Việt Nam với xu hướng phát triển đô thị thông minh

|

Việt Nam với xu hướng phát triển đô thị thông minh

Phát triển đô thị thông minh - xu hướng tất yếu của thế giới
 
Hiện nay, có hơn một nửa dân số thế giới đang sống ở các thành phố, vùng đô thị (ước tính 54,7% năm 2017); tỷ lệ này đang có dấu hiệu tiếp tục gia tăng và đến năm 2030, có thể đạt đến 59,5% (theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ). Sự dịch chuyển dân số này đang khiến tiến trình đô thị hóa diễn ra nhanh, mạnh, gây nên sự xáo trộn về mặt xã hội, khiến các thành phố phải đối mặt với nhiều vấn đề như: Khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng lạc hậu, tắc nghẽn giao thông, xử lý chất thải, chăm sóc sức khỏe… Trong khi đó, các thành phố là những nơi tiêu thụ 80% nguồn tài nguyên và cũng là nơi tạo ra 80% lượng khí thải nhà kính trong khi diện tích chỉ chiếm khoảng 2% diện tích toàn thế giới.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Những vấn đề của đô thị ngày càng trở thành những thách thức mới trong quản trị và tài chính đô thị. Tất cả những thách thức đó đã tạo áp lực buộc các quốc gia phải điều chỉnh quá trình đô thị hóa để tiến tới hình thành những thành phố đáng sống hơn. Chất lượng đô thị hóa không chỉ được phản ánh bằng tăng trưởng mà còn là sự phát triển hài hòa, tổng thể mọi mặt, quá trình đô thị hóa phải được xử lý bởi những giải pháp “thông minh” hơn. Nhu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực ngày càng trở nên cấp bách, thúc đẩy các cơ quan quản lý của mỗi quốc gia tìm kiếm và xây dựng mô hình quản lý tiên tiến. Trong bối cảnh đó, sự bùng nổ của CMCN 4.0 và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đã giúp giải quyết các vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo động lực giúp cải thiện sức cạnh tranh của đô thị, từ đó hình thành nên các smartcity.
 
Trên thế giới có nhiều định nghĩa dành cho khái niệm smartcity, tuy nhiên smartcity thường có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế số, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh…, và nhiều yếu tố thông minh khác. Trong đó, công nghệ thông tin và truyền thông (hệ thống IoT trong các ứng dụng, mạng viễn thông (Wifi, 4G/5G), điện thoại thông minh, Big data, hệ thống phân tích sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, blockchain…) được ứng dụng, làm cho công việc xây dựng, quản lý và phát triển thành phố trở lên hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp thông minh hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời đảm bảo phát triển gắn với bảo vệ môi trường.
 
Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang có khát vọng và đã xây dựng thành công nhiều smartcity nhằm giải quyết các bài toán khó trong việc quản lý đô thị. Báo cáo nghiên cứu của công ty công nghệ thông tin IDC cho thấy, các nước Châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) đã dành riêng một khoản ngân sách đầu tư vào phát triển smartcity lên tới 30 tỷ USD trong năm 2018. Nghiên cứu của IDC cũng đưa ra dự báo khoản đầu tư này sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới và có thể đạt 54,4 tỷ USD vào năm 2022. Còn theo Reuters, Ấn Độ dự tính sẽ phối hợp các cơ quan nhà nước với các công ty tư nhân đầu tư khoảng 7,5 tỷ USD cho kế hoạch xây dựng 100 smartcity trên khắp đất nước. Tại Mỹ, có tới 66% thành phố đang đầu tư vào các công nghệ phục vụ xây dựng smartcity và 25% trong số những nơi chưa có bất cứ kinh nghiệm gì đang nghiên cứu phương án phát triển đô thị theo hướng smartcity. Với mục tiêu xây dựng 300 đô thị thông minh trước khi kết thúc năm 2019, từ năm 2012, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố sáng kiến Đối tác sáng tạo Châu Âu về thành phố và cộng đồng (European Innovation Partnership on Smart Cities and Communities - EIPSCC); qua đó, có 78 thành phố tại châu Âu đã bắt tay vào quá trình phát triển smartcity. Tại Asean - một trong số những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, đến thời điểm hiện tại cũng đã có những thành tựu nhất định trong quá trình xây dựng smartcity. Trong đó, Singapore đứng thứ 2 tại Bảng xếp hạng 100 đô thị thông minh trên thế giới dựa theo các tiêu chí: Giao thông, phát triển bền vững, quản lý nhà nước, quá trình số hóa, tiêu chuẩn sống, kinh tế sáng tạo.v.v. Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đứng thứ 84 trong bảng xếp hạng. Ngoài ra, trên bản đồ đô thị thông minh thế giới đã có sự góp mặt của rất nhiều thành phố tiêu biểu như: Barcelona, Luân Đôn, San Francisco, Oslo… với sự phát triển kinh tế - xã hội mức cao, cơ sở hạ tầng hiện đại theo hướng bền vững.
 
