Ảnh minh họa, nguồn Internet
Mới đây, báo cáo Tổng kết 9 năm thi hành Luật khám, chữa bệnh của Ủy ban Dân tộc (2/2019) cho biết, sau 9 năm thi hành Luật, tới năm 2018 Việt Nam đã có 93,68% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT, qua đó cho thấy, số người dân tộc thiểu số tham gia BHYT đã đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra cho từng giai đoạn. Kết quả trên là những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách cho phát triển y tế
Một trong những ưu tiên của Chính phủ là bố trí ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở Khám chữa bệnh (KCB), trang thiết bị y tế, nhất là đầu tư cho bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã. Theo Báo cáo Tổng kết 9 năm thi hành Luật khám, chữa bệnh, trong giai đoạn 2016-2018, đã có 87 trạm y tế từ Dự án hỗ trợ ngành y tế của EU giai đoạn 1, 288 trạm y tế từ Dự án hỗ trợ ngành y tế của EU giai đoạn 2, 58 trạm y tế từ Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giai đoạn 2... được xây dựng. Đến nay, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; cơ bản hoàn thành đầu tư, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa khu vực liên huyện, bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn.
Hỗ trợ hoàn toàn chi phí đóng BHYT từ nguồn ngân sách
Theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế, từ ngày 1/12/2018, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại địa bàn khó khăn được hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Nhờ đó, tới cuối năm 2018 cả nước đã có 93,68% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT, góp phần đưa tỷ lệ người dân tộc thiểu số có thẻ BHYT trong những năm gần đây luôn đạt mức cao, năm sau cao hơn năm trước (năm 2016 có 91% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT, năm 2017 đạt 92,05%).
Tại một số địa phương, năm 2018 đạt 100% người dân đồng bào dân tộc thiểu số có thẻ BHYT. Với mức hỗ trợ đóng hoàn toàn từ ngân sách Nhà nước, thì việc có thẻ BHYT là điều kiện cần thiết để người dân là đối tượng chính sách, đối tượng khó khăn có thể tiếp cận được với dịch vụ y tế công.
Nguồn lực KCB cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được bảo đảm về số lượng và chất lượng
Từ năm 2016, cả nước đã có 410 trạm y tế, phòng khám quân - dân y, thuộc các xã vùng sâu, vùng xa thực hiện KCB cho người dân; tuyên truyền, vận động người dân xây dựng Làng Văn hóa - sức khỏe, nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện Chương trình Dân số, kế hoạch hóa gia đình, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách… Theo đó, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản (kiêm thêm nhiệm vụ cô đỡ thôn, bản) cũng được thực hiện hiệu quả tại nhiều địa phương, góp phần phát huy vai trò cầu nối giữa y tế xã với người dân.
Để tạo thuận lợi nhất cho bệnh nhân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, Bảo hiểm xã hội các tỉnh đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với nhiều cơ sở y tế. Tổ chức khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã, huyện, tỉnh với các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực có hoạt động lồng ghép với trạm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa tuyến huyện và phòng khám bảo vệ sức khỏe cán bộ. Vì vậy, người dân được khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế gần nơi sinh sống nhất. Đồng thời, thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số được khám chữa bệnh ở mọi cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trong tỉnh mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến.
Tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về chính sách BHYT
Trong giai đoạn 2011-2018, Ủy ban Dân tộc đã ban hành các kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, có nội dung lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về KCB, BHYT, dân số.
BHXH đã phối hợp với các ngành như: Liên minh HTX, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Nhà trường, doanh nghiệp tổ chức nhiều hội nghị, nhiều lớp tập huấn phù hợp với từng các nhóm đối tượng. Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền các thông điệp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hàng năm, BHXH còn chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học tuyên truyền cho thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các em học sinh, chính sách BHYT mới để biết tham gia và thực hiện có hiệu quả.
Có thể nói, trong điều kiện nước ta hiện nay khi tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số vẫn còn khá cao thì phát triển BHYT là lưới an sinh xã hội rất quan trọng, giúp đồng bào giảm bớt được khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện chính sách BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số còn khá nhiều bất cập. Trong đó, điểm đáng lưu ý là mặc dù kết quả cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đạt tỷ lệ cao nhưng số người khám, chữa bệnh và chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế. Năm 2016, tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ở tuyến xã là 21,9%; năm 2017 là 19,9%; năm 2018 là 18,5%. Tương ứng với đó, chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng rất thấp. Năm 2016 là 2,5%; năm 2017 và 2018 là 2,6%/năm. Nếu tính cả tuyến huyện, xã thì chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2016 đạt 30,3%; năm 2017 đạt 32,6%; năm 2018 đạt 31%.
Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi không sử dụng hết, phải điều tiết cho các vùng phát triển - nơi có điều kiện khám, chữa bệnh tốt hơn.
Thực tế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến là:
Một là, Thiếu hiểu biết và thông tin không đầy đủ dẫn đến sự nhận thức nghèo nàn về mục đích và chức năng của BHYT.
Thực tế, vẫn còn nhiều người chưa biết rõ về Luật BHYT. Chính vì vậy, người dân không thể biết trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc tham gia BHYT. Vai trò tuyên truyền của cơ quan BHXH còn hạn chế, chỉ có số ít người biết về Luật BHYT qua cán bộ BHXH, còn phần nhiều người dân hiểu về Luật BHYT là thông qua cán bộ xã, phường và qua đài truyền thanh.
