Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu với 451/458 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,15% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, sẽ từng bước thiết lập thị trường dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia.
Luật Dữ liệu vừa được thông qua có quy định lập Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật; phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, ứng dụng dữ liệu của tổ chức, cá nhân.
Cơ sở dữ liệu này sẽ được tích hợp thông tin từ kết quả thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; dữ liệu được chia sẻ, đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu khác; dữ liệu được số hóa, cung cấp bởi cá nhân, tổ chức và nguồn khác theo quy định. Mô hình này phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phục vụ công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Trong Luật Dự liệu vừa thông qua có nhiều quy định hoạt động xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Bên cạnh đó, Luật có quy định về việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Việc chuyển dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng bao gồm: Chuyển dữ liệu đang lưu trữ tại Việt Nam tới hệ thống lưu trữ dữ liệu đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển dữ liệu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam sử dụng nền tảng xử lý ở ngoài lãnh thổ Việt Nam để xử lý dữ liệu.
Việc chuyển, xử lý dữ liệu quy định trên phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Luật khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dữ liệu thuộc quyền sở hữu cho cơ quan Nhà nước.
Tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà không cần chủ thể dữ liệu đồng ý trong các trường hợp sau đây: Ứng phó với tình trạng khẩn cấp; Khi có nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; Thảm họa; Phòng, chống bạo loạn, khủng bố.
Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước nhận được dữ liệu có trách nhiệm sử dụng dữ liệu đúng mục đích. Cơ quan này cũng bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu, bảo vệ bí mật dữ liệu, lợi ích hợp pháp khác của chủ thể dữ liệu, tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu theo quy định của pháp luật...
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu với 451/458 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.. Đây là nguồn tài nguyên dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng. Việc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số. Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được chia sẻ phục vụ việc khai thác chung cho các Bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được cập nhật, đồng bộ, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Đồng thời, hoạt động này cũng giúp cắt giảm được rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin trong các cơ sở dữ liệu khác thông qua việc đồng bộ, cập nhật, bổ sung dữ liệu với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phục vụ công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, đấu tranh phòng, chống tội phạm…
Việc khai thác, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ góp phần đơn giản hóa, tác động tích cực đến tất cả thủ tục hành chính hiện có.
Ngày 30 tháng 10 năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Trung tâm dữ liệu quốc gia. Thực hiện Đề án, Trung tâm dữ liệu quốc gia đang được Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng và dự kiến sẽ đi vào khai thác trong quý IV/2025. Đây sẽ là một trung tâm dữ liệu, được thiết kế, xây dựng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn về trung tâm dữ liệu, phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông.
Trong Điều 31, Luật Dữ liệu quy định rõ Trung tâm dữ liệu quốc gia có 7 nhóm nhiệm vụ lớn. Điển hình như tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, phân tích, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm tạo lập, quản trị Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Đồng thời, tổ chức vận hành, quản trị, lưu trữ, quản lý, khai thác, điều phối dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cho cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…/.
Luật Dữ liệu có 05 chương với 46 điều, quy định về dữ liệu số; xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; Trung tâm dữ liệu quốc gia; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quản lý về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số. |
B.N