Quan hệ hợp tác Việt - Lào đang ở mức cao nhất trong lịch sử

|

Quan hệ hợp tác Việt - Lào đang ở mức cao nhất trong lịch sử

Sau khi Việt Nam và Lào ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/07/1977, quan hệ hợp tác toàn tiện giữa hai nước không ngừng được củng cố, đổi mới và ngày càng phát triển sâu rộng. Đến nay, mối quan hệ hợp tác đó đã bước sang một trang sử mới trong điều kiện mới với nhiều nội dung hợp tác thực chất hơn, hiệu quả hơn và đang ở mức cao chưa từng có trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.

Dấu ấn mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt - Lào

Cách đây 46 năm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào. Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện của mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai nước thúc đẩy ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này.

Quan hệ Việt Nam – Lào trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Quan hệ chính trị - ngoại giao tiếp tục được thắt chặt, ngày càng gắn bó tin cậy, hai bên thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc, trao đổi cấp cao trên tất cả các kênh như chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (tháng 04/2023); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Lào (tháng 1/2023) và tham dự Hội nghị MRC tại Lào (tháng 4/2023); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (tháng 5/2023).

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo hai nước trao đổi tin cậy, chân thành và thẳng thắn về các định hướng, biện pháp thúc đẩy tất cả các lĩnh vực hợp tác. Đồng thời, khẳng định trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp hiện nay, Việt Nam và Lào càng cần tăng cường tham vấn, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua thách thức, cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng. Hai bên phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế tiểu vùng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphane Savanphet cho biết, cả Lào và Việt Nam đều bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 cũng như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, hai nước đã cùng nhau phối hợp để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch ngày càng phát triển. Cùng với đó, tiếp tục thảo luận về những lĩnh vực hợp tác như phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, y tế, nhất là phát huy truyền thống mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam, xây dựng các chủ đề để đưa vào công tác giảng dạy trong các học viện, nhà trường giúp cho thế hệ trẻ hiểu biết thêm về tầm quan trọng của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphane Savanphet, quan hệ Việt Nam-Lào đang trên đà phát triển tốt đẹp, các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, các hiệp định hợp tác song phương đang được hai nước tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào – Việt Nam, ông Khamjane Vongphosy cũng cho biết, Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng gần gũi, có truyền thống quan hệ hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau lâu đời trong suốt dặm dài của cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập và thống nhất đất nước, cũng như trong cuộc cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển của mỗi đất nước cho đến ngày nay. Tình cảm gắn bó và mối quan hệ, hợp tác trên mọi lĩnh vực công tác giữa hai nước vẫn ngày càng được tăng cường và đang ở mức cao chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước.

Theo ông Khamjane, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương hai nước đã chủ động phối hợp và tích cực triển khai Thỏa thuận về chiến lược hợp tác 10 năm (2021-2030); Hiệp định hợp tác 5 năm (2021-2025) và kế hoạch hợp tác từng giai đoạn của hai bên một cách hiệu quả, trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước; tiếp tục tăng cường và mở rộng mối quan hệ hữ nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc Lào - Việt Nam anh em ngày càng bền chặt.

Hợp tác quốc phòng – an ninh tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Lào, các thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hai nước được triển khai tốt; phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ biên giới, góp phần duy trì ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội của mỗi nước.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào năm 2022 đạt giá trị 1,703 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2021. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch song phương đạt 833 triệu USD, tăng 1,57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hợp tác giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch tiếp tục được tăng cường, nhất là sau khi hai nước kiểm soát tốt dịch bệnh, mở cửa trở lại. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục dành cho Lào 1.100 suất học bổng sang học tập tại Việt Nam, Lào dành cho Việt Nam 60 học bổng. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam khoảng 14.000 người. Ngoài ra, hợp tác giữa các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt về xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực...

Đẩy mạnh 
đầu tư, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước

Tại Hội nghị giữa kỳ Triển khai hiệp định hợp tác song phương Việt Nam- Lào giai đoạn 2021-2025 và Thỏa thuận kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, hợp tác đầu tư về kinh tế giữa hai nước tiếp tục có chuyển biến tích cực. Theo đó, tính đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào tổng cộng 241 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,47 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, 7 dự án cấp mới và 2 dự án điều chỉnh với tổng vốn đăng ký đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 114 triệu USD, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2022. Nổi bật như Dự án thủy điện Nậm Sum 1 với vốn đăng ký là 83,6 triệu USD của Công ty cổ phần Điện lực Trung Sơn; Dự án Trồng trọt và chăn nuôi tại tỉnh Sê-kông của Công ty cổ phần cao nguyên xanh OFC với vốn đăng ký là 9,9 triệu USD.

Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiêp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa…

Trong thời gian vừa qua, một số dự án đầu tư trọng điểm, quan trọng đã được hai nước tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án như Dự án Thủy điện Xê-ca-man 3 (cả 2 tổ máy đã phát điện trở lại); Dự án Nông nghiệp của Tập đoàn Trường Hải (đã xử lý xong vướng mắc liên quan đến đường điện cao thế chạy qua). Ngoài ra, Dự án Khai thác, chế biến khoáng sản Alumin của Tập đoàn Việt Phương (đã xử lý xong vấn đề chồng lấn diện tích tô nhượng và khởi công xây dựng nhà máy); Dự án Sân bay Nọng-Khảng (đã bàn giao và đưa vào sử dụng cho Chính phủ Lào vào ngày 15/5/2023). Tiến độ xử lý vướng mắc liên quan đến Dự án Muối mỏ Ka-li của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng đang có tiến triển tích cực.

Trong lĩnh vực giao thông, vận tải, xây dựng, hai bên đã phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án trọng điểm gồm Tuyến đường cao tốc nối Hà Nội-Viêng Chăn, Tuyến đường sắt Vũng Áng-Tân Ấp-Thà Kẹt-Viêng Chăn…

Cùng với đó, hai bên tiếp tục thúc đẩy triển khai Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam-Lào về hợp tác đầu tư phát triển bến cảng 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng (ký ngày 5/2/2018); phía Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Lào xuất, nhập khẩu hàng hóa qua tất cả các cảng biển của Việt Nam. Kết quả rất đáng ghi nhận trong hợp tác giữa hai nước trong 6 tháng đầu năm 2023 về lĩnh vực này là Dự án Xây dựng sân bay Nọng-Khảng, tỉnh Hủa-Phăn đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng ngày 15/5/2023.

Đáng chú ý, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, viện trợ không hoàn lại của Việt Nam dành cho Lào giai đoạn 2021-2025 là 3.600 tỷ đồng; trong 3 năm qua bình quân đã phân bổ khoảng 730 tỷ đồng/năm; đến nay 10 dự án đã hoàn thành. Các dự án tiêu biểu như Dự án Bệnh viện hữu nghị Xiêng-Khoảng; Dự án nhà Quốc hội; Dự án Trường Trung học-Dạy nghề kiểu mẫu hữu nghị Lào-Việt tại huyện Nong Bốc.

Định hướng hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào giai đoạn tới như: Năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nhất là tại khu vực biên giới hai nước.

Theo đó, 4 trọng tâm cần hướng tới là thúc đẩy các dự án quy mô lớn về năng lượng tái tạo, khai thác khoáng sản gắn với chế biến sâu; nghiên cứu phương án đầu tư 3 bên, mời các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản cùng tham gia vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và các dự án phát triển, kết nối hạ tầng.

Kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, quy mô lớn tại Lào; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, kinh nghiệm sang Lào đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, thu mua sản phẩm, chế biến tại chỗ và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hai bên cần tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn vướng mắc của các dự án hợp tác trọng điểm giữa hai nước; thúc đẩy các dự án đầu tư điện gió tại khu vực biên giới để bán điện về Việt Nam. Về giao thông, hai nước đẩy nhanh việc kết nối giao thông; tiếp tục phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn, nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm gồm Tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, Tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 8 phía Lào…

Mặc dù còn nhiều cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng với tinh thần hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa Lào - Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt - Lào sẽ tiếp tục được củng cố và nâng lên tầm cao mới, phát triển tự chủ, phồn vinh vì nhân dân hai nước.

 
 Thu Hường