Đăng kiểm phải thực chất

|

LTS: Nhằm đóng góp ý kiến cho ngành đăng kiểm hoạt động hiệu quả, loại bỏ những thủ tục không cần thiết gây ảnh hưởng đến chi phí, thời gian của người dân, Báo SGGP mở diễn đàn “Đăng kiểm phải thực chất, đừng làm đối phó”. Mời bạn đọc cùng tham gia ý kiến xung quanh vấn đề này. Các ý kiến xin gửi về địa chỉ email: bandoc@sggp.org.vn

Ô tô xếp hàng chờ đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 5002S. Ảnh: THANH HẢI

Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm tại TPHCM (xin giấu tên): Nới lỏng một số chi tiết nhưng khó thực hiện

Theo Nghị định 16 của Bộ GTVT trong lĩnh vực đăng kiểm (ĐK) thì các lỗi màu sơn, bóng đèn, cửa xe, bậc lên xuống gỉ sét… đã được nới lỏng trong xét xe. Tức là các lỗi nhỏ không ảnh hưởng đến an toàn giao thông thì bỏ qua. Tuy nhiên, sau khi một số trung tâm ĐK bị điều tra thì các trung tâm khác do lo sợ nên siết chặt. Văn bản mới đây của Cục Đăng kiểm Việt Nam về nới lỏng các lỗi ĐK là để khẳng định lại, nhằm tạo sự an tâm cho nhân viên ĐK.

Thực tế cho thấy, các lỗi đơn giản sẽ không xét tới; nhưng nếu tình trạng không đáp ứng yêu cầu khi tham gia lưu thông thì không thể bỏ qua, như đèn không đủ cường độ chiếu sáng, thân sườn xe sét gỉ (tức đã mục), gây nguy hiểm trong tham gia giao thông, xe chảy dầu nhớt nhiều, cửa xe đóng khó khăn… Thân xe cũng phải đúng hình dáng theo thiết kế ban đầu. Bởi nếu nhân viên ĐK đồng ý cho qua, sau đó phương tiện lưu thông trên đường lỡ xảy ra sự cố thì ai chịu trách nhiệm?

Ông DƯƠNG VĂN QUANG (ngụ ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM): Nảy sinh cách làm đối phó

Ngày 27-12, tôi đưa đi ĐK 3 xe tải loại 5 và 10 tấn, nhưng cả 3 chiếc đều bị rớt với những lý do rất bất ngờ mà trước đây chưa từng gặp. Chiếc xe tải 5 tấn bị từ chối ĐK do thay bóng đèn bi LED, buộc quay về bóng sợi tóc. Trong khi đó, bộ dàn đèn bằng đèn LED sáng hơn, xe đời mới hiện nay đều trang bị đèn bi LED 100%, vậy lý do gì xe mới thì được sử dụng mà xe cũ lại không? Còn hai chiếc xe tải 10 tấn thì có đèn cảnh báo hai bên hông gắn cách đây 3 năm, lâu nay ĐK bình thường, nay lại buộc phải tháo đi. Với các chi tiết đơn giản như đèn xe, cánh gió, la-zăng không ảnh hưởng gì đến an toàn của xe, thậm chí còn an toàn hơn cho xe thì lại bị đánh rớt. Việc bị đánh rớt kiểu này sẽ khiến cho người dân nảy sinh cách làm đối phó. Chắc chắn sau khi khắc phục các lỗi và được ĐK, tôi buộc phải gắn lại dàn đèn cảnh báo hai bên hông, rồi thay lại dàn đèn LED như cũ, vì những hệ thống đời mới này sẽ góp phần rất lớn cho an toàn lưu thông khi xe chạy vào ban đêm.

Ông NGUYỄN VĂN LÂM (ngụ phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM):

Có nên đăng kiểm ô tô mới xuất xưởng?

Từ tháng 5-2022, Cục CSGT (Bộ Công an) đã có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện một số nội dung liên quan đến kiểm định xe cơ giới, trong đó, xem xét miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu đối với các phương tiện cơ giới đường bộ mới xuất xưởng, còn thời hạn bảo hành của nhà sản xuất. Theo Cục CSGT, các phương tiện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi bán ra thị trường. Miễn kiểm định lần đầu sẽ giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, tạo thuận lợi cho người dân.

Theo tôi được biết, trước khi xe xuất xưởng, bản thân nhà sản xuất đã làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để họ kiểm định tất cả các thông số kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu mới cấp giấy chứng nhận xuất xưởng từng xe để bán ra thị trường. Thế nhưng, đến lúc người tiêu dùng mua, họ lại phải mang xe ra trung tâm ĐK để kiểm tra một lần nữa với những thông số hệt như nhà sản xuất đưa ra. Điều này gây ra sự lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của người tiêu dùng. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 400.000 xe mới được lăn bánh. Nếu tất cả số xe này đều phải đi ĐK với chi phí 340.000 đồng/xe thì người tiêu dùng đã tốn hơn trăm tỷ đồng. Chưa kể hàng ngàn người bị mất thời gian, công sức. Hiện nhiều nước trên thế giới không ĐK lần đầu với xe vừa xuất xưởng. Không có lý do gì xe đã đảm bảo thông số kỹ thuật, được cấp phép lăn bánh mà người tiêu dùng lại phải đi ĐK lần nữa.