Trong giai đoạn 2002-2018, nền kinh tế Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, đời sống của người dân, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên, người dân được hưởng nhiều dịch vụ với chất lượng ngày càng cao. Cơ cấu phân phối thu nhập thay đổi khá nhỏ (Xem hình 1). Cụ thể : (1) Tỷ trọng thu nhập của nhóm 5 có xu hướng giảm và sơ bộ năm 2018 đạt mức thấp nhất trong cả giai đoạn, so với mức cao nhất đạt vào năm 2008 (năm xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới), tỷ trọng thu nhập của nhóm này đã giảm 1,3 điểm phần trăm; (2) Tỷ trọng thu nhập của nhóm 4 có xu hướng tăng và sơ bộ năm 2018 đạt mức cao trong cả giai đoạn, so với mức thấp nhất đạt tại năm 2002, tỷ trọng thu nhập của nhóm này đã tăng 1,3 điểm phần trăm; (3) Tỷ trọng thu nhập của nhóm 3 có xu hướng tăng và sơ bộ năm 2018 đạt mức cao nhất trong cả giai đoạn, so với mức thấp nhất đạt tại năm 2002, tỷ trọng thu nhập của nhóm này đã tăng 1 điểm phần trăm ; (4) Tỷ trọng thu nhập của nhóm 2 lúc tăng lúc giảm nhưng biên độ khá nhỏ, khá ổn định và không có xu hướng rõ rệt. So với mức cao nhất đạt năm 2002, sơ bộ năm 2018, tỷ trọng thu nhập của nhóm này đã giảm 2 điểm phần trăm. Tỷ trọng thu nhập của nhóm này đạt mức thấp nhất vào các năm 2008 và 2010, giai đoạn khủng hoảng và hậu khủng hoảng kinh tế thế giới; (5) Tỷ trọng thu nhập của nhóm 1 giảm dần qua các năm, năm sau thấp hơn năm trước, sơ bộ năm 2018 đạt mức thấp nhất trong cả giai đoạn, so với mức cao nhất tại năm 2002, tỷ trọng thu nhập của nhóm này đã giảm 1,3 điểm phần trăm.
Hình 1: Tỷ trọng thu nhập của các nhóm
Nguồn số liệu: Tính toán của tác giả dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê
Ghi chú: Số liệu năm 2018 là số liệu sơ bộ
Ghi chú: Số liệu năm 2018 là số liệu sơ bộ
Từ phân tích này, có 2 nhận xét được rút ra: Thứ nhất, việc giảm tỷ trọng thu nhập của nhóm 5 và tăng tỷ trọng thu nhập của nhóm 3 là dấu hiệu tích cực nhưng việc giảm tỷ trọng của 2 nhóm nghèo nhất lại là dấu hiệu tiêu cực. Kết quả tăng trưởng kinh tế đã được phân bổ lại, chủ yếu nhóm 3 và 4 được hưởng lợi (đặc biệt là nhóm 4) nhưng 2 nhóm dân cư nghèo nhất gần như không được hưởng lợi nhiều. Nếu đứng ở vị trí của 60% dân cư giàu nhất, dường như mức độ bất bình đẳng về thu nhập đã giảm, nhưng nếu đứng ở vị trí của 40% người nghèo nhất còn lại, rõ ràng, bất bình đẳng về thu nhập lại tăng lên. Thứ hai, khủng hoảng kinh tế không những không xâm hại mà còn mang thêm lợi ích đến cho người giàu.
Để đo lường bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, có nhiều thước đo khác nhau như hệ số Gini, hệ số giãn cách thu nhập, tiêu chuẩn 40WB… Hệ số giãn cách thu nhập được tính bằng tỉ số giữa thu nhập của 20% dân số có thu nhập cao nhất trên thu nhập của 20% dân số có thu nhập thấp nhất. Hệ số này càng lớn, tình trạng bất bình đẳng càng cao. Tiêu chuẩn 40WB do Ngân hàng Thế giới đề xuất, được tính bằng tỷ lệ thu nhập (chi tiêu) của 40% dân số có mức thu nhập (chi tiêu) thấp nhất trong xã hội trên tổng thu nhập (chi tiêu) của toàn bộ dân cư. Nếu tỷ lệ này trên 17%, ta có bất bình đẳng ở mức thấp, từ 12% đến 17%, ta có bất bình đẳng ở mức vừa, dưới 12% là bất bình đẳng ở mức cao.
