Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu thủy sản do tác động của dịch Covid-19

|

Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu thủy sản do tác động của dịch Covid-19

Trong năm 2021, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là làn sóng dịch bệnh bùng phát từ cuối tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội cả nước, trong đó tạo ra những nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu thủy sản do tác động của dịch Covid-19. Việt Nam có 3 sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực là cá tra với sản lượng sản xuất hàng năm trên 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên dưới 1,5 tỷ USD; tôm nước lợ với sản lượng sản xuất hàng năm trên dưới 900 ngàn tấn và kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Khoảng 99% sản lượng cá tra toàn quốc, 93% sản lượng tôm sú toàn quốc, 80% sản lượng tôm thẻ chân trắng trắng toàn quốc được sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 
Ảnh minh họa

Trong quý III năm 2021, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung sản xuất cá tra, tôm nước lợ, các nhà máy chế biến thủy sản và vùng Đông Nam Bộ, nơi có hai cảng lớn để doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu hàng ra nước ngoài2 đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với khoảng thời gian dài. Ví dụ như Đồng Tháp, Bến Tre có 100% xã, phường, thị trấn thực hiện Chỉ thị 16 trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến ngày 10/9 với thời gian thực hiện giãn cách trong quý trung bình lần lượt là 56 ngày, 41 ngày. Ngoài hai địa phương này, các tỉnh còn lại trong vùng cũng rơi vào tình trạng phải thực hiện giãn cách trên phạm vi toàn tỉnh với thời gian kéo dài.

Hoạt động chế biến thủy sản chịu tác động đáng kể

Thứ nhất, công suất hoạt động của các DN ngành chế biến thủy sản giảm mạnh. Trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hầu như các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản không có đủ điều kiện sản xuất“3 tại chỗ”, phải dừng hoạt động để đảm bảo yêu cầu phòng dịch hoặc do công nhân chưa được tiêm vắc xin. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ có 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản phía Nam hoạt động với công suất trung bình giảm còn 30-35%. Nhà máy chế biến thủy sản có ca F0 phải dừng hoạt động. Theo kết quả điều tra IIP của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất mặt hàng tôm đông lạnh 6 tháng đầu năm tăng 16% nhưng tháng 7 chỉ đạt 95,7% so với cùng kỳ, tháng 8 đạt 78,8% và ước tháng 9 đạt 77,8%; chỉ số sản xuất mặt hàng phi lê đông lạnh 9 tháng đầu năm chỉ đạt 81,8% so với cùng kỳ.

Thứ hai, doanh nghiệp, thương lái khó khăn trong thu mua nguyên liệu. Việc kiểm soát chặt chẽ, cứng nhắc đối với người và phương tiện vận tải khiến DN khó tiếp cận với nguồn nguyên liệu; quy trình, thủ tục kiểm soát phức tạp khiến cho việc thu mua bị chậm tiến độ; người lao động ở các khâu thu mua, thu hoạch, vận chuyển không muốn tham gia lao động do sợ nhiệm bệnh hoặc do chưa được tiêm vắc xin.

Thứ ba, tiêu thụ của các doanh nghiệp chế biến thủy sản giảm mạnh. Theo kết quả điều tra IIP của Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ mặt hàng “Tôm đông lạnh” so với cùng kỳ: 6 tháng đầu năm tăng 17,7% nhưng tháng 7 giảm 10%, tháng 8 giảm 34% và ước tháng 9 giảm 35%. Tiêu thụ giảm mạnh do các nhà máy ngưng hoặc giảm công suất hoạt động, hoạt động xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch.

Thứ tư, áp lực trong việc đảm bảo tiền lương cho người lao động để giữ chân lao động. Lao động nghành chế biến thủy sản thường phải qua đào tạo. Ngành chế biến thủy sản vốn dĩ đã khó khăn trong việc thu hút lao động do đặc thù nghề thì nay lại càng khó khăn hơn trong việc duy trì lao động và đảm bảo tiền lương cho người lao động để giữ chân lao động, khi mà doanh nghiệp phải ngưng hoạt động hoặc giảm công suất hoặc động hoặc giảm lợi nhuận cho phát sinh thêm nhiều khoản chi phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch, logistic, …

Thứ năm, áp lực về gia tăng chi phí và hàng tồn kho. Đặc thù ngành chế biến thủy sản là thành phẩm phải bảo quản trong kho đông lạnh, tỷ lệ tồn kho lại cao (theo kết quả điều tra IIP, lượng tồn kho cuối tháng của các doanh nghiệp chế biến cá tra hay tôm thường gấp 1,5-1,8 lần lượng sản xuất trong tháng trong điều kiện bình thường và bằng khoảng 8%-10% tổng sản lượng chế biến trong năm). Doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc bị giảm tiêu thụ sẽ gây ra áp lực rất lớn về chi phí điện, chi phí lưu kho khác và ứ đọng vốn. Tình trạng thiếu container đông lạnh rỗng, khó khăn trong vận chuyển hàng đến cảng biển, các đơn hàng của doanh nghiệp thủy sản bị hủy, trì trệ, bị trả về do tác động dịch khiến cho chi phí logistic bị đội lên trong khi chi phí này chiếm khoảng 20%, khiến cho một số doanh nghiệp chế biến rơi vào thì trạng doanh thu tăng mà lợi nhuận giảm.

Hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn

Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành chế biến thủy sản rơi vào tình trạng sản phẩm đến kỳ thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chế biến ngưng, giảm hoạt động đồng nghĩa với giảm thu mua cùng với những khó khăn trong khâu thu mua, thu hoạch, vận chuyển, chưa kể khó khăn trong mua và vận chuyển thức ăn chăn nuôi, sức tải môi trường ao nuôi cũng đến ngưỡng khi sản phẩm đạt kích cỡ thu hoạch, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng.

Trong tháng 9, ước tính sản lượng cá tra thu hoạch giảm 27,3%, sản lượng tôm thẻ chân trắng thu hoạch giảm 8,4%. Trong quý III, sản lượng cá tra ước giảm 19,8%, sản lượng tôm thẻ chân trắng ước giảm 6,3%.

Trong thời gian qua, người nuôi gần như không còn lợi nhuận do chi phí thức ăn cao, thời gian nuôi phải kéo dài nên chi phí thức ăn trong nuôi tăng, trong khi chi phí thức ăn trong nuôi cá tra chiếm tới khoảng 77%, trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh chiếm khoảng trên 50%. Chi phí gia tăng nhưng giá lại ở mức thấp hoặc có xu hướng giảm. Giá cá tra dao động từ 21-22 nghìn đồng, 44% hộ nuôi cá tra đánh giá giá cá tra thấp hơn giá thành sãn xuất. Hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng loại 70 con/kg chỉ còn khoảng 77 nghìn đồng, giảm 30 nghìn đồng so với trước khi bùng dịch.

Với tâm lý e ngại dịch, người nuôi không tiếp tục thả nuôi, dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến trong cuối năm hoặc đầu năm sau. Trên thực tế, vốn đầu tư bình quân 1 hộ nuôi cá tra hay tôm công nghiệp rất lớn, khoảng 1 tỷ đồng, nên việc lỗ ở vụ nuôi vừa qua khiến nhiều hộ có thể không đủ khả năng duy trì sản xuất hoặc gặp áp lực về nợ ngân hàng, lãi vay. Vấn đề này cùng rủi ro về giá và dịch bệnh khiến người nuôi dè chừng trong việc thả nuôi. Theo kết quả điều tra thủy sản của Tổng cục Thống kê trong tháng 6 năm 2020, trong tổng 161 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh được phỏng vấn có 19,3% sẽ không nuôi trong quý III và 19,5% hộ sẽ thu hẹp quy mô sản xuất; 5% trong tổng 262 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và 5,6% trong tổng số hộ nuôi bán thâm canh được phỏng vấn sẽ không nuôi tôm thẻ chân trắng trong quý III. Kết quả này được phỏng vấn trước khi dịch bùng phát. Khi dịch bùng phát thì tỷ lệ hộ ngưng hoặc giảm diện tích nuôi sẽ gia tăng.

Những trở ngại trong xuất khẩu

Trước những khó khăn trong hoạt động sản xuất và chế biến trong thời gian qua, nếu sản xuất không sớm được phục hồi thì hoạt động xuất khẩu thủy sản sẽ đứng trước nguy cơ mất thị trường hoặc giảm thị phần, kể cả các thị trường truyền thống. Cùng với đó, các quốc gia là đối tác sẽ có tâm lý e ngại nhập khẩu từ các nước bùng dịch do lo ngại việc kiểm soát dịch ở các nhà máy chế biến và trên thực phẩm.

Nhìn vào thực tế cho thấy, sản xuất - chế biến - xuất khẩu là một chuỗi với hoạt động chế biến của các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản đóng vai trò trọng tâm, chế biến thủy sản đứt gãy sẽ làm đứt gãy cả chuỗi. Nếu các DN chế biến không sớm trở lại hoạt động bình thường thì mục tiêu xuất khẩu thủy sản đề ra khó có thể đạt được. Bên cạnh đó, còn phải đối mặt với nguy cơ mất thị trường và giảm thị phần trong cả ngắn hạn và dài hạn, nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Không chỉ vậy, sản xuất giống hay chế biến thức ăn chăn nuôi cũng sẽ bị tác động. Nguy cơ đứt gãy đã rất rõ ràng trong quý III, nếu tình trạng này kéo dài sang quý IV thì sẽ thực sự đứt gãy và phải mất 6-9 tháng để khôi phục.


Một số giải pháp chủ yếu để duy trì chuỗi sản xuất - chế biến xuất khẩu thủy sản trước tác động của dịch
 
Một là, đẩy mạnh tiêm phòng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng trọng điểm về sản xuất, chế biến. Các công nhân trong các nhà máy chế biển, người dân ở vùng nuôi tôm, cá tra nguyên liệu cần được ưu tiên tiêm phòng;

Hai là, đảm bảo thông suốt trong thu hoạch, lưu thông, vận tải, xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa, bao gồm cả các sản phẩm sản xuất, chế biến, sản phẩm là nguyên nhiên vật liệu của sản xuất và chế biến trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 15, 16;

Ba là, giảm hoặc giãn thời gian thanh toán tiền điện, lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp, giảm hoặc giãn thời gian trả lãi, giãn thời gian trả gốc tiền vay ngân hàng của các hộ sản xuất thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long;

Bốn là, kiểm soát giá thức ăn cho nuôi trồng thủy sản;

Năm là, giảm thuế suất nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu đối với nguyên, vật liệu chế biến thức ăn chăn nuôi;

Sáu là, giảm áp lực nhập khẩu nguyên liệu thông qua việc sử dụng chính phế phẩm của ngành chế biến. Hiện phụ phẩm của ngành chế biến cá tra, tôm là khoảng 40-50% nguyên liệu đầu vào, khoảng trên 1 triệu tấn phụ phẩm./.
 
Dương Mạnh Hùng
Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản - TCTK