Sản xuất thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập toàn cầu

|

Sản xuất thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập toàn cầu

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) của Việt Nam đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô, số lượng, chất lượng và trình độ công nghệ đáp ứng đủ nhu cầu phát triển chăn nuôi trong nước và xuất khẩu đến các thị trường khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập với thế giới đòi hỏi ngành TĂCN cần có những thay đổi về chiều sâu để sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam phát triển và hội nhập

Tham gia vào thị trường muộn nhưng ngành TĂCN của Việt Nam đã có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. Theo Cục Chăn nuôi, năm 2011, cả nước có 233 cơ sở sản xuất TĂCN, tổng công suất thiết kế đạt 16,1 triệu tấn, đến năm 2019 có 264 cơ sở, tổng công suất thiết kế đạt 40,5 triệu tấn. Tính chung giai đoạn 2011-2019, số lượng cơ sở sản xuất TĂCN mới chỉ tăng 13,1% (tương đương 1,48%/năm) nhưng công suất thiết kế đã tăng 151,6% (tương đương 16,8%/năm), trong đó số nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài chiếm tỉ lệ 32%.

Sản lượng sản xuất TĂCN trong cả nước không ngừng gia tăng. Năm 2011 sản lượng thức ăn chăn nuôi đạt 11,5 triệu tấn, đến năm 2019 đã tăng lên 19,0 triệu tấn. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 trên thế giới và số 1 trong khu vực ASEAN về sản lượng TĂCN công nghiệp. Hiện ngành TĂCN của Việt Nam không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu phát triển chăn nuôi trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới.

Công nghệ chế biến ngành TĂCN Việt Nam ngày càng phát triển. Phần lớn các dây chuyền sản xuất TĂCN được đầu tư thuộc thế hệ mới và có xuất xứ từ các nước phát triển như: Châu Âu, Hoa Kỳ. Hiện, khoảng 80% số lượng cơ sở sản xuất TĂCN có dây chuyền sản xuất tự động, bán tự động; Chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên phân khúc thị trường TĂCN của Việt Nam đang nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài. Mặc dù các doanh nghiệp trong nước đang sở hữu số lượng nhà máy sản xuất nhiều  hơn các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có một số doanh nghiệp quy mô lớn như: Dabaco, Masan, GreenFeed, Vina, Lái Thiêu... nhưng các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 35% thị phần cung cấp TĂCN, 65% thị phần còn lại của thị trường vẫn do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ. Theo dự báo, ngành TĂCN Việt Nam đang được đánh giá có nhiều tiềm năng sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp ngoại mở rộng về quy mô, sản lượng cũng như số lượng doanh nghiệp do đó nếu không được đầu tư phát triển, thị phần cung cấp TĂCN của doanh nghiệp trong nước sẽ có nguy cơ tụt giảm.

Không chỉ vượt trội về thị phần, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đều có chiến lược kinh doanh bài bản với chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín và nguồn lực tài chính mạnh. Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tới nền sản xuất của nhiều nước trên thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước đang loay hoay thoát khỏi khủng hoảng nguyên liệu, duy trì sản xuất thì một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhà máy để tăng sản lượng. Cụ thể, mới đây, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) đã chính thức khánh thành nhà máy thứ 6 sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đại và công nghệ cao tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, với vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng (tương đương với 13 triệu USD). Đây là nhà máy được đầu tư trang bị dây chuyển sản xuất tiên tiến và công nghệ hiện đại với mục tiêu cung cấp sản phẩm thức ăn chăn nuôi chất lượng cao để khai thác thị trường tiềm năng khu vực miền Trung. Từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 1996, Japfa Việt Nam không ngừng mở rộng đầu tư và đến nay đã trở thành một trong những nhà sản xuất TĂCN và gia súc, gia cầm hàng đầu tại Việt Nam. Hay Tập đoàn C.P đến từ Thái Lan, khi bước vào thị trường Việt Nam, C.P chỉ tập trung vào sản xuất TĂCN đến nay C.P đã trở thành doanh nghiệp tiên phong trong mô hình“3F”, từ thức ăn chăn nuôi (Feed) đến trang trại (Farm) và thực phẩm (Food) với việc triển khai mở rộng phát triển thêm các mảng như: Gà đẻ trứng, cung cấp heo, gà thịt, xúc xích, heo giống, xuất khẩu tôm và cá tra. Hiện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc.