Hệ số Gini cho thấy, mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của cả nước đang có xu hướng tăng lên. So với mức thấp nhất tại năm 2002, sơ bộ năm 2018, mức độ bất bình đẳng đã tăng 0,4 điểm phần trăm, con số chính thức có thể còn cao hơn. Trong cả 2 giai đoạn, có 2 chu kì tăng đạt đỉnh vào năm 2008 và 2016. Năm 2008 là năm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến nền kinh tế của tất cả các quốc gia. Năm 2016 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vô cùng ảm đạm với các biến cố xảy ra như cuộc khủng hoảng người di cư, nước Anh quyết định rời khỏi EU. Trong khi đó, trong nước, ngoài hứng chịu các biến cố thiên tai hàng năm như rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc, tình trạng hạn hán Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, bão lũ ở các tỉnh miền Trung, chúng ta còn gặp phải sự cố môi trường biển nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Hệ số giãn cách thu nhập và tỷ trọng thu nhập 40% nghèo nhất lại cho thấy một khía cạnh hoàn toàn khác. Bất kể khủng hoảng hay biến cố có xảy ra hay không thì cũng không ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng của bất bình đẳng, bất bình đẳng tăng rõ rệt qua các năm và không có biến động đột biến. Sơ bộ năm 2018, bất bình đẳng đã đạt ở mức cao nhất trong cả giai đoạn. Nhóm giàu nhất có thu nhập gấp 10 lần nhóm nghèo nhất, thay vì 8 lần ở năm 2002. 40% nghèo nhất chỉ chiếm giữ 14,6% thu nhập thay vì 16,1% ở năm 2002. So với trước kia, những nhóm dân cư nghèo nhất vẫn chưa được hưởng lợi từ thành quả tăng trưởng.
Còn theo tiêu chuẩn 40WB của Ngân hàng Thế giới, chúng ta luôn ở mức trên 17%, cho thấy bất bình đẳng ở mức thấp so với thế giới và có xu hướng giữ ổn định trong cả giai đoạn.
Còn theo tiêu chuẩn 40WB của Ngân hàng Thế giới, chúng ta luôn ở mức trên 17%, cho thấy bất bình đẳng ở mức thấp so với thế giới và có xu hướng giữ ổn định trong cả giai đoạn.
Hình 2: Mức độ bất bình đẳng thu nhập khu vực nông thôn và thành thị
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê
Ghi chú: Số liệu năm 2018 là số liệu sơ bộ
Ghi chú: Số liệu năm 2018 là số liệu sơ bộ
Nếu phân tích cụ thể mức độ bất bình đẳng thu nhập ở khu vực nông thôn và thành thị, trong giai đoạn 2002-2018, dù là hệ số Gini hay hệ số giãn cách thu nhập, tỉ trọng thu nhập của 40% nghèo nhất đều phản ánh sự tăng lên rõ rệt mức độ bất bình đẳng ở khu vực nông thôn, trong khi mức độ bất bình đẳng ở khu vực thành thị đang có chiều hướng giảm đi; bất bình đẳng có xu hướng dịch chuyển từ khu vực thành thị sang khu vực nông thôn. Có thể giải thích hiện tượng này như sau: Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận thông tin của mọi người dân đều được nâng cao. Người lao động ở khu vực thành thị (thường là những lao động đã qua đào tạo, có tay nghề) có nhiều lựa chọn hơn trong việc lựa chọn công việc của mình cũng như mức lương tương ứng. Để có thể thu hút và giữ được người tài, nhiều công ty có những chế độ đãi ngộ rất tốt đối với người lao động. Thành quả tăng trưởng được phân phối tới người lao động nhiều hơn, từ đó mức độ bất bình đẳng cũng dần được cải thiện. Tại nông thôn, dân trí ở nhiều nơi vẫn còn tương đối đơn giản, khả năng tiếp cận thông tin của người dân vẫn còn bị giới hạn, lao động còn lại ở khu vực nông thôn đa phần là những người không có tay nghề hoặc người già. Bởi vậy, họ ít có khả năng thương lượng công việc cũng như mức lương đáng được hưởng của mình, khoảng cách giàu nghèo vì vậy ngày càng kéo giãn ra. Theo số liệu thể hiện, mức độ bất bình đẳng ở khu vực nông thôn sẽ vẫn còn tiếp tục tăng lên và ở mức cao hơn khá nhiều so với khu vực thành thị.
