100 dân./.
 
Quang Vinh