Việt Nam đang tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại đã mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các ngành sản xuất trong nước khi hội nhập và phát triển với nền kinh tế thế giới trong đó có ngành sản xuất TĂCN. Đánh giá ảnh hưởng của các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết đối với ngành TĂCN mà đơn cử là Hiệp định Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 cho thấy, ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng từ các sản phẩm nhập khẩu từ EU. Các sản phẩm thịt lợn đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm, thực phẩm chế biến sau 7 năm và thuế suất đối với thịt gà sẽ giảm dần về 0% trong 10 năm, trong khi mức thuế trước đây từ 10%-40%. Tuy nhiên, thời gian qua, mặc dù thịt nhập khẩu có giá khá rẻ nhưng đa phần người dân vẫn có thói quen tiêu dùng thịt nóng hay thịt sản xuất trong nội địa. Điều này khiến cho áp lực cạnh tranh từ hiệp định EVFTA mang lại không quá lớn. Theo khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp TĂCN đánh giá mức độ ảnh hưởng của Hiệp định thương mại đến ngành ở mức vừa phải, đạt 3,3 trên thang điểm 5.

Bên cạnh đó ngành TĂCN Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với khó khăn như: Nguồn nguyên liệu TĂCN nhập khẩu lớn và ngày càng gia tăng; công nghệ sản xuất và quản lý TĂCN còn thiếu đồng bộ, tự động hóa chưa cao; chi phí đầu vào của sản xuất TĂCN trong nước cao; hiệu quả đầu tư thấp; phân bố các cơ sở sản xuất TĂCN công nghiệp không đồng đều. Song dù thế nào, ngành sản xuất TĂCN của Việt Nam vẫn còn khá nhiều tiềm năng để phát triển. Theo Bộ Canh Nông Hoa Kỳ (USDA) dự báo, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng kép hàng năm 5,06% trong giai đoạn dự báo để đạt quy mô thị trường 12.270 tỷ USD vào năm 2025. Còn theo kết quả khảo sát của Vietnam Report về triển vọng của ngành TĂCN trong năm 2021 đã ghi nhận: 57,1% doanh nghiệp đánh giá sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng; 28,6% đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút và chỉ có 14,3% tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút. Khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra 3 xu hướng phát triển nổi bật của ngành TĂCN trong thời gian tới, đó là: Đa dạng hóa sản phẩm; Tăng cường sử dụng công nghệ sinh học; Đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa trong sản xuất và quản lý.

Để tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu và để hạ giá thành sản xuất TĂCN, Bộ NN&PTNT đã đưa ra Đề án phát triển công nghiệp chế biến TĂCN trong 10 năm tới (2021-2030). Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt khoảng 30-32 triệu tấn/năm. Cơ sở chế biến TĂCN công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP, GMP hoặc tương đương. Trình độ công nghệ trong sản xuất, quản lý và chất lượng, giá thành sản phẩm TĂCN Việt Nam thuộc nhóm tiên tiến nhất trong khu vực ASEAN. Tự chủ được khoảng 40% nguyên liệu tổng số từ nguồn sản xuất trong nước, trong đó nhóm thức ăn bổ sung tự chủ được khoảng 50%.

Tránh  sự  lấn  át  của  khối  ngoại,  một  số  tập  đoàn,  doanh  nghiệp  lớn  trong  nước  như:  Hòa  Phát,  Hùng Vương, Vingroup… thời gian qua đã đổ vốn vào mảng TĂCN để cạnh tranh và giành lại thị phần cân bằng với các doanh nghiệp ngoại. Đơn cử, Tập đoàn Hòa Phát đang vận hành 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 600.000 tấn/năm. Tập đoàn Hòa Phát cũng đã xây dựng và đi vào hoạt động nhà máy chế biến TĂCN tại Khu công nghiệp Long Khánh với công suất 200 ngàn tấn/năm.

Giải pháp phát triển ngành thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới

Có một nền công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đại, không phụ thuộc việc nhập khẩu nguyên liệu, ngành chăn nuôi Việt Nam mới có thể chủ động ứng phó với những rủi ro bất thường và phát triển bền vững. Để phát triển trong thời gian tới ngành TĂCN cần tập trung vào các giải pháp, đó là:

Rà soát, điều chỉnh mạng lưới cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và khả năng xuất khẩu. Hạn chế mở mới và mở rộng quy mô các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở các khu vực đã có nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, nhất là các chỉ tiêu an toàn đối với thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu nâng cao giá trị dinh dưỡng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Khuyến khích đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển, kho bãi chuyên dùng phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi.

Khuyến khích phát triển các mô hình chế biến các loại thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, hợp tác xã; mô hình thâm canh trồng cỏ, ngô dầy, lúa chín sáp... kết hợp công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp (TMR)./.

Linh Đạt