Thực trạng xuất khẩu nông sản hiện nay
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để sản xuất nông sản, qua đó, xuất khẩu nông sản (XKNS) giữ vị trí quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ngành Nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định được vị thế “cường quốc” về XKNS với thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), điểm nổi bật của XKNS Việt Nam trong năm qua là thị phần xuất khẩu đều được duy trì, củng cố và mở rộng. Năm 2018, thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam gồm có: Trung Quốc (22,9% thị phần), Mỹ (17,9%), Nhật Bản (19,1%), ASEAN (10,64%) và Hàn Quốc (6,9%) với giá trị tăng lần lượt là 3,6%, 9,4%, 7,1%, 11,0%, 29,4% so với năm 2017.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để sản xuất nông sản, qua đó, xuất khẩu nông sản (XKNS) giữ vị trí quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ngành Nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định được vị thế “cường quốc” về XKNS với thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), điểm nổi bật của XKNS Việt Nam trong năm qua là thị phần xuất khẩu đều được duy trì, củng cố và mở rộng. Năm 2018, thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam gồm có: Trung Quốc (22,9% thị phần), Mỹ (17,9%), Nhật Bản (19,1%), ASEAN (10,64%) và Hàn Quốc (6,9%) với giá trị tăng lần lượt là 3,6%, 9,4%, 7,1%, 11,0%, 29,4% so với năm 2017.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Trong bối cảnh thị trường nông sản thế giới năm 2018 gặp nhiều khó khăn, giá trị xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu ở mức cao như: Rau quả đạt 3,82 tỷ USD (tăng 9,2% so với năm 2017); cà phê đạt 3,54 tỷ USD (tăng 1,2%); đặc biệt xuất khẩu gạo đạt 3,05 tỷ USD (tăng 16,0%).
XKNS Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển, nhưng theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện chỉ có 5% nông sản xuất khẩu của Việt Nam đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Còn lại chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, với khách hàng chiếm thị phần lớn nhất là Trung Quốc. Năm 2017, trong 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau củ quả thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm đến 76% giá trị. Mặt khác, do hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm khiến cho xu hướng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã giảm sút mạnh kể từ cuối năm 2018 và tiếp diễn đến nay. Là một trong những thị trường đông dân nhất thế giới và là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, việc Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu đã khiến cho xuất khẩu nông sản gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản 5 tháng đầu năm 2019 giảm so với cùng kỳ năm trước: Cà phê đạt 1,3 tỷ USD, giảm 23% (lượng giảm 13,1%); hạt điều đạt 1,2 tỷ USD, giảm 14,1% (lượng tăng 8,8%); gạo đạt 1,2 tỷ USD, giảm 20% (lượng giảm 5,3%); hạt tiêu đạt 374 triệu USD, giảm 2,1% (lượng tăng 32,3%). Riêng rau quả đạt 1,8 tỷ USD, tăng 8,8%; cao su đạt 673 triệu USD, tăng 4% (lượng tăng 11,9%). Dự báo, tăng trưởng ngành Nông nghiệp sẽ vẫn ở mức thấp và còn ảnh hưởng đến các quý tiếp theo nếu không có những đột phá mới về thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn lựa chọn con đường xuất khẩu tiểu ngạch, do thuế suất thấp hơn thuế xuất nhập khẩu chính ngạch, thủ tục dễ dàng. Dù vậy, con đường tiểu ngạch thường không có tính ổn định, rủi ro cao, giá trị mỗi giao dịch nhỏ. Để xuất nhập khẩu lượng hàng hóa lớn sang các nước trên thế giới thì hình thức tiểu ngạch này không thể đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch với hợp đồng mua bán đầy đủ, ràng buộc giữa bên mua và bên bán theo quy định và thông lệ quốc tế đã giải quyết được những vướng mắc trên và đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư hướng đến. Trên thực tế, một số loại nông sản Việt Nam đã tự tin đi theo con đường chính ngạch vào các quốc gia khó tính với yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng. Nhờ điều kiện khí hậu, đất đai màu mỡ, thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp nên Việt Nam có rất nhiều thế mạnh để trồng trọt và sản xuất trái cây. Nông sản Việt Nam đã chinh phục được những thị trường khó tính với yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, chất lượng như Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc… Thương hiệu xoài, thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, tiêu, điều, cà phê… của Việt Nam đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trên thế giới. Xuất khẩu chính ngạch không chỉ đem lại những bản hợp đồng lớn, mà còn đảm bảo tính an toàn cho các doanh nghiệp và tính bền vững đối với việc tiêu thụ nông sản Việt Nam.
