Năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi kinh tế của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới bị suy giảm mạnh, Việt Nam là một trong số quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương. Tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%, tuy là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua nhưng là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế phải kể đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 19,1 tỷ USD và là năm thứ năm liên tiếp cán cân thương mại của Việt Nam duy trì trạng thái thặng dư. Cùng điểm lại những điểm nổi bật trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020:
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2020 đạt mức tăng trưởng vững vàng
So với năm 2019, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2020 có thấp hơn song vẫn được đánh giá đạt mức tăng trưởng vững vàng nhất trong tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực vẫn là yếu tố đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% (17,2 tỷ USD). Một số mặt hàng chủ yếu đóng góp vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gồm: Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 47,8%; điện tử máy tính và linh kiện tăng 24,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,7%; sắt thép tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến hết tháng 12, có 31 hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, đứng đầu là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 50,9 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 19,1 tỷ USD và là năm thứ năm liên tiếp cán cân thương mại của Việt Nam duy trì trạng thái thặng dư. Cùng điểm lại những điểm nổi bật trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020:
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2020 đạt mức tăng trưởng vững vàng
So với năm 2019, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2020 có thấp hơn song vẫn được đánh giá đạt mức tăng trưởng vững vàng nhất trong tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực vẫn là yếu tố đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% (17,2 tỷ USD). Một số mặt hàng chủ yếu đóng góp vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gồm: Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 47,8%; điện tử máy tính và linh kiện tăng 24,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,7%; sắt thép tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến hết tháng 12, có 31 hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, đứng đầu là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 50,9 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn dành ưu thế và là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020. Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7% (18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn thuộc về khu vực này như: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 97,8%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 96,7%; hàng dệt may chiếm 59,6%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng chiếm 86,6%; giầy dép chiếm 78,8%.
Xuất khẩu hàng nông, lâm sản giảm so với năm 2019 song có một số mặt hàng vẫn đạt được mức tăng trưởng đáng khích lệ; một số loại quả nhiệt đới của Việt Nam đang có triển vọng xuất khẩu sang các thị trường xa, các thị trường yêu cầu sản phẩm nhập khẩu đạt chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ cũng như tính ổn định của nguồn hàng.
Xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 1,9% (400 triệu USD), chiếm tỷ trọng 7,2% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản vẫn có tốc tộ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước gồm: Gạo tăng 9,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 2,4% và cao su tăng 3,5%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,7%; ... Một số mặt hàng như dưa hấu, vải, thanh long đã có những tín hiệu đáng mừng trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ước tính kim ngạch xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất tăng 96,0%; Qua-ta tăng 22,9%; Ô-man tăng 55,5%; Pa-na-ma tăng 48,9%. Xuất khẩu vải quả sang các thị trường Ô-xtrây-li-a tăng 839,0%; Mỹ tăng 740,0%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 256,0%. Xuất khẩu thanh long sang các thị trường Ô-xtrây-li-a tăng 38,5%; Nhật Bản tăng 33,7%; Hàn Quốc tăng 43,5%; …
Trong năm 2020, ngành thủy sản vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn do một số thị trường đưa ra quá nhiều rào cản kỹ thuật, việc gỡ thẻ vàng của EC cho thủy sản Việt Nam là một thách thức lớn và đặc biệt do tác động của dịch Covid-19 làm cho nhu cầu tiêu thụ tại các thị truờng giảm mạnh… Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, song trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm đông nổi lên như một điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Ước tính xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2019. Cá da trơn phi-lê và tôm đông là hai mặt hàng có nhiều biến động. Kim ngạch xuất khẩu cá da trơn phi-lê ước đạt 1,3 triệu USD, giảm 28,1% và giảm ở hầu hết các thị trường (ngoại trừ hai thị trường Nga tăng 18,3% và U-crai-na tăng 5,6%). Tôm đông ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 6,7%. Ước tính một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn, tốc độ tăng trưởng cao so với năm trước gồm: Trung Quốc đạt 453,7 triệu USD (tăng 4,2%); Mỹ đạt 329,9 triệu USD (tăng 13,3%); Anh đạt 123,7 triệu USD (tăng 17,3%); Hồng Kông đạt 95,4 triệu USD (tăng 19,3%); Ca-na-đa đạt 92,3 triệu USD (tăng 21,6%);…
Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản, nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp là hai nhóm ngành quyết định tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước đạt 152,5 tỷ USD, tăng 11,3% (15,5 tỷ USD); chiếm tỷ trọng 54,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước đạt 100,3 tỷ USD, tăng 2,4% (2,3 tỷ USD), chiếm 35,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu tăng nhẹ so năm 2019
Nhập khẩu năm 2020 có mức tăng nhẹ so với năm 2019. Nhóm máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng có mức tăng trưởng cao hơn nhiều và đóng vai trò quyết định vào tăng trưởng nhập khẩu.
