Phát triển công nghiệp chế biến nông sản đáp ứng yêu cầu hội nhập

|

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản đáp ứng yêu cầu hội nhập

Với việc ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại (FTA), Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Điều này không chỉ đem đến nhiều cơ hội mà còn cả những rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu các sản phẩm tươi vào các thị trường đối với hàng nông sản. Do đó, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, phát triển ngành công nghiệp chế biến với việc chế biến sâu không chỉ là giải pháp chủ động giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá” hay “giải cứu” hàng nông sản trong nước thời gian qua mà về lâu dài còn giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu hàng nông sản tươi.

Phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tích cực xúc tiến thương mại đã mở ra thị trường thế giới rộng lớn cho tiêu thụ nông sản Việt Nam. Trong 10 năm qua, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt giá trị gia tăng hàng năm khoảng 5-7%, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD, xuất khẩu tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả các thị trường khó tính như: Mỹ, EU.

                                                              Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

      Doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam được xem là đầu tàu trong dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Hiện, hệ thống công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam có trên 7.500 doanh nghiệp. Công suất chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm. Ngoài ra, hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình phân bố khắp cả nước. Các cơ sở này thực hiện sơ chế và chế biến phục vụ chủ yếu cho tiêu dùng nội địa.


        Công nghệ chế biến nông sản hiện đã có một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến hiện đại mang tầm khu vực và thế giới, như: Chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra... Nhưng nhìn chung, trình độ công nghệ chế biến của các doanh nghiệp mới ở mức trung bình. Sản phẩm chế biến nông nghiệp có giá trị gia tăng thấp, chiếm khoảng 70-85%; sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, chỉ chiếm khoảng 15-30% (trong đó, thủy sản khoảng 30%, các loại nông sản khác chiếm khoảng 10-20%); sản phẩm bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chỉ chiếm khoảng 10%. Theo các chuyên gia, phần lớn các sản phẩm nông - lâm - thủy sản chế biến được xuất khẩu ở dạng sơ chế thô, nên giá trị nông sản của nước ta thường thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại ở các nước khác.

       Trong thời gian qua, ngoài các doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn nước ngoài cũng đã quan tâm và triển khai dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; trong đó có những doanh nghiệp hiện đại hàng đầu thế giới với công nghệ chế biến tiên tiến. Trong năm 2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án đạt 12.093,1 triệu USD, chiếm 72,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm đạt 17.475,1 triệu USD, chiếm 77,5% tổng vốn đăng ký. Trong số những dự án được doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư có thể kể đến dự án khánh thành Nhà máy Chế biến cà phê hòa tan của Tập đoàn Intimex. Nhà máy có dây chuyền công nghệ tiên tiến của thế giới với giá trị đầu tư 30 triệu USD, công suất 550kg/giờ, ước đạt 4.000 tấn/năm; dự án xây dựng dây chuyền sản xuất nước hoa quả với công suất 36.000 chai/giờ và sản xuất dòng sản phẩm mới là nước gạo rang, nước gạo lức đỏ và nước ép trái cây của Tập đoàn TH; có mặt tại thị trường miền Bắc, Công ty CP Masan MEATLife (thịt mát MEATDeli) đang xây dựng tổ hợp chế biến thịt heo sạch tại tỉnh Long An để phục vụ thị trường miền Nam, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào tháng 8/2020…

Ngoài đầu tư công nghệ chế biến sâu, doanh nghiệp cũng đã thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất ra sản phẩm. Xây dựng nguồn lao động trẻ, dồi dào dễ tiếp thu khoa học - kỹ thuật thế giới, đội ngũ doanh nhân có trình độ quản lý, ngoại ngữ, năng động, sáng tạo và đã có nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường thế giới. Hiện, ngành công nghiệp chế biến nông sản giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động, mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, phát triển ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, các doanh nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; phần lớn quy mô cơ sở chế biến nhỏ; có trên 70% cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng với thiết bị cũ có tuổi đời trên 15 năm, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp. hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 - 1/3 mức tối thiểu của các nước khác); Tổn thất sau thu hoạch lớn (chiếm từ 10-20%).

Sản phẩm chế biến chủ yếu còn thô (tính chung khoảng 70%); chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú; việc nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam còn hạn chế; Liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ; Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp của thế giới.

Các nguồn lực về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và hội nhập... còn hạn chế ảnh hưởng đến quá trình đầu tư đổi mới công nghệ và thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến

Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/07/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững đã đưa ra Mục tiêu đến năm 2030 ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới. Để đạt mục tiêu trong thời gian tới ngành công nghiệp chế biến cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, chuyển dịch, cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông sản theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng trên phạm vi toàn quốc.

        Hai là, UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo hướng thực chất và hiệu quả hơn.

Ba là, các doanh nghiệp cần tổ chức liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho khâu chế biến, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, ổn định mặt hàng; giám sát các mối nguy trong quá trình trồng trọt, thu hoạch, bảo quản; Lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ, thị trường… để dẫn dắt chuỗi liên kết.

Bốn là, tập trung nâng tỷ lệ chế biến sâu, chế biến tinh có giá trị gia tăng cao và giảm tỷ lệ chế biến thô có giá trị gia tăng thấp; cân đối hợp lý sản phẩm chế biến ở 3 cấp (Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương).

Năm là, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi trong đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản; Xây dựng Chiến lược phát triển chung về công nghiệp chế biến nông sản và các đề án phát triển chế biến các ngành hàng có tiềm năng về sản xuất và thị trường tiêu thụ để định hướng lâu dài cho doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển mạnh.

Sáu là, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như: HACCP, ISO 22000... trong tất cả các cơ sở chế biến nông sản để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản.

Bảy là, ưu tiên nguồn lực triển khai có hiệu quả năm 2020 và các năm tiếp theo về chương trình khoa học và công nghệ quốc gia trong lĩnh vực chế biến nông sản; Xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá về năng lực của ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Tám là, phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp chế biến nông sản, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu bền vững ngành nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế. Chuyển dịch hợp lý một phần lực lượng lao động sản xuất trực tiếp trong nông nghiệp sang lao động công nghiệp chế biến có tác phong công nghiệp, ý thức, kỹ năng tay nghề cao./.

Hùng Đạt