Con đường chính ngạch còn nhiều khó khăn
Mặc dù được coi là lựa chọn tất yếu, nhưng XKNS Việt Nam theo hướng đi chính ngạch vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, gây khó khăn cho việc đảm bảo lượng và giá trị xuất khẩu của loại mặt hàng này.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Chất lượng và thương hiệu: Một vấn đề hạn chế đã được các chuyên gia kinh tế nhắc đến thường xuyên từ nhiều năm nay, đó chính là chất lượng và thương hiệu của hàng hóa xuất khẩu. Để có những hợp đồng xuất khẩu chính ngạch, nông sản Việt phải đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất sạch như VietGAP hay cao hơn là GlobalGAP. Tuy nhiên, không phải nông dân hay doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để đạt tiêu chí này, vì tốn rất nhiều chi phí và thời gian.
Sản lượng nông nghiệp của Việt Nam mặc dù đạt được năng suất cao nhưng không phải tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam đều đáp ứng được các yêu cầu chất lượng mà khách hàng đưa ra. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn mặt hàng xuất khẩu sang các nước Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand… bị trả về do không đáp ứng được các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, nông dân vẫn áp dụng theo phương pháp canh tác truyền thống, sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, khiến cho sản phẩm còn tồn dư vượt ngưỡng cho phép. Không chỉ ở khâu sản xuất, khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch cũng còn hạn chế, do các doanh nghiệp hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, còn nhiều kẽ hở trong quy trình chăm sóc, chế biến dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân, doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của quốc gia.
Xuất xứ, bảo hộ: Việc Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại (FTAs) cũng đem lại nhiều cơ hội rộng mở cho XKNS khi thuế xuất khẩu vào các nước đối tác có chung hiệp định còn 0% hoặc được giảm trừ mạnh, nhưng cũng mở ra thách thức mới cho các doanh nghiệp về vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các nguyên liệu được nhập khẩu phục vụ cho việc chế biến. Nguồn nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, ASEAN và các nước không thuộc khối có FTA với Việt Nam. Theo Bộ NN&PTNT, các quốc gia đang tăng cường bảo hộ hàng nông sản thông qua tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Các thị trường nông sản lớn của Việt Nam bao gồm: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tăng cường bảo hộ bằng việc thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra, truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã gây áp lực không nhỏ cho nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến Việt Nam đồng thời chịu tác động từ 2 phía, khi Mỹ tiếp tục duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ áp thuế, kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu xuất xứ Trung quốc; với Trung Quốc, tỷ giá đồng nhân dân tệ và tiền đồng Việt Nam liên tiếp giảm đã trở thành yếu tố bất lợi cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính khi không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu, mà còn tăng cường quản lí và siết chặt thương mại biên giới. Ngoài ra, mặt hàng rau, củ, quả của Trung Quốc, với nguồn cung lớn, giá rẻ cũng đang gây áp lực với hàng nông sản Việt Nam.
Dự báo, quy hoạch thị trường: Dự báo hỗ trợ xuất khẩu nông sản là khâu rất quan trọng, làm nên sự thành công của xuất khẩu nông sản Việt, đặc biệt đối với những hợp đồng xuất khẩu chính ngạch có giá trị lớn. Tuy nhiên, công tác dự báo về quy hoạch, thị trường tại Việt Nam, đặc biệt là những dự báo chính xác về thị trường nước ngoài vẫn là khâu yếu nhất hiện nay nên dẫn tới nhiều mặt hàng nông sản trồng phá vỡ quy hoạch, không xuất khẩu được phải giải cứu, giá rẻ như cho.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030, diện tích hồ tiêu của cả nước ở mức 50 nghìn ha, diện tích cho sản phẩm là 47 nghìn ha. Tuy nhiên, năm 2017, diện tích tiêu đã đạt 152 nghìn ha, sản lượng 240 nghìn tấn, chiếm 48% sản lượng hồ tiêu thế giới. Như vậy, diện tích sản xuất đã vượt 3 lần so với quy hoạch. Trong 3 năm qua, diện tích và sản lượng hồ tiêu liên tục tăng nóng, cung - cầu mất cân đối làm giá tiêu liên tục giảm, khiến nông dân và những người tham gia chuỗi đều bị động, rủi ro. Có thời điểm giá thu mua hạt tiêu đen chỉ từ 47.000-48.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều hộ dân không có lãi, thậm chí bị lỗ. Đây là lý do năm 2018, hồ tiêu xuất khẩu tăng 7,9% về lượng nhưng giảm 33,4% về giá trị.
