EVFTA: Vận hội và thách thức cho ngành logistics Việt Nam

|

EVFTA: Vận hội và thách thức cho ngành logistics Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam - EU được ký kết đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Logistics nói riêng. Theo các chuyên gia kinh tế, với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14-16%, EVFTA sẽ là cánh cửa mở ra rất nhiều vận hội mới cho Logistics Việt Nam tăng tốc hơn nữa nếu biết khai thác hiệu quả các tiềm năng.
Thực trạng phát triển ngành Logisitics Việt Nam

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII xác định, logistics là một “ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao” và cần phải “hiện đại và mở rộng” dịch vụ logistics. Để tận dụng các lợi thế, cơ hội và đưa lĩnh vực logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với hoạt động này.

 

 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Từ năm 2017, Chính phủ đã xác định mục tiêu cụ thể cho ngành Logistics là đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực vào năm 2025. Theo đó, hàng loạt các chính sách đã được ban hành như: Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong đó, đề ra 6 mục tiêu, 60 nhiệm vụ cụ thể với nhiều giải pháp toàn diện, nhằm đưa ngành này vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Ngày 30/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics (có hiệu lực từ ngày 20/02/2018) thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Việc ban hành Nghị định này đã bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics đã đề ra trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025. Đây là bước tiến mới trong việc cải cách thể chế liên quan đến ngành dịch vụ Logistics cũng như có các quy định cụ thể về đầu tư phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam.

Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó, đề ra mục tiêu từng bước giảm chi phí logistics xuống mức bằng khoảng 18% GDP; Cải thiện Xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về Logistics (LPI) thêm 10 bậc.

Ngày 06/07/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành Kinh tế Việt Nam và đây là lần đầu tiên Việt Nam có mã ngành logistics riêng (Mã 52292: Logistics). Ngày 18/07/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển trên thế giới và khu vực; Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng công nghệ thông tin và các công nghệ mới...

 
Bên cạnh đó, việc thực hiện Cơ chế Một cửa ASEAN và Cơ chế Một cửa Quốc gia được luật hóa tại Luật Hải quan 2014 và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã mang lại cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics nhiều lợi ích như: Giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; Giảm số hồ sơ phải nộp cho các cơ quan quản lý; Đơn giản hóa quy trình giao tiếp với cơ quan quản lý...

Bằng việc ngày càng hoàn thiện khung pháp luật, Chính phủ đã thể hiện rõ cam kết hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam phù hợp với quốc tế. Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành Logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Các chuyên gia kinh tế nhận định, với tốc độ phát triển như vậy thì ngành Logistics là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất trong thời gian qua.

Hiện thị trường logistics tại Việt Nam khá sôi động với sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới, kinh doanh dưới nhiều hình thức. Trong đó, có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics…

Theo báo cáo Chỉ số năng lực hoạt động logicstics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 39/160 nước tham gia, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN, sau Singapore và Thái Lan. Với thứ hạng này, Việt Nam hiện đang đứng đầu trong các thị trường mới nổi và xếp thứ hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Tất cả 6 thông số/tiêu chí đánh giá Chỉ số LPI 2018 đều có mức tăng vượt bậc, trong đó có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ logistics (xếp hạng 33, tăng 29 bậc) và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hóa (xếp hạng 34, tăng 41 bậc). Các tiêu chí đánh giá tăng rất tốt là hải quan (xếp hạng 41, tăng 23 bậc), kết cấu hạ tầng logistics (xếp hạng 47, tăng 23 bậc). Các tiêu chí thời gian giao hàng (xếp hạng 40, tăng 16 bậc) và tiêu chí về các chuyến hàng quốc tế (xếp hạng 49, tăng 1 bậc so với năm 2016).

Kết quả trên còn cho thấy việc cải thiện năng lực của doanh nghiệp đang có những bước tiến đáng ghi nhận thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào logistics.
Vận hội và thách thức mới cho ngành logistics
Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ Logistics. Cụ thể: Thời gian gần đây, với sự bùng nổ về thương mại điện tử đang tạo ra cơ hội lớn cho lĩnh vực E-Logistics. Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng khoảng 35%/năm; doanh số bán lẻ thương mại điện tử trong giai đoạn 2016-2020 ước tính tăng 20%/năm và tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Khảo sát gián tiếp của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) 2018 cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát sẽ tăng từ 62% đến 200% trong giai đoạn 2018-2020... Những thay đổi trong thương mại điện tử trên thế giới và tại Việt Nam đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Các nhà kinh doanh dịch vụ logistics phải mở rộng các kênh E-Logistics theo hướng chuyên nghiệp hóa đđáp ứng nhu cầu mua hàng điện tử. Các doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp thương mại điện tử đang từng bước tái cấu trúc hệ thống logistics của mình, đđáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng.

Song song với đó, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp, các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể. Năm 2017, thời gian thông quan hàng xuất khẩu là 105 giờ, hàng nhập khẩu là 132 giờ. Đây là những yếu tố tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu; hình thành nên các chuỗi cung ứng logistics toàn diện, đa dạng và ngày càng chuyên sâu hơn, góp phần quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế.

Đặc biệt, khi Việt Nam ký kết thành công Hiệp định EVFTA, có thể nhìn thấy ngay trước mắt, cơ hội tuyệt vời cho vận tải, vận tải biển Việt Nam. Bởi dịch vụ vận tải, nhất là vận tải biển đang là ngành xuất khẩu dịch vụ lớn thứ hai của EU. Nhưng hiện tại không có quốc gia ASEAN nào nằm trong top các nước nhận dịch vụ này của EU.

