Đầu tư sân bay phải theo quy hoạch

|

Theo Bộ GTVT, hiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho hạ tầng hàng không có hạn. Việc UBND một số tỉnh, thành đề xuất về quy hoạch, đầu tư sân bay là tín hiệu rất tốt, tuy nhiên, chọn mô hình, phương thức đầu tư nào cho phù hợp cũng là vấn đề cần thận trọng. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đỗ Mười (ảnh), Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) xung quanh vấn đề này.\r\n

Nhà ga hành khách sân bay quốc tế Vân Đồn

* PHÓNG VIÊN: Theo ông, mô hình sân bay nào áp dụng tại Việt Nam sẽ ưu việt hơn, đầu tư mới hoàn toàn như sân bay Vân Đồn hay làm các sân bay nhỏ lẻ, những hạng mục dễ đầu tư sinh lợi?

* Ông LÊ ĐỖ MƯỜI: Hiện nay, có nhiều mô hình đầu tư hàng không và việc thực hiện xã hội hóa sân bay cũng là mô hình mới trên thế giới. Khi xã hội hóa, hàng không Việt Nam, nhất là sân bay Vân Đồn đã được bạn bè trong khu vực đánh giá là bước đột phá. Chúng ta đã có những kết quả nhất định và đã có mô hình cảng hàng không trọn vẹn. Từ những kinh nghiệm chúng tôi thu thập được, trên thế giới hiện đang áp dụng 8  mô hình và chia theo các nhóm. Thông thường, các vị trí sân bay khu vực nào phù hợp với nhu cầu sẽ dùng mô hình đó, không cưỡng bức, máy móc. 

Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT)
Từ nhu cầu, tiềm lực của Việt Nam và qua bài học sân bay Vân Đồn, theo tôi, chúng ta cần áp dụng mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) hoặc nhượng quyền. Nhà nước giao cho tư nhân đầu tư khai thác, đầu tư toàn bộ sân bay và Nhà nước nắm giữ quyền, quản lý khu bay và giao cho tư nhân quyền khai thác nhà ga, sân đỗ... Những mô hình khác như cổ phần hóa nhỏ hơn hay lớn hơn 50% đang bất cập, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Mô hình đối tác công - tư và nhượng quyền sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tập trung đầu tư, hiệu quả sẽ cao hơn.

* Theo ông, có nên sàng lọc lựa chọn nhà đầu tư đúng nghĩa, đến để kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần như một nhà tài trợ?

* Chúng ta không nên căn cứ nhu cầu của nhà đầu tư mà đưa vào quy hoạch. Phải có khung tổng thể phát triển cho toàn vùng và toàn xã hội. Vậy nên, chúng ta vẫn phải căn cứ nhu cầu thực tế của địa phương, khu vực. Nhà đầu tư cần khảo sát, đánh giá, nhìn nhận theo hướng kinh doanh chứ không phải tư cách nhà tài trợ. Đầu tư một sân bay, thời hạn thu hồi vốn không phải ngắn hạn. Khi đã đưa vào quy hoạch, địa phương mong muốn, nhưng nhà đầu tư không vào cuộc sẽ dẫn tới tình trạng quy hoạch treo. Chúng ta đã có Luật PPP, Luật Đầu tư công, luật chuyên ngành hàng không, từ đó tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hơn để kêu gọi đầu tư. Đầu tư hàng không là vấn đề mới. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện đề án, giúp địa phương có nhu cầu chuẩn bị bước tiếp theo.

* Thời gian qua, nhiều địa phương đề xuất đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nhầm lẫn khái niệm cảng hàng không, sân bay. Ông có thể làm rõ khái niệm này?

* Nhiều ý kiến quy hoạch, tư vấn xây dựng quy hoạch các tỉnh không hiểu bản chất. Nhiều tư vấn nghĩ sân bay là cảng hàng không. Cảng hàng không là cảng để dùng công cộng. Sân bay phục vụ vùng kinh tế, phạm vi hẹp như tỉnh, vùng của tỉnh, không mang tính công cộng mà mang tính chuyên dùng. Theo luật, cảng hàng không do Bộ GTVT quản lý, khai thác; sân bay do Bộ Quốc phòng quản lý.

Hiện các tỉnh đang đề xuất toàn bộ là sân bay. Nếu nâng cấp thành cảng hàng không phải tuân thủ 6 tiêu chí. Trong đó, quan trọng nhất là tiêu chí số 1 (đảm bảo đủ nhu cầu vận tải hàng hóa) và tiêu chí 2 (đảm bảo phủ khoảng cách giữa đô thị và trung tâm, vùng hấp dẫn khoảng 100km).
Khi xây dựng quy hoạch hàng không thời gian qua, chúng tôi tuân thủ 6 tiêu chí này. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng đưa ra một số khuyến cáo như thế. Từ tiêu chí này, đến năm 2030 sẽ có 28 cảng hàng không.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg thành lập tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); nghiên cứu đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư khai thác các cảng hàng không Nà Sản (Sơn La), Vinh (Nghệ An), Chu Lai (Quảng Nam), Cần Thơ (TP Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu. Hiện tổ công tác đang rà soát lại một số sân bay lưỡng dụng, trước đây khai thác cùng quân sự, đưa ra quy trình nghiên cứu, đánh giá.

Dự thảo kết quả quy hoạch cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 14 cảng hàng không quốc tế, gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.

14 cảng hàng không quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.