Điều chỉnh những bất cập trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

|

Đưa vào sử dụng toàn tuyến từ tháng 2-2015, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (dài 55,7km) nhanh chóng phát huy tác dụng và trở thành tuyến giao thông huyết mạch quan trọng nối các tỉnh Nam Trung bộ, các tỉnh phía Bắc với các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng như tuyến nội vùng Đông Nam bộ giữa TPHCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. \r\n

Phương tiện lưu thông trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuy nhiên, chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng tuyến cao tốc đã bộc lộ những bất cập trong thiết kế khiến đoạn tuyến TPHCM - Long Thành thường xuyên quá tải, còn đoạn Long Thành - Dầu Giây thưa thớt xe cộ lưu thông. 

Theo số liệu thống kê của Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), lưu lượng xe năm 2021 trên đoạn TPHCM - Long Thành (dài 20km) đạt 38.314 lượt xe/ngày đêm trong khi đoạn Long Thành - Dầu Giây chỉ đạt 10.403 lượt xe/ngày đêm. Như vậy, so với lưu lượng xe thiết kế (39.000 lượt) thì lưu lượng xe thực tế trên đoạn TPHCM - Long Thành chưa mãn tải nhưng do phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến này thường đi vào các khung giờ cao điểm nhất định nên đã thường xuyên xảy ra kẹt xe. Như hướng TPHCM đi Long Thành, phương tiện tập trung vào khung giờ từ 6-12 giờ hàng ngày và hướng ngược lại tập trung theo khung giờ từ 13-21 giờ. Đặc biệt, vào dịp lễ, tết, lưu lượng xe trên toàn tuyến tăng đột biến cả 2 chiều nên đã gây ra tình trạng quá tải, kẹt xe kéo dài. Điển hình là ngày 29-4-2021, lưu lượng xe trên đoạn TPHCM - Long Thành đã đạt 73.143 lượt, vượt 90% so với công suất thiết kế và đoạn Long Thành - Dầu Giây đạt 28.473 lượt, vượt 173% lần so với công suất thiết kế. 

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do lượng xe quá tải vào một số thời điểm thì nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe thường xuyên, kéo dài chính là một phần do lỗi thiết kế. Vị trí đặt trạm thu phí Long Phước sát chân cầu Long Thành và trạm thu phí Long Thành giao với quốc lộ 51 quá sát nút giao đã góp phần làm tình trạng ùn ứ, kẹt xe thêm trầm trọng. Thêm vào đó, việc thiếu các nhánh rẽ từ cao tốc tỏa ra hai bên và ngược lại cũng góp phần làm tuyến cao tốc dễ dàng bị quá tải.

Gần đây, Công ty Cường Thuận đã đầu tư tuyến đường hương lộ 319 nối dài giao với đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành giúp các phương tiện rẽ về 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch được dễ dàng, giảm áp lực cho tuyến quốc lộ 51, các nút giao cao tốc với quốc lộ 51 và ngã ba Nhơn Trạch (điểm giao quốc lộ 51 với tuyến tỉnh lộ 25B).

Trong khi đó, nguyên nhân thưa thớt của đoạn tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây hoàn toàn là do lỗi thiết kế. Trên toàn tuyến dài hơn 35km không có một nút giao nào để phương tiện từ các khu công nghiệp ở TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Trảng Bom ra vào nên các phương tiện vẫn phải đi vòng qua quốc lộ 1, quốc lộ 51 dẫn đến sự quá tải trầm trọng cho 2 đoạn tuyến quốc lộ này trong khi trên cao tốc xe cộ lưa thưa. 

Các bất cập trên ít nhiều làm giảm hiệu quả khai thác, kinh doanh của toàn bộ dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và rất cần được các cơ quan chức năng của Bộ GTVT lưu tâm khi phê duyệt thiết kế các tuyến đường cao tốc được triển khai trên cả nước thời gian tới.