Ở góc độ vùng, dù căn cứ theo thước đo nào, Đông Nam Bộ hiện nay vẫn là vùng bình đẳng nhất trong cả nước, trong khi Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc là 2 vùng bất bình đẳng nhất và cách biệt khá nhiều so với các vùng còn lại. Vùng Đông Nam Bộ đã thực hiện tốt công cuộc giảm bất bình đẳng, khi đây đã từng là khu vực bất bình đẳng nhất trong cả nước ở đầu thời kì.
Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc là hai vùng có mức thu nhập trung bình nằm trong tốp 3 thấp nhất của cả nước, đồng thời cũng là 2 vùng bất bình đẳng nhất. Bất bình đẳng của 2 vùng này tăng rõ rệt trong cả giai đoạn. Đối với các vùng còn lại, xét theo hệ số Gini, bất bình đẳng không có xu hướng thay đổi rõ rệt, nhưng xét theo hệ số giãn cách thu nhập thì chênh lệch giữa nhóm 20% giàu nhất và 20% nghèo nhất đang tăng qua các năm. Xét theo tỉ trọng thu nhập 40% nghèo nhất thì 40% nghèo nhất đang giữ phần thu nhập ít hơn so với trước. Có thể nói, các vùng này đã có những biện pháp để cải thiện khá tốt phần thu nhập của nhóm 3, nhóm 4 nhưng phần thu nhập của nhóm 1, nhóm 2 vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Hình 3: Liên hệ thu nhập và mức độ bất bình đẳng Việt Nam giai đoạn 2002-2018
Nếu phác họa dữ liệu của tất cả các vùng giai đoạn 2002-2018 trong cùng một đồ thị, cho thấy dấu hiệu của đường Kuznet, ứng với mức thu nhập cao, bất bình đẳng có xu hướng giảm và ứng với mức thu nhập thấp, bất bình đẳng có xu hướng tăng lên. Mối liên hệ này được thể hiện khá rõ nét, dưới dạng đường parabol quay bề lõm lên trên (xem hình 3). Đỉnh của parabol, thể hiện mức độ bất bình đẳng cao nhất, đạt tại mức thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, tương đương 30 triệu đồng/năm. Điều này có nghĩa là trong giai đoạn 2002-2018, nếu mức thu nhập bình quân vùng dưới 2,5 triệu đồng/tháng thì bất bình đẳng có xu hướng tiếp tục gia tăng và ngược lại, nếu mức thu nhập bình quân vùng trên 2,5 triệu đồng/tháng, bất bình đẳng có xu hướng giảm đi.
Các phân tích trên cho thấy, bất bình đẳng thu nhập vẫn đang gia tăng hầu hết trên cả nước và nhóm dân cư nghèo nhất vẫn đang là nhóm chịu tổn thương. Về dài hạn, vấn đề bất bình đẳng thu nhập cần phải được lưu ý giải quyết và nên lấy mục tiêu xóa đói giảm nghèo làm trung tâm của chiến lược giảm thiểu bất bình đẳng; cần không ngừng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của các chính sách xóa đói giảm nghèo; nâng cao chất lượng đào tạo; có chính sách y tế phù hợp đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận với những dịch vụ y tế tối thiểu, đặc biệt quan tâm đến nhóm dân cư nghèo nhất, thường tập trung ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân tộc đồng bào thiểu số. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cần đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, minh bạch giữa các cá nhân, tổ chức. Các chính sách cần được cụ thể, rõ ràng, có hướng dẫn chi tiết và dễ tiếp cận để các cá nhân, tổ chức có thể nắm bắt và thực hiện các quy định phù hợp với các điều kiện riêng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế, có các chính sách trọng dụng và thu hút nhân tài, một mặt nhằm nâng cao mức sống và nhận thức của người dân về hậu quả của bất bình đẳng, mặt khác nhằm tạo nguồn lực có chất lượng cho tăng trưởng kinh tế bền vững./.
ThS. Nguyễn Thanh Hằng
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN