Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp lữ hành

|

Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp lữ hành

Kết quả kinh doanh của các cơ sở lữ hành ở Việt Nam
 
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của kinh doanh lữ hành đối với những bước phát triển của ngành du lịch nước ta thời gian qua, nhất là về chỉ số tăng trưởng lượng khách quốc tế. Kết quả kinh doanh của các cơ sở lữ hành cho thấy, với sự bùng nổ của lượng du khách quốc tế đến Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành cũng đã có sự tăng trưởng nhất định, là cầu nối giữa du khách và mỗi địa phương, đóng góp không nhỏ vào con số 15,5 triệu lượt khách quôc tế đến với Việt Nam năm 2018, (tăng 19,9% so với năm 2017). Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch trong và ngoài nước của du khách nội địa đã góp phần tăng doanh thu cho hoạt động du lịch lữ hành nước ta thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 41 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 14,1% so với năm 2017..

 


Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2018 cả nước có 2022 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 788 doanh nghiệp cổ phần, 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 1214 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, hiện cả nước có hơn 19 nghìn hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ, trong đó có gần 8.000 hướng dẫn viên quốc tế.
 
Bảng trên cho thấy, mặc dù các cơ sở lữ hành của Việt Nam vẫn chú trọng mở rộng quy mô số lượng của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế nhưng hiện đang có chiều hướng giảm tốc so với đầu thập kỷ 2010 (tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp đã giảm từ mức 15,3% năm 2013 xuống chỉ còn ở mức 9,5% năm 2017). Tuy nhiên, đến năm 2018 tốc độ đã tăng trở lại với 15,4%. Một trong những điểm đáng lưu ý ở đây đó là trong khi số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước đang có chiều hướng suy giảm nhanh (từ 58 doanh nghiệp năm 2010 xuống chỉ còn 5 doanh nghiệp năm 2017) thì trái lại doanh nghiệp lữ hành thuộc khu vực ngoài nhà nước (nhất là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần) lại có xu hướng tăng cao trong cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế thuộc loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và loại hình công ty cổ phần đã đạt mức cao kỷ lục 1207 doanh nghiệp và 788 doanh nghiệp vào năm 2018 (tương ứng, cao gấp 1,53 lần và 2,3 lần so với các mức cùng kỳ của năm 2010). Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế thuộc loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng lên mức kỷ lục là 20 doanh nghiệp năm 2018. Điều này cho thấy các doanh nghiệp lữ hành quốc tế thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước (nhất là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần) chính là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở lữ hành phục vụ kinh doanh du lịch ở Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết quả phục vụ khách du lịch của các doanh nghiệp lữ hành ở Việt Nam thường có quy mô nhỏ hơn rất nhiều (đạt 18,7 nghìn lượt khách năm 2016 và chỉ bằng 13% so với tổng khách du lịch được các cơ sở lưu trú phục vụ trong cùng kỳ). Trên thực tế, các doanh nghiệp lữ hành ở Việt Nam vẫn chủ yếu phục vụ khách du lịch nội địa (chiếm tỷ trọng 62,2% năm 2016) và một phần khác là phục vụ khách quốc tế đến Việt Nam (chiếm 21,2% trong cùng kỳ). Đặc biệt, số khách Việt Nam đi du lịch quốc tế do các doanh nghiệp lữ hành phục vụ đã đạt tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục, khoảng 431% trong năm 2016 - tức là cao gấp 43,1 lần so với mức tăng trưởng trong cùng kỳ của năm 2014). Điều này có thể được lý giải một phần bởi sự mở rộng đáng kể của tầng lớp trung lưu ở nước ta cũng như xu hướng cải thiện thu nhập của người dân nói chung.
                                              
Bảng 1: Quy mô doanh nghiệp lữ hành quốc tế 
                                                                            giai đoạn 2013-2018
 
 
 
Năm
Loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp)
Doanh nghiệp Nhà nước Công ty THHH Doanh nghiệp cổ phần Doanh nghiệp Tư nhân Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  
Tổng số
2013 9 845 428 8 15 1305
2014 8 949 474 9 15 1456
2015 7 1012 475 10 15 1519
2016 5 1081 489 10 15 1600
2017 5 1164 556 11 16 1752
2018   1207 788 7 20 2022
                                                                                                     Nguồn: Tổng cục Du lịch (VNAT), 2018.

 Một trong những nhân tố quan trọng nhất góp phần gia tăng doanh thu du lịch lữ hành trong những năm qua đó là do sự đóng góp của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước nói chung cũng như khu vực kinh tế tư nhân và cá thể nói riêng. Cụ thể, năm 2016, doanh thu của các cơ sở lữ hành đạt 32,53 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất với 73,8% (đạt 24 nghìn tỷ đồng). Ngoài ra, mặc dù khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có doanh thu chỉ chiếm hơn 11% (đạt 3,63 nghìn tỷ đồng) song lại có mức tăng trưởng doanh thu khá ấn tượng: 14% năm 2016. trong giai đoạn 2010-2016 tốc độ tăng trưởng của doanh thu du lịch lữ hành của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tính bình quân đạt khoảng 23%/năm.
 
Từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch
 
Có thể thấy, với những nỗ lực và quyết tâm cao của ngành du lịch trong việc cải thiện chính sách phát triển du lịch nói chung và tăng cường quản lý có hiệu quả du lịch lữ hành nói riêng đã có những tác động tích cực tới cải thiện môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch lữ hành, qua đó góp phần không nhỏ vào kết quả đầy ấn tượng về gia tăng doanh thu du lịch lữ hành kể từ đầu thập kỷ 2010. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển và ngày càng khẳng định vai trò trong phát triển du lịch, hiện nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước đang gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng và tiềm lực vốn. Đội ngũ nhân lực trong doanh nghiệp lữ hành còn thiếu và yếu về trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm, nhất là thiếu những người có chuyên môn cao.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, do năng lực và nguồn lực tài chính còn hạn chế, lại thiếu chủ động kết nối, nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước dễ bị các đối tác nước ngoài chi phối, dẫn đến hiện tượng thao túng thị trường của một số công ty lữ hành nước ngoài, khi các công ty này giữ vai trò chủ động đưa khách đến và tận dụng lợi thế này để ép giá. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam lại có hành vi cấu kết, tiếp tay cho người núp bóng kinh doanh điều hành, tổ chức tour trái phép ảnh hưởng tới hình ảnh điểm đến, chất lượng dịch vụ và an ninh trật tự tại một số địa phương.
 
Ngoài ra, với tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép để kinh doanh lữ hành và làm hướng dẫn viên trái phép ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch; Nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn tồn tại, như: nhái thương hiệu kinh doanh, hạ giá tua đón khách… cũng đã khiến cho môi trường kinh doanh của khối doanh nghiệp lữ hành gặp nhiều khó khăn, bất cập.
 


Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo các chuyên gia về du lịch, để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh lữ hành, các cơ quan chức năng, Bộ, ngành liên quan cần tập trung triển khai Kế hoạch chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên và phát động chiến dịch nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ lữ hành chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng; hướng dẫn viên chuyên nghiệp, thân thiện, yêu nghề. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch nhằm nâng cao ý thức của những tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành.
 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành Việt cũng phải nâng cao năng lực cho đội ngũ hướng dẫn viên, tư vấn viên về kỹ năng mềm, kỹ năng ứng công nghệ mới, kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ trong hoạt động kinh doanh. Cùng vớiquan quản lý nhà nước về du lịch kiến tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa ẩm thực, trải nghiệm các di sản phi vật thể đã được UNESCO công nhận đối với các tour nội địa. Đối với các tour quốc tế sẽ đầu tư nhiều hơn cho các hình thức du lịch tham quan, các địa điểm du lịch mới... đa dạng theo yêu cầu của du khách
 
Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần liên kết cùng nhau phát triển, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, chủ động chuẩn bị cho mình một chiến lược nâng cao tính cạnh tranh. Trong đó, với xu hướng hội nhập và phát triển của cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải am hiểu luật pháp quốc tế, nắm vững các cam kết và lộ trình mở cửa cho doanh nghiệp lữ hành nước ngoài; tìm cách củng cố và phát huy các lợi thế so sánh của chính doanh nghiệp trong điều kiện thị trường mở; đánh giá đúng thực trạng tiềm lực của mình để có những chiến lược liên doanh, liên kết đúng hướng.
 
Mặt khác, các doanh nghiệp lữ hành cần chú trọng mở rộng thị trường, tạo dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm thâm nhập các thị trường và thành lập được mạng lưới đại lý rộng khắp cả nước để chiếm lĩnh thị trường du lịch trong nước và đưa khách Việt Nam đi các nước; tăng cường đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đào tạo cán bộ quản lý giỏi chuyên môn, có tầm hoạch định và cơ chế đãi ngộ thỏa đáng để tránh tình trạng “chảy máu chất xám” sang các công ty lữ hành nước ngoài.
 
Với một thị phần lớn trong tổng doanh thu của thị trường du lịch, hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành không chỉ ảnh hưởng đến truyền thông, góp phần nâng cao chất lượng du lịchcòn liên quan đến các vấn đề bảo tồn văn hóa, bảo vệ tài nguyên môi trường… Chính vậy, nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành, tiếp tục phát huy vai trò chìa khóa then chốt đối với thị trường khách du lịch quốc tế là góp phần vào sự phát triển bền vững của du lịch nước ta trong xu thế hội nhập hiện nay./.

 
Hiền Minh