Sự phụ thuộc thị trường: Dù là xuất khẩu tiểu ngạch hay chính ngạch thì XKNS Việt Nam vẫn đang bị phụ thuộc vào thị trường lớn và đông dân nhất Trung Quốc. Mỗi khi Trung Quốc dừng hoặc hạn chế đơn hàng nhập khẩu loại nông sản nào của Việt Nam là nông dân trồng và doanh nghiệp thu mua mặt hàng đó lại rơi vào tình cảnh khó khăn, thua lỗ.
Một số biện pháp nhằm nỗ lực nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản chính ngạch.
Để đạt được các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch, tham gia vào thị trường nông sản thế giới với nhiều rào cản khắt khe, việc nâng cao chất lượng sản phẩm chính là giải pháp mang tính quyết định đối với cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản. Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền cho bà con nông dân vùng trồng nông sản kiến thức về VietGap, GlobalGap… Muốn đáp ứng các tiêu chuẩn này, nông dân cần thông qua các hợp tác xã, các doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng... Song song với đó, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua quy hoạch vùng, đầu tư khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho khâu chế biến. Bởi, chỉ có chế biến mới giúp gia tăng giá trị, mở rộng thị trường và đảm bảo tính bền vững cho xuất khẩu. Đó cũng chính là phương châm, mục tiêu và giải pháp đột phá của ngành Nông nghiệp.
Nhằm ứng phó với tình trạng các quốc gia tăng cường dựng các hàng rào bảo hộ, một trong những giải pháp trọng tâm mà Bộ NN&PTNT thực hiện năm 2019 là xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia theo hướng hài hòa hóa các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, Bộ cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm các hành vi gian lận, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nông sản, nhằm giữ uy tín cho hàng hóa nông sản của Việt Nam trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức... xây dựng kênh thông tin cụ thể, kịp thời về lĩnh vực này cho hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân tham khảo, từ đó chủ động trong sản xuất, bảo quản, chế biến nhằm đạt yêu cầu xuất khẩu chính ngạch tại thị trường thế giới.
Ngoài việc giữ vững thị phần tại thị trường truyền thống, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản Việt Nam cần gia tăng đàm phán, khai thác tối đa các FTA thế hệ mới, nhất là các FTA thế hệ mới đa phương như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch theo cả bề rộng và chiều sâu, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh áp lực cạnh tranh hiện nay đang rất lớn, đồng thời có phương án luân chuyển thị trường khi có tình huống phát sinh. Tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản Việt trên toàn thế giới, hướng đến các thị trường mới, giàu tiềm năng...
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu. Cùng với sản xuất theo tín hiệu thị trường cũng cần chú ý đến xây dựng, phát triển thương hiệu, thiết kế tem nhãn, bao bì đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, bắt mắt.
Đặc biệt, Việt Nam cần có chính sách hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào chuỗi sản xuất quy mô lớn, đồng bộ từ khâu chăn nuôi, sản xuất, chế biến cho đến cung ứng sản phẩm trong khâu tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc xuất xứ bảo đảm khép kín; ưu tiên công nghiệp chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Về phía người nông dân, cần phải thay đổi tư duy sản xuất theo phong trào bằng cách hợp tác, liên kết, tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chức năng về quy hoạch, quy trình sản xuất an toàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cần tích cực kết nối chính sách với các cơ quan Hải quan nước đối tác để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu nông sản sang thị trường quốc gia đó. Các cơ quan tài chính, tổ chức tín dụng cũng cần hỗ trợ nhiều hơn cho các đơn vị sản xuất, chế biến nông sản. Về phía nhà sản xuất, cần tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, cũng như chất lượng sản phẩm./.
Ths. Hồ Thị Thu Hiền
Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội
Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội