Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2021 ước tính tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp với mức tăng 6,37% so với cùng kỳ, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Ngành Công nghiệp - điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam
Năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 4,82% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,21%, làm giảm 0,23 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Ngành Công nghiệp - điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam
Năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 4,82% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,21%, làm giảm 0,23 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ ba ở nước ta từ cuối tháng 1/2021 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp của một số địa phương là trung tâm công nghiệp lớn ở phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Nhờ có các biện pháp kiểm soát dịch kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương có dịch bùng phát mạnh nên đợt dịch Covid-19 lần thứ ba đã được khoanh vùng và kiểm soát sớm, giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh. Sáu tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước tăng 9,0% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã lấy lại đà tăng trưởng và là một trong những ngành quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,6% của năm 2020, đóng góp hơn 50% trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư từ cuối tháng 4/2021 và tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, kéo dài, sản xuất công nghiệp trên phạm vi cả nước và nhiều địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính quý III/2021 giảm sâu, với mức giảm 4,9% so cùng kỳ năm 2020, trong đó: Ngành khai khoáng giảm 8,9% so cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo giảm 5,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 1,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%.
Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn, hạn chế thiệt hại do tác động của dịch Covid-19. Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được thực hiện đồng bộ tại các địa phương trên cả nước đã góp phần giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất. Bên cạnh sự đồng hành của Chính phủ, các doanh nghiệp cũng chủ động tổ chức các phương án sản xuất linh hoạt nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và phù hợp yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động. Cá biệt, một số doanh nghiệp có đơn đặt hàng xuất khẩu nhưng không sản xuất kịp đơn hàng đã có phương án chủ động liên kết và chuyển đơn hàng cho các doanh nghiệp cùng ngành ở những vùng ít bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 hơn, hình thành các chuỗi liên kết giá trị và chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng một phần nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào. Nhờ vậy, hoạt động của các doanh nghiệp ngành công nghiệp những tháng cuối năm đã thực sự khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước ước tính quý IV/2021 tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2020, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 6,3%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%; ngành khai khoáng giảm 3,3% so cùng kỳ năm 2020. Ước tính cả năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020 (cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm 2020).
Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chính của toàn ngành công nghiệp
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính của toàn ngành công nghiệp khi đạt mức tăng trưởng cao nhất với 6,0% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,8%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp. Tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 4,9%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,7%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,8% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 5,7% và khí đốt tự nhiên giảm 19,4%), làm giảm 0,9 điểm phần trăm trong mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp. Việc tái cơ cấu ngành công nghiệp có sự dịch chuyển tích cực, tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm dần, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chi phối và giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tổng vốn đăng ký tiếp tục dẫn đầu với 18,12 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đăng ký và tăng 33,2% so cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 tăng 6,0%, trong khi đó chỉ số tiêu thụ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm trước tăng 3,3%). Một số ngành trọng điểm có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: Sản xuất xe có động cơ tăng 22,4%; sản xuất kim loại tăng 12,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plasstic tăng 8,6%; sản xuất trang phục tăng 8,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 6,1%... Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2021 là 79,4% (cùng kỳ năm trước là 71,9%).
Đóng góp vào mức tăng chung của ngành công nghiệp có sự góp mặt của một số ngành công nghiệp cấp II trọng điểm, những ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Sản xuất kim loại tăng 22,1%; Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 19,4%; SX xe có động cơ tăng 10,2%; SX sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 6,2%; Khai thác than cứng và than non tăng 9,0%; Dệt tăng 8,3%; SX than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 8,1%; SX trang phục tăng 7,6%; SX sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 5,4%; SX da và các sản phẩm có liên quan tăng 5,2%.
Ở chiều ngược lại, một số ngành công nghiệp cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước. Giảm nhiều nhất là ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 16,9% (nguyên nhân do năm 2020 ngành này có mức tăng trưởng cao kỷ lục, tăng 21,8% so với cùng kỳ); Khai thác dầu và khí đốt tự nhiên giảm 13,2%; Sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc giảm 11,5%; Ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 6%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 5,5%; khai thác quặng kim loại giảm 4,9%; sản xuất đồ uống giảm 3,2%; SX thiết bị điện giảm 1,8%; SX phương tiện vận tải khác giảm 1,1%.
Các địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp dần hồi phục
Những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã nối lại hoạt động sản xuất trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, các doanh nghiệp đẩy mạnh phục hồi sản xuất kinh doanh và dần lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Hoạt động sản xuất ở các địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp như: TP Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ... đã có những chuyển biến tích cực.
Tính chung cả năm 2021, có 48/63 số địa phương trong cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó những địa phương có tốc độ tăng sản xuất công nghiệp cao nhất gồm: Ninh Thuận tăng 24,6% (chủ yếu do ngành sản xuất điện tái tạo đầu tư mới tăng 43,1%); Đắk Lắk tăng 23,8% (chủ yếu do ngành sản xuất điện tái tạo đầu tư mới tăng 44,3%); Gia Lai tăng 20,5% (chủ yếu do ngành sản xuất điện tăng 32,8%); Hải Phòng tăng 18,2%; Bình Phước tăng 17,8%; Thanh Hóa tăng 17%; Nghệ An tăng 16%; Thái Bình tăng 14,4%; Hà Tĩnh tăng 14%; Đăk Nông tăng 13,4%.
Tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, hoạt động sản xuất đã khôi phục trở lại ở những tháng cuối năm, các doanh nghiệp tăng tốc để kịp tiến độ hoàn thành các đơn hàng đã được ký kết. Tuy nhiên, ước chung cả năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh vẫn giảm 14,3% so với cùng kỳ; tiếp đến là TP. Cần Thơ giảm 10,1%; Trà Vinh giảm 9,5%; Đồng Tháp giảm 8%; Cà Mau giảm 7,1%; Vĩnh Long giảm 6,7%; Cao Bằng và Sơn La cùng giảm 6,2%; Hòa Bình giảm 6,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,9%; Khánh Hòa giảm 4,6%; Bến Tre giảm 3,9%; Tiền Giang giảm 2,8%; Đà Nẵng giảm 2,3%; Long An giảm 1,2%.
Giải pháp trọng tâm thúc đẩy sản xuất công nghiệp năm 2022
Có thể nói, cùng với sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của Chính phủ, các Bộ, ngành và sự nỗ lực của doanh nghiệp, cơ sở SX kinh doanh, hoạt động sản xuất tại các địa phương những tháng cuối năm đã bắt nhịp trở lại. Trong năm 2022, tình hình dịch Covid-19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn hiện hữu. Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, để ngành công nghiệp trong năm 2022 vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước.
Thứ hai, về thuế, phí, lệ phí: Tiếp tục miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất trong năm 2022.
Thứ ba, về tín dụng: Tiếp tục các gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn và mức lãi suất cho vay ưu đãi.
Thứ tư, về lao động: Các chính sách hỗ trợ cho người lao động cần rõ ràng hơn, thủ tục cho doanh nghiệp làm hồ sơ xin trợ cấp cho người lao động cần đơn giản, nhanh gọn hơn.
Ngoài các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thì về dài hạn cần có các chính sách kinh tế mới để “lôi kéo” doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào và thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động để lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu lao động trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi do dịch Covid-19 tạo ra./.
Phí Thị Hương Nga
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - TCTK
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - TCTK