 
Tự do hóa cũng sẽ mời gọi các nhà đầu tư EU cùng tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ Logistics, vận tải hàng hải khác nhau cho thị trường Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp hàng hải, dịch vụ xử lý hàng hóa/ container, dịch vụ lưu trữ và kho bãi. Các doanh nghiệp Logistics Việt Nam sẽ có cơ hội hợp tác, học hỏi và gọi vốn từ các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại và chiếm thị phần lớn trên thị trường Logistics thế giới đến từ châu Âu. Đây có thể coi là một lợi thế của Việt Nam sau EVFTA, bởi theo bảng xếp hạng LPI 2018, có tới 3 quốc gia đều đứng đầu trong lĩnh vực logistics nằm trong khối EU, là Đức, Hà Lan và Thụy Điển. Theo đánh giá của Trung tâm WTO và hội nhập, EVFTA ký kết sẽ có tác động mạnh đến triển vọng phát triển ngành logistics, được thể hiện ở hai góc độ. Góc độ thứ nhất là từ cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực dịch vụ vận tải và phục vụ vận tải. Góc độ thứ hai là cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng tới thị trường dịch vụ logistics.

Cụ thể, các cam kết trong lĩnh vực ảnh hưởng tới thị trường dịch vụ logistics bao gồm: Nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ và việc thực hiện dịch vụ. Ví dụ như cam kết loại bỏ thuế quan để gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu, mở cửa thị trường mua sắm công đối với các gói thầu cơ sở hạ tầng hoặc kiểm soát biên giới với sản phẩm sở hữu trí tuệ... Trước hết, rào cản thuế quan được loại bỏ hoặc giảm đáng kể sẽ khiến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu gia tăng. Theo đánh giá của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm), khi EVFTA được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng khoảng 30-40% và xuất khẩu của EU vào Việt Nam cũng sẽ tăng 20-25%. Sự tăng lên về nhu cầu xuất nhập khẩu và đầu tư sẽ kéo theo nhu cầu về vận chuyển và dịch vụ làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, làm gia tăng nhu cầu đối với ngành vận tải và logistics Việt Nam.

Thứ hai, các cam kết có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư từ châu Âu, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vố
n, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác EU.
 
 
Thứ ba, khi Việt Nam thực hiện các cam kết về thể chế nhằm tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường chất lượng cơ sở hạ tầng, chi phí kinh doanh sẽ giảm. Đồng thời, EVFTA cũng khiến giá mua các phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động logistics nhập khẩu từ EU giảm do cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam. 

Cuối cùng là cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên EU (đặc biệt là dịch vụ vận tải biển và dịch vụ hàng không quốc tế).

Dù hiệp định thương mại tự do EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho logistics Việt Nam nhưng cũng đem đến nhiều thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp logistics trong nước. Thách thức lớn nhất là tăng tính cạnh tranh trong một số khía cạnh dịch vụ logistics. Các nhà cung cấp dịch vụ EU vốn rất mạnh trong lĩnh vực logistic với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn hạn chế cả về chất lượng dịch vụ và các ràng buộc pháp lý gián tiếp.

Ngoài ra, một số lượng đáng kể các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực logistics kinh doanh chưa hiệu quả, nhu cầu bảo hộ cao, năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh hạn chế. Đây có thể là các vấn đề cản trở sự phát triển chung của ngành Logistics Việt Nam.

Hơn nữa, thị trường dịch vụ logistics tại các nước EU vốn là thị trường đầy hứa hẹn nhưng lại đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ và các ràng buộc pháp lý gián tiếp (nhập cảnh, quốc tịch của người lao động…) nên việc đáp ứng tiêu chuẩn thị trường không hề đơn giản. Dự báo, đến hết năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt mức 300 tỷ USD, hàng container qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 67,7 triệu TEU. Do vậy, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam là rất lớn. Theo các chuyên gia kinh tế, trong tương lai không xa, dịch vụ cung cấp logistics sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, có thể đóng góp tới 15% GDP của cả nước.

Tuy nhiên, đEVFTA thực sự là vận hội tạo điều kiện cho logictics Việt Nam phát huy tiềm năng thế mạnh, sớm trở thành trung tâm logistics của khu vực, thì ngay sau EVFTA, các doanh nghiệp Logistics nói riêng, ngành logistics Việt Nam nói chung sẽ rất cần được đầu tư bài bản, đột phá về công nghệ, nguồn lực, quy trình cũng như sự hỗ trợ về chính sách từ phía chính phủ và các cơ quan ban ngành.

Về phía Chính phủ, cần tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư cải thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng (cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt); Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cảng (đặc biệt là cảng biển), nâng cao năng lực xếp dỡ, trung chuyển, đóng gói, xử lý container; Tăng cường kết nối hạ tầng (bao gồm cả kết nối hạ tầng thông tin, kết nối phương tiện).

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần có kế hoạch khắc phục các hạn chế hiện tại, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình bằng việc cải thiện công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thông tin, đặc biệt với mạng logistics toàn cầu; Mở rộng phát triển e-logistics; Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, bảo đảm năng lực chuyên môn; Cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư EU; Tìm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics khác nhau (hãng tàu, đại lý thương mại, bảo hiểm…),/.


 

Thu Hường