Tại Việt Nam, khái niệm phổ biến smartcity gắn liền với một thành phố hiện đại, ứng dụng CNTT tiên tiến nhất trong các lĩnh vực: Chính quyền điện tử, Môi trường, nước, năng lượng; Giao thông; Quy hoạch và quản lý cơ sở hạ tầng; Giáo dục; Y tế và an sinh xã hội; An ninh xã hội và phát triển Văn hóa du lịch, trong đó người dân được coi là trung tâm. Việc xây dựng thành công mô hình smartcity sẽ tạo ra giải pháp đột phá cho những vấn đề xã hội bức bách của các đô thị và giúp Việt Nam bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới. Chính vì vậy, mục tiêu xây dựng smartcity nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ là quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam.
 
Kỳ vọng tnền tng phát triển smartcity ở Việt Nam
 
Là một nước đang phát triển, Việt Nam có nhiều cơ hội bắt kịp các nước phát triển trong khu vực để xây dựng thành công các smartcity, hướng tới quốc gia thông minh (smartnation) trong tương lai. Hiện, Việt Nam đã có những nền tảng cơ bản để tiến hành xây dựng các smartcity, mục tiêu là các smartcity bền vững.
 
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết ngày 10/4/2019, Việt Nam có 819 đô thị (tăng thêm 6 đô thị so với thời điểm năm 2018), bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), 19 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V với tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 38,4% (tăng 1,4% so với cùng thời điểm năm 2017). Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam được đánh giá là nhanh, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đây cũng chính là tiền đề đầu tiên về cơ sở hạ tầng để xây dựng các thành phố thông minh trong tương lai.
 
Mặt khác, trong vài năm trở lại đây, sự phổ biến của internet và thiết bị di thông minh (smartdevice), đặc biệt phải kể đến điện thoại thông minh (smartphone) đã tăng lên đáng kể. Năm 2018, lượng người dùng internet ở Việt Nam đã đạt đến con số 64 triệu người, chiếm 67% dân số. Theo dammio.com, con số này có thể tăng lên 76,6 triệu người, chiếm 80% dân số vào năm 2020 và Việt Nam hoàn toàn có khả năng lọt vào top 10 quốc gia có tỷ lệ người tiếp cận internet cao nhất thế giới. Thêm vào đó, tốc độ phổ biến của smartphone tại Việt Nam cũng tăng lên đáng kể trong vài năm qua. Comscore Device Essentials cho biết, 33% lượng truy cập Internet tại Việt Nam là trên điện thoại di động; trong đó, thiết bị Android chiếm 60%, Windows 17% và Apple 16%. Tại Việt Nam, tính đến nay, xu hướng số hóa và chuyển đổi kỹ thuật số đã hiện diện trong tất cả các lĩnh vực từ thương mại, thanh toán đến y tế, giáo dục, du lịch và vận tải. Trong khi đó, các smartcity dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số và tích hợp công nghệ thông minh đã tối ưu hóa quy trình giải quyết các “bài toán” xã hội, đặc biệt là Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), Big data, blockchain. Trong năm 2019, trong xu thế bước đầu tiếp cận và triển khai mạng 5G trên thế giới thì Việt Nam cũng là một trong những nước tham gia vào lực lượng tiên phong này. Các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone cũng đã và đang triển khai kế hoạch thí điểm mạng 5G ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… để nâng tốc độ nhanh hơn 20-30 lần so với 4G, với độ trễ rất thấp, nhằm kết nối hàng nghìn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo, thay đổi cơ bản cuộc sống con người khi vạn vật“cất tiếng nói và giao tiếp” như con người. Dự kiến ban đầu sẽ tập trung vào một số các ngành như smartcity, những cá nhân có nhu cầu cao, hoặc những ứng dụng mới như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), ôtô tự lái… Những yếu tố trên đã góp phần tạo ra lợi thế về sự phát triển người dùng Internet nói riêng cũng như sự thúc đẩy phát triển công nghệ, nền tảng CNTT nói chung, giúp Việt Nam có nhiều thuận tiện hơn trong quá trình số hóa các chỉ tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số, phúc lợi số…
 
Ngoài cơ sở hạ tầng và CNTT, các tập đoàn tiên phong và đội ngũ lao động trẻ lĩnh vực công nghệ trong nước cũng là một trong những nhân tố về nhân lực làm tiền đề cho công cuộc xây dựng smartcity. Trong 3-4 năm trở lại đây, ngoài sự góp mặt của cách doanh nghiệp nước ngoài, hai tập đoàn viễn thông hàng đầu của Việt Nam là VNPT và Viettel đã và đang giữ vai trò tiên phong trong công cuộc hợp tác phát triển smartcity ở nhiều địa phương trên cả nước. Thêm vào đó còn có sự góp sức của các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu cũng đang chuyển hướng đầu tư xây dựng smartcity theo xu thế.  Một số dự án smartcity hiện nay đang được triển khai tại các thành phố lớn phải kể đến như: Smartcity hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD), Vinhomes smartcity (Tây Mỗ - Đại Mỗ), Khu đô thị Gia Lâm..., Khu Công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị 6 tỉ USD (TP. Hồ Chí Minh)… Ngoài ra, nguồn nhân lực phát triển smartcity của Việt Nam còn đến từ hơn 11,3 nghìn doanh nghiệp thông tin và truyền thông với gần 236,1 nghìn lao động; trên 46,2 nghìn doanh nghiệp hoạt động chuyên môn, hoa khọc, công nghệ với gần 431,8 nghìn lao động, phần lớn đều trong độ tuổi lao động “vàng” từ 16-45 tuổi (Theo số liệu Tổng điều tra kinh tế 2017 của Tổng cục Thống kê).
 
Song song với đó, lộ trình xây dựng các smartcity đều được chia thành nhiều giai đoạn, với việc lựa chọn lĩnh vực nào sẽ được “thông minh” hóa trước. Hiện, có tới 40% các dự án đang triển khai là về chính phủ thông minh (chính phủ điện tử). Việc phát triển chính quyền điện tử được coinòng cốt để xây dựng thành phố thông minh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với quan chính quyền, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên cơ sở lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần cải thiện: môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn, du lịch, quản lý đô thị. Theo Liên hợp quốc, năm 2018, Việt Nam đứng thứ 88/193 quốc gia tham gia khảo sát về Chính phủ điện tử. Theo đó, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) 2018 của Việt Nam được đánh giá khá cao so với mức trung bình của thế giới, châu Á và khu vực Đông Nam Á, lọt vào top các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao. Thêm vào đó, Đề án Phát triển Đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 đã trở thành quyết sách định hướng cho quá trình xây dựng smartcity của Việt Nam. Trong đó, mục tiêu tổng quát được xác định rõ: Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, nhân, người dân tham gia nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro nguy tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế. Đề án cũng thể hiện rõ những nhiệm vụ, giải pháp chung nhằm xây dựng phát triển các smartcity và được chia thành 10 nhóm:
 
Một là, Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật và ban hành các hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh bền vững.
 
Hai là, Từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực đô thị thông minh, thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đô thị thông minh bền vững.
 
Ba là, Hình thành, kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia.
 
Bốn là, Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
 
Năm là, Phát triển hạ tầng đô thị thông minh.
 
Sáu là, Phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị.
 
Bảy là, Xây dựng tiềm lực phát triển đô thị thông minh bền vững.
 
Tám là, Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật trong và ngoài nước.
 
Chín là, Tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ về phát triển đô thị thông minh bền vững.
 
Mười là, Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị thông minh.
 
Đề án cũng nêu rõ, có 7 nhóm nhiệm vụ được ưu tiên triển khai kèm theo lộ trình, phân công thực hiện, đó là: (i) Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam. (ii) Thiết lập, duy trì và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh số hóa liên thông đa ngành. (iii) Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển quy hoạch đô thị thông minh bền vững. (iv) Lập kế hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng và quản lý phát triển hạ tầng đô thị thông minh. (v) Lập, thẩm định, phê duyệt Chương trình, dự án thí điểm phát triển đô thị thông minh bền vững. (vi) Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử. (vii). Thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và chuyên môn đáp ứng nhu cầu phát triển, vận hành đô thị thông minh theo các giai đoạn.
 
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm các nước, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng, đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số ở Việt Nam cần phải có sự tham gia của cả các doanh nghiệp và xã hội. Do đó, để xây dựng thành công smartcity, ngoài sự nỗ lực của chính quyền, rất cần sự tham gia kết hợp của nền tảng công nghệ, con người và nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa việc thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội, đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và tri thức./.
 
ThS. Đặng Đình Toản
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam