Không nên bao cấp xe buýt, chọn doanh nghiệp có năng lực nhất cung cấp dịch vụ

|

Một số địa phương mỗi năm chi hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá, nhưng công ty xe buýt vẫn kêu lỗ, trong khi đó lại có địa phương 100% xe buýt không được trợ giá nhưng \

Các chuyên gia dự tọa đàm “Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh”

Thời gian gần đây, dư luận rất "sốc" trước sự việc chưa từng có tiền lệ trong kinh doanh vận tải công cộng là có doanh nghiệp vận tải buýt tại Hà Nội xin trả lại tuyến; một loạt đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt tại TPHCM "đồng thanh" kêu lỗ vì không có khách hàng…

Trong nhiều năm qua, dù các địa phương đã có nhiều hình thức hỗ trợ, ưu tiên, nhưng xe buýt vẫn chưa trở thành một phương tiện vận tải văn minh và tiện lợi được xã hội lựa chọn. Đó là những thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chiều 25-7.

Mới đây Công ty TNHH Bắc Hà đã có công văn gửi Sở GTVT Hà Nội xin dừng hoạt động 5 tuyến buýt có trợ giá tại nội đô Hà Nội kể từ ngày 15-8 tới.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu thực trạng đáng buồn hiện nay về xe buýt công cộng tại các đô thị lớn, đặc biệt là 2 thành phố Hà Nội và TPHCM và cho rằng, còn rất nhiều tồn tại chưa giải quyết được. Vòng xoáy luẩn quẩn: hành khách thì xoay lưng với xe buýt; càng ít khách đi thì trợ giá cho các doanh nghiệp xe buýt lại bị giảm xuống, không có tiền để đổi mới phương tiện, đầu tư cho hạ tầng xe buýt, thậm chí chi lương cho cán bộ nhân viên của công ty xe buýt... Nhiều công ty xe buýt phản ánh lỗ; nhiều doanh nghiệp ở TPHCM bỏ bến, bỏ chuyến, tiết giảm chi phí. Điều đó càng khiến chất lượng dịch vụ xe buýt càng giảm đi và hành khách lại càng từ chối.

“Mọi sự ưu đãi từ Nhà nước, từ các thành phố, công tác tuyên truyền cho người dân đi xe buýt đôi khi đi vào chỗ vô vọng. Đó là thực tế rất khó khăn hiện nay mà chúng ta cần bàn thảo, đề nghị với Nhà nước, với 2 thành phố lớn có những chính sách để giải quyết tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Thanh nêu.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Nguyên nhân chủ quan khiến khách hàng quay lưng với xe buýt đã được báo chí tốn không ít giấy mực, thời lượng để phản ánh qua nhiều năm như: Đa số là xe cũ, xuống cấp; nhà xe thiếu chuyên nghiệp; nhân viên phục vụ chưa tốt, vẫn còn tệ nạn móc túi, quấy rối trên xe; điểm lên xuống chưa thuận tiện, thời gian giãn cách giữa các chuyến dài khiến khách hàng phải chờ đợi lâu, chưa tạo thuận lợi cho người cao tuổi, người khuyết tật… Nhìn chung, dịch vụ xe buýt cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và "thượng đế buồn, thượng đế bỏ đi". Đây là bài toán mà cả chính quyền và nhiều doanh nghiệp xe buýt vẫn loay hoay chưa tìm được đáp án.

Vấn đề đặt ra là, có một số địa phương mỗi năm chi hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá, nhưng công ty xe buýt vẫn kêu lỗ, trong khi đó lại có địa phương 100% xe buýt không được trợ giá nhưng "sống khỏe".

Ở tỉnh Bắc Giang, 100% xe buýt không được trợ giá đang làm ăn hiệu quả. Hay Công ty cổ phần xe khách Phương Trang vừa mở thêm 8 tuyến xe buýt mới tại tỉnh Khánh Hòa. Điều này khiến dư luận băn khoăn: Cơ chế quản lý nói chung và trợ giá xe buýt nói riêng có còn phù hợp? Có hay không sự lãng phí trong việc trợ giá? Làm thế nào để "vực dậy" vận tải xe buýt?…

Nhiều người dân vẫn quay lưng với xe buýt

Tại tọa đàm, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội nhìn nhận, Công ty Phương Trang không cần trợ giá vẫn có lãi và công ty đầu tư mới 100% phương tiện; đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ được đào tạo bài bản về nghiệp vụ lái xe an toàn cũng như thái độ phục vụ hành khách, nhờ đó hấp dẫn được người dân.

“Nếu làm tốt, trợ giá là thừa. Nếu doanh nghiệp chỉ "nhăm nhăm" vào trợ giá của Nhà nước thì đương nhiên không hiệu quả. Thay vào đó, cần chú ý đến chất lượng dịch vụ, khách được phục vụ tốt, an toàn và những mục tiêu đặt ra đạt được… thì sẽ có hiệu quả kinh tế. Công thức có thể nhìn thấy là: Phương tiện hiện đại + chất lượng tốt, hài lòng khách hàng = hạch toán tốt, thì không cần trợ giá vẫn hiệu quả”, TS Lưu Bình Nhưỡng nêu.

Xe buýt là sự lựa chọn không thể thiếu của một đô thị văn minh. Để người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, nhiều năm qua, Hà Nội, TPHCM cũng như nhiều địa phương khác đã triển khai một loạt biện pháp để giảm ùn tắc giao thông. Trong đó có giải pháp hạn chế xe cá nhân (bằng cách hạn chế đăng ký xe, mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy; tăng phí trước bạ đăng ký xe, tăng thuế, thu phí xe cá nhân; thu phí lưu thông; phí đậu xe phí đậu xe…).

Bên cạnh đó là chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, bao gồm cả việc trợ giá, hỗ trợ xe buýt; cho quảng cáo trên xe buýt để tăng nguồn thu; đưa vào vận hành các tuyến buýt nhanh BRT… Tuy nhiên, "bức tranh" vận tải xe buýt tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là TPHCM, Hà Nội vẫn ảm đạm, người dân vẫn có tâm lý “tốt nhất là đi xe máy, vù cái đến tận nơi”.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nếu tiếp tục để hàng triệu người đi xe máy như hiện nay, rồi tiếp tục gia tăng ô tô cá nhân thì sẽ càng bế tắc về giao thông đô thị. Do đó, cần sớm đổi mới và nghiên cứu xây dựng một quy hoạch rất khoa học, nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt. Song song đó, cần áp dụng cơ chế thị trường để chọn được những doanh nghiệp có năng lực nhất, xứng đáng nhất cung cấp dịch vụ công này. Cần tổ chức đấu thầu để chọn những doanh nghiệp có chất lượng thay vì chỉ định thầu.

Các địa phương cũng cần nghiên cứu kỹ vấn đề trợ giá hay không trợ giá, bởi đã có thực tế, các địa phương không trợ giá, các doanh nghiệp không được trợ giá lại có thể cung cấp dịch vụ tốt, trong khi đó các doanh nghiệp được trợ giá thì lại kêu lỗ. Cần phải lựa chọn những doanh nghiệp không cần trợ giá. Mặt khác, cần tính toán cách thức trợ giá để bảo đảm khuyến khích: Dịch vụ phục vụ người dân tốt hơn để được trợ giá nhiều hơn, đó mới là hướng trợ giá hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng nêu quan điểm, không nên ép buộc việc dùng phương tiện công cộng. Có thể vẫn phải sử dụng giải pháp hạn chế các phương tiện cá nhân, nhưng cũng phải có những biện pháp phù hợp để xe buýt phát triển, trong đó có vấn đề xử lý quy hoạch đô thị.

Ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang, cho rằng, các địa phương cần nghiên cứu đề án xe buýt của riêng mình và tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp đầu tư; phải nghiên cứu nhu cầu đi lại của người dân để tổ chức đấu thầu nhằm kêu gọi các doanh nghiệp vận tải tham gia. Những tuyến kém phải yêu cầu doanh nghiệp đổi mới và cải thiện dịch vụ, nếu hết thời hạn không thực hiện thì thu hồi để các doanh nghiệp uy tín tham gia.

"Đừng bao cấp, xin - cho nữa, để doanh nghiệp tự quyết định chất lượng dịch vụ, người dân cũng tự quyết định, chất lượng cao thì giá cao mà chất lượng vừa thì vừa tiền”, ông Đào Viết Ánh nói.

Gia hạn vé tập xe buýt năm 2021 đến giữa năm 2022

“Hồi sức” vận tải hành khách bằng xe buýt