Yêu cầu làm rõ cơ chế thưởng-sa thải người đại diện vốn tại doanh nghiệp nhà nước

|

NDO - Lần đầu đăng đàn sau khi được Quốc hội bầu giữ chức Bộ trưởng Tài chính, ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu cần có cơ chế thưởng và sa thải đối với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước một cách xứng đáng.

Bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo nguyên tắc thị trường

Chiều 29/11, theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận dự án thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, tân Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Mục tiêu ban hành luật này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn nhà nước để các doanh nghiệp để Nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các doanh nghiệp.

Ông Thắng khẳng định, việc đưa ra luật riêng về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đúng theo thông lệ quốc tế, chấm dứt việc can thiệp vào doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính hay lồng ghép quản lý nhà nước vào hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như bảo toàn vốn của doanh nghiệp.

“Chúng ta bảo đảm các doanh nghiệp phải hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường. Tôi cho rằng đây là những nội dung căn bản, xuyên suốt và đổi mới toàn diện về phương thức xây dựng luật lần này”, tân Bộ trưởng Tài chính nêu rõ.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội, chiều 29/11. (Ảnh: DUY LINH)

Giải đáp ý kiến đại biểu về quan điểm người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần giải trình chiến lược, kế hoạch với cơ quan đại diện, cơ quan sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình hoạt động, Bộ trưởng Thắng cho rằng đây là vấn đề cần nghiên cứu thêm.

“Nếu phải trình thì phải nêu cụ thể đó là gì và cần rất cụ thể nội dung chiến lược cần báo cáo đó, nếu không rõ thì sẽ lại tạo ra rào cản không cần thiết”, ông Thắng nói.

Theo tân Bộ trưởng Tài chính, trước đây chúng ta có quy định doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan đại diện, còn bây giờ đưa ra quy định người đại diện phải báo cáo với cơ quan sở hữu vốn vì cho rằng vấn đề đó quan trọng, cần phải bàn bạc và thậm chí phải trình cơ quan cấp trên.

Làm như vậy là “đánh bùn sang ao”, ông phân tích, đồng thời nhấn mạnh vấn đề này cần phải nghiên cứu để có hướng. Nếu đã quy định báo cáo chiến lược, kế hoạch thì phải rất gọn, rất cụ thể, nếu không sẽ lại có những rào cản khác.

Phải có cơ chế quản lý, đánh giá năng lực công khai, minh bạch

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Liên quan đến vai trò của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính khẳng định, họ có vai trò quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc bảo toàn, phát triển vốn tại doanh nghiệp.

“Nếu chúng ta mở ra cơ chế thì người đại diện vốn trên 50% sẽ là người lãnh đạo doanh nghiệp, cho nên người này sẽ là quyết định việc thành công”, Bộ trưởng Thắng nói và nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế quản lý, đánh giá năng lực của người đại diện vốn, đứng đầu doanh nghiệp nhà nước công khai, minh bạch như cơ chế của doanh nghiệp tư nhân.

“Chúng ta có cơ chế quản lý, đánh giá họ nhưng đồng thời phải có chế độ đãi ngộ tương xứng, đặc biệt phải trao công cụ cho họ”, Bộ trưởng Thắng nói.

Tân Bộ trưởng Tài chính chỉ rõ thực tế, chúng ta có cơ chế đánh giá người đại diện vốn, đứng đầu doanh nghiệp rất khắt khe, họ rất vất vả thực hiện nhiệm vụ nhưng đổi lại tiền lương, tiền thưởng lại phải theo thang, bậc.

Như vậy, sẽ rất khó để có được người tài, và kể cả khi có người tài, họ cũng cũng khó có thể làm hết trách nhiệm, tân Bộ trưởng Tài chính phân tích.

Tin liên quan
Đổi mới và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Theo ông Thắng, quản lý cần rất khách quan, minh bạch như doanh nghiệp tư nhân đặt rõ vấn đề hiệu quả điều hành như doanh thu, lợi nhuận. Nếu các chỉ tiêu đặt ra họ hoàn thành cũng phải có cơ chế thưởng rất rõ ràng.

“Nếu làm tốt, lương thưởng thế nào? Nếu làm vượt định mức, lương thưởng có được tăng lên hay không? Còn nếu không làm được thì mức độ nào là cảnh cáo, mức độ nào thì… sa thải”, Bộ trưởng Thắng thẳng thắn đặt vấn đề.

Ông nhấn mạnh, phải “sòng phẳng”, bởi những doanh nghiệp tư nhân có đầy đủ quyền cho lãnh đạo thì doanh nghiệp nhà nước cũng phải áp dụng đúng cơ chế như vậy mới đem lại sự khác biệt.

Theo ông Thắng, câu chuyện về người đại diện phải làm rất công khai, minh bạch, bởi từ trước đến nay, cái khó khăn nhất là chế độ lương thưởng đối với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.