Nhập khẩu ước đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% (9,0 tỷ USD) so với cùng kỳ 2019, với hai mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh gồm: Điện tử, máy tính và LK tăng 24,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 13,3%.
Nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 245,6 tỷ USD, tăng 4,1%; chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, nhóm máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng ước đạt 134,8 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm tỷ trọng 51,4%; nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu ước đạt 110,8 tỷ USD, giảm 7,7%, chiếm tỷ trọng 42,2%; nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 16,8 tỷ USD, giảm 3,8%; chiếm tỷ trọng 6,4%, ước tính năm 2020, có 35 mặt hàng nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch nhập khẩu; trong đó đứng đầu là mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 64,0 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì xu hướng tích cực trong hoạt động nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 168,8 tỷ USD, tăng 13%, khu vực trong nước đạt 93,6 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Ước tính nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng 13,0%; trong đó, nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 21,0% và nguyên nhiên vật liệu giảm nhẹ 1,1%.
Về thị trường xuất nhập khẩu: Trung Quốc là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất với 132,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu ước đạt 48,5 tỷ USD, tăng 17,1%, nhập khẩu ở vị trí dẫn đầu với kim ngạch ước tính đạt 83,9 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2019. Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ước tính đạt 35,4 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng ước đạt giá trị tăng gồm: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 43,8%; máy vi tính và linh kiện tăng 14,6%. Ước tính kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng gồm: Máy vi tính và linh kiện tăng 53,8%; ô tô nguyên chiếc các loại 34,2%.
Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 2 với 90,1 tỷ USD về thương mại hai chiều, tăng 18,9% (14,3 tỷ USD) so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu ước đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5%, nhập khẩu ước đạt 13,7 tỷ USD, giảm 4,9%. Ước tính xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ đạt giá trị cao nhất với 62,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu tăng cao trong khi nhập khẩu giảm đã kéo xuất siêu sang thị trường này tăng 33,6% (15,7 tỷ USD) so với năm 2019. Ước tính kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng gồm: Máy vi tính và linh kiện tăng 71,8% (4,3 tỷ USD); máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 137,1%. Ước tính kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng giảm gồm: Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 10,0%; máy vi tính và linh kiện giảm 5,4%.
Hàn Quốc là thị trường có kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính đứng ở vị trí thứ 3 với 65 tỷ USD, giảm 2,6%; trong đó, xuất khẩu ước đạt 18,7 tỷ USD, giảm 5,1%, nhập khẩu ước đạt 46,3 tỷ USD, giảm 1,5%. Ước tính nhập siêu từ thị trường này đạt 27,6 tỷ USD, tăng 1,0% so với năm 2019. Ước tính kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng từ thị trường Hàn Quốc giảm như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 14,1%; hàng dệt may giảm 16,9%. Ước tính kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu giảm gồm: Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 4,9%; sắt thép giảm 9,1%.
ASEAN có kim ngạch 2 chiều ước đạt 53,1 tỷ USD, giảm 7,7% so với năm 2019; trong đó xuất khẩu đạt giá trị 23,1 tỷ USD, giảm 8,7%, nhập khẩu đạt 30,0 tỷ USD, giảm 6,9%. Nhập siêu từ thị trường ASEAN ước tính đạt 6,9 tỷ USD, giảm 0,6% so với năm 2019. Ước tính kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng từ thị trường ASEAN giảm gồm: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 37,1%; sắt thép giảm 9,8%. Ước tính một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch giảm gồm: Ô tô nguyên chiếc giảm 30,8%; xăng dầu các loại giảm 42,8%; sắt thép các loại giảm 21,7%.
