Giải quyết thách thức mang tính toàn cầu về Ô nhiễm nhựa - Vai trò của công cụ ràng buộc pháp lý tiêu chuẩn quốc tế

|

Giải quyết thách thức mang tính toàn cầu về Ô nhiễm nhựa - Vai trò của công cụ ràng buộc pháp lý tiêu chuẩn quốc tế

Ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường cấp bách trên toàn cầu khi việc sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần ngày càng tăng nhanh chóng đã lấn át khả năng giải quyết chúng của thế giới. Điều đó đã thúc đẩy nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong việc đưa ra một hiệp ước toàn cầu nhằm đàm phán về một công cụ ràng buộc pháp lý để chống ô nhiễm nhựa. Trong bối cảnh đó, các tiêu chuẩn quốc tế được phát triển và đưa ra công chúng để cung cấp những công cụ hữu ích nhằm biến cam kết thành hành động.


Ô nhiễm nhựa trở thành thách thức toàn cầu và chính sách, hành động giải quyết vấn đề


Nhựa hiện nay được sử dụng trong hầu hết mọi lĩnh vực. Bao bì dùng một lần, lưới đánh cá, nông nghiệp, vật tư y tế, phụ tùng ô tô, dệt may, điện tử và nhiều sản phẩm và linh kiện khác được làm từ nhiều loại polyme, hầu hết là vật liệu nguyên chất có nguồn gốc từ hóa thạch. Thế giới sản xuất hơn 380 triệu tấn nhựa hàng năm (Charron, 2023)1, tuy nhiên, chỉ 9% nhựa được tái chế (OECD, 2022)2 và ít nhất 11 triệu tấn nhựa đổ ra đại dương mỗi năm (Ocean Conservancy, 2023)3. Vi nhựa thường xuyên được phát hiện trong đất nông nghiệp (Sa’adu & Farsang, 2023)4, trong không khí (Yale E360, 2022)5 và đã lan rộng khắp thế giới thông qua các dòng hải lưu và gió, thậm chí đến những địa điểm xa xôi nhất (Spek, 2023)6.
 
Ô nhiễm nhựa có những tác động tiêu cực, không chỉ đối với các hệ sinh thái sinh vật mà còn có tác động đáng kể đến sức khỏe con người và hệ thống khí hậu toàn cầu. Chi phí gánh nặng sức khỏe của vòng đời của nhựa (tích lũy hàng năm) được ước tính là hơn 250 tỷ USD (Landrigan và cộng sự, 2023)7. Vòng đời của nhựa chịu trách nhiệm cho khoảng 3,7% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, chủ yếu là do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất. Những tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa được phân bổ đều trên toàn cầu, tuy nhiên, tác động rõ ràng nhất ở Nam bán cầu và các hòn đảo nhỏ nằm ở hạ lưu trong chuỗigiá trị của các sản phẩm từ nhựa (Landrigan và cộng sự, 2023)8.
 
Giá trị thương mại nhựa toàn cầu (bao gồm nhựa trong sản phẩm hoặc chất thải nhựa) trong năm 2021 là khoảng 1,2 nghìn tỷ USD, chiếm 5% tổng giao dịch. Tuy nhiên, hệ thống thương mại hiện tại chưa đáp ứng đầy đủ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp nhựa bền vững và an toàn. Chưa có nhiều chính sách thúc đẩy việc áp dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm từ nhựa. Ví dụ, mức thuế trung bình trên toàn thế giới đối với ống hút nhựa là 7,7%, trong khi đối với ống hút giấy là 13,3%, điều này làm cho các sản phẩm thay thế sản phẩm từ nhựa kém cạnh tranh hơn so với các sản phẩm từ nhựa (UNCTAD, 2023)9.
 
Ô nhiễm nhựa là một vấn đề phức tạp và xuyên quốc gia, đòi hỏi phải có chính sách và hành động phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức và được thực hiện ở nhiều cấp độ. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn chỉ được tiếp cận một cách rời rạc, chưa đồng bộ.
 
Đối với cấp toàn cầu: Chính sách và hành động giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa ở cấp độ toàn cầu được thực hiện tại Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC). INC được thành lập theo Nghị quyết 14/5 của UNEA “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế” (2022).
 
Trước khi triển khai INC, chính sách và hành động giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đã được đề cập trong các thỏa thuận môi trường khác, trong đó, thường tập trung vào xử lý chất thải và một số giai đoạn cuối của vòng đời nhựa (ví dụ: Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới của chất thải nguy hại; Công ước London về ngăn ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác...).
 
Thương mại nhựa đại diện cho một phần quan trọng của thương mại toàn cầu. Đối thoại về Ô nhiễm Nhựa và Bền vững Môi trường Thương mại Nhựa (DPP) được thực hiện vào năm 2020 tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO). Mục tiêu chính là việc các nhà tài trợ sẽ đưa ra các lựa chọn để cải thiện hợp tác thương mại nhằm giảm ô nhiễm nhựa, chuyển đổi sang nhựa toàn cầu tuần hoàn hơn và bền vững hơn (WTO, n.d.)10. Tuyên bố cấp Bộ trưởng WTO lần thứ 13 năm 2024 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác với các tổ chức quốc tế như ISO, đặc biệt là việc khuyến khích thúc đẩy hợp tác về tiêu chuẩn quốc tế nhằm hỗ trợ sự minh bạch của thương mại toàn cầu.
 
Đối với cấp khu vực: Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của Liên minh châu Âu là một trong những công cụ cấp khu vực duy nhất nhằm giải quyết các giai đoạn đầu của vòng đời nhựa (bao gồm sản xuất và thiết kế các sản phẩm polyme và nhựa). Kế hoạch này đặt mục tiêu thiết kế sản phẩm, thúc đẩy các quá trình kinh tế tuần hoàn, khuyến khích tiêu dùng bền vững và nhằm mục đích ngăn chặn chất thải, bao gồm cả chất thải nhựa (Ủy ban Châu Âu, n.d.)11.
 
Một số khu vực khác, như Cộng đồng Đông Phi (EAC), đang nghiên cứu các phương pháp tiếp cận hài hòa trong khu vực (bao gồm các giải pháp về thể chế, chính sách) để giải quyết ô nhiễm nhựa, từng bước hình thành dự thảo Dự luật về nhựa sử dụng một lần ở Đông Phi (UNCTAD & EAC, 2023)12.
 
Có thể thấy rằng, một số chính sách và hành động cấp khu vực có tác động sâu rộng đến nền kinh tế của các quốc gia. Một số hiệp định khu vực được thông qua theo Công ước Biển Khu vực cũng đặt mục tiêu giải quyết tình trạng ô nhiễm, bao gồm cả ô nhiễm nhựa.
 
Đối với cấp quốc gia: Một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách quốc gia là việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế và khu vực với chính sách quốc gia. Bối cảnh hiện tại của các chính sách về nhựa và nền kinh tế tuần hoàn của quốc gia còn rời rạc, thiếu đồng bộ, khó có thể giải quyết được toàn bộ phạm vi của cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa.
 
Một nghiên cứu năm 2023 của Tổ chức Kinh tế Thế giới (WTO) đã chỉ ra rằng, nhiều Chính phủ đã áp dụng các công cụ quản lý, thậm chí có thể áp dụng “lệnh cấm”, thay vì các biện pháp khuyến khích kinh tế (như: thuế) (Virdin và cộng sự, 2020)13. Tính đến năm 2022, hơn 90 quốc gia đã áp dụng biện pháp “lệnh cấm” hoàn toàn hoặc cấm một phần túi nhựa. Để các “lệnh cấm” và hạn chế quốc gia có hiệu quả, cần phải có các biện pháp thực hiện, như: Theo dõi khối lượng nhập khẩu; công nghệ phát hiện các polyme độc hại… (Diễn đàn kinh tế thế giới, 2022)14
 
Tại Việt Nam: Việc sử dụng đồ nhựa như: Thìa nhựa, ly nhựa, cốc nhựa, bát nhựa phục vụ quá trình sinh hoạt hàng ngày của con người, nhất là ở các cửa hàng bán đồ ăn uống hay tại các sự kiện, buổi dã ngoại... đã trở thành thói quen của người Việt Nam. Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: “Ở Việt Nam, hiện nay, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, 80% số túi nilon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Rác thải nhựa gây ra cái chết cho nhiều sinh vật, các hóa chất phụ gia trong sản phẩm nhựa có thể tác động trực tiếp đến con người và động vật” (tại tọa đàm “Đánh bại ô nhiễm nhựa - Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam”).
 
Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; tuy nhiên nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa.
 
Cùng với những chính sách, biện pháp thương mại và những cam kết quốc tế mạnh mẽ, hệ thống tiêu chuẩn quốc tế trở thành công cụ quan trọng trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa toàn cầu, hướng tới một nền kinh tế nhựa tuần hoàn, bền vững và an toàn.
 

Vai trò tiêu chuẩn quốc tế trong việc hỗ trợ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa toàn cầu

Tiêu chuẩn quốc tế có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển và thực hiện chính sách công quốc gia. Việc chuẩn bị và áp dụng chính sách công là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách và quản lý.
 
Các tiêu chuẩn quốc tế do ISO, IEC và ITU xây dựng và phát triển, được gọi chung là các Tổ chức Hợp tác Tiêu chuẩn Thế giới (WSC), là các tiêu chuẩn có tính chất toàn cầu. Những tiêu chuẩn này thể hiện nhiều vấn đề quan điểm và chuyên môn, bao gồm cả những quan điểm liên quan đến các mối quan tâm xã hội, môi trường và kinh doanh. Những tiêu chuẩn này giúp định hướng và bảo đảm sự hài hòa tốt nhất trong việc đảm bảo tính nhất quán, xây dựng lòng tin và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế giữa các quốc gia và các bên liên quan. Các tiêu chuẩn quốc tế do WSC phát triển phù hợp với 6 nguyên tắc của Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của WTO (TBT) trong việc xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và khuyến nghị quốc tế. Vì vậy, các tiêu chuẩn này không gây ra bất kỳ trở ngại “không cần thiết nào” cho hoạt động thương mại.
 
Việc tham chiếu các tiêu chuẩn quốc tế trong quy định, luật pháp hoặc chính sách hoặc hành động của các quốc gia sẽ cho phép các cơ quan quản lý tiết kiệm nguồn lực thông qua các thông lệ “thực hành tốt” đã được quốc tế thống nhất. Các tiêu chuẩn quốc tế giúp làm tăng cường đáng kể sự chấp nhận của chính sách hoặc pháp luật, đồng thời cũng bảo đảm hỗ trợ việc cải thiện các quy định, chính sách của các quốc gia.
 
Tiêu chuẩn quốc tế bảo đảm phát triển bền vững
 
Phần lớn tác động của sản phẩm trong suốt chu trình vòng đời, bao gồm cả khả năng tái chế, được xác định ở giai đoạn thiết kế sản phẩm. Nhựa sử dụng một lần góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa (Tổ chức Ellen MacArthyr, nd)15. Hiện nay, cách thức phổ biến nhất để thúc đẩy việc tái sử dụng là hạn chế sử dụng các sản phẩm sử dụng một lần. Ví dụ như “đánh thuế” túi nhựa (Thành phố nhựa thông minh, 2023)16.
 
Những nỗ lực tiêu chuẩn quốc tế nhằm giải quyết các khía cạnh khác nhau của ô nhiễm nhựa hiện đang được tiến hành ở mọi cấp độ như cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng tiêu chuẩn quốc tế làm công cụ có giá trị khi xây dựng các quy định, chiến lược và kế hoạch quốc gia để đạt được các mục tiêu chính sách nhằm chống ô nhiễm nhựa và tiến tới một nền kinh tế tuần hoàn và bền vững.
 
Tiêu chuẩn quốc tế bảo đảm minh bạch
 
Với sự phổ biến của nhãn sinh thái, bao gồm cả các tuyên bố tự công bố, hướng dẫn được tiêu chuẩn hóa có thể giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng thông qua việc áp dụng các quy trình xác minh yêu cầu (BCG, 2022)17. ISO 14021, Nhãn môi trường và công bố - Các công bố về môi trường tự công bố (ghi nhãn môi trường loại II) đưa ra phương pháp xác minh và nêu rõ các yêu cầu đối với tuyên bố về môi trường tự tuyên bố.
 
Một số tiêu chuẩn đưa ra các định nghĩa và yêu cầu kỹ thuật cụ thể cho các sản phẩm có thể phân hủy sinh học và có thể phân hủy, chẳng hạn như ISO 5412, Nhựa - Túi mua hàng bằng nhựa có thể phân hủy công nghiệp và ISO 5424, Nhựa - Ống hút uống bằng nhựa công nghiệp có thể phân hủy. Những tiêu chuẩn này và các tiêu chuẩn khác có thể là công cụ thúc đẩy các sản phẩm thay thế bền vững cho các sản phẩm sử dụng một lần. Ví dụ: Chỉ thị (EU) 2019/904 tại Hy Lạp quy định rằng các sản phẩm nhựa phải được đánh dấu rõ ràng theo ΕΝ ISO 14021 hoặc tiêu chuẩn tương đương.
 
Tiêu chuẩn quốc tế bảo đảm quản lý chất thải
 
Tiêu chuẩn hóa việc đánh dấu và ghi nhãn cũng có thể giúp đảm bảo phân loại và thu gom rác thải nhựa đúng cách. Điều này rất cần thiết để đẩy nhanh quá trình tái chế và ngăn ngừa ô nhiễm nguyên liệu tái chế. Việc tái chế chất thải đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng quản lý chất thải mà tiêu chuẩn quốc tế đưa ra để bảo đảm đáp ứng các vấn đề về chuyên môn kỹ thuật. ISO 14001 và các tiêu chuẩn liên quan đóng vai trò là nền tảng để đảm bảo rằng các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng tuân thủ các biện pháp “thực hành tốt” về môi trường, qua đó có thể chứng minh sự tuân thủ này thông qua hoạt động chứng nhận của bên thứ 3. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế có thể là một phần của tiêu chí đánh giá khi tài trợ cho các dự án, cũng như giảm thiểu rủi ro vì chứng chỉ ISO được công nhận toàn cầu, thống nhất trên toàn thế giới.

Đề xuất và kiến nghị triển khai phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tại Việt Nam

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng như:
 
Ban hành những chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, đặc biệt đối với các bao bì nhựa, nilon khó phân hủy.
 
Áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa. Áp dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa bằng nhiều phương pháp, vừa có thể xử lý chất thải nhựa khó phân hủy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường.
 
Có biện pháp khắc chế với các cơ sở sản xuất và phân phối đồ nhựa; tăng cường giám sát, thành lập những đội kiểm tra với hành vi xả rác, xả thải bừa bãi, xử lý vi phạm những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp, sử dụng đồ nhựa trong mô hình kinh doanh đã bị cấm sử dụng đồ nhựa.
 
Tuyên truyền nhiều hơn nữa tới người dân về tác hại, mặt trái của sự tiện lợi mà đồ nhựa đem lại. Ngoài ra, cần thuyết phục mọi người thay đổi thói quen dùng đồ nhựa một lần rồi vứt bỏ vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí tiền bạc, mà chuyển sang những đồ dùng có thể tái sử dụng.
 
Xây dựng và triển khai các tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Việc Ban hành các tiêu chuẩn cụ thể cho các sản phẩm đồ nhựa và túi nilon để có thể sử dụng sản phẩm nhựa, túi thân thiện với môi trường; xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích sản xuất sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, túi nilon thân thiện với môi trường.
 
Cuộc chiến chống rác thải nhựa là cuộc chiến lâu dài, nhiều thế hệ. Mỗi người dân Việt Nam cần nâng cao thêm ý thức, trách nhiệm của mình với môi trường, xã hội xung quanh, loại bỏ rác thải nhựa từ những thói quen thường nhật nhất. Thông qua hoạt động tiêu chuẩn hóa, có thể “biến” các sản phẩm nhựa đã sử dụng để tái chế vào các mục đích khác nhau, triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, sử dụng bao bì nhựa thân thiện với môi trường; giải pháp quản lý việc sử dụng, tái chế, xử lý rác thải nhựa… Qua đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng đồ nhựa và quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam sẽ được tiếp tục phát triển bền vững theo hướng thân thiện môi trường./.
 
Một số tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm nhựa tái chế hiện nay 
Số hiệu tiêu chuẩn Tên tiêu chuẩn quốc gia Tiêu chuẩn tương đương
TCVN 9494:2012 Chất dẻo. Xác định khả năng phân hủy sinh học hiếu khí hoàn toàn của vật liệu chất dẻo trong đất bằng cách đo nhu cầu oxy trong hô hấp kế (respirometer) hoặc đo lượng cacbon dioxit sinh ra. ISO 17556:2012
TCVN 9493-1:2012 Xác định khả năng phân hủy sinh học hiếu khí hoàn toàn của vật liệu chất dẻo trong các quá trình tạo compost được kiểm soát. Phương pháp phân tích cacbon dioxit sinh ra. Phần 1: Phương pháp chung. ISO 14855-1:2005
TCVN 9493-2:2012 Xác định khả năng phân hủy sinh học hiếu khí hoàn toàn của vật liệu chất dẻo trong các quá trình tạo compost được kiểm soát. Phương pháp phân tích cacbon dioxit sinh ra. Phần 2: Phương pháp đo trọng lượng của cacbon dioxit sinh ra trong phép thử quy mô phòng thử nghiệm ISO 14855-2:2007
TCVN 10523:2014 Chất dẻo - Xác định sự phân hủy sinh học kỵ khí tối đa của chất dẻo trong hệ thống phân hủy bùn được kiểm soát - Phương pháp đo sản lượng khí sinh học ISO 13975:2012
TCVN 11317:2016 Xác định khả năng phân hủy của vật liệu nhựa phơi nhiễm và thử nghiệm trong môi trường thông qua sự kết hợp của quá trình oxy hóa và phân hủy sinh học. ASTM D 6954:2004
TCVN 11318:2016 Xác định khả năng phân hủy sinh học hiếu khí hoàn toàn các vật liệu nhựa trong môi trường nước - Phương pháp đo nhu cầu oxy trong thiết bị đo tiêu hao oxy khép kín. ISO 14851:1999
TCVN 11319:2016 Xác định khả năng phân hủy sinh học hiếu khí hoàn toàn của các vật liệu nhựa trong môi trường nước - Phân tích lượng cacbon dioxit phát sinh. ISO 14852:1999
TCVN 13152:2020 Chất dẻo - Phương pháp chuẩn bị mẫu để thử nghiệm phân hủy sinh học ISO 10210:2012
TCVN 13153:2020 Chất dẻo - Xác định sự phân hủy sinh học kị khí tối đa trong điều kiện phân rã kị khí có hàm lượng chất rắn cao - Phương pháp phân tích khí sinh học thoát ra ISO 15985:2014
TCVN 13151-1:2020 Chất dẻo - Hàm lượng chất gốc sinh học - Phần 1: Nguyên tắc chung IEC TR 62471-3:2015
TCVN 13151-2:2020 Chất dẻo - Hàm lượng chất gốc sinh học - Phần 2: Xác định hàm lượng cacbon gốc sinh học IEC 62471-5:2015
TCVN 13151-3:2020 Chất dẻo - Hàm lượng chất gốc sinh học - Phần 3: Xác định hàm lượng polyme tổng hợp gốc sinh học ISO 16620-1:2015
TCVN 13151-4:2020 Chất dẻo - Hàm lượng chất gốc sinh học - Phần 4: Xác định hàm lượng khối lượng chất gốc sinh học ISO 16620-2:2019
TCVN 13151-5:2020 Chất dẻo - Hàm lượng chất gốc sinh học - Phần 5: Công bố hàm lượng cacbon gốc sinh học, hàm lượng polyme tổng hợp gốc sinh học và hàm lượng khối lượng chất gốc sinh học ISO 16620-3:2015
 
 ---------------------
 
 
1. Charron, A.,(2023),60x40: A global wave to halt plastic production and save our planet, Earth Day
2. OECD, (2022), Global Plastics Outlook - Economic Drivers, Environmental Impacts and Policy Options
3. Ocean Conservancy, (2023), Plastics in the Ocean
4. Ibrahim Sa’adu & Andrea Farsang, (2023), Plastic contamination in agricultural soils: a review, Environ Sci Eur 35, 13
5.Yale E360, (2022), Microplastics found in lungs of people undergoing surgery
6. Spek, H., (2023), Plastic rocks on an isolated island, Plastic Soup Foundation
7, 8. Landrigan, P.J., Raps, H., Cropper, M. et al., (2023), The Minderoo-Monaco Commission on Plastics and Human Health. Annals of Global Health, 89 (1)
9. UNCTAD, (2023), Scaling up plastic substitutes is key to tackling pollution
10. WTO. (n.d.). Plastics pollution and environmentally sustainable plastics trade 
11. European Commission. (n.d.). Circular economy action plan
12. UNCTAD & EAC, (2023), East African policymakers unite in efforts to find a harmonised regional approach to beating plastic pollution [Press release]
13. Virdin, J., Karasik, R., Vegh, T. et al., (202), 20 Years of Government Responses to the Global Plastic Pollution Problem: The Plastics Policy Inven- tory
14. WEF, (2022), How trade can help end plastic pollution
15. Ellen MacArthur Foundation. (n.d.), Plastics and the circular economy - deep dive
16. WWF - Plastic Smart Cities, (2023), Reuction & Reuse
17. BCG, (2022), Preparing for EU Green Claims Directive
  

TS. Hà Minh Hiệp - ThS. Nguyễn Thị Ngọc Minh
Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ)
ThS. Trịnh Quỳnh Trang
-
Bộ Khoa học và Công nghệ