Ngành tôm Việt Nam: Những vấn đề đặt ra

|

Ngành tôm Việt Nam: Những vấn đề đặt ra

Quý I/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam duy trì tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tôm vẫn giữ tỷ trọng cao nhất trong nhóm hàng ngành này. Tuy nhiên, dù xuất khẩu tôm của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, ngành tôm Việt Nam vẫn còn những tồn tại ở cả đầu vào và đầu ra, cần phương án khắc phục dài hạn để phát triển bền vững và giữ vững vị thế của mình.

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm nước lợ của Việt Nam năm 2021 tương đương năm 2020 với 747 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 626 nghìn ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 121 nghìn ha. Sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2021 đạt 970 nghìn tấn, trong đó, sản lượng tôm sú đạt 265 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng là 665 nghìn tấn, còn lại là các loại tôm khác. Để đạt sản lượng nuôi tôm như trên, bình quân mỗi năm, ngành Tôm Việt Nam cần khoảng 130 tỷ con giống bao gồm: 100 tỷ con tôm thẻ chân trắng và 30 tỷ con tôm sú giống. Với 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ năm 2021, sản lượng đạt 114,5 tỷ con, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020, các cơ sở sản xuất tôm giống đã đáp ứng hoàn toàn nhu cầu con giống của các đơn vị chăn nuôi tôm nước lợ.

Tuy nhiên, vấn đề gốc rễ của bài toán con giống lại nằm ở tôm bố mẹ khi kết quả nghiên cứu, sản xuất tôm bố mẹ của Việt Nam đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Việt Nam mới chỉ tự đáp ứng được một phần nhỏ tôm bố mẹ (năm 2021, tổng số tôm bố mẹ sản xuất trong nước đạt khoảng 21 nghìn con tôm thẻ chân trắng và 20 nghìn con tôm sú); số lượng tôm bố mẹ phục vụ cho sản xuất tôm giống chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên. Hàng năm, ngành Tôm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 200 nghìn con tôm bố mẹ, trong đó nhập khẩu từ Mỹ chiếm 53,5%, từ Thái Lan là trên 20%, còn lại là từ các nguồn cung cấp khác. Điều đó dẫn đến sự bị động trong sản xuất tôm giống, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra trong hơn 2 năm qua cùng với các vấn đề của thế giới như xung đột chính trị, chiến tranh thương mại, tắc nghẽn giao vận quốc tế khiến cho việc nhập khẩu tôm bố mẹ gặp không ít khó khăn.

Theo kế hoạch năm 2022, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu phát triển diện tích nuôi đạt 750 nghìn ha, trong đó tôm sú đạt 625 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng đạt 125 nghìn ha; phấn đấu sản lượng tôm các loại đạt 980 nghìn tấn, đưa kim ngạch xuất khẩu lên trên 4 tỷ USD, tăng 2,56% so với năm 2021. Vì vậy, nhu cầu về con tôm bố mẹ để sản xuất đủ số lượng tôm giống sẽ cần khoảng 260-270 nghìn con, gồm: 200-210 nghìn tôm thẻ chân trắng bố mẹ, 60 nghìn tôm sú bố mẹ để sản xuất khoảng 100-110 tỷ con tôm thẻ chân trắng giống và 30-40 tỷ con tôm sú giống. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho ngành Tôm đối với vấn đề sản xuất và đáp ứng nhu cầu về con giống.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Không chỉ khó khăn về nguồn cung tôm bố mẹ, ngành sản xuất và chế biến tôm của Việt Nam còn đứng trước một số khó khăn, bất cập khác. Điển hình là vấn đề chất lượng con giống và kiểm soát dịch bệnh trong quá trình nuôi luôn là bài toán nan giải đối với người nông dân nuôi tôm. Trong nuôi trồng tôm, con giống là một trong những vấn đề then chốt cho vụ nuôi thành công. Con giống tốt, sạch bệnh, cho tỷ lệ sống cao, sức chống chịu với điều kiện môi trường tốt, tôm sinh trưởng nhanh giúp giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho người nuôi. Mặc dù vậy, tình trạng sản xuất tôm giống, đặc biệt là nuôi thả con giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc kéo dài trong nhiều năm qua vẫn luôn là vấn đề tồn tại một cách nhức nhối đối với ngành Tôm.

Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng tôm giống ở một số địa phương vẫn còn yếu. Chất lượng con giống kém có thể là nguy cơ gây bùng phát dịch bệch. Dù Tổng cục Thủy sản thường phối hợp với các địa phương liên tục tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất theo kế hoạch nhưng vấn đề chất lượng, truy xuất nguồn gốc con giống vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ngoài các vấn đề về con giống, hoạt động sản xuất tôm của Việt Nam cũng như tại nhiều quốc gia khác chịu ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố thời tiết, trong khi phần lớn diện tích nuôi trồng thủy sản của nước ta tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng được dự báo chịu ảnh hưởng nhiều nhất bới biến đổi khí hậu có thể gây ra các vấn đề về hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên vật nuôi. Tổng cục Thủy sản đã đưa ra cảnh báo trong năm 2022, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại sẽ có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh là rất cao do người nuôi tôm bắt đầu tăng thả nuôi trước bối cảnh thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất lợi. Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã được chú trọng từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ triệt để.