Thị trường EU có kim ngạch 2 chiều ước đạt 49,3 tỷ USD, giảm 1,0% (496,0 triệu USD) so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu ước đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,7%, nhập khẩu đạt 14,5 tỷ USD, tăng 3,5%. Xuất siêu sang thị trường EU ước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 6,8% so với năm 2019. Ước tính kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường EU giảm gồm: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 16,7%; hàng dệt may giảm 12,0%; giầy dép các loại giảm 15,5%. Ước tính kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 61,9%; thức ăn gia súc tăng 20,5%.
Nhật Bản có kim ngạch hai chiều ước đạt 39,7 tỷ USD, giảm 0,4% (173,0 triệu USD); trong đó, xuất khẩu đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,7% và nhập khẩu đạt 20,5 tỷ USD, tăng 5,0%. Nhập siêu sang thị trường Nhật Bản ước đạt 1,3 tỷ USD (năm 2019 xuất siêu 793,0 triệu USD). Ước tính một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản giảm gồm: Hàng dệt may giảm 10,7%; giày dép giảm 15,9%. Ước tính kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng từ thị trường này tăng gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 21,1%; sắt thép các loại tăng 4,1%.
Hoạt động xuất nhập khẩu - còn đó những khó khăn
Một là, tăng trưởng xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó thể hiện tính chưa bền vững của hoạt động xuất khẩu và chưa phát huy được hết nội lực của nền kinh tế. Một số mặt hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hai là, xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản được coi là lợi thế của Việt Nam, bước đầu đã có những tiền đề khả thi, tích cực song vẫn chưa tạo được sức bật để sẵn sàng vươn ra thị trường thế giới, tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP mang lại.
Ba là, xuất siêu 19,1 tỷ USD trong năm 2020, một mặt là điểm sáng, tăng thu ngoại tệ cho đất nước để phát triển sản xuất; mặt khác con số này cũng phản ánh những khía cạnh cần nhìn nhận, đánh giá các chính sách thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển kinh tế. Việt Nam là một quốc gia có độ mở của nền kinh tế cao, song sản xuất chủ yếu dựa trên nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, chủ yếu ở các mặt hàng gia công xuất khẩu, xuất khẩu nguyên liệu thô, khoáng sản; tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn nhiều so với năm trước do nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu giảm khá sâu đã làm cho con số xuất siêu tăng cao. Nhập khẩu tư liệu sản xuất của khu vực đầu tư trong nước giảm đáng kể (11,2%) cho thấy, sức chống đỡ hạn chế của khu vực kinh tế trong nước trước những biến cố tác động tiêu cực lên nền kinh tế.
Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu:
-
Tập trung thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng Việt bao gồm: Giảm thời gian, thủ tục xuất nhập khẩu; tăng xúc tiến thương mại.
-
Thường xuyên tuyên truyền, cập nhật các chính sách và luật pháp quốc tế, phổ biến những lợi thế của việc ký kết các hiệp định thương mại tự do đến doanh nghiệp.
-
Phát triển các thương hiệu địa phương (sản phẩm OCOP) ra thế giới.
-
Đầu tư có trọng điểm phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản có chất lượng cao để xuất khẩu gắn với quy hoạch vùng trồng, cây trồng; phát triển quy mô sản xuất để đảm bảo ổn định nguồn hàng cung cho xuất khẩu.
-
Tăng cường liên kết vùng trong sản xuất và chế biến sản phẩm xuất khẩu.
-
Phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ logistics để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.
-
Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ ở khu vực đầu tư trong nước, dần tiến tới phát triển các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch có vị thế và sức cạnh tranh với các nước tiên tiến trên thế giới. /.
Vũ Thị Thanh Huyền
Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ -TCTK
Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ -TCTK