Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 – Hướng tới mô hình hải quan số, hải quan xanh

|

Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 – Hướng tới mô hình hải quan số, hải quan xanh

Với vai trò “người gác cửa nền kinh tế", thời gian qua ngành Hải quan đã không ngừng nỗ lực thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động hải quan, đảm bảo dòng chảy thương mại, thu ngân sách nhà nước, đấu tranh chống buôn lậu, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia. Trong giai đoạn tới, với mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, ngành Hải quan đang từng bước hiện thực hóa mô hình hải quan số, hải quan xanh trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được ban hành tháng 5/2022.
 
Hải quan Việt Nam - những thành tựu nổi bật giai đoạn 2011-2020

Theo đánh giá, giai đoạn 2011-2020, thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan tới năm 2020, ngành Hải quan đã đạt được những thành tựu tích cực, tạo ra bước phát triển đột phá cho Hải quan Việt Nam, đưa cơ quan Hải quan trở thành một trong những đơn vị đi đầu về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương thức quản lý. Nhờ đó, rút ngắn thời gian thông quan và chi phí thực hiện thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Một số thành tựu nổi bật, bao gồm:

Ngành Hải quan đã xây dựng hệ thống chính sách pháp luật hải quan đầy đủ, hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ, tuân thủ chủ trương cải cách thủ tục hành chính và các chuẩn mực, cam kết quốc tế. Luật Hải quan số 54/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đặt nền tảng cho việc đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan, hướng tới quản lý doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu mục tiêu chung của cải cách nền hành chính quốc gia; đảm bảo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, tính thống nhất, toàn vẹn trong hệ thống pháp luật Quốc gia.

Thủ tục hải quan được đơn giản hóa, hài hòa hóa, các chế độ quản lý hải quan được chuẩn hóa phù hợp với Công ước Kyoto (là Công ước quốc tế về hài hoà và đơn giản hoá thủ tục hải quan) sửa đổi; hệ thống xác định trước giá trị hải quan, phân loại hàng hóa và xuất xứ hàng hóa đã được xây dựng và phát triển phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới; phương thức thực hiện thủ tục hải quan được thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử, thủ tục hải quan điện tử.

 


Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
 
Công tác quản lý rủi ro đã được áp dụng trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan. Theo đó, ngành Hải quan đã thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát bằng hệ thống camera, seal định vị, máy soi container, hệ thống tàu, thuyền công suất lớn, hiện đại… Đặc biệt, việc triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã làm thay đổi căn bản phương thức giám sát từ thủ công sang điện tử, tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro ngày càng được chú trọng, từng bước phát triển có chiều sâu, được triển khai đồng bộ, thống nhất, đảm bảo vai trò xử lý phân luồng thông suốt 24/7, đáp ứng yêu cầu cho việc tự động hóa, điện tử hóa thủ tục hải quan.

Công tác kiểm tra sau thông quan đã được triển khai mạnh mẽ, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo hướng chuẩn mực. Công tác quản lý thuế đã đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế quan, sử dụng hàng rào kỹ thuật, áp dụng đầy đủ Hiệp định trị giá GATT 1994 (Quy định phương pháp xác định trị giá hải quan dựa trên các chi phí liên quan đến sản xuất và bán hàng để xuất khẩu đến nước nhập khẩu), Công ước HS (Công ước Quốc tế về hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa) cũng như khuyến nghị của Công ước Kyoto sửa đổi về áp dụng phán quyết trước trong hoạt động hải quan.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại được triển khai đồng bộ, đã tổ chức lực lượng quản lý chặt chẽ các địa bàn trọng điểm, triển khai hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hàng hóa ra vào biên giới, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã có bước tiến nhảy vọt. Ngành Hải quan đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cốt lõi là hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS và áp dụng vận hành thành công các hệ thống e-Manifest (trao đổi thông tin trước khi hàng đến), e-Payments (thanh toán thuế điện tử), e-C/O, e-Permits (thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN), VASSCM (giám sát tự động). Hệ thống công nghệ thông tin được xây dựng tích hợp đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ, thực hiện theo hướng xử lý dữ liệu điện tử tập trung trên mô hình kiến trúc theo hướng dịch vụ, kết nối được các đơn vị trong ngành hải quan và với các cơ quan có liên quan, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về băng thông và khả năng dự phòng.

Bên cạnh đó, việc triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan đã đánh dấu bước triển khai mạnh mẽ công tác giám sát theo quy định của Luật Hải quan; làm thay đổi căn bản phương thức giám sát thủ công sang điện tử, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh và tăng cường mối quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp ngày càng đi vào thực chất, góp phần giám sát thực thi pháp luật và hợp tác nâng cao hiệu quả quản lý hải quan.

Có thể thấy, những kết quả đạt được của ngành Hải quan trong giai đoạn vừa qua đã tác động và có sức lan tỏa lớn trong xã hội, góp phần quan trọng vào việc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế của đất nước, thu hút đầu tư nước ngoài; đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo an ninh, an toàn hàng hóa ra vào Việt Nam, góp phần bảo vệ sức sản xuất trong nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan…

 
Hiện thực hoá mô hình hải quan số, hải quan xanh trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030
Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được đồng thời hiện thực hóa mô hình hải quan số, hải quan xanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp... tháng 5/2022, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã được ban hành với mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

Chiến lược đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu như đến năm 2025, cơ bản hoàn thành hải quan số; 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan.

Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa dữ liệu và tập trung hóa việc xử lý dữ liệu. 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đồng thời được tích hợp lên cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đến năm 2030, 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa.

Đặc biệt, phấn đấu mục tiêu 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan. Kết quả, hình ảnh, thông tin được truyền trực tiếp về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tại cửa khẩu. 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan...

Chiến lược cũng đưa ra những giải pháp về thể chế, nghiệp vụ hải quan, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hợp tác, hội nhập quốc tế, hợp tác giữa cơ quan hải quan với các bên liên quan. Trong đó, về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, sẽ áp dụng phương pháp quản lý theo chuỗi.

Ngành Hải quan sẽ nghiên cứu, từng bước triển khai thực hiện bảo hiểm bảo lãnh thông quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu; tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, hải quan thông minh theo khuyến nghị của Tổ chức hải quan thế giới (WCO) với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao.

Triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO đảm bảo cơ quan hải quan có thể giám sát, kiểm soát hàng hóa từ đầu vào các nguồn nguyên liệu đến khi đưa vào sản xuất, chế biến, vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu.

Đáng chú ý, Chiến lược cũng đề ra việc triển khai hải quan xanh, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động thương mại hướng tới phát triển bền vững theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Xây dựng, triển khai mô hình thông quan tập trung thông qua việc hình thành các địa điểm kiểm tra hồ sơ hải quan tập trung tại các Hải quan Vùng. Xây dựng, triển khai mô hình địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

Cùng với đó, về tổ chức bộ máy hải quan, Chiến lược đã đặt ra nhiệm vụ cơ cấu tinh gọn hợp lý, giảm đầu mối trung gian; phát triển nguồn nhân lực tinh thông nghiệp vụ, liêm chính, chuyên nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới./.
 
Gia Linh