Mặt khác, tại nhiều địa phương vùng sâu vùng xa vẫn còn hủ tục nặng nề như: Nhờ thầy cúng “bắt ma” chữa bệnh; sinh đẻ tại nhà, hoặc người phụ nữ phải tự một mình sinh con ngoài chòi rẫy (không được sinh ở nhà)…Nghĩa là đồng bào không cần biết tới dịch vụ y tế công và càng không cần biết tới bảo hiểm y tế.
Hai là, phạm vi quyền lợi người tham gia BHYT được hưởng không rõ ràng
Quyền lợi của người dân tham gia BHYT được quy định trong Luật BHYT, các văn bản hướng dẫn và từ ngày 01/12/2018 đã áp dụng Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Theo đó, các văn bản thực hiện đã tương đối đầy đủ, theo hướng đảm bảo nhiều hơn quyền lợi của người tham gia. Tuy nhiên, trong khu vực điều trị, gói quyền lợi BHYT tương đối rộng, hầu như không có giới hạn cụ thể; một số thuốc và dịch vụ kỹ thuật chưa được cập nhật kịp thời, gây khó khăn cho các bệnh viện và làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT. Nhiều thuốc đắt tiền phải mua ngoài, khiến người bệnh gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là người nghèo.
Ba là, tổ chức cung ứng dịch vụ y tế và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT còn hạn chế
Có lẽ cản trở lớn nhất cho quá trình thực hiện BHYT đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hạn chế về năng lực của hệ thống y tế (đặc biệt là tại các địa phương) đối với nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người có thẻ BHYT và thủ tục trong khám chữa bệnh sử dụng BHYT. Những hạn chế đó dẫn tới sự chưa hài lòng của người tham gia BHYT.
Hệ thống chăm sóc y tế ban đầu chưa đảm bảo chất lượng và một số nơi gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận. Tại các trạm y tế xã, đa số y, bác sĩ thiếu chuyên môn, trang bị kỹ thuật, thuốc để chăm sóc, khám, chữa bệnh cho người dân. Tại các vùng sâu vùng xa, việc đến các cơ sở y tế là rất khó khăn cho người dân do giao thông không thuận tiện.
Tỷ lệ bác sỹ/01 vạn dân còn thấp, thiếu cán bộ y tế có chuyên môn sâu, cán bộ người địa phương; cơ sở vật chất y tế ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thiếu, chưa đồng bộ (tính đến tháng 07/2018, mới có 9.821 trạm y tế xã đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT); tại 01 số tỉnh có tỷ lệ bác sĩ/trạm y tế rất thấp như Lai Châu 15,9%, Lào Cai 28,6%, Điện Biên 33,9%, Khánh Hòa 23,5%...; trong tổng số 26,5 nghìn nhân viên y tế trạm y tế xã thì có 12,3% là bác sỹ, số còn lại là y tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh; khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh có chất lượng còn hạn chế (tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm, khám trong thai kỳ mới đạt 71%, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà vẫn ở mức 36,3%, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số là 32%...)
Ngoài ra, thủ tục khám chữa bệnh phức tạp mất nhiều thời gian gây phiền hà cũng là nguyên nhân làm cho người bệnh sẵn sàng bỏ chế độ bảo hiểm để được khám chữa kịp thời.
Bốn là, phân biệt đối xử và ảnh hưởng của chi phí ngầm
Có sự phân biệt đối xử giữa nộp tiền viện phí và BHYT: Theo quy định, những người đã đóng BHYT sẽ được ngành Y tế chăm sóc khi đi khám và điều trị bệnh. Nhưng trên thực tế, người tham gia BHYT vẫn e dè hơn so với những người nộp tiền viện phí được ưu tiên về thời gian và chất lượng dịch vụ, do chính sách hiện hành tạo thuận lợi hơn cho người khám tự nguyện so với khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, người tham gia BHYT cùng tham gia đóng góp trước cho mục tiêu chăm sóc sức khỏe, nhưng khi sử dụng dịch vụ y tế thì có tâm lý nếu không nộp các khoản phí ngầm sẽ không được quan tâm, chăm sóc.
Giải pháp tăng cường chất lượng dịch vụ y tế và chất lượng dịch vụ của cơ quan bảo hiểm
Vấn đề phát triển BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay không chỉ đơn thuần là mở rộng đối tượng tham gia BHYT, mà quan trọng là cần huy động được nguồn lực cho BHYT, nâng cao chất lượng dịch vụ. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách khi đưa ra các quyết định mở rộng các hình thức BHYT hay tăng cường nguồn lực tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT cần phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân; đồng thời với việc nâng cao năng lực của cơ quan BHYT, cải cách và cải tiến thủ tục hành chính. Việc tham gia của hệ thống y tế tư nhân trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân thông qua BHYT là vấn đề cần phải được nghiên cứu và phát triển, qua đó tăng cường vai trò quản lý của nhà nước đối với hệ thống y tế tư nhân, đặc biệt là quản lý chất lượng dịch vụ của hệ thống y tế tư nhân.
Song song với đó, cần tăng cường công tác truyên truyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các nhóm đối tượng có thu nhập thấp và thu nhập dưới trung bình; mở rộng đối tượng tham gia thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và dịch vụ BHYT gắn với chi phí hợp lý và hiệu quả; Tăng cường vai trò của y tế tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ y tế thông qua BHYT; Nâng cao vai trò, năng lực của cơ quan quản lý các cấp về BHYT, đặc biệt là cấp cơ sở; Duy trì sự bền vững, ổn định của quỹ đồng thời huy động nguồn lực xã hội cho việc đảm bảo tốt hơn nhu cầu BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số./.
ThS. Nguyễn Thành Vinh
Khoa Bảo hiểm, ĐH Kinh tế Quốc dân
Khoa Bảo hiểm, ĐH Kinh tế Quốc dân