Muốn thoát ngập phải tuân thủ quy hoạch

|

Chỉ trong 1 tuần, Hà Nội hứng tới 2 đợt ngập nặng trên diện rộng do mưa lớn. Ngập lụt tràn lan là do năm nay mưa lũ bất thường, nhưng ai cũng biết, tình trạng phố xá thành sông, nước tràn vào khu dân cư, nhà cửa… bởi vì đô thị hóa, bê tông hóa quá mức, không theo quy hoạch khiến ao hồ, sông rạch bị lấn chiếm, san lấp không thương tiếc.\r\n

Nước ngập yên xe máy tại khu phố Hoa Bằng, phường Yên Hoà (Cầu Giấy - Hà Nội) chiều 29-5

Dòng chảy bị tắc nghẽn, không có dung tích đón nhận nước mưa từ các tuyến đường, tất yếu gây hiệu ứng ngập từ cục bộ đến diện rộng.

Ở Hà Nội hiện nay, tình trạng cứ mưa là ngập do hậu quả của quy hoạch không đồng bộ, không có tầm nhìn dài hạn, các dự án phát triển hạ tầng (nhà cửa, phố xá, công viên, hồ điều hòa, giao thông, cây xanh, cống tiêu thoát nước...) không khớp nối với nhau một cách khoa học. Thậm chí, các dự án sau còn chặn đường thoát nước của dự án trước do lỗi thiết kế cốt nền quá cao hoặc quá trình thi công ẩu đã làm tắc đường thoát nước, như tình trạng đang xảy ra tại nhiều khu chung cư, khu đô thị mới ở Nam An Khánh (huyện Hoài Đức), Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm)...

Bên cạnh đó, chất lượng đường giao thông không đảm bảo, thi công chắp vá nên bị sụt lún cũng gây ra ngập. Nước không thoát được ra sông, kênh rạch nên dù tốn tiền khơi thông, nạo vét sông rạch mà vẫn ngập, lụt.

Theo GS-TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phụ trách lĩnh vực thủy lợi, các nước phát triển thường ít bị ngập do quy hoạch đô thị luôn đồng bộ với quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải. Đồng thời, họ luôn thiết kế hệ thống cống ngầm, kênh thoát nước quy mô lớn bên dưới mạng lưới giao thông, thậm chí có thể đi lại bên dưới cống ngầm. Trong khi ở Hà Nội, có những khu vực như Nam Đồng (quận Đống Đa), cốt nền thấp hơn miệng cống thoát nước mưa đổ ra sông Tô Lịch nên không thể tiêu thoát nước. Trong khi, quy hoạch ở khu vực nội thành còn chưa xử lý được thì hiện nay, những khu đô thị mới phát triển ở ngoại ô đã và đang theo vết xe đổ.
Trả lời câu hỏi của báo giới ngày 30-5 về ngập nặng lịch sử ở Hà Nội bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng cho rằng, phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng các đô thị. Mặc dù mỗi đô thị có đặc trưng địa hình khác nhau, nhưng khi thiết kế, các hệ thống thu, thoát nước mưa, xử lý nước thải phải đồng bộ, phải tính toán được mật độ dân cư với năng lực hạ tầng. Điều này rất đúng không chỉ riêng cho Hà Nội, TPHCM mà còn nhiều địa phương khác. Đó là phải có quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài, không chỉ 20-30 năm, mà phải 50-70 năm, thậm chí cả thế kỷ. Đồng thời phải tuân thủ đúng quy hoạch, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Nếu không thì ngập vẫn sẽ hoàn ngập và tiếp tục bế tắc. Điều quan trọng là các địa phương phải coi Hà Nội, TPHCM như bài học, cần tính toán trong quá trình thiết kế đô thị thông minh, tạo ra hệ thống thoát nước, chứa nước để đảm bảo được tính bền vững, tránh ngập lụt sau những trận mưa lớn.

Hà Nội mưa vượt kỷ lục năm 1986, vì sao?

Mưa lớn gây ngập cục bộ hàng chục nhà dân ở Đà Lạt

TPHCM: Mưa to, gây ngập trên diện rộng