Nhiều mục tiêu, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế đã phát huy tác dụng

|

Nhiều mục tiêu, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế đã phát huy tác dụng

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 06/11/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bắt đầu tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.
 
Trong chiều ngày chất vấn đầu tiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trả lời chất vấn trước Quốc hội một số nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế tổng hợp.
 
Trả lời chất vấn trước của đại biểu Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở lớn, sức chống chịu đối với các tác động bất lợi từ bên ngoài có hạn, đặc biệt là năng lực cạnh tranh còn rất hạn chế. Chính vì vậy Trung ương Đảng đã có chỉ đạo phải tái cơ cấu nền kinh tế.
 
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Căn cứ vào Nghị quyết này, Chính phủ đã có Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, Chính phủ đã nêu rõ các mục tiêu, xác định cụ thể 102 nhiệm vụ, giải pháp, trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện Chương trình là 5 năm.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn trước Quốc hội 
 
Sau 2 năm thực hiện, đã có 37 nhiệm vụ đã hoàn thành và đã có văn bản; 28 nhiệm vụ đang triển khai, đang hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt; 37 nhiệm vụ đang triển khai theo kế hoạch. Nhiều mục tiêu, chính sách đã phát huy tác dụng như: tạo dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ được sử dụng linh hoạt, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng,...
 
Các loại thị trường (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp) tiếp tục được phát triển. Vừa qua đã khai trương thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đối với thị trường chứng khoán, hiện đang phấn đấu nâng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đồng thời chúng ta cũng tiếp tục phát triển lực lượng doanh nghiệp theo mục tiêu đề ra; hạ tầng giao thông cũng có sự phát triển mạnh mẽ,...
 
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng thẳng thắn thừa nhận còn một số chỉ tiêu chưa đạt, cần phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện trong thời gian tới như chỉ tiêu tăng năng suất lao động, tỷ trọng chi cho khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể.
 
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển lực lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước. Tập trung phát huy vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn, các cực tăng trưởng, thúc đẩy tăng năng suất lao động. Thúc đẩy chuyển dịch các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững, phát triển các ngành mới, dịch vụ chất lượng cao; phát triển đồng bộ các loại thị trường…. Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
 
Cũng trong phiên chất vấn chiều ngày 06/11/2023, trả lời về vấn đề phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục, văn hóa, xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm, bố trí nguồn lực cho những lĩnh vực này.
 
Theo quy định hiện hành, phải dành 20% tổng chi ngân sách để bố trí cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Thực tế, bình quân hàng năm, chúng ta cũng đã bố trí khoảng 14,7% tổng chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cùng bố trí khoảng 3,7% tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.
 
Đồng thời, Chính phủ cũng quan tâm, dành nguồn lực bố trí cho lĩnh vực văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa. Vừa rồi cũng đã bố trí gần 2000 tỷ đồng để tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa.
 
Tuy nhiên, nguồn lực ngân sách nhà nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu và còn tình trạng dàn trải. Trong tổ chức thực hiện, còn tình trạng phân bổ nhiều lần trong năm, sử dụng không hết dự toán.
 
Thời gian tới, Chính phủ sẽ căn cứ vào chủ trương của Đảng, căn cứ của pháp luật, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
 
Một là, kiên trì quan điểm coi đầu tư cho giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước.
 
Hai là, quan tâm bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước cho 2 lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa. Trong điều kiện nguồn lực ngân sách nhà nước còn khó khăn cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực xã hội. Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư để huy động xã hội hóa.
 
Ba là, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa. Trong Chương trình này, sẽ ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu trọng tâm.
 
Bốn là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy nhanh giải ngân trong lĩnh vực này. 
 
Năm là, khẩn trương sửa đổi Nghị định số 32 về giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước./.

 
P.V