Cơ hội và thách thức của nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do

|

Cơ hội và thách thức của nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do

Cơ hội và thách thức
 
Việt Nam đã tham gia tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do, cả song phương và đa phương, có tác động trực tiếp, sâu rộng tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị, thương mại… Đặc biệt với 2 hiệp định tự do hóa hương mại thế hệ mới là CPTPP và EVFTA được đánh giá sẽ đem lại cơ hội rất lớn đối với lĩnh vực nông nghiệp, tạo cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu cũng như nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam vốn còn rất nhiều dư địa.

 
 
Cụ thể với hiệp định CPTPP là một thị trường lớn với hơn 40 triệu dân, GDP chiếm trên 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ đồng. Việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực, các mặt hàng thủy sản được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu một số mặt hàng: Cá tuyết, surimi, tôm, cua… vào thị trường Canada và Nhật Bản. Sau 3 năm Hiệp định có hiệu lực, mặt hàng thủy sản cá tra, cá basa xuất khẩu lớn sang Mexico. Riêng mặt hàng gạo xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực, nhờ đó gạo sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Canada và thị trường mới là Mexico.
 
Ngoài ra, thị trường Peru cam kết xóa bỏ thuế quan các mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam như: Hạt điều, chè, tiêu, rau quả, một số loại cà phê; Brunei xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với thịt gà, lợn và sản phẩm chế biến, sản phẩm chăn nuôi khác sơ chế và chế biến… Nông, lâm, sản khi xuất khẩu vào các nước trong khối CPTPP với thuế xuất phổ biến từ 5-10% hiện nay cũng được hạ xuống 0%, trước mắt là xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Đây được đánh giá là cơ hội lớn cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
 
Tương tự, EVFTA cũng tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam  sẽ được giảm thuế về 0-4% như hạt tiêu (hiện nay là 0-11%); gạo tấm, các sản phẩm từ hạt cũng được giảm về 0%. Đối với mặt hàng rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước quả, EU cam kết cơ bản sẽ xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thủy sản, một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến… Ngoài ra, các sản phẩm đông lạnh như mực, bạch tuộc đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%. Đối với sản phẩm cá tra, lộ trình giảm thuế là 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình là 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn..
 
Hiện EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam,  sau Mỹ. Thị  trường  này  luôn  chiếm trên 17-18% trong tổng giá trị xuất  khẩu  thủy  sản  của  Việt  Nam  sang  các  thị  trường.  Trong  đó,  riêng  sản phẩm tôm, EU chiếm 22%  tỷ  trọng  xuất  khẩu  của  Việt  Nam,  cá  tra  chiếm  11%,  các  mặt  hàng  hải sản chiếm 30-35%. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp  kim ngạch xuất  khẩu của Việt  Nam sang EU tăng  thêm  khoảng  20%  vào  năm  2020;  42,7%  vào  năm  2025  và  44,37%  vào  năm  2030  so với không có Hiệp định. Về mặt mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
 
Theo các chuyên gia, tham gia vào FTA giúp ngành nông nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam hay tuân thủ các quy định SPS và TBT. Bên cạnh đó, các FTA cũng mở ra cơ hội đa dạng hóa nhiều thị trường đầu tư tiềm năng ở nước ngoài cho cộng đồng doanh nghiệp Việt và thu hút đầu tư từ nước ngoài ở chiều ngược lại. Mặt khác, dưới áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện tối đa năng lực quản lý và khả năng tự đổi mới của mình.
 
Tuy nhiên, tham gia vào FTA đặc biệt là 2 hiệp định CPTPP và EVFTA cũng sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ cho nông nghiệp Việt Nam. Khi các Hiệp định đi vào thực thi với các cam kết sâu rộng và tính ràng buộc cao, được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
 
Theo đánh giá của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), bên cạnh nhiều cơ hội, Hiệp định EVFTA sẽ khiến nền nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như: Gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế dần được cắt giảm trong khi Việt Nam khó sử dụng hàng rào phi thuế như một biện pháp bảo hộ do năng lực về pháp lý, bằng chứng khoa học hạn chế.
 
Thêm nữa là việc quản lý và thực thi các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước cũng chưa đạt được những kết quả kỳ vọng, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nội địa. Điều này dẫn tới nguy cơ đánh mất thị trường nội địa khi mà các nông sản từ Canada hay Nhật Bản đều có chất lượng và độ tin cậy cao với giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Thái Lan hiện đang có cả hai lợi thế này so với Việt Nam và hiện đang thâm nhập mạnh vào thị trường nội địa. Áp lực cạnh tranh sẽ làm một số ngành có thể bị thu hẹp sản xuất như chăn nuôi và mía đường.
 
Bên cạnh đó, nguy cơ nông sản bị trả lại, mất quyền xuất khẩu hoặc gia tăng tần suất kiểm tra do chưa đáp ứng các quy định SPS/TBT tại các thị trường khó tính như Nhật và các nước EU khi sản xuất trong nước chưa được quản lý chặt chẽ vấn đề VSATTP, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu trong chăn nuôi, trồng trọt và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi cung ứng.
 
Việt Nam cũng sẽ khó đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo quyền lợi được hưởng ưu đãi thuế quan đối với một số ngành do sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu (điều, gỗ…) hoặc trong nước do chưa xây dựng được các chuỗi giá trị ngành hàng bền vững, chưa có thói quen về lưu trữ bằng chứng minh về nguồn gốc xuất xứ trong toàn chuỗi…
 
Khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì hàng rào kỹ thuật sẽ nghiêm ngặt và khắt khe hơn. Các hiệp định CPTPP, EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức đối với sản xuất tiêu thụ, phân phối nông sản Việt Nam.
 
Dưới tác động của các FTA, thị trường nông sản trong nước cũng đang dần gia tăng áp lực cạnh tranh. Đó là sự hiện diện và gia tăng số lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu từ nước ngoài. Trong số nhiều mặt hàng nông sản đó Việt Nam vẫn sản xuất được, thậm chí sản xuất với số lượng, chất lượng tốt nhưng khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu về giá thành và uy tín thương hiệu.
 
Giải pháp
 
hội mở cửa vào các thị trường lớn cho hàng nông sản Việt với các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… rất lớn. Nhưng để tận dụng được cơ hội này nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp như:
 
Một là, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa nông, lâm, thủy sản và Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế thông qua phát triển sản phẩm theo chuỗi, tập trung vào chế biến sâu cũng như tăng cường nhân lực, nâng cao năng suất lao động và phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành.
 
Hai là, hoàn thiện thể chế, chuyển đổi phương thức, hệ thống kinh tế, liên kết chất lượng sản phẩm. Chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP và EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là thông tin về các ưu đãi thuế quan, yêu cầu về chất lượng và quy tắc xuất xứ hàng hóa
 
Ba là, chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch làm việc với từng hiệp hội, ngành hàng, các địa phương để phát triển 3 nhóm kinh tế nông nghiệp gồm: Chăn nuôi và trồng trọt; lâm sản; thuỷ sản. Rà soát, tích hợp tinh thần của 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực để ứng phó với các hàng rào kỹ thuật.
 
Bốn là, cần tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường, khai thác cơ chế ưu đãi thuế quan và khắc phục các hàng rào kỹ thuật. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có quy mô và tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của thị trường xuất khẩu.
 
Năm là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, trong đó, nguồn nhân lực đảm bảo chủ động tham gia quá trình kiện tụng, xử lý tranh chấp và đảm bảo tính minh bạch, bênh vực quyền lợi chính đáng cho người nông dân, sản phẩm của nông dân, cũng như lường trước để cảnh báo./.
 
Minh Thư