Một yếu tố nữa đang là vấn đề kìm hãm và đe dọa đến sức cạnh tranh của ngành Tôm Việt Nam đó chính là yếu tố giá thành sản xuất. Hiện giá thành sản xuất của Việt Nam vẫn cao hơn so với các quốc gia trong khu vực. Nguyên nhân chính là do giá thức ăn nuôi tôm chiếm khoảng trên 65% giá thành sản xuất nuôi tôm công nghiệp, chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ, giá cước vận chuyển vật tư tăng cao, hạ tầng vùng nuôi chưa được đảm bảo. Đặc biệt, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Điều này dẫn đến việc nguồn nước dễ bị ô nhiễm do những chất thải trong quá trình sản xuất và sinh hoạt. Ngoài ra, hệ thống cấp, thoát nước không bảo đảm, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Cùng với đó, hiện công nghệ nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp.

Ở đầu ra của sản phẩm, ngành Tôm cũng giống như nhiều ngành sản xuất chế biến khác gặp không ít khó khăn do diễn biến của dịch bệnh, xung đột kinh tế và chính trị gây đứt gãy, ảnh hưởng đến giao thương hàng hóa quốc tế. Mỹ đang là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với trị giá xuất khẩu năm 2021 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020. Tuy nhiên, lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến doanh thu bán lẻ thủy sản tại Mỹ có dấu hiệu sụt giảm. Theo Bộ Công Thương, doanh thu thủy sản tươi sống và đông lạnh của Hoa Kỳ giảm 9,4% trong tháng 2/2022, xuống còn 576 triệu USD; doanh thu thủy sản tươi sống giảm 12,0%, xuống còn 521 triệu USD; doanh thu thủy sản có vỏ giảm 9,1%; cá giảm 3,7% và các loại hải sản bảo quản 4,8%. Theo khảo sát, gần 90% người tiêu dùng Hoa Kỳ tham gia khảo sát lo ngại về vấn đề lạm phát. Các áp lực lên nền kinh tế do tác động của cuộc xung đột ở Ucraina có thể sẽ làm trầm trọng thêm việc đứt gãy chuỗi cung ứng, làm tăng giá một số mặt hàng nhất định. Theo khảo sát của IRI, 41% người mua hàng đang tìm kiếm các khuyến mãi để tiết kiệm tiền, trong khi 39% muốn có các khuyến mãi khi mua hàng số lượng lớn hoặc“mua một, tặng một”. Tuy nhiên, 38% những người được khảo sát cho rằng họ sẽ tiết kiệm tiền bằng cách mua ít hơn. Điều này sẽ có ảnh hưởng tương đối lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, nhất là với ngành Tôm do Mỹ đang là thị phần xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Cuộc xung đột Nga – Ucraina cũng đang gây ra nhiều khó khăn trực tiếp đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu tôm của Việt Nam nói riêng. Nga vốn là thị trường tiềm năng với nhu cầu cao cùng với lợi thế về thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU).
Các sản phẩm tôm chính xuất khẩu sang thị trường này gồm có: Tôm chân trắng tươi bỏ đầu, lột vỏ bỏ đuôi tẩm bột đông lạnh, tôm chân trắng tươi bỏ đầu… Bộ Công Thương cũng cho biết, nhiều lô hàng đã xuất đi Nga nhưng chưa chắc chắn về khả năng thông quan và hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nga hiện đang gặp khó khăn về khâu thanh toán qua ngân hàng do tác động từ việc ngắt kết nối hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT). Việc các hãng tàu lớn đã tuyên bố không vận chuyển đi và đến Nga cũng dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển tăng cao, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Không chỉ ảnh hưởng từ thị trường nước Nga, xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung và xuất khẩu tôm nói riêng dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2022 do tác động đến từ tình hình chung của thế giới và các thị trường quốc tế khác. Mặc dù xuất khẩu thủy sản quý I/2022 đạt kết quả cao nhất so với quý I hàng năm từ trước tới nay, báo hiệu một năm xuất khẩu thủy sản có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu có thể sẽ chững lại với tác động của lạm phát và tình trạng khó khăn trong hoạt động vận chuyển. Từ đầu năm 2022, giá cước vận tải biển đi các chặng Hoa Kỳ, châu Âu tiếp tục ở mức cao gây áp lực lên giá thủy sản. Thêm vào đó, dịch Covid-19 trên toàn cầu dần được kiểm soát, hoạt động nuôi trồng thủy sản dần phục hồi, nguồn cung tăng lên sẽ tạo áp lực cạnh tranh trên thị trường, giá thủy sản có khả năng giảm trong thời gian tới.

Năm 2022, ngành Tôm Việt Nam đặt ra kỳ vọng xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm trước, trong đó, tăng trưởng do yếu tố giá đóng góp khoảng 7-10% và tăng trưởng do sản lượng tăng đóng góp 2-5%. Để đạt được điều đó, ngành Tôm cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp giải quyết các tồn tại về bao tiêu sản phẩm cả đầu vào và đầu ra, chi phí sản xuất, môi trường, dịch bệnh và xúc tiến mạnh thương mại quốc tế, giữ vững thị trường vốn có và không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế. Có như thế, Việt Nam mới có thể kỳ vọng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025./.

 
Thu Hiền