Sẵn sàng khởi công 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

|

Tại cuộc họp báo chiều 28-12, Bộ GTVT đã công bố kế hoạch khánh thành, thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và khởi công dự án giai đoạn 2021-2025.

Bộ GTVT họp báo chiều 28-12

Theo đó, ngày 31-12, Bộ GTVT sẽ tổ chức khánh thành và đưa vào khai thác dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn. Cùng thời điểm, Bộ GTVT tổ chức thông xe kỹ thuật 3 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Tiếp theo đó, vào ngày 1-1-2023, Bộ GTVT sẽ đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn 9 tỉnh.

Lễ khởi công được kết nối trực tuyến 12 điểm cầu, trong đó 3 điểm cầu chính đặt tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang. Riêng điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) dự kiến có sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; các điểm cầu còn lại tại địa bàn tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau.

Bộ GTVT cho biết, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài 729km được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026.

Dự án được Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, như: áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Dự án được phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Dự án được phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian khảo sát, thiết kế, lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật. Dự án được rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ; giao trực tiếp các mỏ khoáng sản cho nhà thầu thi công dự án để khai thác; được phép nâng công suất đối với các mỏ cát đang khai thác khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ GTVT cũng cho biết, thời gian từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần là gần 1 năm, rút ngắn được 1/2 thời gian so với trình tự thủ tục thông thường.